Công dụng thuốc Apharmcetam

Thuốc Apharmcetam thường được sử dụng để điều trị các tình trạng liên quan đến não bộ, chẳng hạn như suy giảm nhận thức, giảm trí nhớ, mất tập trung, thiếu máu cục bộ,... Để dùng thuốc Apharmcetam hiệu quả và an toàn, bệnh nhân cần tuân thủ theo đúng phác đồ điều trị mà bác sĩ khuyến cáo.

1. Apharmcetam là thuốc gì?

Apharmcetam thuộc nhóm thuốc hướng thần, giúp cải thiện trí nhớ, tăng sức đề kháng của não và làm giảm tình trạng kết tập tiểu cầu. Mỗi hộp thuốc Apharmcetam bao gồm 10 vỉ x 10 viên, trong mỗi viên nang có chứa hoạt chất chính là Piracetam hàm lượng 400mg cùng các tá dược khác vừa đủ.

2. Công dụng và chỉ định sử dụng thuốc Apharmcetam

2.1 Công dụng của thuốc Apharmcetam

Hoạt chất chính Piracetam trong thuốc Apharmcetam mang lại những công dụng tuyệt vời sau cho não bộ cũng như các chức năng thần kinh khác của cơ thể, bao gồm:

  • Giúp duy trì và tăng cường khả năng hoạt động của các nơ ron thần kinh nhờ tác động trực tiếp đến các chất trung gian thần kinh như Dopamin, Noradrenaline và Acetylcholine,...
  • Hỗ trợ các tế bào thần kinh hoạt động hiệu quả hơn nhờ khả năng cải thiện môi trường chuyển hoá, từ đó giúp mang lại tác dụng tăng cường trí nhớ cho bệnh nhân.
  • Hoạt chất Piracetam có tác dụng tăng cường sức đề kháng của não đối với những người bị thiếu oxy lên não, đồng thời giúp ngăn chặn các tình trạng rối loạn chuyển hoá do bị thiếu máu cục bộ.
  • Tăng cường quá trình tổng hợp ATP ở não bộ nhờ tác dụng tăng tổng hợp Glucose không dựa vào oxy.
  • Tăng giải phóng Dopamin, từ đó tăng cường sự hình thành trí nhớ.
  • Chống kết tập tiểu cầu, đồng thời hỗ trợ phục hồi sự biến dạng hồng cầu.

2.2 Chỉ định sử dụng thuốc Apharmcetam

Hiện nay, thuốc Apharmcetam thường được bác sĩ chỉ định sử dụng để điều trị cho các trường hợp dưới đây:

  • Bệnh liên quan đến tổn thương não bộ, bệnh nhân có các triệu chứng sau phẫu thuật não hoặc chấn thương não, chẳng hạn như liệt nửa người, loạn tâm thần, đột quỵ hoặc thiếu máu cục bộ.

Bệnh liên quan đến tình trạng rối loạn ngoại biên và trung khu não, chẳng hạn như mê sảng nặng, đau nhức đầu hoặc chóng mặt.

  • Bệnh liên quan đến rối loạn não (ví dụ như hôn mê) hoặc bệnh nhân có các triệu chứng của hiện tượng lão suy hay rối loạn ý thức.
  • Điều trị các tai biến về mạch não, tình trạng nhiễm độc cũng như di chứng của nhiễm độc Carbon monoxide.
  • Suy giảm thần kinh cảm giác mãn tính và chứng suy giảm chức năng nhận thức ở người cao tuổi.
  • Nghiện rượu mãn tính, chứng khó đọc ở trẻ hoặc rung giật cơ do bệnh Parkinson.
  • Điều trị suy giảm trí nhớ, thiếu tập trung hoặc sa sút trí tuệ ở người cao niên.
  • Hỗ trợ điều trị bệnh thiếu máu hồng cầu hình liềm, hội chứng Raynaud hoặc co cứng mạch.

2.3 Chống chỉ định sử dụng thuốc Apharmcetam

Không nên sử dụng thuốc Apharmcetam cho các trường hợp dưới đây khi chưa có chỉ định của bác sĩ:

  • Bệnh nhân bị dị ứng hoặc có tiền sử quá mẫn với hoạt chất Piracetam hay bất kỳ thành phần tá dược nào trong thuốc.
  • Người mắc bệnh suy gan.
  • Bệnh nhân bị Huntington.
  • Người bị suy thận nghiêm trọng, có hệ số thanh thải creatinin dưới 20ml / phút.
  • Phụ nữ đang có thai.
  • Bà mẹ đang nuôi con bú.

3. Liều lượng và cách sử dụng thuốc Apharmcetam

3.1 Liều dùng thuốc Apharmcetam theo khuyến cáo

Tuỳ thuộc vào tình trạng sức khoẻ cụ thể của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ khuyến cáo liều dùng thuốc Apharmcetam khác nhau. Dưới đây là liều Apharmcetam theo chỉ định chung của bác sĩ mà bệnh nhân có thể tham khảo:

  • Liều dùng Apharmcetam thông thường: Uống từ 30 – 160mg / kg thể trọng / ngày, ngày uống 2 – 3 lần.
  • Liều dùng Apharmcetam cho bệnh nhân bị suy giảm chức năng nhận thức: Uống 8 viên / ngày, chia liều thành 2 – 3 lần và điều trị trong vòng 3 tuần.
  • Liều dùng Apharmcetam cho người cao tuổi mắc hội chứng tâm thần: Uống 3 – 8 viên / ngày.
  • Liều Apharmcetam điều trị nghiện rượu: Uống 8 viên / ngày.
  • Liều Apharmcetam điều trị thiếu máu hồng cầu hình liềm: Uống 160mg / kg thể trọng / ngày, chia liều thành 4 lần / ngày.
  • Liều Apharmcetam phối hợp trong điều trị chứng giật rung cơ: Uống 18 viên / ngày, chia thành 3 lần / ngày và mỗi đợt cách nhau 3 – 4 ngày.

3.2 Hướng dẫn sử dụng thuốc Apharmcetam

Thuốc Apharmcetam được bào chế dưới dạng viên nang, do đó bệnh nhân nên dùng thuốc bằng đường uống. Khi uống Apharmcetam nên dùng cùng một cốc nước lọc khoảng 240ml, tránh uống chung với các loại nước khác như sữa, nước ngọt hoặc cà phê. Tuyệt đối không nên tách vỏ nang khi uống, thay vào đó bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thuốc.

3. Tác dụng phụ có thể gặp phải khi điều trị bằng thuốc Apharmcetam

Trong thời gian sử dụng thuốc Apharmcetam, người bệnh có thể gặp phải các tác dụng phụ ngoài ý muốn dưới đây:

  • Bồn chồn.
  • Lo âu.
  • Dễ bị kích động.
  • Nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt.
  • Rối loạn giấc ngủ, buồn nôn, ói mửa.
  • Rối loạn hệ tiêu hoá, chướng bụng, ỉa chảy hoặc đau bụng.
  • Ngủ gà, run hoặc kích thích tình dục.

Mỗi bệnh nhân sẽ có nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ không giống nhau tuỳ thuộc vào cơ địa. Tốt nhất, nếu xảy ra bất kỳ triệu chứng nào sau khi sử dụng thuốc Apharmcetam, bệnh nhân cần nhanh chóng thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc tới cơ sở y tế để được kịp thời xử trí.

4. Cần thận trọng điều gì khi sử dụng thuốc Apharmcetam?

Dưới đây là những lưu ý quan trọng mà bệnh nhân cần nắm được khi điều trị bằng thuốc Apharmcetam:

  • Thận trọng khi dùng Apharmcetam cho bệnh nhân bị suy thận do hoạt chất Piracetam được đào thải qua thận. Nên giảm liều nếu bệnh nhân có độ thanh thải dưới 60ml / phút hoặc mức creatinin huyết thanh trên 1,25mcg / 100ml.
  • Bệnh nhân cao tuổi hoặc mắc chứng động kinh cần được theo dõi chặt chẽ các phản ứng của cơ thể trong quá trình sử dụng thuốc Apharmcetam.
  • Thận trọng khi điều trị với Apharmcetam cho người có tiền sử mắc bệnh tim mạch kèm các triệu chứng như hạ huyết áp hoặc suy gan nặng.
  • Nên dùng thuốc theo đúng liều mà bác sĩ khuyến nghị, tránh uống quá liều Apharmcetam bởi có thể dẫn đến tình trạng suy nhược thần kinh.
  • Bệnh nhân có đặc thù công việc như vận hành máy móc hoặc thường xuyên lái xe cần thận trọng khi đang trong thời gian điều trị bằng thuốc Apharmcetam do Piracetam có thể gây các tác dụng phụ như buồn ngủ, chóng mặt hoặc đau đầu.
  • Nghiên cứu mới đây đã cho thấy thuốc Apharmcetam có thể mang lại tác động xấu đến sự phát triển của thai nhi cũng như trẻ sơ sinh bú mẹ. Vì vậy, tuyệt đối không nên sử dụng Apharmcetam cho phụ nữ đang trong thời kỳ mang thai hoặc bà mẹ đang nuôi con bú.

5. Tương tác của Apharmcetam với các loại thuốc khác

Cần tránh sử dụng thuốc Apharmcetam cùng lúc với những loại thuốc dưới đây:

  • Thuốc kích thích hormone tuyến giáp khi dùng đồng thời với Apharmcetam có thể gây chứng lú lẫn, mất ngủ hoặc dễ bị kích thích.
  • Tránh dùng thuốc Apharmcetam cùng thuốc chống đông Warfarin.

Tốt nhất, bệnh nhân nên liệt kê danh sách các loại thuốc hiện đang sử dụng cho bác sĩ biết để được tư vấn cụ thể và hướng dẫn dùng thuốc hợp lý hơn. Điều này cũng giúp người bệnh tránh tối đa các tác dụng phụ làm ảnh hưởng tới sức khoẻ trong quá trình sử dụng Apharmcetam.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan