Huyết áp tâm trương thấp có nghĩa là gì?

Huyết áp được thể hiện qua hai giá trị là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương, đây là một trong những dấu hiệu sinh tồn quan trọng của con người. Mọi thay đổi liên quan đến huyết áp như hạ hoặc tăng huyết áp hay có thể là trường hợp hạ huyết áp tâm trương đều có thể là dấu hiệu của những bất thường trong cơ thể. Vậy huyết áp tâm trương thấp là gì và tình trạng này có gây nguy hiểm không ?

1. Huyết áp tâm trương thấp là sao ?

Chỉ số huyết áp được tính bằng milimet thủy ngân (mm Hg) và thể hiện qua hai thông số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương. Huyết áp tâm thu là chỉ số biểu thị áp lực của máu đối với thành mạch khi tim đập và ngược lại huyết áp tâm trương chỉ số thấp hơn và cho thấy áp lực tác động lên các thành mạch lúc tim nghỉ.

Huyết áp tâm thu còn gọi là huyết áp tối đa, áp lực này thể hiện được khả năng bơm máu của cơ tim từ đó quyết định khả năng cung cấp máu đến cơ quan. Huyết áp tâm trương còn gọi là huyết áp tối thiểu, giới hạn thấp nhất của áp lực máu lên thành mạch, nó phản ánh tính chất đàn hồi của thành mạch và động lực giúp máu chảy liên tục trong lòng mạch

Chỉ số huyết áp sẽ cho ra số huyết áp tâm thu biểu hiện trước và huyết áp tâm trương sau. Khi đo huyết áp bằng huyết áp kế, tiếng tim đập cuối cùng nghe được khi xả bao hơi chính là chỉ số huyết áp tâm trương. Theo WHO, mức huyết áp tâm trương bình thường dao động từ 60 - 80 mmHg. Huyết áp tâm trương thấp hay hạ huyết áp tâm trương đơn độc, là khi huyết áp tâm trương hạ xuống dưới 60 mm Hg trong khi huyết áp tâm thu có thể ở mức bình thường hoặc giảm theo.

Thông thường, tại thời gian tim nghỉ ngơi giữa các nhịp đập, các động mạch vành của tim sẽ nhận và cung cấp máu giàu oxy cho cơ tim. Nếu áp suất tâm trương bị giảm thấp, tim sẽ không nhận được lượng máu và oxy cần thiết này, từ đó dẫn đến chức năng tim bị suy giảm theo thời gian.

2. Vì sao huyết áp tâm trương thấp ?

Sau đây là một số nguyên nhân có thể gây ra tình trạng hạ huyết áp tâm trương:

Vấn đề tim mạch

Các nghiên cứu cho thấy rằng, huyết áp thấp có thể bắt nguồn từ bệnh nhân có vấn đề về tim mạch. Nếu cơ tim hoặc các bộ phận khác trong tim có vấn đề, chức năng co bóp của tim sẽ bị giảm xuống và làm cho huyết áp thấp hơn so với người bình thường. Người bị huyết áp tâm trương thấp cũng có nguy cơ bị các bệnh lý liên quan tới van tim hoặc suy tim. Trong trường hợp này, máu sẽ không được đảm bảo lưu thông đầy đủ tới tất cả các cơ quan trong cơ thể.

Rối loạn nội tiết

Hệ thống nội tiết tố bị rối loạn có thể dẫn đến nguy cơ cao bị giảm huyết áp tâm trương. Cụ thể hơn, tuyến giáp hoạt động dưới mức bình thường hoặc quá mạnh cũng làm huyết áp tâm trương giảm xuống. Một số bệnh lý như suy thượng thận, bệnh Addison, hạ đường huyết, bệnh tiểu đường cũng có thể gây hậu quả tương tự.

Việc sử dụng thuốc

Một số loại thuốc như thuốc giảm căng thẳng, thuốc lợi tiểu, thuốc giảm đau và thuốc chống trầm cảm...cũng có thể là nguyên nhân làm huyết áp tâm trương thấp.

Các tổ chức y tế khuyến cáo rằng, bệnh nhân đang bị huyết áp thấp cần tránh sử dụng thuốc ức chế alpha hay beta. Các loại thuốc như Sildenafil hay Viagra khi kết hợp với Nitroglycerin điều trị tim mạch, thuốc điều trị bệnh Parkinson cũng có thể dẫn đến hạ chỉ số huyết áp tâm trương.

Dị ứng hoặc nhiễm trùng

Ở những người bị sốc phản vệ do dị nguyên nào đó, cơ thể có thể xuất hiện những vấn đề về hô hấp, ngứa, sưng rát cổ họng, tiêu hóa và đặc biệt là hạ huyết áp. Bên cạnh đó, khi vi khuẩn thâm nhập vào máu gây nhiễm trùng cũng làm giảm huyết áp trung bình của cơ thể, đây còn gọi là sốc nhiễm khuẩn.

Nguyên nhân khác

Những bệnh nhân có tình trạng mất nước cũng có thể làm cho huyết áp tâm trương giảm mạnh. Về cơ chế, khi cơ thể bị thiếu nước thì lượng máu bị giảm xuống kéo theo huyết áp tâm trương giảm theo.

Bên cạnh đó, những người thường xuyên sử dụng rượu bia, thuốc lá, tiêu thụ thức ăn có lượng muối cao hoặc thậm chí là có thời gian nghỉ ngơi quá dài cũng làm tăng nguy cơ giảm huyết áp tâm trương.

Ngoài ra, các trường hợp bị thiếu chất như thiếu Vitamin B12 hoặc Folate cũng làm xuất hiện dấu hiệu hạ huyết áp tâm trương hoặc tụt huyết áp trung bình do cơ thể không sản sinh ra đủ lượng hồng cầu trong máu.

Những phụ nữ đang mang thai cũng có thể bị giảm huyết áp tâm trương. Trong 24 tuần thai đầu của thai kỳ, chỉ số huyết áp tâm trương có thể giảm từ 10 – 15 mmHg. Đây có thể là một phản ứng bình thường và chỉ số này thường trở lại như trước sau khi sinh em bé.

3. Các dấu hiệu của huyết áp tâm trương thấp

Bệnh nhân bị giảm huyết áp tâm trương thường sẽ cảm thấy chóng mặt và mệt mỏi, dễ dẫn đến té ngã, điều này đặc biệt nguy hiểm ở người lớn tuổi. Thông thường, tình trạng huyết áp thấp sẽ không có nguy cơ dẫn đến những vấn đề quá nghiêm trọng. Một số trường hợp bệnh nhân bị huyết áp tâm trương thấp có thể xảy ra các biểu hiện như:

  • Cảm thấy chóng mặt, người lâng lâng
  • Choáng váng, dễ ngất xỉu
  • Buồn nôn, nôn
  • Có cảm giác khát nước thường xuyên
  • Mệt mỏi, lú lẫn
  • Nhìn mờ
  • Da nhợt nhạt, có thể hạ thân nhiệt
  • Tăng nhịp thở, thở nông
  • Hồi hộp, tăng nhịp tim, đánh trống ngực
  • Nhức đầu

Các triệu chứng trên có thể mất đi khi ngồi hoặc nghỉ ngơi. Nếu huyết áp bị tụt quá thấp thì các cơ trong cơ thể sẽ không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng để hoạt động hiệu quả, từ đó làm cơ thể đi vào trạng thái suy kiệt, sốc và cần có sự hỗ trợ về mặt y tế.

Để xác định xem một người có bị hạ huyết áp tâm trương thấp không có thể sử dụng máy đo huyết áp tại nhà hoặc kiểm tra tại các quầy thuốc hay cơ sở khám chữa bệnh. Chỉ số huyết áp tâm trương dưới 60 mmHg là quá thấp. Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm hoặc các phương pháp chuyên sâu hơn để xác định nguyên nhân gây ra ra tình trạng này như:

  • Công thức máu toàn phần
  • Xét nghiệm nước tiểu
  • Đo điện tâm đồ bình thường hoặc gắng sức.
  • Siêu âm tim

4. Điều trị và dự phòng

4.1. Điều trị

Hiện nay, có nhiều phương pháp điều trị được áp dụng để giúp cải thiện tình trạng huyết áp tâm trương thấp, chẳng hạn như:

  • Thay đổi liều lượng hoặc cắt bớt một số loại thuốc đang sử dụng.
  • Điều trị nguyên nhân gây ra hạ huyết áp như điều trị tình trạng sốc phản vệ, nhiễm trùng huyết, các bệnh lý tim mạch...
  • Uống nhiều caffeine để tạm thời làm tăng huyết áp.
  • Điều chỉnh lượng muối trong thực đơn hằng ngày.
  • Sử dụng các loại thuốc theo đơn của bác sĩ như Midodrine hay Fludrocortison để điều trị một số trường hợp hạ huyết áp. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có loại thuốc nào điều trị đặc hiệu cho tình trạng huyết áp tâm trương thấp.
  • Mang các loại vớ điều chỉnh huyết áp và cải thiện lưu thông.

4.2. Dự phòng

Việc duy trì cân nặng hợp lý, chế độ ăn uống phù hợp và chế độ tập thể dục thường xuyên có thể giúp giữ cho huyết áp được ổn định cũng như giúp sức khỏe tim mạch được tốt hơn.

Một số thay đổi lối sống dưới đây cũng góp phần hạn chế xảy ra tình trạng hạ huyết áp tâm trương, bao gồm:

  • Không hút thuốc
  • Hạn chế sử dụng rượu, bia, chất kích thích
  • Chia thực đơn hằng ngày thành nhiều bữa nhỏ
  • Uống đủ hoặc có thể bổ sung thêm lượng nước hằng ngày.
  • Tập thể dục và hoạt động thể lực thường xuyên
  • Không bất động, ngồi hoặc đứng trong một thời gian dài
  • Khi thay đổi tư thế, cần thực hiện một cách chậm rãi.

Huyết áp tâm trương thấp thường không phải là một tình trạng nghiêm trọng và cũng không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, nó chính là triệu chứng liên quan đến một số bệnh lý về tim mạch nói riêng và bệnh lý toàn thân nói chung. Vì thế, khi phát hiện chỉ số huyết áp tâm trương thấp hoặc các dấu hiệu liên quan kể trên, bệnh nhân và người nhà cần nói chuyện với bác sĩ để được hướng dẫn dự phòng cũng như điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan