Công dụng thuốc Cefdinir 125

Thuốc Cefdinir 125mg/ 5ml chứa hoạt chất Cefdinir – kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin. Thuốc được chỉ định trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa gây ra bởi các vi khuẩn nhạy cảm như viêm phổi mắc phải cộng đồng, đợt cấp của viêm phế quản mãn, viêm xoang cấp tính,... Cùng tìm hiểu về công dụng và các lưu ý khi sử dụng thuốc Cefdinir qua bài viết dưới đây.

1. Công dụng của thuốc Cefdinir 125

1.1. Chỉ định

Thuốc Cefdinir 125 mg/ 5ml chứa hoạt chất Cefdinir – kháng sinh thuộc nhóm cephalosporin. Thuốc được chỉ định trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn nhẹ đến vừa gây bởi các vi khuẩn nhạy cảm. Cụ thể như sau:

  • Viêm phổi mắc phải cộng đồng do các tác nhân như Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, streptococcus pneumoniae;
  • Đợt cấp của viêm phế quản mạn gây bởi các tác nhân Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, streptococcus pneumoniae;
  • Viêm xoang cấp tính do Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae và streptococcus pneumoniae;
  • Viêm hầu họng/ viêm amidan gây bởi streptococcus pyogenes;
  • Nhiễm khuẩn da, cấu trúc da gây bởi Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes;
  • Viêm tai giữa cấp gây bởi Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, Streptococcus pneumoniae.

1.2. Dược lực học

Hoạt chất Cefdinir là kháng sinh có hoạt tính trên nhiều loại vi khuẩn gram âm và gram dương. Phổ kháng khuẩn của thuốc bao gồm:

  • Nhóm vi khuẩn gram dương: Staphylococcus epidermidis, Staphylococcus aureus, Streptococcus pyogenes, Streptococcus pneumoniae;
  • Nhóm vi khuẩn gram âm: Moraxella catarrhalis, Haemophilus influenzae, Escherichia coli, Proteus mirabilis, Klebsiella pneumoniae, Neisseria gonorrhoeae.

Cefdinir thuộc nhóm kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 3. Tác dụng kháng khuẩn của thuốc theo cơ chế ức chế tổng hợp thành tế bào của vi khuẩn, từ đó làm cho vi khuẩn không tạo ra được thành tế bào và bị vỡ ra dưới tác dụng của áp suất thẩm thấu.

1.3 Dược động học

Quá trình hấp thu: Nồng độ tối đa của Cefdinir đạt được trong huyết tương sau 2 – 4 giờ uống. Nồng độ thuốc tăng lên theo liều, tuy nhiên tăng ít hơn ở liều từ 300mg đến 600mg. Sinh khả dụng dự đoán của thuốc khoảng 21% sau khi dùng liều 300mg.

Quá trình phân bố: Thể tích phân bố (Vd) của Cefdinir ở người trưởng thành khoảng 0.35L/ kg và khoảng 0.67L/ kg ở trẻ em từ 6 tháng đến 12 tuổi. Khoảng 60% - 70% hàm lượng thuốc liên kết với protein huyết tương, sự gắn kết không phụ thuộc vào nồng độ thuốc.

Quá trình chuyển hóa và thải trừ: Thuốc chuyển hóa không đáng kể và được thải trừ chủ yếu qua thận. Thời gian bán thải trung bình của Cefdinir khoảng 1.7 giờ. Người trưởng thành với chức năng thận bình thường có độ thanh thải thận là 2.0 mL/ min/ kg sau khi uống liều thuốc 300mg có độ thanh thải là 11.6mL/ min/ kg. Tỉ lệ Cefdinir tái hấp thu dưới dạng không đổi trong nước tiểu sau khi uống là 18.4% với liều 300mg. Độ thanh thải của thuốc giảm ở người bệnh suy thận.

2. Liều dùng của thuốc Cefdinir 125

Thuốc Cefdinir 125mg/ 5ml được dùng bằng uống, nên uống thuốc sau bữa ăn và ít nhất 2 giờ sau hoặc trước khi dùng các chế phẩm chứa sắt, thuốc kháng acid. Thời gian điều trị bằng kháng sinh Cefdinir từ 5 – 10 ngày và có thể chia thành 1 hoặc 2 lần uống trong ngày. Liều dùng khuyến cáo của thuốc như sau:

  • Người trưởng thành và trẻ em lớn hơn 13 tuổi: Uống 300mg/ lần x 2 lần/ ngày hoặc 600mg/ lần/ngày. Lưu ý tổng liều thuốc là 600mg/ ngày cho các loại nhiễm trùng;
  • Trẻ em 6 – 12 tháng tuổi: Uống 7mg/ kg cân nặng x 2 lần/ ngày hoặc 14mg/ kg cân nặng/ lần/ngày;

Điều chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy thận nặng (Độ thanh thải creatinin < 30ml/phút), cụ thể đối với người trưởng thành uống 300mg/ lần/ ngày. Trẻ em dùng liều 7mg/ kg/ ngày. Đối với người bệnh đang chạy thận nhân tạo trong thời gian dài, liều khuyến nghị dùng ban đầu là 300mg uống mỗi 48 giờ ở người trưởng thành và 7mg/ kg mỗi 48 giờ ở trẻ em.

3. Tác dụng không mong muốn

Một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi sử dụng thuốc Cefdinir 125 như sau:

  • Tác dụng hiếm gặp: Buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, nhức đầu, nổi mẩn, viêm âm đạo;
  • Tác dụng phụ rất hiếm gặp: Đầy hơi, khó tiêu, biếng ăn, táo bón, nôn mửa, phân khác thường, suy nhược, mất ngủ, chóng mặt, ngủ gà, ngứa ngáy.

4. Lưu ý khi sử dụng Cefdinir 125

4.1. Chống chỉ định

Chống chỉ định sử dụng thuốc Cefdinir ở người bệnh dị ứng với kháng sinh nhóm cephalosporin, penicillin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

4.2. Lưu ý khi sử dụng

Cũng giống như các kháng sinh phổ rộng khác, điều trị lâu ngày bằng thuốc Cefdinir có thể dẫn đến đề kháng kháng sinh của vi khuẩn. Người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ, trường hợp xuất hiện tái nhiễm trong thời gian điều trị cần đổi sang sử dụng loại kháng sinh khác thích hợp hơn.

Thận trọng khi sử dụng thuốc ở người bệnh có tiền sử mắc viêm đại tràng.

Thận trọng khi sử dụng Cefdinir 125mg ở người bệnh có nguy cơ dị ứng, phản ứng phản vệ.

Phụ nữ đang mang thai: Hiện chưa có nghiên cứu đầy đủ về độ an toàn khi sử dụng Cefdinir ở phụ nữ đang mang thai. Vì vậy, chỉ sử dụng thuốc Cefdinir ở đối tượng này khi thực sự cần thiết và cần có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Phụ nữ đang cho con bú: Liều đơn thuốc 600mg/ ngày không tìm thấy trong sữa mẹ ở phụ nữ đang cho con bú. Tuy vậy vẫn nên thận trọng khi sử dụng thuốc Cefdinir ở đối tượng này

5. Tương tác thuốc

Thuốc kháng acid: Sử dụng đồng thời cùng với Cefdinir làm giảm tỷ lệ và mức độ hấp thu của thuốc kháng acid khoảng 40%. Thời gian để đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương cũng kéo dài hơn bình thường khoảng 1 giờ. Tương tác trên không xảy ra nếu uống cách Cefdinir và các thuốc kháng acid khoảng 2 giờ.

Probenecid: Làm ức chế sự bài tiết của thuốc Cefdinir. Từ đó làm tăng gấp đôi khoảng AUC, kéo dài 50% thời gian bán thải của thuốc và tăng 54% đỉnh cao nồng độ Cefdinir huyết tương.

Sắt và các thực phẩm tăng cường với sắt: Sử dụng đồng thời cùng thuốc Cefdinir làm giảm hấp thu lượng sắt trong cơ thể. Vì vậy, trường hợp cần bổ sung sắt trong thời gian điều trị bằng Cefdinir cần uống sắt ít nhất 2 giờ trước hoặc sau khi uống Cefdinir.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

354K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan