Các tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Chloramphenicol 250 mg


Chloramphenicol là thuốc kháng sinh được sử dụng để điều trị nhiễm trùng do các vi khuẩn nhạy cảm được bào chế dưới dạng viên nang cứng. Trước khi sử dụng thuốc Chloramphenicol 250 mg, người bệnh cần hiểu rõ công dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ để biết được liều dùng và các tác dụng không mong muốn.

1. Thuốc Chloramphenicol là thuốc gì ?

Cloramphenicol là kháng sinh kìm khuẩn, và ở nồng độ cao hoặc đối với những vi khuẩn nhạy cảm cao có thể có tác dụng diệt khuẩn.

Tác dụng kìm khuẩn của Cloramphenicol thực hiện qua cơ chế gắn vào tiểu thể 50S của ribosom của vi khuẩn, từ đó ức chế tổng hợp protein ở những vi khuẩn nhạy cảm. Những vi khuẩn nhạy cảm cao với Chloramphenicol là Rickettsia, Chlamydia, thương hàn,...

Cloramphenicol có khả năng ức chế miễn dịch nếu cho dùng cho đường toàn thân. Cloramphenicol chỉ có tác dụng lên vi khuẩn, không có tác dụng đối với nấm cần chú ý nguy cơ gây ức chế tủy xương không hồi phục của nhóm thuốc này.

2. Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Chloramphenicol

Chloramphenicol được chỉ định trong các nhiễm đợt nhiễm khuẩn nặng do các vi khuẩn nhạy cảm, sau khi thất bại hoặc chống chỉ định với các kháng sinh khác như Aminopenicilin, Gentamicin hoặc một số Cephalosporin thế hệ 3 khác

Thuốc Chloramphenicol không được sử dụng với những bệnh nhân có các bệnh lý như:

  • Ức chế tủy xương
  • Suy giảm số lượng bạch cầu, tiểu cầu trong máu
  • Người có bệnh lý gan, thận nặng
  • Phụ nữ có thai, cho con bú.
  • Trẻ em dưới 5 tháng tuổi.
  • Mẫn cảm với Chloramphenicol hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.

3. Tác dụng phụ của thuốc Chloramphenicol

Trước khi kê đơn thuốc Chloramphenicol 250mg, bác sĩ đã cân nhắc lợi ích so với nguy cơ gặp tác dụng phụ trên mỗi bệnh nhân. Tuy nhiên, một số người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ không mong muốn như:

  • Thường gặp: Nổi ban da, rối loạn tiêu hóa như nôn, buồn nôn, tiêu chảy.
  • Ít gặp: Nổi mề đay, thiếu máu giảm hồng cầu có thể phục hồi, giảm số lượng bạch cầu hạt, giảm tiểu cầu
  • Hiếm gặp: Mệt mỏi, vã mồ hôi; Viêm dây thần kinh ngoại biên, viêm dây thần kinh thị hoặc liệt cơ mắt, lú lẫn, hội chứng xám ở trẻ sơ sinh

Các tác dụng phụ của thuốc Chloramphenicol thường xuất hiện sau một thời gian dùng thuốc. Bệnh nhân cần thông báo ngay cho bác sĩ hoặc đến cơ sở ý tế khi gặp các triệu chứng trên để được hướng dẫn xử trí thích hợp.

4. Liều dùng và cách sử dụng thuốc Chloramphenicol 250mg

Thuốc Chloramphenicol được dùng bằng đường uống. Bệnh nhân nên uống toàn bộ viên thuốc Chloramphenicol, không nên nhai, bẻ, nghiền nát vì có thể làm giảm hiệu quả của thuốc.

Liều thuốc dưới đây chỉ mang tính chất tham khảo. Bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định liều phù hợp với từng tình trạng bệnh cụ thể:

  • Người lớn: 1 – 2 viên/lần x 4 lần/ngày
  • Trẻ em: 50 mg/kg, chia uống 4 lần

5. Tương tác của thuốc Chloramphenicol

Thuốc Chloramphenicol có thể tương tác nếu dùng đồng thời với những thuốc sau:

  • Phenytoin, hạ đường huyết loại Sulfamid, Clopropamid, Tolbutamid hoặc thuốc kháng vitamin K: thuốc Chloramphenicol có thể làm tăng tác dụng của các loại thuốc này
  • Rifampin, Phenobarbital: làm giảm nồng độ Chloramphenicol trong máu
  • Không dùng Chloramphenicol với các thuốc có thể gây suy tủy xương
  • Vitamin B12, acid folic và thuốc có chứa sắt không dùng đồng thời với Chloramphenicol vì sẽ làm giảm tác dụng.

6. Cách xử trí khi quên thuốc, quá liều thuốc Chloramphenicol 250mg

  • Trong trường hợp vừa quên thuốc, bệnh nhân cần bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian quên đã lâu sắp đến liều kế tiếp thì uống liều kế tiếp như chỉ định, bệnh nhân không tự ý uống liều gấp đôi.
  • Triệu chứng quá liều khi dùng thuốc thuốc Chloramphenicol như tụt huyết áp, hạ thân nhiệt, thiếu máu, nhiễm toan chuyển hóa. Nếu người bệnh có bất kỳ triệu chứng nào sau khi uống thuốc quá liều thì phải dừng thuốc ngay và đến cơ sở y tế gần nhất. Bệnh nhân quá liều Chloramphenicol phải được xử trí rửa dạ dày ngay và các liệu pháp điều trị hỗ trợ.

7. Lưu ý khi sử dụng thuốc Chloramphenicol

  • Một số phản ứng nghiêm trọng , đôi khi có thể dẫn đến tử vong ở người điều trị Chloramphenicol đã được thông báo.
  • Thận trọng ở người có suy giảm chức năng gan, thận nặng. Phải kiểm tra chức năng gan, thận trước và trong quá trình sử dụng thuốc, cần thiết phải điều chỉnh liều theo tỷ lệ tương ứng.
  • Điều trị Chloramphenicol cần được thực hiện ở bệnh viện, dưới sự giám sát của nhân viên y tế và thực hiện các xét nghiệm thích hợp cũng như khám lâm sàng các triệu chứng.
  • Nếu xảy ra viêm dây thần kinh thị giác hoặc ngoại biên phải dừng thuốc ngay và thông báo cho bác sĩ.
  • Các xét nghiệm máu ngoại biên không dùng để dự đoán sự ức chế tủy xương không hồi phục và thiếu máu không tái tạo có xảy ra hay không ở trên bệnh nhân điều trị bằng Chloramphenicol. Nếu xảy ra giảm hồng cầu lưới, giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu hoặc thiếu máu phải ngưng điều trị thuốc ngay.
  • Các thông tin chính thức về sự an toàn của Chloramphenicol 250 mg trên phụ nữ mang thai chưa được xác định. Tuy nhiên, Cloramphenicol có thể dễ dàng đi qua nhau thai, vào máu thai nhi và đạt nồng độ bằng 30 – 80 % nồng độ huyết tương của mẹ. Vì vậy, không dùng Chloramphenicol cho phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi gần sinh hoặc trong khi chuyển dạ vì nguy cơ gây độc cho thai nhi.
  • Thận trọng khi dùng Chloramphenicol cho phụ nữ cho con bú vì thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ
  • Chloramphenicol 250mg có thể sử dụng được cho những người thực hiện các công việc cần sự tập trung như vận hành máy móc hoặc lái xe.

Trên đây là toàn bộ thông tin về những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Chloramphenicol, cũng như công dụng và liều dùng. Nếu cần thêm thông tin hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ, tuân thủ đúng chỉ dùng để đạt hiệu quả cao nhất và tránh các tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

4.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan