Đau bụng dưới khi mang thai 26 tuần có sao không?

Thai phụ đau bụng, đau lưng nguyên nhân là gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em mang thai 26 tuần, mỗi lần đứng lên ngồi xuống thì em rất đau phần bụng dưới, nhất là về ban đêm. Em cũng có hiện tượng bờ dưới bánh nhau bám sát lỗ trong cổ tử cung. Vậy bác sĩ cho em hỏi đau bụng dưới khi mang thai 26 tuần có sao không? Em cần nghỉ ngơi như thế nào? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Bác sĩ chuyên khoa I Trần Thị Thu Hà - Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Đau bụng dưới khi mang thai 26 tuần có sao không?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Đau bụng dưới là biểu hiện thường gặp trong quá trình mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng cuối thai kỳ. Tuy nhiên, bạn không nên chủ quan bởi đây cũng có thể là dấu hiệu báo động tình trạng nguy hiểm đối với cả mẹ và bé.

Đau bụng là tình trạng thường gặp ở những bà bầu mang thai 3 tháng cuối thai kỳ bởi lúc này, tử cung phải giãn ra để phù hợp với thai nhi đang ngày càng lớn hơn. Ngoài ra, có rất nhiều nguyên nhân khác khiến mẹ bầu bị đau bụng ở 3 tháng cuối của thai kỳ bởi lúc này, cơ thể có sự thay đổi cả bên trong lẫn bên ngoài:

  • Do táo bón: Táo bón là căn bệnh phổ biến nhất mà gần như mẹ bầu nào cũng gặp phải khi mang thai. Nguyên nhân gây ra táo bón khi mang thai đó là nội tiết tố trong cơ thể mẹ bầu đã thay đổi. Bên cạnh đó, do thai nhi phát triển khiến tử cung bị chèn ép, gây ra áp lực đè lên vùng xương chậu, dẫn đến việc mẹ bầu khó đi ngoài. Hơn thế, khi mang bầu, cơ thể cũng sẽ tăng cân nhanh hơn và việc hoạt động bị hạn chế hơn, dẫn đến táo bón. Để khắc phục tình trạng này, mẹ bầu nên uống nhiều nước, ăn nhiều các loại thực phẩm giàu chất xơ, các thực phẩm mang tính mát hoặc có tác dụng nhuận tràng. Tuy nhiên, trước khi ăn gì cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ để đảm bảo sức khỏe thai nhi.
  • Do căng da: Thai nhi càng lớn, vùng bụng của phụ nữ sẽ càng căng hơn. Điều này khiến bạn cảm thấy ngứa da, căng da và đau vùng bụng. Để giảm cảm giác này, hãy massage nhẹ nhàng và thoa kem dưỡng cho vùng bụng.
  • Do thai nhi đạp: Em bé đạp cũng là nguyên nhân gây ra hiện tượng đau bụng dưới ở mẹ bầu. Một nguyên nhân nữa dẫn đến việc đau bụng dưới khi mang thai 3 tháng cuối có thể là do em bé đạp. Mỗi khi em bé cử động, bạn sẽ cảm nhận được và thành bụng sẽ căng cứng để phản ứng lại kích thích này. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu báo hiệu bé đang phát triển hoàn toàn khỏe mạnh nên bạn không cần lo lắng.
  • Do bụng căng giãn quá mức trong thai kỳ: Khi thai nhi ở tháng thứ 7, bụng bạn đã khá to. Điều này khiến cả lưng và bụng dưới đều đau do phải nâng đỡ bào thai. Không chỉ 2 vị trí này mà cả đùi cũng sẽ thường bị đau do sự căng giãn quá mức của cơ thể khi thai nhi phát triển ngày một lớn hơn.

Dù những cơn đau bụng là điều khó tránh khỏi nhưng mẹ bầu có thể áp dụng những mẹo sau đây để cảm thấy dễ chịu hơn:

  • Đi bộ nhẹ nhàng.
  • Tắm nước ấm.
  • Uống nhiều nước.
  • Nằm nghỉ ngơi thư giãn.
  • Ngồi tựa lưng vào gối mềm.
  • Nếu muốn đứng dậy, hãy đứng dậy từ từ.
  • Không leo cầu thang, xách đồ nặng hay vận động quá sức.

Trường hợp của bạn hiện mép của bánh nhau nằm sát mép lỗ trong cổ tử cung, loại này chảy máu nhiều. Khi chuyển dạ, cổ tử cung mở có thể sờ thấy mép bánh nhau,... Khi thai dần lớn lên theo thời gian, mép dưới bánh nhau cũng sẽ được kéo lên cao về phía thân tử cung (ngoại trừ trường hợp nhau tiền đạo trung tâm) do tử cung giãn to để chứa bào thai, khiến khoảng cách từ mép dưới bánh nhau đến lỗ trong cổ tử cung tăng dần, trường hợp của bạn thai mới 26 tuần, hiện chưa có chảy máu âm đạo thì sẽ theo dõi khám thai định kỳ theo hướng dẫn , nếu có bất thường đau bụng, ra máu âm đạo, thai cử động ít,... cần đi khám ngay bác sĩ chuyên khoa Sản phụ khoa để được tư vấn cụ thể.

Nếu bạn còn thắc mắc về đau bụng dưới khi mang thai 26 tuần, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan