Công dụng thuốc Phymaxfen

Thuốc Phymaxfen được bào chế dưới dạng hỗn dịch uống với thành phần chính là Ibuprofen. Thuốc Phymaxfen được sử dụng chủ yếu trong điều trị hạ sốt và giảm đau.

1. Thuốc Phymaxfen có tác dụng gì?

Mỗi 5ml hỗn dịch uống Phymaxfen có chứa 100mg Ibuprofen.

Ibuprofen là một NSAID (thuốc kháng viêm không steroid), thuộc nhóm acid propionic trong tập hợp các dẫn xuất của aryl carboxylic. Ở liều thấp, ibuprofen có tác dụng hạ sốt, giảm đau, còn với liều cao >1200mg/ngày thì có công dụng kháng viêm.

Cơ chế tác dụng chống viêm của Ibuprofen là ức chế quá trình tổng hợp các chất trung gian hóa học gây viêm, đặc biệt là prostaglandin bằng cách ức chế enzyme COX.

Ngoài ra, thuốc Phymaxfen còn đối kháng hệ enzyme phân hủy protein, ngăn chặn quá trình biến đổi protein làm bền vững màng lysosom và đối kháng các tác dụng của những chất trung gian hóa học như serotonin, bradykinin, histamin, ức chế hóa hướng động bạch cầu và ức chế sự di chuyển của bạch cầu đến các tổ chức bị viêm.

Ibuprofen có công dụng giảm đau mức độ nhẹ và vừa bằng cách làm giảm sự tổng hợp prostaglandin F2, làm giảm tích cảm thụ của ngọn dây thần kinh cảm giác với các chất gây triệu chứng đau của phản ứng viêm như serotonin, bradykinin,... Ngoài ra, Ibuprofen có tác dụng chống kết tập tiểu cầu yếu hơn so với aspirin.

Chỉ định thuốc Phymaxfen trong:

Chống chỉ định:

  • Người bệnh quá mẫn với bất cứ thành phần nào của thuốc Phymaxfen;
  • Người có tiền sử xảy ra phản ứng quá mẫn như viêm mũi, bệnh hen, mề đay, sưng hạch bạch huyết khi dùng Aspirin hoặc những NSAID khác;
  • Người bệnh trong tình trạng có liên quan đến chảy máu hay tăng xu hướng chảy máu;
  • Người bệnh đang trong tình trạng có tiền sử chảy máu dạ dày - ruột tái diễn hoặc loét đường tiêu hóa;
  • Người bệnh có tiền sử thủng dạ dày - ruột hoặc chảy máu có liên quan đến việc sử dụng NSAID trước đó;
  • Người bệnh suy tim nặng, suy gan nặng, suy thận nặng, mất nước nặng;
  • Người có thai trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Phymaxfen

Cách dùng: Lắc kỹ lọ thuốc trước khi dùng. Nên dùng thuốc khi đói và có thể dùng kèm thức ăn. Hỗn dịch thuốc có thể gây cảm giác nóng rát thoáng qua ở miệng hoặc họng.

Liều dùng:

  • Người lớn và thanh thiếu niên trên 12 tuổi: Giảm đau với liều 10 - 20ml/lần x 3 - 4 lần/ngày;
  • Trẻ em: Hạ sốt và giảm đau với liều hàng ngày là 20 - 30mg/kg thể trọng, chia thành nhiều lần và nên tham khảo ý kiến bác sĩ;
  • Không sử dụng thuốc Phymaxfen cho trẻ dưới 3 tháng tuổi hay dưới 5kg;
  • Cần hỏi bác sĩ về những hiện tượng bất thường khi dùng thuốc Phymaxfen ở mọi đối tượng.

Lưu ý:

  • Liều dùng tối đa 1 lần/ngày đối với người lớn và thanh thiếu niên không quá 400mg Ibuprofen;
  • Sử dụng trên 400mg/lần không làm tăng hiệu quả giảm đau;
  • Tổng liều dùng đối với thanh thiếu niên và người lớn không nên quá 1200mg Ibuprofen trong khoảng 24 giờ;
  • Khoảng cách giữa các liều Phymaxfen tối thiểu 4 giờ;

Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị nếu các triệu chứng không giảm đi hay nặng thêm hoặc cần sử dụng Ibuprofen quá 5 ngày để điều trị giảm đau và quá 3 ngày để điều trị hạ sốt;

Quá liều:

  • Có dấu hiệu ngộ độc được ghi nhận ở trẻ em với liều 400mg/kg trở lên, ở người lớn thì triệu chứng không rõ ràng;
  • Triệu chứng: Biểu hiện quá liều chủ yếu trong vòng 4 - 6 giờ, bao gồm: buồn nôn, nôn mửa, đau bụng, ngủ lịm và ngủ gật, đau đầu, ù tai, chóng mặt, co giật, mất tỉnh táo, rung giật nhãn cầu, nhiễm acid chuyển hóa, hạ thân nhiệt, ảnh hưởng đến thận, chảy máu dạ dày ruột, hôn mê, ngạt thở và trầm cảm, tụt huyết áp, chậm nhịp tim, tim đập nhanh, suy thận và tổn thương gan;
  • Xử trí: Hiện không có biện pháp giải độc đặc hiệu khi quá liều thuốc Ibuprofen. Khuyến cáo nên rửa dạ dày hoặc làm sạch dạ dày kèm áp dụng các biện pháp hỗ trợ nếu liều dùng vượt quá 400mg/kg trong giờ đầu tiên.

3. Tác dụng phụ của thuốc Phymaxfen

Trong quá trình sử dụng thuốc Phymaxfen, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau:

  • Tiêu hóa: Loét hệ thống tiêu hóa, thủng dạ dày ruột hoặc chảy máu, nôn ra máu, loét dạ dày, viêm dạ dày, tiêu chảy, đầy hơi, táo bón, khó tiêu, buồn nôn, nôn, đau bụng, đại tiện máu đen, bệnh viêm ruột kết tiến triển và bệnh Crohn;
  • Phản ứng quá mẫn: Có các phản ứng phản vệ và phản ứng dị ứng không đặc hiệu. Các phản ứng đường hô hấp bao gồm hen, hen tăng lên, khó thở, co thắt phế quản; các rối loạn về da như ngứa, mày đay, phù bạch huyết, ban đỏ, bệnh da bóng nước (bao gồm hoại tử biểu bì độc tính và hội chứng Stevens - Johnson);
  • Các tình trạng nhiễm ký sinh trùng và nhiễm trùng;
  • Da và rối loạn mô dưới da: Bội nhiễm mô mềm, nhiễm trùng da nghiêm trọng có thể xảy ra khi bị viêm thủy đậu;
  • Rối loạn tim mạch: Tăng nhẹ nguy cơ có sự cố huyết khối động mạch như đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

Khi gặp tác dụng phụ của thuốc Phymaxfen, bệnh nhân nên báo cho các bác sĩ để được hỗ trợ xử trí.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Phymaxfen

Một số vấn đề bệnh nhân cần lưu ý trước và trong khi sử dụng thuốc Phymaxfen:

  • Tác dụng phụ có thể được giảm bớt bằng cách sử dụng liều thấp nhất có tác dụng trong một khoảng thời gian ngắn nhất cần thiết để kiểm soát triệu chứng;
  • Tương tự với các NSAID khác, thuốc Phymaxfen có thể che giấu dấu hiệu nhiễm trùng;
  • Nên tránh sử dụng thuốc Phymaxfen cùng với các NSAID khác, bao gồm các loại thuốc ức chế chọn lọc cyclooxygenase - 2 do nguy cơ tác dụng hiệp đồng;
  • Thuốc Phymaxfen có thể tạm thời ức chế kết tập tiểu cầu;
  • Khi sử dụng kéo dài có thể xảy ra đau đầu nhưng không được điều trị bằng cách tự ý tăng liều dùng Phymaxfen;
  • Khi sử dụng thuốc Phymaxfen cùng với rượu có xảy ra các tác dụng phụ liên quan đến hoạt chất của NSAID, đặc biệt là ở hệ thần kinh trung ương hoặc dạ dày ruột;
  • Người già: Có thể gặp các tác dụng không mong muốn của NSAID với tần suất tăng lên, đặc biệt là tình trạng thủng và chảy máu dạ dày ruột, có thể dẫn đến tử vong;
  • Ảnh hưởng đối với tim mạch: Nên hỏi ý kiến bác sĩ khi sử dụng thuốc Phymaxfen cho người có tiền sử cao huyết áp và/hoặc suy tim, suy tim sung huyết, bệnh động mạch ngoại biên và/hoặc bệnh mạch não, có yếu tố nguy cơ về sự cố tim mạch; huyết khối động mạch;
  • Chảy máu, loét và thủng dạ dày ruột có thể xảy ra và gây tử vong ở bất kỳ thời điểm nào của đợt điều trị. Nguy cơ này tăng lên đối với người bệnh có tiền sử loét, đặc biệt là kèm chảy máu hoặc thủng dạ dày và cả người già. Nhóm bệnh nhân này nên bắt đầu điều trị ở liều dùng thấp nhất có thể. Cần cân nhắc khi kết hợp điều trị với các thuốc bảo vệ, thuốc có khả năng tăng nguy cơ dạ dày ruột. Chú ý nên dừng điều trị với thuốc Phymaxfen nếu người bệnh bị chảy máu hoặc loét dạ dày ruột.
  • Ảnh hưởng đến thận: Cần cẩn trọng khi dùng thuốc Phymaxfen ở người bệnh bị mất nước, đặc biệt là người già, trẻ em, thanh thiếu niên, người có nguy cơ suy thận. Nhìn chung, thói quen sử dụng thuốc giảm đau, đặc biệt là kết hợp với một vài hoạt chất giảm đau có thể dẫn đến thận bị tổn thương với nguy cơ suy thận, đặc biệt là khi có căng thẳng về thể chất kết hợp với mất nước và mất muối. Nên thận trọng đối với người bệnh cao huyết áp và/hoặc suy tim do chức năng thận có thể đã bị suy giảm;
  • Rối loạn hệ hô hấp: Cẩn cẩn thận nếu sử dụng thuốc Phymaxfen cho người bệnh đang trong tình trạng hoặc có tiền sử bị hen phế quản bởi vì đã có báo cáo về việc NSAID thúc đẩy co thắt phế quản ở những người bệnh này;
  • Ảnh hưởng đến da: Bệnh nhân dùng thuốc Phymaxfen có thể xảy ra phản ứng da nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong như hội chứng Stevens - Johnson, viêm da tróc da, hoại tử biểu bì độc tính. Nên dừng điều trị với Phymaxfen ngay khi thấy tổn thương da niêm mạc, ban da hoặc các dấu hiệu quá mẫn khác. Ở một số trường hợp, bệnh thủy đậu có thể là nguyên nhân của bội nhiễm mô mềm và da nghiêm trọng. Nên tránh dùng thuốc này khi bị thủy đậu;
  • Lupus ban đỏ đa hệ thống và bệnh mô liên kết hỗn hợp: Cần phải thận trọng với người bệnh mô liên kết hỗn hợp và lupus ban đỏ đa hệ thống (SLE) vì có thể tăng thêm nguy cơ xảy ra viêm màng não;
  • Các phản ứng dị ứng: Đã ghi nhận phản ứng quá mẫn cấp tính nghiêm trọng như sốc phản vệ. Nếu có trường hợp này cần ngừng thuốc Phymaxfen ngay lập tức và áp dụng các biện pháp y tế cần thiết. Cần cẩn thận đối với người bệnh đã từng có dị ứng hoặc phản ứng quá mẫn với các chất khác, người bệnh bị u ở mũi, sốt cỏ khô, rối loạn nghẽn đường hô hấp mạn tính;
  • Nguy cơ huyết khối tim mạch: Các NSAIDs, không phải aspirin sử dụng đường toàn thân có thể gây tăng nguy cơ xuất hiện biến cố huyết khối tim mạch bao gồm đột quỵ và nhồi máu cơ tim. Nguy cơ này có thể xuất hiện sớm ở vài tuần đầu sử dụng thuốc và có thể tăng theo thời gian sử dụng thuốc, chủ yếu ở liều cao. Để giảm thiểu nguy cơ xảy ra biến cố bất lợi, cần sử dụng thuốc Phymaxfen ở liều hàng ngày thấp nhất có hiệu quả trong thời gian ngắn nhất có thể;
  • Các thông tin liên quan đến tá dược: Ibuprofen hỗn dịch uống 20mg/ml có chứa sorbitol và sucrose, người bệnh có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp fructose, kém hấp thụ glucose - galactose hay thiếu hụt sucrose - isomaltase không nên sử dụng thuốc Phymaxfen. Ngoài ra cần thận trọng khi dùng thuốc ở người bệnh tiểu đường. Đồng thời, thuốc Phymaxfen có thể gây hại cho răng. Ibuprofen hỗn dịch uống 20mg/ml có thể gây ra phản ứng dị ứng;
  • Lái xe: Khi sử dụng thuốc Phymaxfen, thời gian phản ứng của người bệnh có thể bị ảnh hưởng. Do vậy, cần tính đến tác động này đối với những hoạt động đòi hỏi tính cảnh giác, phản ứng nhanh như vận hành thiết bị, máy móc hoặc lái tàu xe;
  • Khả năng sinh sản: Đã có những bằng chứng rằng việc các thuốc ức chế tổng hợp cyclooxygenase/prostaglandin có thể gây suy giảm khả năng sinh sản ở phụ nữ vì ảnh hưởng đến rụng trứng. Tác động này có thể mất đi khi kết thúc việc điều trị;
  • Phụ nữ có thai: Sự ức chế tổng hợp prostaglandin có thể gây ảnh hưởng bất lợi đến việc mang thai và sự phát triển của phôi/thai. Thuốc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai, tật nứt bụng và dị tật ở tim. Nếu sử dụng thuốc Phymaxfen cho người đang cố gắng thụ thai hoặc trong 3 tháng đầu và giữa của thai kỳ thì nên áp dụng liều thấp nhất có thể cũng như liệu trình điều trị càng ngắn càng tốt. Trong thời gian 3 tháng cuối của thai kỳ, việc sử dụng thuốc Phymaxfen có thể phơi nhiễm thai nhi với các nguy cơ như nhiễm độc tim phổi, suy giảm chức năng thận có thể dẫn đến suy thận. Do đó, chống chỉ định Phymaxfen cho phụ nữ mang thai 3 tháng cuối;
  • Không khuyến nghị sử dụng thuốc Phymaxfen trong thời kỳ sinh đẻ và chuyển dạ;
  • Người cho con bú: Trong những nghiên cứu đến nay có ghi nhận ibuprofen xuất hiện ở sữa mẹ với hàm lượng rất thấp và nếu có thể thì vẫn nên tránh sử dụng thuốc Phymaxfen ở những bà mẹ cho con bú.

5. Tương tác thuốc Phymaxfen

Một số tương tác thuốc Phymaxfen người dùng cần chú ý là:

  • Phymaxfen có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc lợi tiểu, thuốc chẹn kênh beta, thuốc ức chế ACE và thuốc đối kháng angiotensin-II;
  • Thuốc lợi tiểu có thể gây tăng nguy cơ ngộ độc thận của Phymaxfen;
  • Ở một số người bệnh có chức năng thận suy giảm (ví dụ như người bệnh mất nước hoặc người bệnh lớn tuổi có chức năng thận suy giảm), việc dùng đồng thời thuốc Phymaxfen với các thuốc ức chế ACE, thuốc đối kháng angiotensin-II, thuốc chẹn dòng beta và các chất ức chế cyclooxygenase có thể làm hủy hoại thêm chức năng thận, bao gồm khả năng suy thận cấp và thường có hồi phục;
  • Glycosid trợ tim: NSAID có thể làm nặng thêm tình trạng suy tim, giảm tốc độ lọc cầu thận và làm tăng nồng độ trong huyết tương của glycosid trợ tim như digoxin;
  • Lithium: Việc dùng đồng thời thuốc Phymaxfen với các chế phẩm lithium có thể làm tăng nồng độ trong huyết thanh của các thuốc này;
  • Methotrexate: NSAID có thể gây ức chế bài tiết methotrexate ở ống thận đồng thời làm giảm độ thanh thải methotrexate;
  • Cyclosporin: Làm tăng nguy cơ ngộ độc thận với NSAID;
  • Mifepristone: Hiệu quả của thuốc bị giảm đi do tác dụng kháng prostaglandin của NSAID, bao gồm acid acetylsalicylic;
  • Corticosteroid: Thuốc Phymaxfen nên được sử dụng thận trọng khi kết hợp với corticosteroid bởi vì sự kết hợp này có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng bất lợi, đặc biệt là đối với ống dạ dày ruột (như chảy máu hoặc loét dạ dày ruột);
  • Những thuốc chống đông: NSAID có thể gây tăng tác dụng của những loại thuốc chống đông, ví dụ như warfarin;
  • Axit acetylsalicylic: Cũng tương tự với các thuốc khác có chứa NSAID, sử dụng đồng thời thuốc Phymaxfen với acid acetylsalicylic/aspirin nhìn chung không được khuyến nghị bởi vì có khả năng tăng các tác dụng bất lợi;
  • Sulfonylurea: Các chất NSAID có thể làm gia tăng tác dụng của các thuốc sulfonylurea. Hiện có rất ít báo cáo cho thấy hiện tượng giảm đường huyết ở người bệnh đang điều trị với Sulfonylurea có sử dụng Ibuprofen;
  • Zidovudine: Dùng chung với NSAIDs làm tăng nguy cơ gây độc tính huyết. Có bằng chứng tăng nguy cơ bướu máu và tụ máu khớp ở người bệnh HIV dương tính có chứng máu khó đông sau khi được điều trị đồng thời ibuprofen và zidovudine;
  • Các NSAID khác, bao gồm thuốc ức chế chọn lọc cyclooxygenase-2 và salicylate: Dùng đồng thời một vài NSAID có thể làm gia tăng chảy máu và loét dạ dày ruột do tác dụng hiệp đồng. Do đó nên tránh sử dụng đồng thời thuốc Phymaxfen với các NSAID khác;
  • Aminoglycosid: NSAID có thể gây giảm đào thải các aminoglycoside;
  • Cholestyramine: Việc sử dụng phối hợp cholestyramine và ibuprofen có khả năng làm giảm sự hấp thụ của ibuprofen trong đường tiêu hóa. Tuy nhiên, các ảnh hưởng mang ý nghĩa lâm sàng hiện còn chưa được biết;
  • Tacrolimus: Dùng đồng thời 2 thuốc có thể làm tăng nguy cơ độc tính thận;
  • Những thuốc ức chế tái hấp thụ serotonin chọn lọc và những thuốc chống kết tụ tiểu cầu: Có thể làm tăng nguy cơ chảy máu dạ dày ruột khi sử dụng cùng Phymaxfen;
  • Những chiết xuất từ cây cỏ: Ginkgo biloba có thể làm gia tăng nguy cơ chảy máu khi dùng đồng thời với NSAID;
  • Kháng sinh nhóm Quinolon: Người bệnh sử dụng NSAID và kháng sinh nhóm quinolon có thể bị tăng nguy cơ xảy ra co giật;
  • Các thuốc ức chế CYP2C9: Việc sử dụng kết hợp Ibuprofen cùng với các thuốc ức chế CYP2C9 có thể làm gia tăng phơi nhiễm với Ibuprofen (cơ chất của CYP2C9). Ở một nghiên cứu với Fluconazole và Voriconazole (các thuốc ức chế CYP2C9) cho kết quả mức độ phơi nhiễm với S (+)-ibuprofen tăng khoảng từ 80% - 100%. Do đó, nên cân nhắc việc giảm liều dùng thuốc Phymaxfen khi chỉ định phối hợp với các loại thuốc ức chế CYP2C9.

Trong quá trình điều trị bệnh bằng thuốc Phymaxfen, người bệnh hãy nhớ lắng nghe thật kỹ và thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ chuyên môn. Bên cạnh đó, việc đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của thuốc Phymaxfen cũng rất quan trọng để đạt được hiệu quả điều trị cao.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

715 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan