Bromhexine là thuốc gì?

Thuốc Bromhexine là một loại thuốc thường được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên bao đường, dung dịch tiêm. Thuốc có tác dụng chủ yếu để điều trị bệnh ho có đờm. Vậy sử dụng loại thuốc này như thế nào?

1. Thuốc Bromhexine là thuốc gì? Thuốc Bromhexine có tác dụng gì?

1.1. Dược lực học của thuốc Bromhexine

Thuốc Bromhexine hydroclorid là dược chất có tác dụng long đờm. Nguyên nhân là do khả năng hoạt hóa tổng hợp của sialomucin và phá vỡ những sợi acid mucopolysaccharide nên thuốc có tác dụng làm đờm lỏng hơn và ít quánh hơn. Từ đó, đờm từ phế quản dễ dàng thoát ra ngoài có hiệu quả.

Hoạt chất Bromhexine ức chế thụ thể serine serine 2 xuyên màng (TMPRSS2) ở người. Sự kích hoạt TMPRSS2 đóng một vai trò quan trọng trong các bệnh hô hấp do virus như cúm AHội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS).

Sự ức chế kích hoạt thụ thể và sự xâm nhập của virus bằng Bromhexine có thể có hiệu quả trong việc ngăn ngừa và điều trị các bệnh về đường hô hấp khác nhau, bao gồm cả bệnh COVID-19.

Khi uống thuốc Bromhexine, thường phải sau 2 - 3 ngày người bệnh mới có tác dụng trên lâm sàng, nhưng nếu tiêm thì chỉ sau khoảng 15 phút.

1.2. Dược động học của thuốc Bromhexine

Khả năng hấp thu: Thuốc Bromhexine có khả năng hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, do chuyển hóa bước đầu ở gan rất mạnh nên sinh khả dụng khi uống chỉ đạt ở mức 20 %. Thức ăn làm tăng sinh khả dụng của thuốc Bromhexine. Nồng độ của thuốc đạt đỉnh đỉnh trong huyết tương sau khi uống, từ 1/2 giờ đến 1 giờ.

Khả năng phân bố: Thuốc Bromhexine được phân bố rất rộng rãi vào các mô của cơ thể. Thuốc có khả năng liên kết rất mạnh (95 - 99%) với protein huyết tương. Khi dùng thuốc tiêm tĩnh mạch, thể tích phân bố của thuốc là khoảng 7 lít/kg. Hoạt chất Bromhexine qua được hàng rào máu não và một lượng nhỏ thuốc có thể qua được cả nhau thai.

Khả năng chuyển hóa: Thuốc Bromhexine chuyển hóa chủ yếu ở gan. Ambroxol là một chất chuyển hóa của hoạt chất Bromhexine và được chuyển hóa qua huyết tương.

Khả năng thải trừ: Khoảng 85 - 90% liều dùng được thải trừ qua nước tiểu, chủ yếu là dưới dạng các chất chuyển hoá, ở dạng liên hợp sulfo hoặc glucuro và một lượng nhỏ được thải trừ còn nguyên dạng. Dược chất Bromhexine được thải trừ rất ít qua phân, chỉ với khoảng dưới 4%. Thời gian bán thải của thuốc ở pha cuối trung bình là 13 - 40 giờ tuỳ theo từng cá thể.

2. Chỉ định của thuốc Bromhexine

Thuốc Bromhexine được sử dụng trong các trường hợp sau:

  • Rối loạn tiết dịch phế quản, nhất là trong đợt cấp tính của viêm phế quản cấp và mạn tính.
  • Bromhexine thường được sử dụng như một chất bổ trợ với các loại thuốc kháng sinh, khi bị nhiễm khuẩn nặng đường hô hấp.
  • Bromhexine cũng đã được sử dụng đường uống và tại chỗ trong điều trị các hội chứng khô mắt liên quan đến khả năng sản xuất chất nhầy bất thường.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Bromhexine

3.1. Liều điều trị của thuốc Bromhexine

  • Đối với người lớn

Dạng thuốc viên nén, uống: 8 - 16 mg/lần, ngày uống 3 lần. Thời gian điều trị không quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Dung dịch uống: 10mg/lần, ngày uống 3 lần. Thời gian điều trị không được quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Thuốc tiêm: Sử dụng cho những trường hợp nặng hoặc gặp những biến chứng sau phẫu thuật.

Liều thuốc tiêm: tiêm 8 - 16 mg/ngày, chia làm 2 lần mỗi ngày.

  • Đối với trẻ em

Dạng thuốc viên nén, uống: Nếu trẻ em trên 10 tuổi: 8 - 16 mg/lần, ngày uống 3 lần. Thời gian điều trị không quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Dung dịch uống: Trẻ em trên 10 tuổi: 10mg/lần, ngày uống 3 lần. Trẻ em dưới 10 tuổi: 0,5 mg/kg/ngày chia thành 2 - 4 lần uống. Trẻ 5 - 10 tuổi: 4mg/lần (1 thìa cà phê elixir) ngày uống 4 lần. Trẻ từ 2 tuổi đến dưới 5 tuổi: 4mg/lần (1/2 thìa cà phê elixir) ngày uống 2 lần. Trẻ dưới 2 tuổi: 1mg/lần (1/4 thìa cà phê elixir) ngày uống 3 lần. Thời gian điều trị không được quá 8 - 10 ngày trừ khi có chỉ định của bác sĩ Nhi khoa.

Thuốc tiêm: Sử dụng đối với những trường hợp nặng hoặc các biến chứng sau phẫu thuật.

3.2. Cách sử dụng thuốc Bromhexine

  • Uống viên nén thuốc Bromhexine với 1 cốc nước. Dung dịch uống không được sử dụng để phun sương.
  • Dung dịch tiêm: Thuốc dung dịch tiêm Bromhexine có thể tiêm bắp, tĩnh mạch chậm trong 2 - 3 phút. Dung dịch tiêm cũng có thể truyền tĩnh mạch cùng với dung dịch glucose 5% (pha tới 20 mg/500 ml), hoặc dung dịch tiêm natri clorid 0,9% (pha tới 40 mg/500 ml). Tuyệt đối, không được trộn với dung dịch kiềm vì thuốc sẽ bị tạo ra kết tủa.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Bromhexine

Thuốc Bromhexine được dung nạp tốt. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc Bromhexine bạn có thể gặp những tác dụng không mong muốn bao gồm:

  • Đau đầu, chóng mặt;
  • Vã mồ hôi;
  • Phát ban, mẩn đỏ kèm ngứa trên bề mặt da;
  • Ho hay bị co thắt phế quản.

Các tác dụng không mong muốn ở đường tiêu hóa như bao gồm:

  • Cảm giác chướng bụng và đầy hơi;
  • Rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy nhiều, khó tiêu;
  • Buồn nôn, nôn mửa.

Không phải ai cũng biểu hiện các tác dụng ngoại ý như trên. Bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ khác đối với sức khỏe không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các tác dụng phụ, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ điều trị hoặc những nhân viên y tế có chuyên môn.

5. Tương tác của thuốc Bromhexine

Sử dụng thuốc Bromhexine chung với các loại kháng sinh như amoxicillin, cefuroxim, erythromycin, doxycycline có thể dẫn đến làm gia tăng nồng độ kháng sinh trong nhu mô phổi.

Bên cạnh đó, các tương tác bất lợi với các thuốc khác về lâm sàng chưa được báo cáo cụ thể.

6. Một số lưu ý khi dùng thuốc Bromhexine

6.1. Lưu ý chung khi sử dụng thuốc Bromhexine

  • Trong khi sử dụng thuốc Bromhexine cần tránh phối hợp với những loại thuốc ho khác, vì có nguy cơ gây ra tình trạng ứ đọng đờm ở đường hô hấp.
  • Thuốc Bromhexine do tác dụng làm tiêu dịch nhầy, nên có thể gây huỷ hoại hàng rào niêm mạc dạ dày. Vì vậy, khi sử dụng cho người có tiền sử viêm loét dạ dày- tá tràng phải hết sức rất thận trọng.
  • Cần thận trọng khi dùng cho người bị hen suyễn, vì thuốc Bromhexine có thể gây co thắt phế quản ở một số người có cơ địa mẫn cảm.
  • Sự thanh thải của thuốc Bromhexine và các chất chuyển hóa khác có thể bị giảm ở người bị bệnh suy gan hoặc suy thận nặng, nên cần phải thận trọng và theo dõi.
  • Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Bromhexine cho người cao tuổi hoặc suy nhược quá yếu, đặc biệt là trẻ em dưới 2 tuổi, vì trẻ không có khả năng khạc đờm hiệu quả, do đó có khiến tình trạng ứ đọng đờm càng gia tăng.

6.2. Lưu ý khi sử dụng với phụ nữ có thai

Chưa nghiên cứu tác dụng nguy cơ sinh con bị quái thai khi sử dụng thuốc Bromhexine ở động vật trong các thí nghiệm. Chưa có nghiên cứu đầy đủ và có kiểm soát về điều trị với thuốc Bromhexine cho người đang mang thai, vì vậy, không khuyến cáo dùng hay điều trị với thuốc Bromhexine cho người mang thai.

6.3. Lưu ý khi sử dụng với phụ nữ đang cho con bú

Chưa có nghiên cứu thuốc Bromhexine có bài tiết vào sữa mẹ không. Vì vậy, không khuyến cáo sử dụng thuốc Bromhexine cho phụ nữ nuôi con bú. Nếu cần thiết phải sử dụng thì bạn không cho con bú hoặc tham khảo ý kiến của bác sĩ.

6.4. Lưu ý khi sử dụng với người lái xe và vận hành máy móc

Thuốc Bromhexine không hoặc ít ảnh hưởng khi vận hành máy móc hoặc lái xe.

Thuốc Bromhexine là một loại thuốc thường được bào chế dưới nhiều dạng khác nhau như viên nén, viên bao đường, dung dịch tiêm. Thuốc có tác dụng chủ yếu để điều trị bệnh ho có đờm. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được các tác dụng phụ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn hoặc nhờ sự tư vấn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

47.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan