Công dụng thuốc Facedol

Thuốc Facedol có chứa thành phần Paracetamol 500 mg, Clorpheniramin maleat 4 mg dưới dạng viên nén. Facedol có tác dụng giảm đau, hạ sốt, giảm các triệu chứng sung huyết mũi, nghẹt mũi, sổ mũi do cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang,...

1. Thuốc Facedol có tác dụng gì?

Thuốc Facedol có thành phần và tác dụng như sau:

  • Paracetamol 500mg, là một dẫn xuất para-aminophenol có tác dụng giảm đau, hạ sốt và hoạt tính chống viêm yếu. Cơ chế tác dụng giảm đau vẫn chưa được xác định đầy đủ nhưng có thể liên quan đến việc ức chế tổng hợp prostaglandin trong thần kinh trung ương và phong tỏa quá trình tạo xung động gây đau. Paracetamol có tác dụng hạ sốt do công dụng ức chế trung tâm điều nhiệt của vùng dưới đồi.
  • Clorpheniramin maleat 4mg, thuộc nhóm kháng histamin H1, giúp giảm các triệu chứng dị ứng và có hiệu quả với các dấu hiệu như phát ban, ngứa mắt, ngứa mũi, họng hoặc da, ho và hắt hơi. Bên cạnh đó, Chlorpheniramine maleate còn ức chế tác dụng của acetylcholin, qua đó giảm tiết một số dịch cơ thể và làm giảm các triệu chứng như chảy nước mắt và chảy nước mũi gây khó chịu cho người bệnh.

Thuốc Facedol chỉ định dùng với mục đích làm giảm các triệu chứng sốt, đau đầu, đau nhức cơ bắp, đau nhức xương khớp, sung huyết mũi, nghẹt mũi, sổ mũi, trong các trường hợp: cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi, viêm màng nhầy xuất tiết, viêm xoang, viêm mũi dị ứng.

2. Liều lượng và cách sử dụng Facedol

2.1. Cách sử dụng Facedol

Facedol được bào chế dưới dạng viên nén, hàm lượng mỗi viên chứa Paracetamol 500mg và Clorpheniramin maleat 4mg, dùng đường uống. Trước khi uống, người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Khi uống nuốt cả viên thuốc cùng với 1 ly nước, nên uống thuốc sau khi ăn để tránh kích thích dạ dày.

2.2. Liều sử dụng thuốc Facedol

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Uống 1 – 2 viên/lần x 3 lần/ngày. Không dùng liều quá 6 viên/ngày.
  • Trẻ em từ 6 – 12 tuổi: Uống 1/2 – 1 viên/lần, ngày uống 2 – 3 lần. Không dùng liều quá 4 viên/ngày.
  • Khoảng cách giữa các lần dùng thuốc cách nhau từ 4-6 giờ.
  • Dạng thuốc này không phù hợp dùng cho trẻ em dưới 6 tuổi.

3. Chống chỉ định của thuốc Facedol

Không dùng thuốc Facedol trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn cảm với Paracetamol, Clorpheniramin maleae hoặc với bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
  • Người bệnh suy gan nặng.
  • Cơn hen phế quản cấp tính.
  • Người bệnh thiếu máu huyết tán do thiếu hụt men glucose– 6– phosphate dehydrogenase.
  • Người bệnh có tiền sử bệnh lý tim mạch (như bệnh động mạch vành nặng, tăng huyết áp chưa được kiểm soát)
  • Người bệnh đang dùng thuốc chống trầm cảm loại ức chế monoamine oxidase (MAOIs).

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Facedol

Người bệnh khi dùng thuốc Facedol có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như sau:

  • Hệ tiêu hóa: Có thể gây kích ứng dạ dày– ruột, chướng bụng, táo bón, buồn nôn, nôn, đau dạ dày, khô miệng.
  • Trên gan: Tăng men gan.
  • Hệ thần kinh: Có thể gây đau đầu, buồn ngủ, bồn chồn, lo âu.
  • Máu và hệ bạch huyết: Hiếm gặp thiếu máu, giảm tiểu cầu, mất bạch cầu hạt.
  • Rối loạn mạch máu: Tụt huyết áp hoặc tăng huyết áp, đỏ bừng mặt.

Người bệnh nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ không mong muốn nào đã được liệt kê hoặc chưa được liệt kê trên đây, cần ngừng sử dụng thuốc ngay lập tức và thông báo cho bác sĩ những tác dụng không mong muốn gặp phải khi dùng thuốc.

5. Thận trọng khi sử dụng thuốc Facedol

  • Thành phần Paracetamol có trong thuốc Facedol có thể gây ra các phản ứng trên da nghiêm trọng như hội chứng Steven– Johnson (SJS), hội chứng ngoại ban mụn mủ toàn thân cấp tính (AGEP), hội chứng hoại tử da nhiễm độc (TEN) hay hội chứng Lyell.
  • Thận trọng khi dùng thuốc Facedol cho đối tượng bệnh nhân có tiền sử thiếu máu nặng, người cao tuổi, cường giáp, xơ cứng động mạch nặng.
  • Không uống rượu khi dùng thuốc Facedol do nguy cơ làm tăng độc tính của thuốc trên gan.
  • Đối với phụ nữ có thai: Sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ khi lợi ích mang lại nhiều hơn yếu tố nguy cơ.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Facedol có thể đi qua sữa mẹ, bà mẹ đang cho con bú sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ khi lợi ích đem lại lớn hơn yếu tố nguy cơ.
  • Đối với người lái xe, vận hành máy móc: Facedol có thể gây tác dụng phụ đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ cho nên cần thận trọng dùng trên đối tượng lái xe, vận hành máy và những công việc cần sự tỉnh táo.

6. Tương tác của thuốc Facedol

Người bệnh cần lưu ý những tương tác thuốc dưới đây của Facedol:

  • Thuốc Isoniazid, các thuốc chống co giật (Phenytoin, Barbiturat, Carbamazepin) có thể làm gia tăng nguy cơ độc gan gây bởi thành phần Paracetamol có trong Facedol. Không dùng dung Facedol với các nhóm thuốc này.
  • Không dùng đồng thời Phenothiazin với Facedol, vì có thể dẫn đến khả năng gây hạ sốt nghiêm trọng.
  • Metoclopramid có thể làm gia tăng sự hấp thu của Facedol.
  • Các chất ức chế monoamine oxidase (MAOIs) làm tăng tác dụng của Facedol do làm giảm chuyển hóa của Facedol.
  • Facedol có thể ngăn cản tác dụng của các thuốc chữa cao huyết áp, người có tiền sử huyết áp cao cần thận trọng khi sử dụng Facedol.

7. Quá liều thuốc Facedol và xử trí

7.1. Quá liều thuốc Facedol

Quá liều thuốc Facedol chủ yếu do tác dụng gây độc trên gan của thành phần Paracetamol có trong thuốc. Quá liều có thể do dùng một liều cao duy nhất, hoặc do uống lặp lại liều cao Facedol (7,5 – 10g mỗi ngày, trong 1 – 2 ngày), hoặc do uống thuốc dài ngày.

Tác dụng độc cấp tính nghiêm trọng nhất do quá liều Facedol là gây hoại tử gan và có thể dẫn tới tử vong. Triệu chứng buồn nôn, nôn và đau bụng thường xảy ra trong vòng 2 – 3 giờ sau khi uống Facedol liều cao.

Nếu người bệnh uống quá liều thuốc, đề nghị người bệnh đến ngay cơ sở y tế gần nhất để nhân viên y tế có phương pháp xử lý kịp thời.

7.2. Xử lý quá liều thuốc Facedol

  • Rửa dạ dày là phương pháp hiệu quả tốt nhất trong vòng 4 giờ sau khi uống quá liều thuốc, thêm vào đó là điều trị hỗ trợ tích cực.
  • N– acetylcystein, Methionin có thể sử dụng làm thuốc giải độc quá liều Facedol
  • Có thể dùng than hoạt hoặc thuốc tẩy muối để làm giảm hấp thụ Facedol.

Thuốc Facedol có tác dụng giảm đau, hạ sốt, giảm các triệu chứng sung huyết mũi, nghẹt mũi, sổ mũi,...do cảm lạnh, cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang,... Để thuốc đạt hiệu quả điều trị cao nhất, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Trong trường hợp sử dụng thuốc không thấy hiệu quả, hoặc xuất hiện tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh nên ngừng thuốc và đến các cơ y tế để thăm khám và điều trị.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan
  • Doxylamine
    Các thành phần thuốc Doxylamine

    Thuốc doxylamine là một loại thuốc kháng histamin H1, đạt hiệu quả trong điều trị nhiều bệnh lý như: sổ mũi, chảy nước mắt, nổi mề đay... Vậy thành phần thuốc doxylamine là gì giúp thuốc này có nhiều công ...

    Đọc thêm
  • banner natives image QC
    Giải pháp hỗ trợ điều trị và dự phòng xơ vữa động mạch

    Nattokinase trong sản phẩm vừa có tác dụng phân giải cục máu đông, vừa có tác dụng kích hoạt các enzyme

    Đọc thêm
  • loxcip
    Công dụng của thuốc Loxcip

    Nhóm thuốc kháng Histamin H1 được sử dụng rất phổ biến với mục đích chống lại các triệu chứng do dị ứng gây nên. Một trong các hoạt chất thường gặp của nhóm này là Fexofenadine có trong thuốc Loxcip ...

    Đọc thêm
  • alerday 120
    Công dụng thuốc Alerday 120

    Thuốc Alerday 120 được bào chế dưới dạng viên nén bao phim, có thành phần chính là Fexofenadin HCl 120mg. Thuốc thuộc nhóm chống dị ứng và được sử dụng trong các trường hợp quá mẫn.

    Đọc thêm
  • Đau mắt
    Điều trị dị ứng mắt thế nào?

    Dị ứng mắt là bệnh lý khá phổ biến trong đời sống hằng ngày. Các trường hợp dị ứng mắt chủ yếu gây ra bởi những chất gây dị ứng trong không khí như phấn hoa, bụi, lông thú vật, ...

    Đọc thêm
  • Pyme Cinazin
    Công dụng thuốc Pyme Cinazin

    Thuốc Pyme Cinazin thuộc nhóm kháng histamin H1. Thuốc được sử dụng để điều trị triệu chứng do rối loạn tiền đình, rối loạn tuần hoàn ngoại biên và vấn đề ở mạch máu não, dự phòng say tàu xe. ...

    Đọc thêm