Công dụng thuốc Panamax

Panamax là thuốc giảm đau và hạ sốt, được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề như đau đầu, đau cơ, đau lưng, viêm khớp, cảm lạnh... Thuốc Panamax được bào chế dạng viên nén với thành phần dược chất chính là Paracetamol.

1. Thuốc Panamax là thuốc gì? Thuốc Panamax có tác dụng gì?

1.1. Thành phần của thuốc Panamax

Thuốc Panamax là một thuốc thuộc nhóm thuốc có tác dụng giảm đau và hạ sốt. Thuốc thường được sử dụng để điều trị các triệu chứng như: đau đầu, đau lưng, đau cơ, viêm khớp,...Thuốc Panamax được bào chế dưới dạng viên nén.

Mỗi viên nén Panamax bao gồm:

  • Thành phần hoạt chất chính Paracetamol;
  • Một số thành phần tá dược khác như: Povidone, Acid Stearic, tinh bột ngô, bột Talc, Kali sorbat,... với lượng vừa đủ 1 viên.

Thuốc Panamax có quy cách đóng gói là hộp 100 viên, mỗi hộp có 10 vỉ, mỗi vỉ có 10 viên.

1.2. Dược lực học của thuốc Panamax

  • Thuốc Panamax có thành phần hoạt chất chính là Paracetamol là một loại thuốc hạ sốt, giảm đau không steroid. Đây chính là một thành phần có tác dụng giảm đau, hạ sốt rất tốt, thường được sử dụng phổ biến để điều trị các bệnh lý như đau đầu, sốt, viêm khớp,...
  • Cơ chế hoạt động của Paracetamol: Paracetamol có tác dụng ngăn chặn dẫn truyền thông tin đau đến não, do đó sau khi uống thuốc Panamax các cơn đau nhức sẽ giảm liều đi hoặc biến mất một cách hiệu quả.
  • Với tác dụng giảm đau, thuốc Panamax thường được sử dụng như một thuốc giảm đau tạm thời trong việc điều trị các triệu chứng đau vừa và nhẹ như đau đầu, đau răng, đau bụng,.. và có hiệu quả nhất là giảm đau những dấu hiệu đau thấp có nguồn gốc không phải nguyên nhân do nội tạng.
  • Hoạt chất Paracetamol là một thuốc giảm đau, hạ sốt rất tốt và an toàn hơn Aspirin. Thuốc Panamax thường được thay thế Aspirin trong nhiều trường hợp, tuy nhiên một hạn chế của Paracetamol so với Aspirin là Paracetamol không có hiệu quả trong việc chống viêm.
  • Hoạt chất Paracetamol được dùng ở liều điều trị hầu như không có các tác dụng phụ như tác động đến hệ tim mạch và hô hấp, không ảnh hưởng đến cân bằng acid-base, không gây kích ứng hoặc làm chảy máu dạ dày so với khi sử dụng thuốc Aspirin. Việc sử dụng thuốc Panamax an toàn hơn so với Aspirin do nó không tác động lên cyclooxygenase toàn thân, chỉ tác động lên cyclooxygenase của hệ thần kinh trung ương.

2. Thuốc Panamax trị bệnh gì?

Paracetamol là một chất có tác dụng giảm đau hạ sốt, do đó thuốc Panamax thường được chỉ định trong điều trị những người bị đau nhức thông thường với các dấu hiệu như sau đau đầu, đau răng, đau cơ, đau lưng, đau gối, đau dây thần kinh, cảm lạnh, sốt,...

Ngoài ra, thuốc Panamax còn có thể được dùng để giảm đau ở những phụ nữ bị đau bụng kinh, những người bị bệnh viêm xương khớp.

3. Cách dùng và liều dùng của thuốc Panamax

3.1. Cách dùng của thuốc Panamax

Khi sử dụng thuốc Panamax, bạn cần phải lưu ý một số điều như sau:

  • Phải dùng thuốc Panamax theo đúng sự chỉ định của bác sĩ điều trị về liều lượng và thời gian sử dụng.
  • Uống thuốc Panamax cùng với chút nước.
  • Không được nghiền nát thuốc ra để uống. Nguyên nhân là do lượng thuốc bị cơ thể hấp thụ quá lớn, làm gia tăng nguy cơ mắc các tác dụng phụ.
  • Không dùng thuốc Panamax đã hết hạn sử dụng hoặc đã bị biến chất.
  • Nếu sau một thời gian sử dụng mà không thấy bệnh có dấu hiệu thuyên giảm, ngưng sử dụng thuốc Panamax và tìm gặp bác sĩ điều trị để được tư vấn cách chữa trị phù hợp.

3.2. Liều dùng của thuốc Panamax

Tùy vào từng trường hợp và mức độ bệnh lý khác nhau mà các bác sĩ điều trị có thể điều chỉnh liều lượng sử dụng cho phù hợp. Tuy nhiên, liều điều trị thông thường của thuốc Panamax sẽ được quy định cụ thể như sau:

  • Đối tượng trên 12 tuổi: Sử dụng 1 – 2 viên/ lần. Bác sĩ điều trị có thể chỉ định sử dụng thuốc nhiều lần với thời gian giãn cách là 4 – 6 giờ, nếu cần thiết.
  • Trẻ em (7 – 12 tuổi): Sử dụng 1/2 – 1 viên/ lần. Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ điều trị có thể dùng thuốc nhiều lần, lần dùng sau cách lần dùng trước từ 4 – 6 tiếng nhưng không được vượt quá 4 viên/ ngày.
  • Trẻ dưới 7 tuổi: Thuốc Panamax dạng viên nén không được chỉ định sử dụng đối với đối tượng này.

3.3. Trường hợp thiếu/ quá liều

  • Trong trường hợp sử dụng thiếu liều: Hãy dùng liều điều trị đã quên ngay khi nhớ ra. Nếu thời gian sử dụng thuốc đã gần với thời gian dùng liều tiếp theo, hãy bỏ qua liều cũ. Tuyệt đối không được tự ý tăng gấp đôi liều lượng để bù vào.
  • Trong trường hợp sử dụng quá liều: Trong trường hợp dùng thuốc quá liều lượng quy định, nếu thấy cơ thể có những biểu hiện bất thường hãy gọi ngay cho các bác sĩ điều trị hoặc các trung tâm y tế để được hướng dẫn cách xử lý.

4. Một số tác dụng không mong muốn của thuốc Panamax

Thuốc Panamax có thể gây ra các tác dụng không mong muốn đến sức khỏe. Những vấn đề sức khỏe phổ biến mà bạn có thể gặp phải khi dùng thuốc, bao gồm:

  • Buồn nôn và nôn;
  • Đau bụng;
  • Khó tiêu;
  • Toát mồ hôi;
  • Da bị nổi ban mẩn đỏ hay bị bong tróc.

Bên cạnh đó, thuốc Panamax còn có thể gây ra một số vấn đề nghiêm trọng khác. Bạn cần liên hệ với bác sĩ điều trị hoặc các trung tâm y tế nếu thấy cơ thể xuất hiện các điểm bất thường như sau:

  • Sốt;
  • Thở khò khè, khó thở;
  • Mặt, môi, lưỡi hay những bộ phận khác trên cơ thể bị sưng;
  • Nổi các mụn nước và có thể gây ra chảy máu ở môi, mắt, miệng, mũi hoặc bộ phận sinh dục;
  • Nổi mề đay, phát ban trên da;
  • Vàng da và mắt.

Nếu gặp phải các vấn đề nghiêm trọng đến sức khỏe trên trong quá trình sử dụng thuốc Panamax, bạn nên đến ngay cơ sở y tế gần nhân để được tư vấn và giải quyết kịp thời, đúng phác đồ.

5. Tương tác của thuốc Panamax

Các loại thuốc có thể gây ra tương tác với thuốc Panamax, bao gồm:

  • Các loại thuốc có làm loãng máu;
  • Thuốc điều trị bệnh động kinh;
  • Thuốc sử dụng để kiểm soát cảm giác buồn nôn hay nôn mửa nhiều như Metoclopramide và Domperidone;
  • Thuốc điều trị bệnh lý viêm loét dạ dày Propantheline;
  • Các loại thuốc giảm đau khác;
  • Rượu hay các loại thức uống có chứa cồn khác;
  • Thuốc ngủ và thuốc điều trị bệnh trầm cảm;
  • Thuốc kháng sinh Chloramphenicol;
  • Các loại thuốc sử dụng để điều trị nhiễm trùng như flucloxacillin, rifampicin, zidovudine;
  • Thuốc chữa bệnh gout Probenecid;
  • Thuốc làm giảm cholesterol trong máu (cholestyramine...);
  • Nhựa chelating.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Panamax

6.1. Chống chỉ định

Thuốc Panamax 500mg chống chỉ định với các trường hợp sau:

  • Nhạy cảm với các thành phần của thuốc;
  • Người thiếu hụt men glucose – 6 – phosphate-dehydrogenase (enzym).
  • Người bị mắc các vấn đề về gan thận.

6.2. Thận trọng khi sử dụng thuốc Panamax

Trước khi sử dụng thuốc Panamax, bạn cần phải thông báo với các bác sĩ điều trị đầy đủ những thông tin về tiền sử bệnh lý, các vấn đề sức khỏe mà bạn đang gặp phải, đặc biệt là:

  • Mẫn cảm hay cơ địa nhạy cảm với bất cứ thành phần nào có trong thuốc.
  • Mắc hội chứng Gilbert.
  • Người bị các vấn đề sức khỏe liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, hen suyễn hoặc bị khí phế thũng.
  • Người sử dụng các loại đồ uống có cồn mà đặc biệt là rượu với số lượng lớn.
  • Dị ứng với Aspirin hoặc các loại thuốc thuộc nhóm NSAID khác.
  • Thiếu hụt men glutathione.
  • Phụ nữ đang trong thời gian mang thai và cho con bú.

6.3. Lưu ý với các nhóm đối tượng đặc biệt khác

  • Đối với phụ nữ có thai: Thời kỳ mang thai là một thời kỳ rất nhạy cảm đối với cả phụ nữ đang mang thai và thai nhi, do đó việc sử dụng thuốc Panamax trong thời kỳ này đối với phụ nữ là một việc cần phải được cân nhắc thận trọng. Nếu không thực sự cần thiết không nên sử dụng thuốc Panamax cho phụ nữ trong thời kỳ đang mang thai, trừ khi được bác sĩ điều trị hoặc các chuyên gia sức khỏe cho rằng lợi ích điều trị mà thuốc Panamax mang lại cho người mẹ lớn hơn nguy cơ mà nó có thể mang lại cho thai nhi.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Tương tự trong việc sử dụng cho phụ nữ có thai, thuốc Panamax được khuyến cáo rằng nên thận trọng khi sử dụng cho phụ nữ đang cho con bú, chỉ sử dụng khi đã được bác sĩ điều trị cân nhắc giữa lợi ích điều trị mà nó mang lại lớn hơn nguy có mà nó gây ra.

Để đảm bảo sức khỏe, trước khi dùng thuốc Panamax người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ nhằm có những chỉ định sao cho phù hợp, đảm bảo sức khỏe người bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

144.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan