Công dụng của thuốc Zejula

Thuốc Zejula được bào chế dưới dạng viên nang cứng, có thành phần chính là niraparib. Thuốc được sử dụng để điều trị một số loại bệnh ung thư.

1. Thuốc Zejula có tác dụng gì?

1 viên thuốc Zejula có chứa niraparib tosylate monohydrate tương đương với 100 mg Niraparib và tá dược vừa đủ. Hoạt chất Niraparib có khả năng ngăn chặn sự hoạt động của các enzyme PARP-1 và PARP-2, giúp phục hồi DNA bị hư hỏng trong tế bào khi các tế bào phân chia nhằm tạo ra tế bào mới. Bằng cách ngăn chặn các enzyme PARP, DNA bị hư hỏng trong các tế bào ung thư sẽ không được sửa chữa, dẫn tới kết quả là tế bào ung thư bị chết.

Chỉ định sử dụng thuốc Zejula:

  • Đơn trị liệu để điều trị ung thư buồng trứng, ung thư ống dẫn trứng hoặc ung thư phúc mạc giai đoạn III và IV, người đang đáp ứng (một phần hoặc hoàn toàn) sau khi hóa trị bậc 1;
  • Đơn trị liệu để điều trị duy trì ung thư biểu mô buồng trứng nhạy cảm với hóa trị, ung thư ống dẫn trứng hoặc ung thư phúc mạc nguyên phát đang đáp ứng (một phần hoặc hoàn toàn) với hóa trị liệu.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Zejula:

  • Bệnh nhân quá mẫn, dị ứng với hoạt chất, tá dược của thuốc;
  • Phụ nữ đang cho con bú.

2. Hướng dẫn cách dùng thuốc Zejula

Việc điều trị bằng thuốc Zejula nên được bắt đầu và giám sát bởi những bác sĩ có kinh nghiệm trong trị liệu ung thư. Cụ thể:

Cách dùng: Đường uống. Người bệnh nên uống thuốc cùng với một cốc nước, không nhai nát hoặc nghiền viên thuốc. Bệnh nhân nên uống thuốc vào đúng một khoảng thời gian mỗi ngày, không cần phụ thuộc vào bữa ăn. Có thể sử dụng thuốc Zejula trước khi đi ngủ để giảm tình trạng buồn nôn.

Liều dùng:

  • Điều trị ung thư buồng trứng lần đầu: Khởi đầu với liều 200mg (2 viên 100mg) x 1 lần/ngày. Với những bệnh nhân có trọng lượng trên 77kg và có số lượng tiểu cầu ban đầu trên 150.000μL thì nên dùng liều khởi đầu là 300mg (3 viên nang 100mg) x 1 lần/ngày;
  • Điều trị duy trì ung thư buồng trứng tái phát: Dùng 3 viên 100mg/ngày, tương đương với tổng liều hằng ngày là 300mg.

Một số trường hợp đặc biệt:

  • Điều chỉnh liều dùng nếu bệnh nhân gặp phản ứng bất lợi: Trước tiên, nên dừng đợt điều trị (không quá 28 ngày liên tục) để người bệnh hồi phục sức khỏe sau khi gặp các tác dụng phụ rồi bắt đầu dùng thuốc lại với liều lượng tương tự. Trong trường hợp tái phát tác dụng phụ, người bệnh nên ngừng dùng thuốc và sau đó bắt đầu với liều thấp hơn. Nếu các phản ứng có hại vẫn tồn tại sau khi ngắt và giảm liều nên ngừng dùng thuốc Zejula;
  • Người bệnh có trọng lượng cơ thể thấp trong điều trị duy trì ung thư buồng trứng tái phát: Có thể cân nhắc với liều khởi đầu là 200mg cho người bệnh có cân nặng dưới 58kg;
  • Người già: Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula cho người trên 65 tuổi. Hiện vẫn chưa có nhiều dữ liệu lâm sàng về việc dùng thuốc Zejula ở người trên 75 tuổi;
  • Bệnh nhân suy thận: Không cần phải điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy thận nhẹ tới trung bình. Hiện chưa có dữ liệu về việc dùng thuốc ở người bệnh suy thận nặng, bệnh thận giai đoạn cuối đang chạy thận nhân tạo nên cần thận trọng ở nhóm bệnh nhân này;
  • Bệnh nhân suy gan: Không cần phải điều chỉnh liều dùng thuốc ở người bệnh suy gan nhẹ. Với bệnh nhân suy gan trung bình, liều khởi đầu của thuốc Zejula là 200mg/lần/ngày. Hiện chưa có dữ liệu về việc dùng thuốc ở bệnh nhân suy gan nặng, cần thận trọng ở nhóm người bệnh này;
  • Trẻ em dưới 18 tuổi: Chưa có dữ liệu về việc dùng thuốc Zejula ở nhóm đối tượng này.

Quên liều: Nếu bỏ lỡ 1 liều dùng thuốc Zejula, người bệnh nên dùng liều tiếp theo vào đúng thời điểm đã quy định.

Quá liều: Không có hướng điều trị cụ thể trong trường hợp dùng thuốc Zejula quá liều. Hiện chưa rõ triệu chứng khi dùng thuốc quá liều. Trường hợp này, người bệnh nên được điều trị triệu chứng và điều trị hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Zejula

Một số tác dụng phụ người bệnh có thể gặp phải khi sử dụng thuốc Zejula gồm:

  • Nhiễm trùng và nhiễm độc: Nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm phế quản, viêm kết mạc;
  • Hệ thống bạch huyết và máu: Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu, thiếu máu, sốt giảm bạch cầu trung tính;
  • Hệ thống miễn dịch: Quá mẫn;
  • Chuyển hóa và dinh dưỡng: Giảm sự thèm ăn, hạ kali máu;
  • Tâm thần: Mất ngủ, lo lắng, trầm cảm, suy giảm nhận thức, trạng thái bối rối;
  • Hệ thần kinh: Nhức đầu, chóng mặt, rối loạn vị giác, hội chứng bệnh não sau có thể đảo ngược;
  • Tim: Nhịp tim nhanh;
  • Mạch máu: Tăng huyết áp;
  • Hô hấp - lồng ngực - trung thất: Khó thở, ho, viêm họng, chảy máu cam, viêm phổi;
  • Tiêu hóa: Buồn nôn, ói mửa, đau bụng, táo bón, tiêu chảy, khó tiêu, khô miệng, chướng bụng, viêm miệng, khô miệng;
  • Da và mô dưới da: Phát ban, nhạy cảm với ánh sáng;
  • Cơ - xương: Đau lưng, đau cơ, đau khớp;
  • Toàn thân: Mệt mỏi, suy nhược, phù ngoại vi;
  • Xét nghiệm: Tăng AST, tăng ALT, tăng creatinin máu, tăng phosphatase kiềm, giảm cân.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Zejula, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp xử lý sớm nhất.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Zejula

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Zejula:

  • Người bệnh dùng thuốc Zejula có thể gặp các phản ứng có hại về huyết học như giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu, thiếu máu. Bệnh nhân có cân nặng thấp hoặc số lượng tiểu cầu ban đầu thấp hơn có nguy cơ giảm tiểu cầu độ 3+. Nên xét nghiệm công thức máu đầy đủ trong tháng đầu tiên dùng thuốc Zejula, sau đó là theo dõi hàng tháng trong 10 tháng điều trị tiếp theo và định kỳ về sau để đánh giá thông số huyết học của người bệnh. Nếu bệnh nhân bị giảm tiểu cầu không hết trong vòng 28 ngày sau khi ngừng thuốc thì nên ngưng dùng Zejula. Do nguy cơ giảm tiểu cầu, nên thận trọng khi sử dụng thuốc chống đông máu và các thuốc làm giảm số lượng tiểu cầu;
  • Người bệnh đơn trị liệu với Zejula hoặc liệu pháp kết hợp có thể gặp hội chứng loạn sản tủy/bệnh bạch cầu dòng tủy cấp tính. Nếu xảy ra tình trạng này, nên ngừng dùng thuốc Zejula và điều trị thích hợp cho bệnh nhân;
  • Người sử dụng thuốc Zejula có thể bị tăng huyết áp. Nếu bị tăng huyết áp từ trước thì cần kiểm soát đầy đủ trước khi bắt đầu điều trị với Zejula. Đồng thời, nên theo dõi huyết áp của bệnh nhân ít nhất hàng tuần trong 2 tháng, sau đó theo dõi hàng tháng trong năm đầu tiên và định kỳ về sau. Có thể kiểm soát tăng huyết áp bằng cách sử dụng thuốc hạ huyết áp hoặc điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula nếu cần thiết;
  • Bệnh nhân dùng thuốc Zejula có thể mắc hội chứng bệnh não sau có thể đảo ngược. Đây là một rối loạn thần kinh hiếm gặp, có thể hồi phục với những triệu chứng tiến triển nhanh gồm co giật, đau đầu, rối loạn thị giác, thay đổi trạng thái tâm thần, tăng huyết áp,... Trong trường hợp mắc hội chứng này, người bệnh nên ngừng dùng Zejula và điều trị triệu chứng;
  • Thận trọng khi dùng thuốc Zejula ở người bệnh suy gan nặng;
  • Thuốc Zejula có chứa lactose nên không dùng cho người bệnh thiếu men lapp lactase, không dung nạp galactose hoặc kém hấp thu glucose - galactose;
  • Thuốc Zejula có chứa tartrazine, có thể gây dị ứng;
  • Không nên sử dụng thuốc Zejula ở phụ nữ mang thai hoặc người chưa sẵn sàng sử dụng biện pháp tránh thai trong khi điều trị và trong vòng 1 tháng sau khi dùng liều thuốc cuối cùng do hoạt chất Niraparib trong thuốc có thể gây nguy hại cho thai nhi. Nên thử thai ở tất cả phụ nữ có khả năng mang thai trước khi dùng thuốc;
  • Chưa rõ hoạt chất Niraparib hoặc các chất chuyển hóa của nó có đi vào sữa mẹ hay không. Do đó, không nên dùng thuốc Zejula ở phụ nữ đang nuôi con bú;
  • Người bệnh sử dụng thuốc Zejula có thể bị suy nhược, mệt mỏi, chóng mặt, khó tập trung,... nên cần thận trọng khi lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác của thuốc Zejula

Một số tương tác thuốc của Zejula gồm:

  • Chưa có nghiên cứu về việc sử dụng đồng thời niraparib với vắc-xin hoặc các chất ức chế miễn dịch khác. Do đó, nên thận trọng khi kết hợp thuốc Zejula với vắc-xin, thuốc ức chế miễn dịch hoặc thuốc gây độc tế bào khác;
  • Niraparib như một chất nền của CYP (CYP1A2 và CYP3A4). Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula khi dùng đồng thời với các thuốc itraconazol, clarithromycin, ritonavir, rifampicin, carbamazepine và phenytoin;
  • Niraparib là chất nền của P-glycoprotein (P-gp) và Protein kháng ung thư vú (BCRP). Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế P-gp (amiodarone, verapamil) hoặc BCRP (osimertinib, velpatasvir và eltrombopag);
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế chất vận chuyển hấp thu OATP1B1 hoặc 1B3 (gemfibrozil, ritonavir), hoặc OCT1 (dolutegravir);
  • Không cần điều chỉnh liều dùng thuốc Zejula khi dùng đồng thời với các thuốc có tác dụng ức chế OAT1 (probenecid), OAT3 (probenecid, diclofenac), hoặc chất vận chuyển hấp thu OCT2 (cimetidine, quinidine);
  • Nên thận trọng khi kết hợp Niraparib với các hoạt chất có quá trình chuyển hóa phụ thuộc vào CYP3A4 và đặc biệt là những chất có phạm vi điều trị hẹp như cyclosporin, tacrolimus, pimozide, alfentanil, ergotamine, quetiapine và halofantrine;
  • Nên thận trọng khi kết hợp Niraparib với các chất có hoạt tính chuyển hóa phụ thuộc vào CYP1A2 và đặc biệt là những chất có khoảng điều trị hẹp như clozapine, theophylline và ropinirole;
  • Nên thận trọng khi kết hợp Niraparib với các chất nền của BCRP như irinotecan, rosuvastatin, simvastatin, atorvastatin và methotrexate;
  • Có nguy cơ gia tăng nồng độ của metformin trong huyết tương khi sử dụng đồng thời với Niraparib.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Zejula, người bệnh nên thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc mình đang dùng, tiền sử bệnh lý của bản thân và gia đình để được điều chỉnh loại thuốc, liều dùng thuốc cho phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

123 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan