Công dụng thuốc Perihapy 8

Perihapy thuộc nhóm thuốc ức chế men chuyển trong điều trị tăng huyết áp. Các công dụng, chỉ định và cách sử dụng thuốc sẽ được cung cấp trong bài viết dưới đây.

1. Perihapy là thuốc gì?

Perihapy có thành phần hoạt chất chính là Perindopril - thuốc ức chế men chuyển Angiotensin, điều trị tăng huyết áp cả tâm thu và tâm trương ở bệnh nhân huyết áp cao mức độ nhẹ, vừa tới nặng.

Cơ chế tác dụng của thuốc sau khi vào cơ thể là thủy phân thành dạng hoạt động là perindoprilat - là chất ức chế chuyên biệt của men chuyển dạng angiotensin. Ức chế quá trình chuyển dạng Angiotensin I thành Angiotensin II (chất gây co mạch, kích thích bài tiết aldosteron ở vỏ thượng thận); từ đó làm giãn mạch, khôi phục lại tính đàn hồi của các động mạch lớn, giảm tiết aldosteron (tăng thải natri, tăng giữ kali) và hạ áp.

Ngoài ra, Perihapy còn làm tăng hoạt tính của renin trong huyết tương, giảm áp lực mạch máu ngoại biên ưu thế trên cơ và thận, do đó không gây giữ muối nước, không gây tăng tăng nhịp tim phản xạ khi sử dụng kéo dài.

Đối với bệnh nhân suy tim, thuốc làm giảm công tải cho tim, điều chỉnh chuyển hóa prostaglandin, giảm tiền gánh và bảo vệ tế bào cơ tim, phòng ngừa các biến cố tim mạch.

Vì các thuốc ức chế men chuyển gây bất hoạt bradykinin, tăng hoạt tính của hệ kallikrein - kinin tại chỗ và trong hệ tuần hoàn làm hoạt hóa hệ thống prostaglandin nên ngoài góp phần làm giảm huyết áp, Perihapy cũng gây ra phản ứng ho khan.

Thuốc hấp thu nhanh bằng đường uống, tỷ lệ hấp thu thuốc từ 65 - 70% liều sử dụng; đạt nồng độ đỉnh trong huyết tương sau 3 - 4 giờ. Thuốc gắn kết với chỉ khoảng dưới 30% protein huyết tương, thời gian bán hủy trong 24 giờ; qua được nhau thai và thải trừ chủ yếu qua nước tiểu.

Phối hợp điều trị Perihapy với các thuốc hạ áp nhóm lợi tiểu làm giảm nguy cơ hạ kali máu so với dùng đơn độc thuốc lợi tiểu.

2. Chỉ định của thuốc Perihapy

Thuốc Perihapy được sử dụng trong các trường hợp bệnh lý sau:

  • Điều trị tăng huyết áp vô căn hay thứ phát các mức độ nhẹ, vừa tới nặng.
  • Bệnh lý suy tim sung huyết.
  • Bệnh nhân tăng huyết áp kèm bệnh tim thiếu máu cục bộ mạn tính có cơn đau thắt ngực ổn định.

3. Chống chỉ định của thuốc Perihapy

Không sử dụng Perihapy ở những bệnh nhân có các bệnh lý sau:

  • Dị ứng với thành phần Perindopril, thuốc hạ áp nhóm ức chế men chuyển (ACE) hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Trẻ em, phụ nữ có thai và đang cho con bú chống chỉ định dùng thuốc Perihapy.
  • Bệnh lý hẹp động mạch thận 2 bên hoặc hẹp động mạch thận 1 bên ở những bệnh nhân chỉ còn 1 thận hoạt động.
  • Các trường hợp bệnh nhân có điều trị bệnh lý ngoài cơ thể làm máu tiếp xúc với các bề mặt điện tích âm.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Perihapy

  • Bệnh nhân suy tim, đang trong tình trạng mất muối nước nghiêm trọng (ăn nhạt hoàn toàn hay dùng thuốc lợi tiểu), hẹp động mạch thận,... khi dùng thuốc có nguy cơ hạ huyết áp quá mức. Vì vậy, khi điều trị Perihapy ở những đối tượng này nên dùng thuốc liều thấp, giảm liều hoặc ngừng thuốc lợi tiểu trước đó ít nhất 3 ngày.
  • Ở những bệnh nhân suy thận đang thẩm phân máu có thể làm tăng nguy cơ các phản ứng như phù nề môi lưỡi, khó thở, giảm huyết áp quá mức. Vì vậy, theo dõi chức năng thận trước và trong suốt quá trình điều trị, điều chỉnh liều dùng Perihapy ở bệnh nhân suy thận theo độ lọc cầu thận.
  • Bệnh nhân tăng huyết áp do bất thường giải phẫu mạch máu thận, ngoài điều trị nguyên nhân, Perihapy cũng có thể hiệu quả hạ áp trước khi tiến hành phẫu thuật hoặc ở những bệnh nhân không thể phẫu thuật.
  • Trước các phẫu thuật lớn phải dùng các thuốc gây mê có thể gây hạ huyết áp. Vì vậy, phải ngừng thuốc hoặc giảm liều Perihapy trước đó.
  • Bệnh nhân đang điều trị đái tháo đường bằng thuốc uống hoặc insulin phải kiểm tra theo dõi đường huyết thường xuyên trong quá trình dùng Perihapy.
  • Chưa chứng minh được hiệu quả và tính an toàn khi dùng thuốc ở trẻ em.

5. Tương tác thuốc của Perihapy

Một số tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp Perihapy với các thuốc khác như sau:

  • Phối hợp với các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), corticoid, Tetracosactide có thể làm giảm tác dụng của thuốc Perihapy.
  • Phối hợp Perihapy với các thuốc an thần kinh, thuốc chống trầm cảm (Imipramine) làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng; với các thuốc lợi tiểu giữ kali, các muối kali làm tăng kali huyết dẫn đến suy thận; với Lithium là tăng nồng độ lithium trong máu có thể tăng đến ngưỡng gây độc cho cơ thể.
  • Perihapy làm tăng tác dụng hạ đường huyết của thuốc điều trị tiểu đường (kể cả thuốc uống và insulin).
  • Sử dụng đồng thời với các thuốc ức chế men chuyển khác làm tăng nguy cơ phù mạch, biểu hiện sưng đường thở, sưng lưỡi, có thể gây suy hô hấp.
  • Sử dụng kết hợp Perihapy với các thuốc chẹn thụ thể angiotensin II hoặc aliskiren làm tăng nguy cơ hạ huyết áp quá mức, tăng kali máu, suy thận cấp.
  • Rượu bia, thuốc lá hoặc một số loại thực phẩm có cồn có thể làm thay đổi sinh khả dụng của thuốc.
  • Một số tương tác thuốc khác chưa được báo cáo đầy đủ. Do đó, trước khi điều trị bằng thuốc Perihapy nên thông báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc bệnh nhân đang sử dụng trong thời gian gần đây.

6. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Perihapy được bào chế dưới dạng viên nén hàm lượng 8mg. Uống nguyên viên thuốc với nước, không nghiền nát hay bẻ đôi viên thuốc.
  • Thuốc được sử dụng 1 lần/ ngày, uống vào buổi sáng.

Liều dùng:

  • Bệnh nhân tăng huyết áp: Liều ban đầu 4mg/ lần/ ngày. Tăng liều lên 8mg/ lần/ ngày sau 1 tháng điều trị nếu chỉ số huyết áp không được cải thiện rõ rệt.
  • Bệnh nhân lớn tuổi có suy giảm chức năng thận: Liều ban đầu 2mg/ lần/ ngày. Tăng liều lên 4mg/ lần/ ngày sau 1 tháng điều trị nếu chỉ số huyết áp không cải thiện rõ rệt.
  • Bệnh nhân suy thận có độ lọc cầu thận từ 30 - 60ml/ phút: uống 2mg/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận có độ lọc cầu thận từ 15 - 30ml/ phút: uống 2mg lần/ ngày uống cách ngày.
  • Bệnh nhân suy thận có độ lọc cầu thận dưới 15ml/ phút: uống 2mg/ lần vào ngày thẩm phân.
  • Điều trị suy tim sung huyết: Liều khởi đầu 2mg/ lần/ ngày; điều trị dự phòng ở bệnh nhân có yếu tố nguy cơ: 1mg/ lần/ ngày.
  • Liều dùng chỉ mang tính chất tham khảo. Tùy từng đối tượng bệnh nhân và tình trạng bệnh lý khác nhau mà bác sĩ sẽ có chỉ định liều dùng Perihapy khác nhau.

7. Tác dụng phụ của thuốc Perihapy

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Perihapy:

  • Đau đầu, thay đổi tính tình, mất ngủ, suy nhược cơ thể, chóng mặt, chuột rút.
  • Rối loạn vị giác, có thể gây nhạt miệng, đắng miệng, khô miệng, chán ăn.
  • Có thể xuất hiện các phản ứng quá mẫn như nổi mụn, ban ngứa, nổi mề đay.
  • Ho khan, ho kích ứng nhưng không gây nhiều khó chịu cho người bệnh.
  • Tăng kali máu thoáng qua, tăng ure, creatinin; hồi phục sau khi ngưng thuốc.
  • Phù mạch (phù quincke) ở mặt, phù đầu chi, đường hô hấp, môi lưỡi.

Tóm lại, Perihapy là thuốc điều trị tăng huyết áp nhóm ức chế men chuyển. Thuốc phải được kê đơn và theo dõi bắt buộc bởi bác sĩ. Không tự ý sử dụng hay ngưng điều trị thuốc vì nguy cơ gây ra một số phản ứng bất lợi cho cơ thể.

54 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan