Công dụng thuốc Mytormib

Thuốc Mytormib được bào chế dưới dạng viên nén với thành phần chính là Atorvastatin và Ezetimibe. Thuốc Mytormib được sử dụng để làm giảm cholesterol máu.

1. Thuốc Mytormib có tác dụng gì?

Mỗi viên nén thuốc Mytormib có chứa 10mg Atorvastatin dưới dạng Atorvastatin calci trihydrat, 10g Ezetimibe.

Cholesterol huyết tương có 2 nguồn gốc là: Nguồn gốc nội sinh (cơ thể tự tổng hợp) và nguồn gốc ngoại sinh (hấp thụ từ ruột). Thuốc Mytormib phối hợp cả 2 chất atorvastatin và ezetimibe, có công dụng làm giảm cholesterol huyết tương bằng cả 2 cách ức chế sự hấp thụ và sự tổng hợp.

Ezetimibe: Có tác dụng làm giảm cholesterol trong máu bằng cơ chế ức chế sự hấp thụ cholesterol ở ruột non.

Calci atorvastatin: Atorvastatin là chất hạ lipid tổng hợp, ức chế enzyme khử 3-hydroxy-3-methylglutaryl-coenzyme A (HMG-CoA). Enzyme này xúc tác quá trình biến đổi HMG-CoA thành mevalonate, giới hạn tốc độ của sinh tổng hợp cholesterol trong người.

Chỉ định: Thuốc Mytormib được sử dụng trong các trường hợp như sau:

  • Điều trị bệnh tăng cholesterol máu: Làm tăng lượng cholesterol có trọng lượng phân tử cao và làm giảm lượng cholesterol có trọng lượng phân tử thấp;
  • Điều trị bệnh động mạch vành: Ở người có bệnh động mạch vành kết hợp với tăng cholesterol máu, thuốc Mytormib được chỉ định làm giảm nguy cơ tử vong do động mạch vành, giúp giảm nhồi máu cơ tim không gây tử vong, làm chậm quá trình xơ vữa động mạch vành, giảm nguy cơ phải tái tạo mạch máu cơ tim, giảm tạo các tổn thương mới.

Chống chỉ định: Không sử dụng thuốc Mytormib trong các trường hợp sau:

  • Người bệnh mẫn cảm, dị ứng với bất cứ thành phần nào có trong thuốc Mytormib;
  • Người bị bệnh gan hoạt tính hoặc tăng transaminase kéo dài mà không rõ nguyên nhân;
  • Phụ nữ có thai và trong khoảng thời gian đang cho con bú.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Mytormib

Cách dùng: Thuốc Mytormib được bào chế dưới dạng viên nén nên được sử dụng bằng cách uống trực tiếp. Ngoài ra, người bệnh nên tuân thủ một chế độ ăn phù hợp, ít cholesterol khi bắt đầu sử dụng thuốc Mytormib và tiếp tục áp dụng chế độ ăn chuẩn này trong suốt quá trình điều trị.

Liều dùng: Liều sử dụng thuốc Mytormib nên được điều chỉnh theo từng người bệnh dựa trên mức độ lipid huyết tương. Nên bắt đầu điều trị với liều tối thiểu mà thuốc có tác dụng. Sau đó, nếu cần thiết có thể thực hiện điều chỉnh liều theo nhu cầu và đáp ứng của từng bệnh nhân bằng cách tăng liều từng đợt cách nhau không ít hơn 4 tuần và phải theo dõi phản ứng có hại của thuốc Mytormib, đặc biệt là những phản ứng có hại tại hệ cơ. Thông thường, liều sử dụng thuốc Mytormib như sau:

  • Tính theo Atorvastatin: 10mg/lần x 1 lần/ngày, khoảng liều cho phép ở mức 10 - 80mg/lần x 1 lần/ngày, không liên quan đến bữa ăn.
  • Liều sử dụng thông thường là 1 - 4 viên (Ezetimibe 10mg, Atorvastatin 20mg)/ngày. Khởi đầu nên sử dụng ở liều 1 viên/ngày. Sau 2 tuần thực hiện kiểm tra lại nồng độ lipid huyết tương và nếu cần thiết thì có thể điều chỉnh liều sử dụng;
  • Đối với người bệnh suy gan mức độ nhẹ: Không cần thiết điều chỉnh liều dùng;
  • Người bệnh suy thận: Không cần thiết điều chỉnh liều dùng thuốc Mytormib ở người bệnh suy thận mức độ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, đối với người bệnh suy thận nặng, chỉ có thể sử dụng thuốc này nếu người bệnh có thể dung nạp Atorvastatin ở liều 5mg hay cao hơn. Ngoài ra, nên thận trọng khi dùng thuốc cho đối tượng này và nên theo dõi người bệnh cẩn thận;
  • Người bệnh cao tuổi: Không cần thiết điều chỉnh liều dùng thuốc;
  • Người bệnh đang sử dụng cyclosporin: Chỉ có thể sử dụng thuốc này nếu người bệnh có thể dung nạp Atorvastatin ở liều từ 5mg trở lên, nhưng không nên sử dụng quá nửa viên mỗi ngày;
  • Người bệnh đang sử dụng verapamil hoặc amiodarone: Không nên sử dụng quá 1 viên thuốc Mytormib mỗi ngày.

Quá liều, quên liều thuốc Mytormib: Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ, không được tự ý dùng bù liều để tránh gặp phải những biến chứng bất lợi.

3. Tác dụng phụ của thuốc Mytormib

Nhìn chung, thuốc Mytormib được dung nạp tốt, tỷ lệ phải dừng thuốc do tác dụng phụ thấp hơn đáng kể so với các loại thuốc hạ lipid khác. Tuy nhiên, người bệnh vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc Mytormib là:

  • Thường gặp:
    • Hệ tiêu hóa: Táo bón, đầy hơi, đau bụng, ỉa chảy, buồn nôn;
    • Thần kinh trung ương: Đau đầu, chóng mặt, nhìn mờ, mất ngủ, suy nhược;
    • Thần kinh - cơ và xương: Hiện tượng đau khớp, đau cơ;
    • Gan: Thử nghiệm chức năng gan cho thấy kết quả tăng hơn 3 lần giới hạn trên của mức bình thường. Tuy nhiên, phần lớn không có triệu chứng và dần phục hồi khi ngừng thuốc;
  • Ít gặp:
    • Thần kinh - cơ và xương: Xảy ra bệnh cơ (kết hợp tăng hàm lượng creatine phosphokinase huyết tương (CPK) và yếu cơ);
    • Da: Xuất hiện tình trạng ban da;
    • Hệ hô hấp: Ho, viêm họng, viêm mũi, viêm xoang;
  • Hiếm gặp: Thần kinh - cơ và xương: Tiêu cơ vân, tiêu cơ, có thể dẫn đến suy thận cấp thứ phát do myoglobin niệu.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Mytormib, bệnh nhân và người nhà cần chú ý báo ngay cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn xử lý kịp thời, hiệu quả.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Mytormib

Một số điều người bệnh cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Mytormib là:

  • Cần cân nhắc khi sử dụng thuốc Mytormib (thuộc nhóm statin) đối với người bệnh có những yếu tố nguy cơ dẫn đến tổn thương cơ. Thuốc Mytormib thuộc nhóm statin, có nguy cơ gây ra các phản ứng gây hại đối với hệ cơ như viêm cơ, teo cơ, đặc biệt là đối với các đối tượng có yếu tố nguy cơ như người bệnh từ 65 tuổi trở lên, người bệnh thận, người bệnh bị thiểu năng tuyến giáp không được kiểm soát;
  • Đã có báo cáo về một số trường hợp bị yếu cơ, globin cơ niệu kịch phát khi dùng thuốc;
  • Nên tiến hành kiểm tra nồng độ creatinin kinase (CK) ở các người bệnh: Suy thận, cao tuổi (từ 70 tuổi trở lên), nhược giáp không kiểm soát, bản thân hay gia đình có tiền sử mắc bệnh cơ, người nghiện rượu, có tiền sử bị độc tính trên cơ khi sử dụng thuốc statin hoặc fibrat. Nên theo dõi bệnh nhân, nếu có triệu chứng mệt mỏi hoặc yếu cơ thì cần ngưng dùng thuốc;
  • Để xa thuốc Mytormib khỏi tầm tay trẻ em;
  • Chống chỉ định thuốc Mytormib ở phụ nữ có thai và trong thời gian cho con bú;
  • Nếu xuất hiện chóng mặt khi sử dụng thuốc thì người bệnh cần cẩn thận khi lái xe, vận hành máy móc để tránh nguy cơ gặp phải tai nạn.

5. Tương tác thuốc Mytormib

Một số tương tác thuốc Mytormib cần lưu ý là:

  • Sử dụng thuốc Mytormib với các thuốc ức chế enzyme CYP3A4 có thể làm gia tăng nồng độ của Atorvastatin trong huyết tương, dẫn đến tăng nguy cơ các bệnh về cơ hoặc tiêu cơ;
  • Khi sử dụng thuốc Mytormib với amiodaron, không nên dùng quá 20mg Atorvastatin mỗi ngày vì có thể làm tăng nguy cơ gây ra chứng tiêu cơ vân. Đối với người bệnh phải sử dụng liều mức trên 20mg mỗi ngày mới có hiệu quả điều trị, bác sĩ có thể chọn lựa thuốc statin khác như pravastatin;
  • Thuốc thuộc nhóm statin sẽ làm tăng nhẹ tác dụng chống đông của coumarin. Ở người bệnh đang sử dụng thuốc chống đông coumarin nên xác định thời gian prothrombin trước và trong khi điều trị bằng Atorvastatin;
  • Nên thận trọng khi sử dụng phối hợp thuốc Mytormib với niacin hoặc các loại thuốc ức chế miễn dịch;
  • Nguy cơ mắc bệnh cơ trong quá trình điều trị bằng thuốc Mytormib sẽ tăng lên khi sử dụng đồng thời với cyclosporin, erythromycin, các dẫn xuất của acid fibric, thuốc kháng nấm nhóm azol hoặc niacin;
  • Sử dụng Atorvastatin đồng thời với các thuốc kháng acid có chứa magnesi và nhôm hydroxyd sẽ làm giảm khoảng 35% nồng độ huyết tương của Atorvastatin. Tuy nhiên tác dụng giảm cholesterol trọng lượng phân tử thấp của thuốc không thay đổi;
  • Vì Atorvastatin không có ảnh hưởng đến dược động học của antipyrine nên không có tương tác với các thuốc khác chuyển hóa qua cùng loại cytochrome;
  • Khi sử dụng Atorvastatin cùng với colestipol, nồng độ của Atorvastatin bị giảm khoảng mức 25%. Tuy nhiên tác dụng trên lipid lại tăng lên khi sử dụng đồng thời 2 thuốc này so với khi sử dụng 1 loại thuốc riêng rẽ;
  • Khi sử dụng nhiều liều digoxin đồng thời với 10mg Atorvastatin, nồng độ digoxin trong huyết tương ổn định. Tuy nhiên, nồng độ digoxin huyết tương tăng khoảng 20% khi sử dụng digoxin với 80mg Atorvastatin hàng ngày. Nên theo dõi khi kết hợp thuốc ở người bệnh đang sử dụng digoxin;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Mytormib và clarithromycin (500mg x 2 lần/ngày) hoặc erythromycin (500mg x 4 lần/ngày) sẽ làm tăng nồng độ huyết tương của Atorvastatin;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Mytormib (10mg x 1 lần/ngày) với azithromycin (500mg x 1 lần/ngày) không làm thay đổi nồng độ Atorvastatin trong huyết thanh;
  • Sử dụng đồng thời thuốc Mytormib với terfenadin không tạo ra ảnh hưởng đáng kể trên lâm sàng đối với dược động học của terfenadin;
  • Sử dụng đồng thời Mytormib với thuốc ngừa thai đường uống có chứa ethinyl estradiol và norethindrone làm tăng giá trị diện tích dưới đường cong nồng độ - thời gian (AUC) của ethinyl estradiol và norethindron khoảng 20% và 30%. Cần chú ý cân nhắc về sự tăng này khi lựa chọn thuốc ngừa thai đường uống cho phụ nữ sử dụng thuốc Mytormib;
  • Các chất ức chế protease: Sử dụng đồng thời Atorvastatin với các chất ức chế protease là chất ức chế cytochrome P450 3A4 sẽ làm tăng nồng độ huyết tương của Atorvastatin.

Trong quá trình sử dụng thuốc Mytormib, bệnh nhân cần đặc biệt lưu ý tuân theo chỉ định của bác sĩ chuyên môn. Việc này đảm bảo hiệu quả điều trị tốt cho chứng tăng lipid máu và phòng tránh tác dụng không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan