Công dụng thuốc Maxapin 1g

Thuốc tiêm Maxapin 1g được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn hô hấp, tiết niệu, da và mô mềm, nhiễm khuẩn ổ bụng, viêm màng não trẻ em. Vậy cách sử dụng thuốc Maxapin như thế nào? Cần lưu ý gì khi sử dụng thuốc này? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin cần thiết về thuốc Maxapin qua bài viết dưới đây.

1. Thuốc tiêm Maxapin 1g là thuốc gì?

Nhà sản xuất: Công ty cổ phần Pymepharco.

Quy cách đóng gói: Hộp 1 lọ bột pha tiêm.

Dạng bào chế: Thuốc bột pha tiêm.

Thành phần:

  • Cefepim 1g dưới dạng Cefepim HCl.
  • Tá dược L-arginin vừa đủ.

2. Công dụng thuốc Maxapin 1g

2.1 Tác dụng của hoạt chất Cefepim

  • Là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ thứ 4, phổ kháng khuẩn rộng với tác dụng diệt khuẩn.
  • Cơ chế tác dụng: Ức chế tổng hợp mucopeptid nên làm gián đoạn quá trình tạo thành tế bào vi khuẩn.
  • Phổ kháng khuẩn của Cefepim bao gồm: Pseudomonas aeruginosa, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis, Neisseria gonorrhoeae, Enterobacteriaceae, Staphylococcus (trừ S. aureus kháng methicillin), Streptococcus.

2.2 Chỉ định

Thuốc tiêm Maxapin 1g được chỉ định trong điều trị các nhiễm khuẩn vừa và nặng:

  • Nhiễm khuẩn hô hấp.
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu trên và dưới (có hoặc chưa có biến chứng).
  • Nhiễm khuẩn da - mô mềm.
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng: Viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn mật.
  • Nhiễm khuẩn huyết.
  • Nhiễm khuẩn phụ khoa.
  • Sốt giảm bạch cầu.
  • Viêm màng não ở trẻ em (trừ nguyên nhân do Listeria monocytogenes).

2.3 Cách dùng - Liều lượng

Cách dùng:

  • Thuốc sử dụng qua đường tiêm tĩnh mạch chậm (3-5 phút), tiêm bắp sâu, tiêm vào bộ ống dịch truyền hoặc tiêm trực tiếp vào dịch truyền.
  • Thuốc Maxapin 1g có thể pha trong nước cất pha tiêm hoặc với hầu hết các dung môi pha tiêm truyền thông thường như Natri clorid 0,9%; Dextrose 5% hoặc 10%; Ringer lactat + dextrose 5%, Natri lactat M/6).
  • Không pha chung với các kháng sinh khác trong cùng 1 ống tiêm hoặc cùng 1 bộ dịch truyền. Không tiêm cùng vị trí với các thuốc tiêm khác khi dùng cùng lúc.

Cách pha thuốc:

+ Tiêm tĩnh mạch: Pha 1 lọ thuốc Maxapin 1g trong 10ml nước cất pha tiêm.

+ Tiêm bắp: Pha 1 lọ thuốc Maxapin 1g trong 2,4ml nước cất pha tiêm.

Độ ổn định sau khi pha: Dung dich Cefepim tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp sau khi pha ổn định trong 24h khi để ở 25±3 độ C và 7 ngày nếu bảo quản ở nhiệt độ 5±3 độ C.

Liều dùng:

Liều dùng của thuốc được điều chỉnh để phù hợp với từng bệnh nhân và tình trạng của bệnh. Độ dài mỗi đợt điều trị phụ thuộc vào tình trạng nhiễm khuẩn và đáp ứng của bệnh nhân.

Người lớn và trẻ em > 40kg:

  • Nhiễm khuẩn tiết niệu nhẹ đến vừa: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 500mg - 1g/lần, mỗi liều cách nhau 12h.
  • Các nhiễm khuẩn khác:

+ Ở mức độ nhẹ: Tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 1g/lần mỗi 12h.

+ Ở mức độ nặng (nhiễm khuẩn tiết niệu có biến chứng, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, nhiễm khuẩn mật, nhiễm khuẩn da và mô dưới da): Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 12h.

  • Sốt giảm bạch cầu, nhiễm khuẩn nặng đe dọa tính mạng: Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 8h.
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng nặng: Tiêm tĩnh mạch 2g mỗi 12h, kết hợp thêm Metronidazol.

Trẻ em từ 2 tháng tuổi đến 12 tuổi và < 40kg hoặc trẻ em > 12 tuổi và nặng < 40kg:

  • Viêm phổi, nhiễm khuẩn tiết niệu, da và cấu trúc da: 50mg/kg mỗi 12h.
  • Viêm màng não, giảm bạch cầu kèm sốt, nhiễm khuẩn huyết: 50mg/kg mỗi 8h, đợt điều trị kéo dài 7-10 ngày.

Trẻ em 1-2 tháng tuổi: 30mg/kg mỗi 8h hoặc 12h.

Người cao tuổi: Không cần hiệu chỉnh liều.

Người suy thận:

  • Hiệu chỉnh liều nếu hệ số thanh thải creatinin < 30ml/phút.
  • Có lọc máu: Cuối mỗi đợt thẩm tách máu cần bổ sung 1 liều Cefepim như liều ban đầu.
  • Thẩm phân phúc mạc liên tục: Sử dụng liều như khuyên cáo nhưng giãn khoảng cách đưa liều là 48h/1 liều.

2.4 Cách xử trí khi quên liều, quá liều

Quên liều: Thuốc sử dụng theo chỉ định của bác sĩ, không xảy ra trường hợp quên liều.

Quá liều: Cần tuân thủ liều dùng được chỉ định. Nếu vô tình dùng quá liều và xuất hiện các triệu chứng bất thường cần báo ngay cho bác sĩ để có cách xử trí kịp thời.

  • Lọc máu thận hoặc thẩm phân máu qua màng bụng để loại bỏ thuốc. Trong 3h lọc máu có thể lấy đi 68% lượng Cefepim trong cơ thể.
  • Điều trị các triệu chứng khác nếu có.

3. Tác dụng phụ của thuốc Maxapin 1g

Thuốc dung nạp khá tốt nên các tác dụng phụ thường nhẹ và thoáng qua. Một số tác dụng ngoại ý được báo cáo là:

  • Rối loạn tiêu hóa.
  • Đau đầu, chóng mặt,
  • Viêm tĩnh mạch, viêm tĩnh mạch huyết khối tại nơi tiêm tĩnh mạch.
  • Phản ứng quá mẫn (hiếm gặp).
  • Thay đổi huyết học (thoáng qua).

Trong quá trình sử dụng, khi gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào thông báo và hỏi ý kiến bác sĩ để có cách giải quyết kịp thời.

4. Tương tác thuốc

Các dữ liệu hiện nay có báo cáo về tương tác giữa thuốc tiêm Maxapin 1g với các thuốc dùng cùng như sau:

  • Furosemid: Dùng cùng lúc sẽ gây điếc cho bệnh nhân.
  • Các tác nhân khử: Khi sử dụng trong thời gian điều trị với Cefepim sẽ làm dương tính giả xét nghiệm glucose trong nước tiểu.

Bệnh nhân vẫn cần liệt kê các thuốc, thực phẩm chức năng đang sử dụng với y bác sĩ để theo dõi, đề phòng xảy ra tương tác và có thể xử trí nếu có tương tác xảy ra.

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc tiêm Maxapin 1g

Chống chỉ định

Không sử dụng thuốc tiêm Maxapin 1g đối với bệnh nhân quá mẫn với Cefepim hay bất kỳ kháng sinh Cephalosporin khác.

Lưu ý

Sử dụng trên phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú

  • Phụ nữ có thai: Thuốc có thể sử dụng cho phụ nữ khi mang thai nhưng cần cân nhắc kỹ lợi ích - nguy cơ gây hại cho thai nhi và theo dõi chặt chẽ khi sử dụng.
  • Phụ nữ cho con bú:

Cefepim được bài tiết vào sữa mẹ với lượng nhỏ và gây các ảnh hưởng:

+ Gây khó khăn khi thực hiện nuôi cấy vi khuẩn khi trẻ có sốt cao.

+ Tác động trực tiếp đến trẻ.

+ Thay đổi hệ vi khuẩn chí trong đường ruột của trẻ.

Thuốc vẫn có thể được chỉ định dùng cho phụ nữ cho con bú nhưng cần theo dõi trẻ khi mẹ dùng thuốc.

Những người lái xe và vận hành máy móc

Thuốc không gây ảnh hưởng bất lợi đối với người lái xe hay khi vận hành máy móc. Cho phép sử dụng trên các đối tượng này.

Lưu ý đặc biệt khác

  • Cần kiểm tra tiền sử dị ứng kháng sinh penicillin, cephalosporin trước khi dùng thuốc.
  • Cần giám sát bệnh nhân chặt chẽ, nhất là khi có hiện tượng tiêu chảy do có thể xảy ra viêm đại tràng giả mạc.
  • Không nên sử dụng thuốc trong thời gian dài vì có thể gây bội nhiễm vi khuẩn không nhạy cảm như Candida, Enterococcus.

Bảo quản

  • Thuốc chưa sử dụng được bảo quản trong bao bì kín, nơi khô ráo, tránh ánh nắng, nhiệt độ dưới 30 độ C.
  • Để ngoài tầm với của trẻ em.
  • Không sử dụng thuốc sau ngày hết hạn trên bao bì.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan