Công dụng thuốc dạ dày Cimetidine

Cimetidine là thuốc kháng acid có tác dụng chống trào ngược và chống loét. Hiện nay Cimetidine được sử dụng rộng rãi trong các bệnh lý về dạ dày - ruột. Cùng chúng tôi tìm hiểu về công dụng thuốc dạ dày cimetidine qua bài viết dưới đây:

1. Cimetidine là gì?

Cimetidine là thuốc kháng thụ thể histamine H2 hoạt động bằng cách ức chế cạnh tranh với histamine tại thụ thể H2 của thành dạ dày. Từ đó làm giảm bài tiết và giảm nồng độ acid dạ dày ngay cả khi đói và khi được kích thích bởi thức ăn. Cimetidine được điều chế dưới nhiều dạng và hàm lượng khác nhau:

  • Dạng viên nén hoặc viên nén bao phim: 300 mg, 400 mg, 800 mg và 200 mg dành cho trẻ em.
  • Dạng thuốc uống: 200 mg/5 ml hoặc 300 mg/5 ml.
  • Dạng thuốc tiêm: Cimetidine hydroclorid 100mg/ml, 150 mg/ml,

100 mg/ml (ống 2 ml) hoặc 150 mg/ml (ống 2 ml).

  • Dạng dịch truyền: 600mg cimetidine/ml (300, 900 hoặc 1200 mg) trong natri clorid 0,9%.

2. Thuốc đau dạ dày cimetidine có tác dụng gì?

  • Điều trị ngắn ngày (4 - 8 tuần) để làm liền loét dạ dày tá tràng tiến triển do stress và do thuốc chống viêm không steroid.
  • Dùng liều thấp cimetidine để điều trị duy trì loét tá tràng để giảm tái phát bệnh.
  • Điều trị ngắn ngày (12 tuần) các triệu chứng viêm loét thực quản ở người bị bệnh trào ngược dạ dày - thực quản.
  • Phòng chảy máu đường tiêu hóa trên ở người có bệnh nặng như chấn thương nặng, sốc nhiễm khuẩn, suy gan, suy hô hấp,...
  • Các bệnh lý tăng tiết ở đường tiêu hóa như hội chứng Zollinger-Ellison, bệnh đa u tuyến nội tiết.
  • Điều trị các trường hợp người bệnh mắc chứng khó tiêu dai dẳng, giảm nguy cơ hít phải dịch vị acid khi gây mê toàn thân hoặc khi sinh đẻ.
  • Phòng ngừa và quản lý một số tình trạng dị ứng, mày đay khi dùng cùng thuốc kháng histamin H1.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc dạ dày cimetidine

3.1. Cách dùng thuốc

  • Có thể sử dụng thuốc Cimetidine theo đường uống hoặc tiêm.
  • Tổng liều ≤ 2,4g/ngày dù dùng theo bất kì đường nào.
  • Giảm liều ở người suy thận và có thể giảm liều ở người suy gan.

3.2. Liều dùng thuốc ở người lớn

  • Điều trị viêm loét dạ dày, tá tràng: Liều duy nhất 800mg/ngày vào buổi tối trước khi đi ngủ hoặc mỗi lần 400mg x 2 lần/ngày. Liều duy trì là 400 mg một lần trước khi đi ngủ hoặc 2 lần vào sáng và tối.
  • Bệnh trào ngược dạ dày - thực quản: Liều 400mg x4 lần/ ngày hoặc 800mg x 2 lần/ ngày x 4-8 tuần.
  • Tăng tiết ở đường tiêu hóa: 300 - 400mg x 4 lần/ ngày.
  • Phòng loét đường tiêu hóa trên do stress: Uống hoặc cho qua ống thông dạ dày 200 - 400 mg hoặc tiêm tĩnh mạch 200mg/ lần, cách 4 - 6 giờ/ lần.
  • Chứng khó tiêu không do loét: 200mg x 1 - 2 lần/ ngày.
  • Hội chứng ruột ngắn: 400mg x 2 lần/ ngày. Điều chỉnh liều dùng thuốc theo đáp ứng của người bệnh.

3.3. Liều dùng ở trẻ em

  • Sơ sinh: 5 - 10 mg/kg/ngày, chia làm nhiều lần sử dụng.
  • Trẻ em: 20 - 40mg/kg/ngày, chia thuốc làm nhiều lần.

3.4. Liều dùng ở người suy thận phụ thuộc vào độ thanh thải creatinin.

  • Thanh thải creatinin từ 15 - 30 ml/phút: Uống hoặc tiêm tĩnh mạch 300mg/ lần, mỗi lần cách nhau 12 giờ.
  • Thanh thải creatinin < 15 ml/phút: dùng 300 - 400 mg/ ngày.

3.5. Liều dùng ở người suy gan

Giảm liều, suy gan nặng nên giảm liều tối đa là 600 mg.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Cimetidine 300mg

  • Sử dụng thuốc đúng theo chỉ dẫn ghi trên nhãn thuốc hoặc theo đơn của bác sĩ. Không tự ý sử dụng thuốc quá liều hoặc thời gian dài hơn so với chỉ định.
  • Phải loại trừ khả năng ung thư trước khi sử dụng thuốc dạ dày cimetidine để điều trị loét dạ dày.
  • Giảm liều ở người bệnh suy thận.
  • Khi tiêm tĩnh mạch, phải tiêm chậm. Khi dùng liều cao ưu tiên đường truyền tĩnh mạch.
  • Cimetidine tương tác với nhiều thuốc nên khi dùng phối hợp với các loại thuốc khác đều phải xem xét kỹ.
  • Hiện nay chưa có nghiên cứu đầy đủ về tác dụng của thuốc cimetidine 300mg ở phụ nữ mang thai. Vì vậy chỉ sử dụng thuốc cimetidine 300mg khi thực sự cần thiết và phải tham khảo ý kiến của bác sĩ.
  • Tránh sử dụng thuốc dạ dày Cimetidine khi đang cho con bú (ở phụ nữ).
  • Báo cho bác sĩ biết khi bạn đang gặp vấn đề về sức khỏe như: tiểu đường, hen suyễn, bệnh gan, bệnh thận,...
  • Trường hợp quên một liều thuốc cần sử dụng thuốc ngay. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên dùng và sử dụng liều kế tiếp theo đúng kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định trong đơn.

5. Tác dụng không mong muốn khi sử dụng Cimetidine

Khi sử dụng Cimetidine có thể gặp những tác dụng không mong muốn sau:

  • Rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy.
  • Đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, mệt mỏi, ngủ gà.
  • Nổi ban trên da.
  • Chứng to vú ở đàn ông khi điều kéo dài hoặc dùng liều cao.
  • Khi sử dụng liều cao kéo dài có thể gây chứng bất lực.
  • Biểu hiện dát sần, ban dạng trứng cá, nổi mày đay trên da.
  • Tăng men gan tạm thời và tự hết khi ngưng sử dụng thuốc.
  • Tăng creatinin máu.

Những tác dụng phụ hiếm gặp khi sử dụng Cimetidine gồm:

  • Các triệu chứng loạn nhịp như: mạch chậm, mạch nhanh, nghẽn dẫn truyền nhĩ - thất.
  • Tiêm tĩnh mạch nhanh có thể gây loạn nhịp tim ở người bệnh.
  • Giảm các loại tế bào máu, gây thiếu máu không tái tạo.
  • Giảm hấp thu vitamin B12 dễ gây thiếu máu.
  • Bồn chồn, ảo giác, mất phương hướng, trầm cảm, kích động.
  • Có thể gây vàng da, viêm gan ứ mật, rối loạn chức năng gan, viêm tụy cấp, viêm thận kẽ.
  • Đau cơ, đau khớp.
  • Sốt, dị ứng, sốc phản vệ, viêm mạch, hoại tử biểu bì nhiễm độc, hội chứng Stevens - Johnson.

6. Cần làm gì khi dùng quá liều Cimetidine?

  • Báo ngay trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm y tế địa phương gần nhất để được xử lý kịp thời.
  • Điều trị các triệu chứng xảy ra, gây nôn và rửa dạ dày nếu cần thiết.
  • Không dùng thuốc lợi tiểu.
  • Điều trị bằng hô hấp hỗ trợ và dùng thuốc chẹn beta - adrenergic truong trường hợp suy hô hấp và nhịp tim nhanh.

Cimetidine là thuốc điều trị viêm loét dạ dày tá tràng tương đối an toàn và cho hiệu quả cao. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, thuốc thường gây ra tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Do đó khi sử dụng thuốc cần tuân thủ đúng chỉ dẫn và báo cho bác sĩ khi gặp các triệu chứng không mong muốn để được hướng dẫn và xử lý kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

55.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan