Chớ bôi dầu gió vào vết thương hở

Từ xưa đến nay, dầu gió thường được lựa chọn như một phương pháp bôi ngoài da trị cảm lạnh, cúm, giảm đau hiệu quả. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng có thể sử dụng dầu gió, đặc biệt là dùng trên những vết thương hở. Vậy cần bôi gì vào vết thương hở để chữa trị hiệu quả?

1. Dầu gió có những thành phần gì?

Dầu gió có thành phần chủ yếu là tinh dầu, thường là bạc hà và các hoạt chất phụ khác tuỳ thuộc vào công dụng mà nhà sản xuất hướng đến. Tuy nhiên nhìn chung dầu gió có 2 thành phần phổ biến nhất là menthol và methyl salicylate có trong tinh dầu bạc hà, ngoài ra các thành phần đi kèm có thể kể đến như quế, tràm, long não, hương nhu, thông, camphor, cineol.

Dầu gió có tác dụng hạ sốt, ra mồ hôi, giảm đau và ho, sát trùng thường dùng chữa các bệnh như cảm lạnh, cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, đau khớp/ cơ bắp, đầy hơi, khó tiêu, đau dây thần kinh, côn trùng đốt,... hiệu quả.

2. Tác hại của bôi dầu gió vào vết thương hở

Rất nhiều trường hợp chỉ bị chấn thương nhẹ nhưng sử dụng dầu gió để xoa bóp, chườm nóng, bó thuốc lên vết thương khiến vùng da bị hoại tử và nhiễm trùng. Nguyên nhân là do quan niệm xoa dầu nóng, dán cao, đắp lá, bóp rượu thuốc có công dụng làm tan máu bầm. Tuy nhiên việc xử trí sai phương pháp, trong đó bôi dầu vào vết thương hở khiến máu tụ nhiều gây hoại tử, nguy cơ nhiễm trùng máu dẫn tới tử vong, di chứng teo cơ hoặc cứng khớp về sau.

Thay vào đó, người bệnh có thể dùng phương pháp chườm lạnh tại nhà vì giúp các mạch máu co lại, hạn chế chảy máu, tụ máu. Tuyệt đối không nên dùng dầu gió, dán cao, rượu thuốc sau khi chấn thương nếu thấy vùng bị thương sưng, đau nhiều, hạn chế vận động, di chuyển khó khăn.

3. Thận trọng khi sử dụng dầu gió

Mặc dù không phải sản phẩm kê đơn nhưng methyl salicylate trong dầu gió vẫn được xếp vào nhóm thuốc giảm đau, kháng viêm không steroid vì công dụng làm giãn nở các mạch máu ngoại biên, tăng tuần hoàn, giúp thuốc thấm vào mô dễ dàng, giảm nhanh cơn đau vào cứng cơ. Tuy nhiên dầu gió chỉ được dùng ngoài da, không được uống và bôi lên vết thương hở bởi tác dụng phụ xung huyết da. Nếu hít dầu thường xuyên còn có thể gây rách màng nhầy ở mũi, họng, gây tổn thương hệ hô hấp.

Các loại tinh dầu có thể làm ức chế tim mạch và hô hấp ở trẻ nhỏ. Trong đó thành phần menthol còn có thể gây hại, thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ. Ngoài ra trong dầu gió còn có chứa eucalyptol và camphor- chất độc đối với trẻ em, nếu hấp thu nhiều qua phần da tổn thương vào cơ thể sẽ gây hại tới hệ hô hấp, thậm chí ngưng thở.

4. Các đối tượng không nên dùng dầu gió

Những người sau không nên sử dụng dầu gió:

  • Trẻ em dưới 24 tháng tuổi, phụ nữ có thai và cho con bú;
  • Tuyệt đối không dùng cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi;
  • Người bị lở ngứa, ra mồ hôi, sốt cao;
  • Người suy nhược, vừa ốm dậy hay bị táo bón, tăng huyết áp.

Tóm lại, để sử dụng dầu gió an toàn, người bệnh chỉ bôi ngoài da để giảm đau, không thoa vào vết thương hở vì có thể gây hoại tử, nguy cơ nhiễm trùng máu và tử vong. Khi sử dụng dầu gió cho phụ nữ mang thai và trẻ dưới 2 tuổi, cần phải có ý kiến tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ/ dược sĩ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

14.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan