Công dụng thuốc Naofaramin

Dị ứng là tình trạng hệ miễn dịch của cơ thể phát hiện ra các tác nhân gây hahi xâm nhập vào cơ thể và phản ứng lại bằng cách gây ra các phản ứng như: mề đay, phát ban... Có nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng dị ứng như: thực phẩm, thời tiết, phấn hoa... Để khắc phục tình trạng này, các loại thuốc chống dị ứng thường được kê đơn, trong đó điển hình là thuốc Naofaramin. Vậy Naofaramin là thuốc gì? Công dụng Naofaramin ra sao? Mời bạn đọc tham khảo ngay bài viết dưới đây.

1. Naofaramin là thuốc gì?

Thuốc Naofaramin có thành phần chính là Diphenhydramin hydrochlorid 50mg. Thành phần này được biết đến là một thuốc kháng histamin loại ethanolamin. Diphenhydramin hydrochlorid có tác dụng an thần đáng kể và tác dụng kháng cholinergic mạnh. Ngoài ra, thành phần này đạt hiệu quả thông qua cơ chế ức chế cạnh tranh ở thụ thể histamin H1.

Sau khi đi vào cơ thể Diphenhydramin hydrochlorid được hấp thụ nhanh chóng và sinh khả dụng khoảng 36 - 86%. Thời gian tác dụng của thuốc lên cơ thể chỉ sau 4-6 giờ.

Con đường thải trừ của thuốc là qua đường nước tiểu 1,1 - 2,7%, thời gian bán thải khoảng 5,3 - 11,7 giờ.

2. Công dụng của thuốc Naofaramin

Với thành phần chính là Diphenhydramin, Naofaramin được chỉ định trong các trường hợp:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm, viêm mũi vận mạch
  • Viêm kết mạc dị ứng
  • Dị ứng do thức ăn, dị ứng da
  • Mề đay
  • Chóng mặt, mất ngủ
  • Điều trị bệnh Parkinson
  • Ho do lạnh & dị ứng.

Mặt khác, Naofaramin không được phép kê đơn trong trường hợp người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc. Ngoài ra, nếu bạn đang mắc các bệnh lý sau cũng chống chỉ định dùng thuốc: Viêm phổi mãn tính, Glaucoma góc đóng, bí tiểu do rối loạn niệu đạo tuyến tiền liệt.

Một số nhóm đối tượng sau sẽ không được dùng thuốc nếu không có chỉ định của bác sĩ như: Trẻ sơ sinh, trẻ sinh non và phụ nữ cho con bú.

3. Liều dùng và cách dùng của Naofaramin

Thuốc Naofaramin được bào chế dưới dạng viên nén nên đường dùng là đường uống. Thuốc được khuyến cáo uống với nhiều nước lọc hoặc nước đun sôi để nguội. Tránh kết hợp thuốc với các loại nước có cồn hoặc nước trái cây sẽ khiến thuốc giảm cơ chế hoạt động dẫn đến không điều trị hiệu quả.

Người bệnh có thể tham khảo liều dùng của thuốc Naofaramin dưới đây:

  • Người lớn & trẻ > 12 tuổi: 1-2 viên, mỗi 4-6 giờ, tối đa 12 viên/24 giờ.
  • Trẻ 6-12 tuổi: 1/2-1 viên, mỗi 4-6 giờ, không quá 6 viên/24 giờ.
  • Trẻ < 6 tuổi: theo chỉ định bác sĩ.

Naofaramin có thể gây ra tình trạng quá liều ở cả người lớn lẫn trẻ em. Đối với trẻ em khi dùng liều 470 mg đã gây ngộ độc nặng ở 1 trẻ em 2 tuổi và liều 7,5 g gây ngộ độc nặng ở 1 trẻ em 14 tuổi. Đặc biệt, ở người lớn tình trạng ngộ độc nặng thuốc Naofaramin đã xảy ra nếu người bệnh dùng chung với rượu, phenothiazin.

Khi quá liều người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng ức chế thần kinh trung ương như: chóng mặt, co giật, ức chế hô hấp.... Hoặc dấu hiệu ức chế hô hấp đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em.

Một số trường hợp ghi nhận xuất hiện triệu chứng ngoại tháp như: nhịp nhanh xoang, kéo dài thời gian Q-T, block nhĩ thất, phức hợp QRS giãn rộng.

Người bệnh khi xuất hiện các dấu hiệu này cần được đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để kịp thời xử trí. Thông thường bác sĩ sẽ chỉ định rửa dạ dày kết hợp dùng than hoạt tính nhằm loại bỏ dược tính của thuốc ra khỏi cơ thể. Trường hợp ngộ độc mới xảy ra, người bệnh sẽ được chỉ định gây nôn.

4. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể làm giảm tác dụng của thuốc Naofaramin hoặc gia tăng ảnh hưởng của các tác dụng không mong muốn. Hãy thông báo cho bác sĩ về tất cả những sản phẩm thuốc khác mà bạn đang sử dụng, bao gồm cả thuốc theo đơn, không kê đơn và các sản phẩm làm từ thảo dược. Không được bắt đầu, dừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào mà chưa có sự đồng ý của bác sĩ.

Theo đó, Naofaramin không được khuyến khích dùng chung với rượu, benzodiazepine, IMAO & thuốc chống trầm cảm 3 vòng nhằm tránh tình trạng tương tác trên.

5. Tác dụng phụ của thuốc Naofaramin

Tác dụng phụ xảy ra trong quá trình dùng thuốc có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: dùng thuốc sai liều lượng, tương tác thuốc,... Điều này khiến người bệnh gặp phải các dấu hiệu ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Naofaramin như: Ngủ gật, khô miệng, loạn thị giác...

6. Cách bảo quản thuốc Naofaramin

  • Đọc kỹ hướng dẫn thông tin bảo quản thuốc ghi trên vỏ hộp và đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc Naofaramin.
  • Trước khi dùng cần kiểm tra hạn sử dụng thuốc. Khi không sử dụng đến thuốc thì cần thu gom và xử lý theo những hướng dẫn của nhà sản xuất hay những người phụ trách liên quan đến lĩnh vực y khoa.
  • Bảo quản thuốc ở nơi khô thoáng, tránh tiếp xúc trực tiêp với ánh nắng hoặc nhiệt độ cao sẽ có thể làm chuyển hóa các thành phần ở trong thuốc.

Như vậy, bài viết trên đã giúp bạn đọc giải đáp các thắc mắc về công dụng của thuốc Naofaramin. Đồng thời đưa ra các hướng dẫn giúp người bệnh sử dụng thuốc an toàn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan