Công dụng thuốc Mizatin

Thuốc Mizatin là nhóm thuốc được chỉ định để điều trị và ngăn ngừa sự tái phát của viêm loét dạ dày và điều trị các nguyên nhân làm cho mức axit trong dạ dày tăng cao, điều trị hoặc ngăn ngừa chứng ợ nóng, ợ chua thường xuyên, khó tiêu,... Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những công dụng thuốc Mizatin và những lưu ý khi dùng thuốc Mizatin.

1. Công dụng thuốc Mizatin là gì?

1.1. Thuốc Mizatin là thuốc gì?

Thuốc Mizatin thuộc nhóm thuốc đường tiêu hoá, có thành phần chính bao gồm:

  • Hoạt chất chính: nizatidin hàm lượng 150 mg
  • Tá dược: Magnesi stearat, Tinh bột hồ hóa, tinh bột natri glycolat.

Thuốc Mizatin được bào chế dưới dạng viên nang cứng hàm lượng 150mg vỉ 10 viên, hộp 3 vỉ. Thuốc được khuyến cáo sử dụng cho người trưởng thành.

1.2. Thuốc Mizatin có tác dụng gì?

Nizatidine có công thức gần giống histamin nên có cơ chế làm ngăn cản tiết dịch vị bởi các nguyên nhân gây tăng tiết histamin ở dạ dày. Thuốc làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ HCl của dịch vị.

Thuốc Mizatin được kê đơn điều trị trong các trường hợp:

  • Dùng trong thời gian 8 tuần để chữa vết loét tá tràng tiến triển. Hầu hết vết loét đều lành trong vòng 4 tuần.
  • Điều trị duy trì với liều thấp 150mg hàng ngày lúc đi ngủ tối ở người bệnh có vết loét tá tràng tiến triển đã lành. Việc dùng Nizatidine liên tục hơn 1 năm, kết quả hiện nay chưa biết rõ.
  • Mizatin được dùng chữa bệnh loét dạ dày lành tính tiến triển thời gian là 8 tuần. Trước khi dùng thuốc, nên cẩn thận loại trừ khả năng bệnh loét dạ dày ác tính.
  • Mizatin còn được dùng trong 12 tuần để chữa bệnh viêm thực quản được chẩn đoán qua nội soi, bao gồm cả viêm thực quản do loét và xước, có kèm triệu chứng ợ hơi nóng do trào ngược dạ dày thực quản. Chứng ợ hơi nóng được cải thiện sau một ngày điều trị.

2. Cách sử dụng của Mizatin thuốc huyết áp

2.1. Cách dùng thuốc Mizatin

  • Thuốc dùng đường uống, cùng với lượng nước lọc vừa đủ
  • Uống nguyên viên thuốc, không bẻ đôi, nghiền nát hay trộn thuốc với loại dung dịch hay hỗn hợp nào khác.

2.2. Liều dùng của thuốc Mizatin

  • Loét dạ dày tá tràng lành tính tiến triển: Uống mỗi ngày một lần 300mg vào buổi tối hoặc mỗi lần 150mg, ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi tối, trong 4 - 8 tuần. Điều trị kéo dài trên 8 tuần chưa được xác định.
  • Liều duy trì để dự phòng loét tá tràng tái phát: Uống mỗi ngày một lần 150mg vào buổi tối. Điều trị có thể kéo dài tới 1 năm.
  • Loét dạ dày tá tràng có vi khuẩn Helicobacter pylori: Phối hợp Nizatidin (hiện nay, một thuốc ức chế bơm proton thường được ưa dùng hơn trong 1 tuần) với hai trong các kháng sinh: amoxicillin, tetracycline, clarithromycin, kháng sinh nhóm imidazol (metronidazol).
  • Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản: Mỗi lần uống 150mg, ngày 2 lần, có thể tới 12 tuần. Cũng có thể uống 300mg 1 lần lúc đi ngủ nhưng nên uống làm 2 lần thì hơn.
  • Làm giảm triệu chứng khó tiêu: Uống 75mg, có thể uống nhắc lại nếu cần thiết, tối đa 150mg/ngày, trong 14 ngày.
  • Phòng các triệu chứng nóng ngực, khó tiêu, ợ chua: Uống 75mg từ 30 - 60 phút trước khi ăn hoặc uống mỗi ngày hoặc hai lần (không được quá 150mg/24 giờ), dùng không quá 2 tuần.
  • Suy thận: Giảm liều ở người suy thận theo độ thanh thải creatinin.
  • Điều trị loét dạ dày lành tính tiến triển, loét tá tràng tiến triển, độ thanh thải creatinin 20 - 50ml/phút: Giảm liều 50% hoặc uống mỗi lần 150mg.
  • Điều trị loét dạ dày lành tính tiến triển, loét tá tràng tiến triển, độ thanh thải creatinin nhỏ hơn 20ml/phút: Giảm liều 75% hoặc uống mỗi lần 150mg, 2 ngày dùng 1 lần.
  • Điều trị duy trì loét tá tràng: Độ thanh thải creatinin 20ml/phút: Uống mỗi lần 150mg, 3 ngày dùng 1 lần.
  • Suy gan nặng: Nên giảm liều (1/3 liều) và dùng viên nang 150mg, nhất là khi có kết hợp suy thận (Nizatidin chuyển hóa 1 phần ở gan).

Thông thường các thuốc bị quên có thể uống trong khoảng 1 đến 2 giờ so với chỉ định trong đơn thuốc của bác sĩ. Tuy nhiên, nếu đã quá xa thời điểm cần uống thuốc thì không nên uống bù hay gấp đôi liều có thể gây nguy hiểm cho cơ thể. Tốt hơn hết là nên bỏ qua liều đã quên và bắt đầu uống tiếp liều tiếp theo.

Ngoài ra, hiếm gặp trường hợp dùng quá liều Mizatin.

  • Các dấu hiệu và triệu chứng: Ít có kinh nghiệm trên lâm sàng về việc dùng quá liều Nizatidine ở người.
  • Xử trí: Khi xử trí việc dùng quá liều chỉ định, cần xét khả năng quá liều của nhiều loại thuốc, sự tương tác giữa các thuốc dùng đồng thời, và dược động học bất thường của thuốc ở mỗi người bệnh.

Nếu quá liều xảy ra, nên sử dụng than hoạt, tiến hành gây nôn hoặc rửa ruột cùng với theo dõi triệu chứng trên lâm sàng, và điều trị hỗ trợ. Khả năng thẩm phân lọc máu để loại bỏ Nizatidine ra khỏi cơ thể hiện vẫn chưa được xác minh rõ ràng; tuy nhiên, do thể tích phân phối trên diện rộng, nên không hy vọng loại trừ Nizatidine ra khỏi cơ thể bằng phương pháp này.

3. Chống chỉ định của thuốc Mizatin

  • Bệnh nhân bị dị ứng với thành phần hoạt chất chính nizatidine hay bất cứ thành phần tá dược nào được liệt kê trên đây của thuốc Mizatin
  • Vì có nhạy cảm chéo giữa các hợp chất thuộc nhóm đối kháng với histamin ở thụ thể H2, kể cả Nizatidin, vì vậy không dùng cho người bệnh có tiền sử mẫn cảm với các chất khác cũng đối kháng với histamin ở thụ thể H2.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Mizatin

  • Trước khi dùng Nizatidin để điều trị loét dạ dày phải loại trừ khả năng ung thư, vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng và làm chậm chẩn đoán ung thư.
  • Mẫn cảm chéo: Những người bệnh mẫn cảm với một trong những thuốc kháng thụ thể H2 có thể cũng mẫn cảm với các thuốc khác trong nhóm H2 histamin. Dùng thận trọng và giảm liều và/hoặc kéo dài khoảng cách giữa các lần dùng thuốc ở người suy thận (thanh thải creatinin < 50ml/phút) vì thuốc được thải trừ chủ yếu qua thận.
  • Chưa nghiên cứu được dược động học ở những người bị hội chứng gan thận. Một phần Nizatidine chuyển hóa ở gan. Ở người bệnh có chức năng thận bình thường, và có rối loạn chức năng gan không biến chứng, thì sự thải trừ Nizatidine tương tự như ở những người bình thường. Bởi vậy cần cân nhắc nguy cơ/lợi ích khi dùng ở người xơ gan hoặc suy giảm chức năng gan (có thể phải giảm liều hoặc tăng khoảng cách thời gian dùng thuốc).
  • Nizatidine qua được nhau thai. Các nghiên cứu dùng Nizatidin ở phụ nữ mang thai không đầy đủ, vì vậy chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và theo lời khuyên của thầy thuốc. Nghiên cứu trên thỏ thấy Nizatidin với liều tương đương 300 lần liều dùng trên người đã gây sảy thai, giảm số lượng thai sống và giảm trọng lượng của thai.
  • Nizatidine bài tiết vào sữa mẹ, có thể gây ADR nghiêm trọng ở trẻ bú mẹ. Người mẹ nên ngừng cho con bú trong thời gian dùng thuốc hoặc ngừng dùng thuốc.

Không giống như Cimetidin, Nizatidin không ức chế cytochrom P450 nên ít tác động lên chuyển hóa của các thuốc khác. Tuy nhiên, giống như các thuốc kháng thụ thể H2 khác, do làm tăng pH dạ dày nên có thể ảnh hưởng đến hấp thu của một số thuốc khác.

  • Thuốc kháng acid: Dùng đồng thời với thuốc kháng thụ thể H2 có thể làm giảm hấp thu thuốc kháng thụ thể H2. Khuyên người bệnh không uống bất kỳ thuốc kháng acid nào trong vòng 1⁄2 - 1 giờ sau uống thuốc kháng thụ thể H2.
  • Thuốc gây suy tủy: Cloramphenicol, cyclophosphamid,... dùng cùng thuốc kháng thụ thể H2 có thể làm tăng hiện tượng giảm bạch cầu trung tính hoặc rối loạn tạo máu khác.
  • Itraconazole hoặc ketoconazol: Làm giảm đáng kể hấp thu của hai thuốc này do thuốc kháng thụ thể H2 làm tăng pH dạ dày, vì vậy phải uống các thuốc kháng thụ thể H2 ít nhất 2 giờ sau uống itraconazole hoặc ketoconazol.
  • Salicylat: Nizatidin có thể làm tăng nồng độ huyết thanh salicylat khi dùng đồng thời với acid acetylsalicylic liều cao.
  • Sucralfat: Làm giảm hấp thu của các thuốc kháng thụ thể H2, phải uống thuốc kháng thụ thể H2 trước sucralfat 2 giờ.
  • Rượu: Tránh dùng đồ uống có cồn.
  • Thuốc lá: Hiệu lực ức chế bài tiết acid dịch vị vào ban đêm của các thuốc kháng thụ thể H2 có thể bị giảm do hút thuốc lá. Người bị loét dạ dày nên ngừng hút thuốc, hoặc ít nhất tránh hút thuốc sau khi uống liều thuốc kháng thụ thể H2 cuối cùng trong ngày.

5. Tác dụng phụ của thuốc Mizatin

Nizatidine có rất ít hoặc không có tác dụng phụ mặc dù có một vài khuyến cáo về chứng vú to và giảm khả năng sinh dục ở nam giới.

Trong số những phản ứng có hại của các thử nghiệm có placebo kiểm chứng, bệnh thiếu máu (0,2% so với 0%) và nổi mề đay (0,5% so với 0,1%) thường xảy ra đáng kể ở các nhóm dùng nizatidine.

  • Gan: Tổn thương tế bào gan. Tất cả những bất thường này trở lại bình thường sau khi ngừng dùng Nizatidine. Từ khi đưa Nizatidine ra thị trường, có ghi nhận chứng viêm gan và vàng da. Trong một số trường hợp, chứng ứ mật hoặc tổn thương tế bào gan kèm ứ mật cùng với chứng vàng da cũng đã phục hồi tốt sau khi ngừng nizatidine.
  • Hệ tim mạch: Trong các thử nghiệm về dược lý lâm sàng, có thấy những đợt ngắn nhịp nhanh thất không triệu chứng ở hai người dùng nizatidine và ở ba người không dùng nizatidine.
  • Hệ thần kinh trung ương: Hiếm khi xảy ra chứng lú lẫn tâm thần thoáng qua.
  • Hệ nội tiết: Hoạt chất Nizatidine không có tác dụng kháng Androgen. Tình trạng bất lực và giảm ham muốn tình dục cũng gặp với tần suất tương tự như ở người bệnh uống placebo.
  • Huyết học: Thường gặp chứng thiếu máu. Rất hiếm gặp chứng giảm tiểu cầu gây tử vong khi dùng nizatidine phối hợp với một chất đối kháng histamin H2 khác (theo ghi nhận mới gặp ở một trường hợp, người bệnh này cũng đã từng bị giảm tiểu cầu khi dùng những thuốc khác). Một số trường hợp hiếm gặp khác như ban xuất huyết giảm tiểu cầu sau khi dùng nizatidine.
  • Da: Thường gặp chứng đổ mồ hôi và nổi mề đay. Chứng đỏ da và viêm da bong vảy cũng được ghi nhận.
  • Các phản ứng quá mẫn hiếm khi xảy ra (như phù thanh quản, co thắt phế quản, tăng bạch cầu ưa eosin) cũng được ghi nhận.
  • Các phản ứng phụ khác: Có gặp ít trường hợp tăng acid uric/máu không do bệnh gút hoặc bệnh sỏi thận. Hiếm gặp chứng tăng bạch cầu ưa eosin, sốt và buồn nôn.

6. Cách bảo quản thuốc Mizatin

  • Bảo quản ở nhiệt độ phòng, 59 độ F đến 86 độ F (15 độ C đến 30 độ C).
  • Tránh xa tầm tay trẻ em và thú nuôi

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan