Công dụng thuốc Mibeviru 400mg

Mibeviru 400mg có thành phần chính là hoạt chất kháng virus Acyclovir. Sản phẩm này được chỉ định chủ yếu trong điều trị và dự phòng nhiễm Herpes Simplex. Vậy thuốc Mibeviru 400mg có tác dụng gì?

1. Thuốc Mibeviru 400mg là gì?

Mibeviru 400mg chứa hoạt chất Acyclovir hàm lượng 400mg, ngoài ra sản phẩm Mibeviru còn có dạng hàm lượng 200mg.

Bên cạnh Acyclovir, thành phần thuốc Mibeviru 400mg còn bao gồm một số tá dược như Avicel, Natri glycolat starch, PVP K30, Magnesium stearate và Aerosil.

2. Thuốc Mibeviru 400mg có tác dụng gì?

Hoạt chất Acyclovir trong Mibeviru 400mg là một chất tương tự nucleosid với tác dụng chọn lọc trên những tế bào phơi nhiễm với virus Herpes. Acyclovir cần phải trải qua quá trình phosphoryl hóa để chuyển thành dạng có hoạt tính là Acyclovir triphosphat. Chính chất chuyển hóa này mới có tác dụng ức chế sinh tổng hợp DNA và sự nhân lên của virus trong tế bào phơi nhiễm mà không ảnh hưởng đến chuyển hóa của những tế bào bình thường.

Tác dụng của Mibeviru 400mg hiệu quả mạnh nhất đối với virus Herpes Simplex type 1 (HSV-1), kém hơn ở virus Herpes simplex type 2 (HSV-2) cũng như virus

Varicella zoster (VZV) và tác dụng yếu nhất đối với Cytomegalovirus. Trong quá trình điều trị bằng Mibeviru 400mg đã xuất hiện một số chủng virus kháng thuốc và ghi nhận một lượng virus Herpes simplex tiềm ẩn trong các hạch không bị tiêu diệt. Hoạt chất Acyclovir trong Mibeviru 400mg mang lại hiệu quả cao trong điều trị viêm não thể nặng do virus HSV-1, giúp giảm tỷ lệ tử vong từ 70% xuống còn 20%. Đồng thời ở những người bệnh được chữa khỏi cũng ghi nhận ít các biến chứng nghiêm trọng hơn. Một thể viêm màng não nhẹ hơn do chủng HSV-2 cũng có thể được điều trị hiệu quả với Mibeviru 400mg.

Sinh khả dụng đường uống của Mibeviru 400mg chỉ đạt khoảng 20% (15-30%) và thức ăn không ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của Acyclovir.

3. Chỉ định, chống chỉ định của thuốc Mibeviru 400mg

Thuốc Mibeviru 400mg được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Điều trị khởi đầu và dự phòng tái nhiễm đối với Herpes simplex type 1 và tuyp 2 ở da và niêm mạc;
  • Điều trị viêm não do Herpes simplex;
  • Điều trị nhiễm Herpes zoster (bệnh zona) cấp tính, Zona mắt và viêm phổi do Herpes Zoster ở người trưởng thành;
  • Khởi trị và dự phòng tái phát nhiễm Herpes sinh dục;
  • Mibeviru 400mg còn sử dụng trong điều trị thủy đậu xuất huyết, thủy đậu ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch hoặc ở trẻ sơ sinh.

Thuốc Mibeviru 400mg chống chỉ định sử dụng ở người có cơ địa hoặc tiền sử dị ứng với Acyclovir hay bất cứ thành phần tá dược nào có trong thuốc.

4. Liều lượng và cách dùng Mibeviru 400mg

Việc điều trị bằng Mibeviru 400mg phải được tiến hành càng sớm càng tốt khi bệnh nhân mới xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh.

Liều Mibeviru 400mg điều trị các trường hợp nhiễm Herpes simplex:

  • Người trưởng thành: Mibeviru 200mg x 6 lần/ngày (bệnh nhân suy giảm miễn dịch có thể dùng liều gấp đôi là Mibeviru 400mg), uống cách nhau mỗi 4 giờ trong thời gian 5-10 ngày;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: Liều dùng khuyến cáo bằng 1⁄2 liều người lớn;
  • Trẻ em trên 2 tuổi: Liều dùng Acyclovir tương tự người trưởng thành.

Liều Mibeviru 400mg dự phòng tái phát Herpes simplex ở bệnh nhân suy giảm miễn dịch, ghép tạng có dùng thuốc ức chế miễn dịch, bệnh nhân nhiễm HIV hoặc hóa trị ung thư:

  • Người lớn: 200-400mg x 4 lần/ngày;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi: 1⁄2 liều ở người lớn;
  • Trẻ em trên 2 tuổi: Liều dùng thuốc Mibeviru 400mg tương đương người lớn.

Liều dùng của Mibeviru 400mg trong điều trị thủy đậu và Zona:

  • Người lớn: 800mg (2 viên Mibeviru 400mg) x 6 lần/ngày trong thời gian 7 ngày;
  • Trẻ em mắc bệnh varicella: Liều khuyến cáo của Acyclovir là 20mg/kg cân nặng (tối đa 2 Mibeviru 400mg) x 4 lần/ngày trong thời gian 5 ngày hoặc:
    • Trẻ dưới 2 tuổi có thể uống Mibeviru 200mg x 4 lần/ngày;
    • Trẻ em 2-5 tuổi dùng liều Mibeviru 400mg x 4 lần/ngày;
    • Trẻ em trên 6 tuổi: 2 viên Mibeviru 400mg x 4 lần/ngày.

Liều dùng thuốc Mibeviru 400mg ở bệnh nhân suy thận nhiễm HSV hoặc Varicella zoster tương tự người bình thường nhưng cần lưu ý những vấn đề sau:

  • Độ thanh thải creatinin 10-25ml/phút: Uống Mibeviru 400mg cách mỗi 8 giờ một lần;
  • Độ thanh thải creatinin dưới 10 ml/phút: Uống Mibeviru 400mg cách mỗi 12 giờ một lần.

5. Một số thận trọng khi dùng thuốc Mibeviru 400mg

Như đã đề cập ở trên, Mibeviru 400mg cần thận trọng khi sử dụng cho bệnh nhân suy thận, đòi hỏi bác sĩ phải điều chỉnh liều dùng và cách dùng theo độ thanh thải Creatinin huyết tương.

  • Bệnh nhân đang mang thai chỉ sử dụng thuốc Mibeviru 400mg (hay các chế phẩm chứa Acyclovir khác) khi lợi ích điều trị vượt trội hơn hẳn những rủi ro có thể xảy ra với bào thai;
  • Acyclovir bài tiết qua sữa mẹ, do đó nên thận trọng khi dùng thuốc Mibeviru 400mg cho bệnh nhân đang cho con bú.
  • Chưa có nghiên cứu tác động của thuốc Mibeviru 400mg đến khả năng lái xe và vận hành máy móc, do đó nên thận trọng ở trường hợp này.

Quá liều thuốc Mibeviru 400mg và cách xử trí:

  • Biểu hiện của quá liều Acyclovir là xuất hiện kết tủa thuốc tại ống thận khi nồng độ tại đây vượt quá độ hòa tan 2.5mg/ml của thuốc hoặc ngộ độc xảy ra ở bệnh nhân có nồng độ creatinin huyết thanh cao, suy thận, đang ở trạng thái kích thích, bồn chồn, run cơ, co giật, đánh trống ngực, tăng huyết áp hoặc khó tiểu tiện;
  • Xử trí quá liều Acyclovir: Thẩm tách máu liên tục cho đến khi chức năng thận phục hồi, đồng thời cần ngưng sử dụng thuốc Mibeviru 400mg và chú ý cân bằng nước và điện giải cho bệnh nhân.

6. Tác dụng không mong muốn của Mibeviru 400mg

Những trường hợp điều trị ngắn hạn bằng thuốc Mibeviru 400mg có thể gặp tác dụng phụ buồn nôn, nôn ói. Bên cạnh đó, bệnh nhân dùng dài hạn (trên 1 năm) thuốc Mibeviru 400mg có thể bị đau bụng, tiêu chảy, ban da, đau đầu (chỉ chiếm dưới 5% người bệnh).

7. Tương tác thuốc của Mibeviru 400mg

  • Bệnh nhân sử dụng đồng thời Mibeviru 400mg và Zidovudin có thể xuất hiện trạng thái ngủ lịm hoặc lơ mơ.
  • Probenecid làm giảm độ thanh thải của thuốc Mibeviru 400mg.
  • Amphotericin và Ketoconazol làm tăng hiệu lực chống virus của thuốc Mibeviru 400mg.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

11.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan