Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc là dấu hiệu bệnh gì?

trẻ khó đi vào giấc ngủ

Hỏi

Chào bác sĩ,

Bé nhà em gần 20 tháng tuổi (sinh 04/02/2020), đã cai sữa mẹ, đêm hay khó ngủ, ngủ không sâu giấc, hay thức dậy quấy khóc. Vậy bác sĩ cho em hỏi trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc là dấu hiệu bệnh gì? Em phải làm gì cho bé ngủ ngon hơn? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ nội trú Dương Văn Sỹ - Khoa Nhi - Sơ sinh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Hải Phòng.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Trẻ khó ngủ, ngủ không sâu giấc là dấu hiệu bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Trẻ em đêm khó ngủ và ngủ không sâu giấc hay thức dậy khóc thì có rất nhiều nguyên nhân, bạn có thể tham khảo những kiến thức dưới đây để khắc phục trong từng trường hợp cụ thể.

Nguyên nhân khiến trẻ không có được một giấc ngủ tốt vào ban đêm đa phần là do cha/ mẹ chưa thiết lập được thói quen ngủ khoa học cho con, khiến sinh hoạt của bé không theo một lịch trình nhất quán, hoặc do bé đã được ngủ quá nhiều vào ban ngày.

Sau đây là một số biện pháp giúp cha/ mẹ tạo được một giấc ngủ lành mạnh cho trẻ:

  • Thiết lập thói quen đi ngủ: Làm những việc thư giãn giống nhau theo cùng một trật tự và vào cùng một thời điểm mỗi đêm sẽ giúp thúc đẩy giấc ngủ ngon. Cho con tắm nước ấm sẽ giúp con bạn thư giãn và sẵn sàng cho giấc ngủ. Giữ đèn mờ trong không gian ngủ để kích thích cơ thể con bạn sản xuất hormone ngủ - melatonin. Khi trẻ đã lên giường, khuyến khích trẻ đọc thầm hoặc nghe một vài bản nhạc thư giãn hoặc kể một câu chuyện cho trẻ nghe, với giọng đều đều và nhỏ nhẹ. Đối với trẻ lớn hơn, thói quen có thể bao gồm một cuộc trò chuyện yên tĩnh với bạn về một ngày và sau đó một mình thư giãn trước khi tắt đèn.Trẻ lớn hơn nữa có thể thích thư giãn bằng cách đọc sách, nghe nhạc hoặc tập thở thư giãn.
  • Biết con bạn cần ngủ bao nhiêu: Nhu cầu và mô hình giấc ngủ của trẻ em ở các độ tuổi là khác nhau. Ví dụ, một trẻ khi lớn lên, sẽ bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và nhiều hơn vào ban đêm, và thời gian ngủ của trẻ cũng rút ngắn lại. Vì vậy, trẻ em ở mọi lứa tuổi cần ngủ đủ theo nhu cầu để có thể chơi, học và tập trung trong ngày. Thời gian ngủ khuyến cáo theo tuổi (giờ).
  • Giữ giấc ngủ và thức dậy đều đặn: Tạo cho con bạn thời gian đi ngủ và thời gian thức dậy gần như cố định mỗi ngày. Điều này sẽ giúp giữ cho đồng hồ sinh học của con bạn tuân theo một lập trình nhất quán.
  • Tránh cho trẻ lớn tuổi ngủ ngày: Hầu hết trẻ em ngừng ngủ ngày khi đạt mốc 3 - 5 tuổi. Nếu con bạn trên năm tuổi vẫn ngủ vào ban ngày, hãy cố gắng giữ giấc ngủ ngắn không quá 20 phút và không muộn hơn đầu giờ chiều. Những giấc ngủ dài và muộn hơn có thể khiến trẻ khó ngủ hơn vào ban đêm.
  • Bảo đảm rằng con bạn cảm thấy an toàn vào ban đêm: Nếu con bạn thực sự cảm thấy sợ hãi về việc lên giường hoặc ở trong bóng tối, bạn có thể khen ngợi và thưởng cho trẻ bất cứ khi nào trẻ can đảm. Hạn chế tối đa các chương trình TV, phim ảnh và trò chơi điện tử kinh dị, thay vào đó có thể cho bé nghe nhạc nhẹ, chơi những trò chơi nhẹ nhàng như lắp ghép gỗ, xếp hình. Một số trẻ sợ hãi khi đi ngủ có thể cảm thấy tốt hơn khi có đèn ngủ.
  • Kiểm tra tiếng ồn và ánh sáng trong phòng ngủ của con bạn: Một không gian riêng tư, yên tĩnh, hạn chế ánh sáng rất quan trọng để có giấc ngủ ngon. Phòng ngủ lý tưởng của con bạn nên tối, yên tĩnh, thông gió tốt và gọn gàng. Kiểm tra xem phòng ngủ của con bạn có quá sáng hay quá ồn không. Ánh sáng xanh từ tivi, màn hình máy tính, điện thoại và máy tính bảng có thể làm giảm tiết hóc môn melatonin và trì hoãn cơn buồn ngủ. Cha mẹ nên tắt những thứ này ít nhất một giờ trước khi đi ngủ hoặc để màn hình ra khỏi phòng con của bạn vào ban đêm.
  • Tránh nhìn đồng hồ và sử dụng các phương tiện công nghệ: Nếu con bạn thường xuyên kiểm tra thời gian, hãy khuyến khích bé để đồng hồ ở nơi mà bé không thể nhìn thấy nó. Cố gắng giữ cho phòng ngủ của con bạn ở khu vực không có màn hình và để chúng sạc điện thoại ở phòng khác.
  • Ăn đủ no và đúng thời gian: Hãy đảm bảo rằng con bạn có một bữa ăn tối đầy đủ vào thời gian hợp lý. Cảm thấy quá đói hoặc quá no trước khi ngủ có thể khiến con bạn tỉnh táo hơn hoặc không thoải mái. Điều này có thể khiến bé khó ngủ hơn. Vào buổi sáng, một bữa ăn sáng lành mạnh sẽ giúp khởi động đồng hồ sinh học của trẻ đúng thời gian.
  • Nhận nhiều ánh sáng tự nhiên trong ngày: Khuyến khích con bạn nhận càng nhiều càng tốt ánh sáng tự nhiên trong ngày, đặc biệt là vào buổi sáng. Ánh sáng rực rỡ giúp ngăn tiết melatonin. Điều này giúp con bạn cảm thấy tỉnh táo vào ban ngày và tạo ra melatonin vào thời gian cần thiết trong chu kỳ ngủ của trẻ.
  • Tránh các loại thức ăn, nước uống có chứa cafein: Cafein có trong nước tăng lực, cà phê, trà, sô cô la và soda. Khuyến khích con bạn tránh những thứ này vào cuối buổi chiều và buổi tối. Hãy kiên nhẫn thực hiện những hành động này để cải thiện chất lượng giấc ngủ tốt nhất cho con bạn.

Nếu bạn còn thắc mắc về trẻ khó ngủ, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

398 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan