Giảm thị lực, mệt mỏi là dấu hiệu bệnh gì?

Hỏi

Chào bác sĩ,

Em gần đây có triệu chứng: Giảm thị lực, toàn thân không có sức, đầu quay cuồng, cảm giác không còn lực để đi lại. Triệu chứng xuất hiện với tần suất khoảng 2 tiếng mỗi buổi sáng, trưa, chiều. Bác sĩ cho em hỏi giảm thị lực, mệt mỏi là dấu hiệu bệnh gì? Em cảm ơn bác sĩ.

Khách hàng ẩn danh

Trả lời

Được giải đáp bởi Tiến sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hường - Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Times City.

Chào bạn,

Với câu hỏi “Giảm thị lực, mệt mỏi là dấu hiệu bệnh gì?”, bác sĩ xin giải đáp như sau:

Suy giảm thị lực là tình trạng giảm khả năng nhìn ở một mức độ nào đó, gây ra những vấn đề không thể khắc phục được bằng đeo kính hoặc ở những người có khả năng nhìn kém khi không đeo kính hoặc kính áp tròng.

Suy giảm thị lực phổ biến nhất là tật khúc xạ: Cận thị, viễn thị, loạn thị, bong võng mạc, mỏi mắt, đục thủy tinh thể, viêm kết mạc, bệnh tăng nhãn áp.

Bên cạnh đó, suy giảm thị lực còn có thể bị gây ra bởi một số nguyên nhân khác như: Bệnh tiểu đường, huyết áp không ổn định, bệnh bạch tạng, chấn thương mắt, chấn thương sọ não.

Trong hầu hết các trường hợp, cơn choáng váng (chóng mặt) sẽ giảm dần trong vòng vài phút, vài giờ và sẽ hết sau khi nghỉ ngơi, ăn uống đầy đủ. Tuy nhiên, nếu cơn chóng mặt diễn ra thường xuyên và không giảm, nó có thể xuất phát từ những nguyên nhân bệnh lý.

  • Rối loạn tiền đình: Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: Viêm dây thần kinh số 8 bởi virus, do thoái hóa, do viêm tai giữa,...Rối loạn tiền đình sẽ gây ra triệu chứng chóng mặt quay cuồng rất dữ dội, có thể kèm buồn nôn, nôn, da xanh tái.
  • Huyết áp thấp: Nếu cơn chóng mặt thường xuyên xuất hiện, đi kèm những triệu chứng như thở dốc khi vận động, khó thở,...thì đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đang mắc phải bệnh huyết áp thấp. Khi huyết áp thấp, máu sẽ không được cung cấp đầy đủ đến não bộ, gây nên đứng không vững, choáng váng.
  • Thiếu máu, tuần hoàn máu kém: Nếu bạn bị thiếu máu, cơ thể bạn không nhận được đủ máu giàu oxy gây cảm giác mệt mỏi, khó thở, chóng mặt, xanh xao, hay nhức đầu. Thiếu máu có thể xuất phát từ chế độ ăn uống thiếu chất lâu ngày, phụ nữ bị rong kinh, người bị nhiễm giun sán,...
  • Làm việc căng thẳng: Tình trạng chóng mặt có thể xảy ra khi đầu óc bị căng thẳng, hoặc phải tập trung làm việc trên máy tính trong thời gian dài.

Để ngăn chóng mặt do căng thẳng lâu dài cần thường xuyên tập thể dục, giảm uống rượu bia và chất kích thích như cà phê. Người bệnh có thể tập thiền, tập hít thở sâu để giảm triệu chứng và cải thiện chất lượng sống.

Nếu triệu chứng giảm thị lực, mệt, chóng mặt kéo dài và diễn ra liên tục bạn hãy đến khám bác sĩ Nội Thần kinh kiểm tra làm thêm các thăm dò chuyên sâu tìm nguyên nhân giảm thị lực và chóng mặt.

Nếu bạn còn thắc mắc về giảm thị lực, bạn có thể đến bệnh viện thuộc Hệ thống Y tế Vinmec để kiểm tra và tư vấn thêm. Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Vinmec. Chúc bạn có thật nhiều sức khỏe.

Trân trọng!

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan