Các thành phần của thuốc nhỏ mắt

Đôi mắt được xem như “cửa sổ tâm hồn” và là một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể. Ngày nay, với việc tiếp xúc trong thời gian dài với máy tính, điện thoại đa số mọi người đều gặp phải các vấn đề về mắt và hầu hết thường sử dụng thuốc nhỏ mắt. Liệu mọi người có hiểu rõ về các thành phần thuốc nhỏ mắt? Hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để có đầy đủ thông tin hơn.

1. Định nghĩa về thuốc nhỏ mắt

Thuốc nhỏ mắt là những chế phẩm lỏng (dung dịch hoặc hỗn dịch) vô khuẩn chứa một hay nhiều dược chất, được nhỏ trực tiếp vào mắt với mục đích để điều trị các bệnh có liên quan đến mắt. Thuốc nhỏ mắt có thể được bào chế dưới dạng khô (bột, bột đông khô, viên nén) vô khuẩn, trước khi sử dụng được pha với chất lỏng vô khuẩn thích hợp.

2. Thành phần của thuốc nhỏ mắt

Hiện nay, trên thị trường có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt được bày bán rộng rãi và không cần kê đơn của bác sĩ chuyên khoa mắt. Trong mỗi loại thuốc nhỏ mắt sẽ chứa các thành phần chính bao gồm dung môi, dược chất và các chất phụ gia.

Dung môi:

Dung môi được sử dụng trong thuốc nhỏ mắt là nước cất pha tiêm. Đây là loại nước đã được chưng cất và loại bỏ tất cả các vi khuẩn, tạp chất, vô khuẩn. Dung môi được pha chế bằng cách đun sôi nước và chỉ lấy phần hơi nước bay lên, ngưng đọng lại thành nước cất. Nước cất được sử dụng làm dung môi trong thành phần thuốc nhỏ mắt phải đạt tiêu chuẩn quy định.

Ngoài ra, một số loại thuốc nhỏ mắt có thành phần dung môi là dầu thực vật đã được trung tính hóa và diệt khuẩn. Các dầu thực vật được ưu tiên sử dụng như dầu đậu phộng, dầu mè, dầu hướng dương... Những loại dầu này có tác dụng làm dịu nhẹ niêm mạc mắt và sử dụng khá hiệu quả ở nhiệt động phòng, không làm kích ứng niêm mạc mắt.

Dược chất:

Các loại dược chất phổ biến thường có trong các loại thuốc nhỏ mắt bao gồm những nhóm sau:

  • Nhóm điều trị nhiễm khuẩn: Các loại dược chất trong nhóm này có chứa các loại kháng sinh có công dụng chống nhiễm khuẩn, kháng viêm như Chloramphenicol, Azithromycin, Tetracylin, Tobramycin... Các thuốc này giúp kháng khuẩn cho mắt khi bị tổn thương bởi dị vật hay bị các vi khuẩn xâm nhập vào. Tuy nhiên, người bệnh trước khi sử dụng phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa mắt hoặc dược sĩ để tuân thủ theo đúng liều lượng thích hợp nhằm tránh xảy ra tác dụng phụ không mong muốn có thể là gây loạn khuẩn tạo điều kiện cho vi nấm phát triển.
  • Nhóm chống viêm tại chỗ thường được sử dụng trong thành phần thuốc nhỏ mắt là Corticosteroid (như Polydexa, Dexacol...) có tác dụng kháng viêm nhanh và mạnh. Tuy nhiên, nếu người bệnh lạm dụng thuốc trong quá trình sử dụng có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng như viêm màng mạch, giãn đồng tử... Ngoài ra, một số loại dược chất chống viêm khác cũng thường được dùng trong thuốc nhỏ mắt như Natri Diclofenac, Hydrocortison, Dexamethason...
  • Nhóm thuốc giúp gây tê bề mặt: Một số loại thuốc nhỏ mắt có sử dụng một số dược chất với tác dụng gây tê bề mặt như Tetracain Hdrocloid, Oxybuprocain Clorua... Các loại thuốc này không chỉ được dùng trong thuốc nhỏ mắt mà còn được dùng khá phổ biến trong các trường hợp cần điều trị một số bệnh về mắt hay các thủ thuật nhãn khoa.
  • Nhóm điều trị khác: Ngoài các nhóm dược chất chống viêm, chống khuẩn thì trong các thành phần của thuốc nhỏ mắt còn giúp dưỡng ẩm cho mắt (như Panthenol). Ngoài ra, có thể được bổ sung một số loại vitamin trong thuốc nhỏ mắt giúp tăng cường tuần hoàn máu để làm cho mắt không bị mỏi như vitamin E, vitamin B6 giúp tăng cường quá trình trao đổi chất trong tế bào mắt, vitamin A giúp bảo vệ bề mặt của mắt khỏi các tác nhân có hại ở môi trường bên ngoài.
  • Các muối vô cơ, hữu cơ của các kim loại bạc, kẽm, thủy ngân được sử dụng bao gồm Sunfat, Thimerosal, Protargol...

Các chất phụ gia:

  • Chất sát khuẩn: Việc thêm vào các chất sát khuẩn vào trong thành phần của thuốc nhỏ mắt với mục đích để tiêu diệt ngay các vi sinh vật từ môi trường bên ngoài rơi vào thuốc ngay sau mỗi lần sử dụng. Mặc dù trong nước mắt có chứa Lysosum có tác dụng kháng khuẩn như ở mức độ nhẹ, nên khả năng ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn từ môi trường không cao. Yêu cầu của các chất sát khuẩn được sử dụng là có phổ rộng, tác dụng nhanh, không độc, không gây kích ứng niêm mạc mắt, không tương kỵ với các các thành phần có trong thuốc nhỏ mắt, hòa tan tốt trong dung môi pha chế, không bị biến màu, bền vững về mặt hóa học. Tuy nhiên, không có chất sát khuẩn nào có thể có đầy đủ các tính chất trên, do đó tùy vào tính chất sát khuẩn và các thành phần có trong thuốc nhỏ mắt mà lựa chọn chất sát khuẩn phù hợp. Một số chất sát khuẩn thường dùng như Benzalhonium Clorid, các muối thủy ngân hữu cơ như PMN, PMA, Thimerosal (có tác dụng tốt trong môi trường trung tính và kiềm. Thimerosal tương kỵ với acid boric nên không dùng trong thuốc có chứa acid này), Clorobutanol (dùng tốt cho các thuốc có pH dưới 5).
  • Chất điều chỉnh pH: Nhằm mục đích làm tăng độ tan của các dược chất, giữ cho các dược chất có độ ổn định cao nhất, ít gây kích ứng niêm mạc mắt, tăng tác dụng của chất sát khuẩn, tăng khả năng hấp thụ của thuốc qua giác mạc. Một số dung dịch và hệ đệm thường dùng như dung dịch acid boric 1,9% thích hợp pha chế các thuốc có dược chất dễ tan và ổn định ở pH acid, dung dịch này thêm 0,1% natrisulfit có thể làm dung môi pha chế thuốc có các thành phần dược chất dễ bị oxy hóa như Ephedrin, hệ đêm boric - borat, hệ đệm phosphate có pH thay đổi từ 5,9 đến 8, hệ đệm Citric - Citrat...
  • Chất đẳng trương: Thường dùng các chất đẳng trương như Natri Cloird, Kali Clorid, các muối dùng trong dung dịch đệm, Glucose, Manitol...
  • Các chất chống oxy hóa: các dược chất bị oxy hóa dưới tác dụng của oxy, gốc tự do và ánh sáng mặt trời, vết ion kim loại nặng... Để bảo vệ các dược chất khỏi bị oxy hóa, các nhà sản xuất thường thêm vào các chất chống oxy hóa như Natri Sulfit, Natri Metasulfit. Ngoài ra có thể sục khí nito vào dung dịch thuốc trước khi đóng lọ cũng có tác dụng hạn chế quá trình oxy hóa các dược chất có hiệu quả.
  • Các chất làm tăng độ nhớt: Với tác dụng làm kéo dài thời gian lưu thuốc tại mắt, cản trở quá trình rửa trôi thuốc, tạo điều kiện cho thuốc được hấp thu tốt hơn. Một số chất hay được dùng như MC (Methyl Cellulose), CMC,...
  • Chất hoạt động bề mặt: Chỉ nên thêm các chất hoạt động bề mặt vào thuốc có nồng độ thành phần thấp đủ để thực hiện chức năng mong muốn. Các chất hay được sử dụng như Polysorbat 20 và 80, Polyoxy 40 Stearat.

Bao bì:

Bao bì đựng thuốc nhỏ mắt bao giờ cũng phải có bộ phận nhỏ giọt. Bao bì có thể bằng thủy tinh, chất dẻo hoặc cao su.

Ngoài những thành phần kể trên thường được sử dụng trong thuốc nhỏ mắt, một số thành phần không nên có trong thuốc nhỏ mắt trong một số trường hợp đặc biệt. Chẳng hạn như không được thêm các chất sát khuẩn hoặc chất chống oxy hóa vào các thuốc nhỏ mắt dùng trong các loại phẫu thuật mắt hoặc không được cho thêm các chất màu vào thuốc nhỏ mắt với mục đích nhuộm màu chế phẩm.

3. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc nhỏ mắt

Chỉ nên sử dụng thuốc nhỏ mắt trong vòng 15 ngày, kể từ ngày mở nắp vì dù có được bảo quản tốt đến thế nào thì môi trường bên ngoài là điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập vào khiến dung dịch nhỏ mắt chứa trong lọ thuốc bị nhiễm khuẩn hoặc thành phần của thuốc bị oxy hóa. Vì vậy, nên ghi rõ ngày mở nắp lọ thuốc đầu tiên ngay trên hộp thuốc để dễ theo dõi, vứt bỏ lọ thuốc đi nếu đã quá 15 ngày mặc dù chưa dùng hết. Một số người mong muốn cải thiện các triệu chứng ở mắt nhanh chóng nên đã tự ý dùng quá liều thuốc theo quy định hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau. Việc này vô cùng nguy hiểm, có thể xảy ra các phản ứng thuốc khiến cho tình trạng tổn thương ở mắt ngày càng trầm trọng thậm chí có thể bị hỏng mắt.

Hiện nay, trên thị trường quảng cáo có rất nhiều loại thuốc nhỏ mắt khác nhau với tác dụng giúp mắt hết khô, hết ngứa, làm sạch mắt, giúp mắt khỏe hơn hay điều trị một số vấn đề liên quan đến mắt. Vì thế, đa số mọi người có thể mua dễ dàng mà không cần có sự thăm khám của bác sĩ cùng như chỉ dẫn dùng thuốc đúng cách và phù hợp với từng tình trạng mỗi người bệnh. Điều này đã ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đôi mắt của bạn. Do đó trước khi quyết định dùng bất kỳ loại thuốc nhỏ mắt nào, người bệnh nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho đôi mắt của mình.

Hy vọng bài viết trên đã cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết liên quan đến thuốc nhỏ mắt giúp người bệnh có thể sử dụng các loại thuốc nhỏ mắt đúng cách, bảo vệ đôi mắt khi gặp phải các vấn đề liên quan đến mắt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan