Công dụng thuốc Kebatis

Kabatis là một loại kháng sinh đường uống thuộc nhóm Cephalosporin thế hệ 1, có phổ tác dụng rộng trên các vi khuẩn gram dương và tác dụng kém hơn trên các loại vi khuẩn gram âm.

1. Thuốc Kebatis là thuốc gì?

Thuốc Kebatis có thành phần chính là Cepharadin 250mg, được bào chế dạng gói bột pha uống.

Cepharadin là một kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 1 bán tổng hợp, phổ tác dụng rộng. Thuốc có tác dụng diệt khuẩn, tác dụng trên cả vi khuẩn gram dương và gram âm.

Giống như các kháng sinh Penicillin, Cefradine có tác dụng diệt khuẩn nhờ cơ chế ức chế sự tổng hợp mucopeptid ở thành tế bào vi khuẩn bằng cách acyl hóa các enzyme transpeptidase ngăn cản sự liên kết chéo của các chuỗi peptidoglycan cần thiết để xây dựng độ bền và độ cứng của thành tế bào vi khuẩn.

Phổ kháng khuẩn: Chủ yếu tác dụng trên các vi khuẩn Gram dương: Staphylococcus aureus tiết hoặc không tiết penicilinase, các Streptococcus tan máu beta nhóm A (Streptococcus pyogenes); các Streptococcus nhóm B (S. agalactiae) và Streptococcus pneumoniae. Tác dụng của thuốc hạn chế hơn ở vi khuẩn Gram âm như Escherichia coli, Klebsiella pneumoniae, Proteusmirabilis và Shigella.

2. Công dụng của thuốc Kebatis

Thuốc Kebatis có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn nên được chỉ định để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn như:

  • Nhiễm khuẩn ở da và mô mềm như chốc lở, áp xe da, viêm mô tế bào, mụn nhọt.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp trên như viêm mũi xoang, viêm họng do liên cầu khuẩn tán huyết beta nhóm A, viêm amidan, viêm thanh khí phế quản và kể cả viêm tai giữa.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới như trong bệnh viêm phế quản cấp và mãn tính, viêm phổi thùy, phế quản phế viêm.
  • Viêm nhiễm khuẩn đường tiết niệu như trong bệnh viêm bàng quang, viêm niệu đạo và viêm bể thận.
  • Nhiễm khuẩn xương;
  • Dự phòng trong nhiễm khuẩn trong phẫu thuật và nên được điều trị thuốc này tiếp tục trong thời gian hậu phẫu.

Chống chỉ định:

  • Kebatis không dùng trong trường hợp người bệnh có tiền sử quá mẫn với Cephradine và các kháng sinh nhóm Cephalosporin hay các thành phần tá dược của thuốc.

3. Cách sử dụng và liều dùng thuốc Kebatis

Cách dùng:

  • Thuốc được dùng bằng uống, pha gói bột với một lượng nước vừa đủ, khuấy đều và uống.

Liều dùng:

Người lớn: Liều thông thường là uống 250 - 500mg x 4 lần/ ngày, hoặc có thể uống 500mg đến 1g x 2 lần/ ngày. Có thể lên tới 4g/ ngày theo đường uống. Liều tối đa không được quá 8g/ ngày. Cụ thể:

  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm: Uống với liều 250mg x 4 lần/ngày hoặc 500mg x 2 lần/ ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Uống 250mg và 4 lần/ ngày hoặc 500mg x 2 lần/ ngày.
  • Điều trị viêm phổi thùy: Uống 500mg x 4 lần/ ngày hoặc uống 1g x 2 lần/ ngày.
  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu: Uống với liều thông thường là 500mg x 4 lần mỗi ngày ngày hoặc 1g x 2 lần/ ngày. Liều có thể tăng lên đối với các trường hợp nhiễm trùng nặng hơn hoặc nhiễm trùng mãn tính.

Trẻ em: Liều thông thường là uống từ 25 - 100mg/kg/ngày, chia làm 2 - 4 lần. Liều uống tối đa một ngày không được quá 4g. Tùy từng trường hợp nhiễm khuẩn như sau:

  • Viêm tai giữa: Uống thường dùng với liều 25 - 50mg/kg x 2 – 4 lần/ ngày. Với viêm tai giữa do vi khuẩn H. influenzae uống với liều 75 - 100mg/kg x 2 đến 4 lần/ ngày. Hiệu lực của thuốc chưa được thử nghiệm đầy đủ cho trẻ em dưới 9 tháng tuổi.
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp: Liều dùng là 45mg/kg x 4 lần/ ngày. Dùng trong vòng 10 ngày để điều trị viêm phổi thứ phát.
  • Dự phòng viêm phổi do Staphylococcus aureus đối với trẻ từ 7 - 18 tuổi uống với liều 2g x 2 lần/ ngày.

Liều cho người suy thận: Liều dùng ban đầu là 750mg, các liều duy trì 500mg/ lần, khoảng cách các liều thay đổi tùy thuộc độ thanh thải creatinin.

  • Độ thanh thải creatinin > 20ml/ phút thì khoảng cách dùng là 6-12 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin > 19-15ml/ phút thì khoảng cách dùng là 12-24 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin từ 14-10ml/ phút khoảng cách dùng là 24-40 giờ.
  • Độ thanh thải creatinin từ 9-5ml/ phút khoảng cách dùng là 40-50 giờ
  • Độ thanh thải creatinin < 5ml/ phút khoảng cách liều tiếp theo là 50-70 giờ.
  • Thẩm phân máu: Liều khởi đầu dùng là 250mg dùng lúc bắt đầu thẩm phân. Sau đó dùng liều 250mg x 3 lần, mỗi lần cách nhau 12 tiếng.

Quá liều và quên liều:

  • Quá liều có thể xảy ra với các triệu chứng như buồn nôn, nôn, đau dạ dày, đi ngoài phân lỏng. Khi người bệnh dùng quá liều thường được tiến hành điều trị hỗ trợ, nên rửa dạ dày nếu đã uống một lượng lớn. Có thể tiến hành thẩm tách màng bụng hay lọc máu để làm giảm đồng độ cefradine trong máu nếu cần
  • Quên liều: Nếu quên uống một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và bạn dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không được dùng thuốc gấp đôi liều đã quy định. Tránh quên liều vì điều này làm giảm tác dụng của kháng sinh và gia tăng nguy cơ kháng thuốc.

4. Tác dụng phụ của thuốc Kebatis

Những tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc Kebatis, bao gồm:

  • Thường gặp: Phản ứng quá mẫn như sốt, phản ứng giống bệnh huyết thanh, phản vệ, ban da, nổi mày đay; tăng bạch cầu ưa eosin; buồn nôn, nôn, tiêu chảy và viêm đại tràng màng giả; mất bạch cầu hạt, biến chứng gây ra chảy máu.
  • Ít gặp: Hoại tử ống thận cấp tính sau khi dùng liều quá cao thường liên quan đến người cao tuổi, những người có tiền sử suy thận hoặc khi dùng đồng thời với các thuốc có độc tính trên thận như các kháng sinh nhóm Aminoglycosid; viêm thận kẽ cấp tính.
  • Hiếm gặp: Viêm gan, vàng da ứ mật.
  • Tác dụng phụ khác: Viêm âm đạo, nhiễm nấm candida, rối loạn giấc ngủ, tăng động hay lú lẫn, chóng mặt, viêm lợi, ợ chua, hoại tử thượng bì nhiễm độc, hội chứng Stevens-Johnson, tức ngực, đau khớp, phù nề.

Nếu như gặp phải các tác dụng phụ của thuốc, người bệnh cần báo với bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.

5. Những điều cần lưu ý khi dùng thuốc Kebatis

  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng kháng sinh Cephradine, phải khai thác kỹ về tiền sử dị ứng của người bệnh với Cephalosporin, Penicilin vì có nguy cơ dị ứng chéo.
  • Sử dụng kháng sinh kéo dài có thể dẫn đến sự đề kháng kháng sinh của vi khuẩn và gây ra phát triển vi khuẩn không nhạy cảm.
  • Dùng thuốc đúng theo chỉ định, không tự ý tăng hay giảm liều hoặc ngừng thuốc đột ngột khi thấy các triệu chứng thuyên giảm, điều này làm tăng nguy cơ tác dụng phụ, kháng kháng sinh.
  • Phải theo dõi chức năng thận và máu khi điều trị với thuốc thời gian dài và liều cao.
  • Cefradine có thể qua nhau thai rất nhanh trong thời kỳ mang thai. Các Cephalosporin thường được coi như là một kháng sinh an toàn khi dùng cho người mang thai, tuy nhiên vẫn cần thận trọng.
  • Cefradine cũng được tiết vào sữa mẹ với nồng độ thấp nhưng có thể xảy ra những vấn đề cho trẻ bú mẹ gồm sự thay đổi hệ vi khuẩn ruột, tác động trực tiếp lên trẻ em và ảnh hưởng đến nhận định kết quả cấy vi khuẩn khi trẻ cần phải kiểm tra. Phải ngừng cho bú hoặc ngừng thuốc khi trẻ bị tiêu chảy, phát ban trên da hay nhiễm Candida.
  • Tương tác với các thuốc khác: Thuốc lợi tiểu quai khi dùng đồng thời có thể làm tăng độc tính trên thận của Cephalosporin; Probenecid làm tăng nồng độ của hoạt chất Cefradine trong huyết thanh; Cephradine có thể làm giảm hiệu lực của vắc-xin thương hàn.
  • Bảo quản: Thuốc Kebatis được bảo quản ở những nơi thoáng mát, tránh ánh sáng trực tiếp và tránh tầm tay trẻ em. Không dùng khi thuốc quá hạn và có dấu hiệu hư hỏng.

Trên đây là thông tin về thuốc uống Kebatic, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ/ dược sĩ trước khi dùng. Lưu ý, Kebatic là thuốc kê đơn nên người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan