Công dụng thuốc Clascoterone

Mụn trứng cá là một tình trạng da phổ biến gây ra khá nhiều khó chịu cho người mắc. Là một trong những sản phẩm thuộc nhóm thuốc trị mụn trứng cá, kem bôi Clascoterone tuy không phải là lựa chọn hàng đầu nhưng vẫn có thể được cân nhắc. Vậy Clascoterone có công dụng như thế nào và nên lưu ý những gì khi sử dụng.

1. Clascoterone công dụng

Clascoterone là một sản phẩm kê đơn được sử dụng cho một tình trạng da phổ biến gọi là mụn trứng cá.

Thuốc này có sẵn ở các dạng kem bôi tại chỗ, thường gặp trên thị trường với tên thương hiệu là Winlevi.

Dược lực học của thuốc: Clascoterone có tác dụng kháng androgen bằng cách hoạt động như một chất đối kháng tại các thụ thể androgen (ARs) trên da, bao gồm các tuyến bã nhờn, tế bào sebocytes và các tế bào nhú da. Clascoterone ngăn chặn tác động của testosterone và dihydrotestosterone (DHT), là những nội tiết tố androgen liên kết với AR và góp phần vào sự phát triển của các tình trạng phụ thuộc androgen như mụn trứng cá và rụng tóc.

Chỉ định: Clascoterone được cho phép để điều trị tại chỗ mụn trứng cá ở bệnh nhân từ 12 tuổi trở lên.

2. Sử dụng thuốc Clascoterone như thế nào?

Không nên sử dụng kem Clascoterone cho trẻ dưới 12 tuổi vì tính an toàn và hiệu quả của thuốc chưa được thiết lập ở nhóm đối tượng này.

Sự hiện diện của một số vấn đề y tế khác có thể ảnh hưởng đến việc sử dụng thuốc Clascoterone, chẳng hạn như:

  • Bệnh chàm
  • Cháy nắng: Không nên sử dụng vì có thể gây kích ứng da.

Bạn cần tuân theo hướng dẫn từ bác sĩ khi sử dụng thuốc, không dùng thuốc nhiều hơn, thường xuyên hơn hay lâu hơn chỉ định. Làm như vậy có thể khiến da bị kích ứng. Có thể cần sử dụng thuốc này trong vài tuần hoặc vài tháng trước khi làn da bắt đầu đẹp hơn. Việc bôi thêm thuốc sẽ không làm cho hiệu quả nhanh hơn.

Kem Clascoterone chỉ được sử dụng trên da. Không để thuốc dính vào miệng, mắt, mũi hay âm đạo. Không bôi thuốc lên các vùng da có vết cắt hoặc vết xước. Hãy rửa sạch ngay nếu bị dính vào những vùng kể trên.

Cách sử dụng kem Clascoterone:

  • Rửa tay bằng xà phòng và nước trước và sau khi sử dụng thuốc.
  • Nhẹ nhàng rửa sạch và lau khô vùng da bị mụn.
  • Sau khi da khô, thoa một lớp kem mỏng đều lên các vùng da có mụn.
  • Không bôi thuốc này lên vùng da bị cháy nắng hoặc có vết thương hở.

Liều dùng, số lần dùng, thời gian giữa các liều của thuốc sẽ phụ thuộc vào hoàn cảnh, vấn đề y tế của từng bệnh nhân. Liều dưới đây là liều trung bình có thể tham khảo:

  • Với người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Bôi một lớp mỏng lên (các) vùng da bị bệnh một ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối.

Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Clascoterone:

  • Bác sĩ sẽ cần thăm khám thường xuyên để kiểm tra sự tiến triển của bạn. Điều này cho phép bác sĩ đánh giá liệu thuốc có hoạt động bình thường hay không và quyết định xem bạn nên tiếp tục sử dụng thuốc không. Một số xét nghiệm máu cũng có thể cần được thực hiện để kiểm tra tác dụng không mong muốn của thuốc.
  • Nếu tình trạng bệnh không cải thiện hoặc tồi tệ hơn, bạn hãy đi kiểm tra sớm.
  • Các phản ứng trên da bao gồm kích ứng da cục bộ, ngứa, rát, đỏ da hoặc bong tróc, khô da, da đóng vảy, cảm giác châm chích có thể xảy ra sử dụng thuốc này.
  • Thuốc này có thể gây ra các vấn đề về tuyến yên hoặc tuyến thượng thận. Kiểm tra với bác sĩ ngay nếu da bị sạm, chóng mặt, ngất xỉu, tiêu chảy, chán ăn, buồn nôn, nôn mửa, tinh thần suy nhược, mệt mỏi, da phát ban.

Nên tránh sử dụng các sản phẩm da có thể làm khô hoặc kích ứng da như:

  • Các sản phẩm dành cho da nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.
  • Các sản phẩm dành cho da có chứa một lượng cồn lớn.
  • Các sản phẩm làm da quá khô chẳng hạn như một số mỹ phẩm, xà phòng hoặc chất làm sạch da.

Bảo quản thuốc Clascoterone xa tầm với của trẻ em, trong bao bì kín ở nhiệt độ phòng, tránh nhiệt, ẩm và ánh sáng trực tiếp.

Không giữ thuốc đã hết hạn sử dụng hoặc khi thuốc đã không còn cần thiết. Vứt bỏ thuốc không sử dụng sau 180 ngày kể từ ngày phân phối hoặc 1 tháng sau lần mở đầu tiên, tùy theo thời điểm nào sớm hơn.

3. Một số tương tác thuốc và tác dụng phụ của Clascoterone

3.1. Tương tác thuốc

  • Capromab pendetide: Thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của Capromab pendetide.
  • Human C1-esterase inhibitor: Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của huyết khối kết hợp Clascoterone với chất ức chế Nhân C1-esterase.
  • Conestat alfa: Tăng nguy cơ hoặc mức độ nghiêm trọng của huyết khối kết hợp Clascoterone với Conestat alfa.

3.2. Phản ứng phụ

Ngoài những tác dụng cần thiết, kem bôi Clascoterone cũng có thể gây ra một số tác dụng không mong muốn.

Phản ứng thường gặp:

  • Sạm da
  • Tiêu chảy
  • Ngất xỉu
  • Cáu gắt
  • Ngứa hoặc đỏ tại vị trí bôi thuốc
  • Ăn mất ngon
  • Buồn nôn
  • Nổi các mẩn đỏ sẫm trên da như mụn cơm, đặc biệt là khi dùng trên mặt
  • Các đường màu tím đỏ trên mặt, cánh tay, thân, chân, bẹn
  • Mệt mỏi, suy nhược bất thường
  • Nôn

Hiếm gặp:

  • Khô, đổi màu da, đau hoặc sưng tại nơi bôi thuốc
  • Phát ban, nổi mẩn đỏ, ngứa

Ngoài việc thường xuyên bôi hoặc uống thuốc trị mụn theo hướng dẫn từ chuyên gia, hãy cố gắng kết hợp một số mẹo tự chăm sóc khác vào thói quen hàng ngày của bạn chẳng hạn như: Sử dụng kem chống nắng, dưỡng ẩm, không nặn mụn,... để mang lại hiệu quả tốt.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

510 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan