Công dụng thuốc Acnemine

Acnemine là thuốc bôi ngoài da chứa thành phần Adapalen có tác dụng kháng viêm, thuốc được chỉ định trong điều trị mụn trứng cá. Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về thuốc Acnemine qua bài viết dưới đây.

1. Dược lý học của thuốc Acnemine (Adapalen )

Acnemine là tên biệt dược chứa hoạt chất Adapalene 10mg. Adapalene có tên hóa học là 6-[3-(1-adamantyl)-4-methoxyphenyl]-2-naphthoic acid, có thể hòa tan trong tetrahydrofuran, rất ít tan trong etanol và hầu như không tan trong nước. Adapalene thuộc nhóm retinoid thế hệ thứ ba, có hoạt tính kháng viêm. Thuốc có hiệu quả tương đương tretinoin, tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy Adapalene có tính an toàn cao hơn.

Adapalene có cơ chế tác dụng tương tự tretinoin ở việc gắn kết với các thụ thể retinoic acid đặc hiệu của nhân, nhưng Adapalene không gắn vào protein của thụ thể trong bào tương như tretinoin. Dùng Adapalene trên da có tác dụng tiêu nhân mụn, tuy nhiên nó cũng có thể gây nên những bất thường trong quá trình sừng hóa cũng như biệt hóa của biểu bì.

Ở người, Adapalene hấp thu kém qua da, được dùng để điều trị tổn thương tại chỗ ngoài da. Adapalene phân bố nhiều nhất ở gan và một số mô khác. Chuyển hoá của Adapalene chưa rõ ràng, chủ yếu thuốc chuyển hóa theo con đường O - demethyl hoá, hydroxyl hoá và liên hợp. Adapalene đào thải chủ yếu qua đường mật.

2. Thuốc Acnemine công dụng là gì?

Thuốc Acnemine có công dụng điều trị tại chỗ tình trạng mụn trứng cá ở mặt hay mụn trứng cá ở vùng ngực, vùng lưng, thường được chỉ định cho bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên. Acnemine hiệu quả trong điều trị mụn trứng cá với đặc điểm: Mụn có nhiều nhân trứng cá, sẩn, mụn mủ.

3. Liều lượng, cách dùng thuốc Acnemine

Thuốc Acnemine được dùng theo đường bôi tại chỗ, mỗi ngày bôi 1 lần vào buổi tối trước khi đi ngủ. Trước khi bôi thuốc, cần làm sạch vùng da bị mụn trứng cá và lau thật khô. Sau đó bôi một lớp mỏng lên vùng da bị mụn, liều Acnemine cho mỗi lần bôi khoảng một hạt đậu xanh.

Nếu không cải thiện sau 12 tuần điều trị, việc điều trị Acnemine nên được đánh giá lại.

4. Chống chỉ định của Acnemine

Thuốc Acnemine chống chỉ định với người quá mẫn cảm với Adapalene hay bất kỳ thành phần nào của thuốc.

5. Tác dụng phụ

Tác dụng phụ thường gặp nhất khi dùng thuốc Acnemine là tình trạng kích ứng da.

Nghiên cứu đối chứng đa trung tâm về các dấu hiệu và triệu chứng của kích ứng da cục bộ ở 258 bệnh nhân mụn trứng cá sử dụng Adapalene một lần mỗi ngày trong vòng 12 tuần, hơn 1% bệnh nhân có các phản ứng liên quan, phần lớn các trường hợp ở mức độ nhẹ đến trung bình, xảy ra sớm khi điều trị và giảm sau đó. Các triệu chứng được ghi nhận bao gồm: Khô da (14.0%), khó chịu trên da (5.8%), ngứa (1.9%), bong da (1.6%), và sạm nắng (1.2%). Các tình trạng khác như: Bùng phát mụn trứng cá, viêm da tiếp xúc, phù mí mắt, viêm kết mạc, ban đỏ, ngứa, đổi màu da, phát ban và chàm là những phản ứng có hại gặp ở < 1% bệnh nhân.

Bên cạnh đó, việc sử dụng Adapalene trên một số cơ địa đặc biệt có thể làm xuất hiện các phản ứng dị ứng, quá mẫn nghiêm trọng. Ngoài các triệu chứng trên da như ngứa, phát ban da, nổi mày đay, phù mặt, phù mí mắt, phù môi, bệnh nhân có thể đau ngực, khó thở,... khi dùng thuốc này.

6. Tương tác thuốc

Các loại sản phẩm hoặc thuốc bôi khác: Adapalene có khả năng gây kích ứng tại chỗ ở một số bệnh nhân sử dụng đồng thời với các sản phẩm bôi ngoài da như xà phòng, chất tẩy rửa có tính mài mòn, các loại mỹ phẩm làm khô da mạnh, sản phẩm có nồng độ cồn cao. Cần đặc biệt thận trọng khi sử dụng các chế phẩm có chứa lưu huỳnh, resorcinol, hoặc salicylic acid khi dùng kết hợp với Adapalene.

7. Thận trọng khi dùng thuốc Acnemine

Chú ý tránh để thuốc Acnemine tiếp xúc với niêm mạc cũng như vùng da quanh mắt, môi, miệng, hốc mũi. Không bôi thuốc lên vùng da bị trầy hay bị eczema. Cảm giác nóng và châm chích nhẹ có thể xảy ra thoáng qua sau khi bôi thuốc. Bệnh nhân đang dùng Acnemine cần tránh tiếp xúc ánh nắng mặt trời, có thể dùng kem dưỡng ẩm để giảm cảm giác kích ứng hoặc khô da. Nên ngưng thuốc Acnemine ngay khi xuất hiện phản ứng quá mẫn hay kích ứng trầm trọng.

  • Ánh sáng tia cực tím và sự tiếp xúc với môi trường: Cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong quá trình sử dụng Acnemine. Những người thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hay có cơ địa nhạy cảm với ánh nắng mặt trời, nên hết sức thận trọng khi dùng Acnemine cũng như các loại thuốc chứa thành phần Adapalene Việc sử dụng kem chống nắng và quần áo bảo vệ cho những vùng da đang được điều trị với Adapalene là hết sức cần thiết khi không thể tránh được ánh nắng.
  • Phản ứng da cục bộ: Một số dấu hiệu và triệu chứng trên da như ban đỏ, đóng vảy, khô da và châm chích/ bỏng rát đã được báo cáo khi sử dụng Adapalene. Những biểu hiện này hầu như xảy ra trong bốn tuần điều trị đầu tiên, chủ yếu ở mức độ nhẹ đến trung bình và thường giảm dần. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của những tác dụng phụ này, bệnh nhân nên được hướng dẫn sử dụng kem dưỡng ẩm, giảm tần suất thoa thuốc Adapalene hoặc cân nhắc ngừng sử dụng.
  • Tránh để thuốc Acnemine tiếp xúc với mắt, môi, khóe mũi hay niêm mạc. Không nên bôi sản phẩm vào vùng da bị trầy xước, chàm hoặc vùng da bị cháy nắng.

8. Lưu ý trên một số đối tượng đặc biệt

  • Phụ nữ có thai: Các retinoid, trong đó có Adapalene có thể gây hại cho thai nhi khi dùng cho phụ nữ mang thai. Adapalene đã được chứng minh là có thể gây quái thai ở chuột và thỏ khi dùng đường uống. Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Adapalene trong thai kỳ.
  • Phụ nữ cho con bú: Thận trọng khi dùng Adapalene đối với phụ nữ đang cho con bú, vì chưa rõ Adapalene có bài tiết qua sữa mẹ hay không.
  • Trẻ em: Chưa xác định được tính an toàn và hiệu quả của Adapalene ở trẻ em dưới 12 tuổi.

Nguồn tham khảo: www.drugs.com; bvnguyentriphuong.com.vn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan