Công dụng thuốc Repaglinide

Repaglinide là thuốc được sử dụng trong chống đái tháo đường type 2. Dưới đây là những thông tin về thuốc Repaglinide, công dụng cũng như hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn và đúng cách.

1. Công dụng thuốc Repaglinide

Tên thuốc gốc (Hoạt chất): Repaglinide

Loại thuốc: Thuốc hạ đường huyết (kích thích tiết insulin từ tế bào beta đảo tụy).

Hàm lượng thuốc:

  • Dạng viên nén 0,5 mg;
  • Thuốc Repaglinide 1mg;
  • Thuốc Repaglinide 2mg.

Công dụng thuốc Repaglinide:

  • Chỉ định sử dụng Repaglinide thuốc đơn lẻ hoặc kết hợp với các loại thuốc khác để điều trị đái tháo đường type 2 cho bệnh nhân không kiểm soát được đường huyết bằng các thuốc hạ đường huyết khác, chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
  • Kiểm soát bệnh tiểu đường có thể giúp làm giảm nguy cơ bị đau tim hoặc đột quỵ. Thuốc Repaglinide hoạt động bằng cách kích thích cơ thể tạo ra nhiều insulin hơn (một chất tự nhiên cho phép cơ thể sử dụng đường đúng cách từ chế độ ăn uống).

2. Chống chỉ định thuốc Repaglinide khi nào?

Không sử dụng thuốc Repaglinide cho các trường hợp:

  • Có tiền sử quá mẫn nghiêm trọng với Repaglinide;
  • Đái tháo đường type I;
  • Nhiễm toan ceton do đái tháo đường, có/ không có hôn mê;
  • Rối loạn chức năng gan nghiêm trọng;
  • Sử dụng đồng thời Gemfibrozil;
  • Trẻ em dưới 12 tuổi;
  • Phụ nữ có thai và cho con bú;

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Repaglinide

3.1. Sử dụng thuốc Repaglinide ở người lớn

Đối với bệnh nhân chưa từng điều trị bằng thuốc hạ đường huyết hoặc có HbA1c < 8% :

  • Liều khởi đầu: 0,5 mg;

Đối với bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc hạ đường huyết hoặc có HbA1c ≥ 8%:

  • Liều khởi đầu: Thuốc Repaglinide 1 mg hoặc 2 mg.
  • Theo dõi đường huyết, nếu chưa kiểm soát được glucose trong máu thì tăng dần liều sau mỗi 1 – 2 tuần. Mỗi lần thêm 0,5 – 1 mg, cho đến khi đạt liều tối đa 4 mg/lần x 4 lần/ngày.

3.2. Sử dụng thuốc Repaglinide ở đối tượng khác

Bệnh nhân cao tuổi:

  • Chưa có nghiên cứu liều lượng cho bệnh nhân trên 75 tuổi.

Bệnh nhân suy thận:

  • Suy thận nhẹ đến trung bình: Không cần điều chỉnh liều lượng ban đầu nhưng cần thận trọng khi tăng liều.
  • Suy thận nặng (Clcr = 20 - 40 mL/phút): Bắt đầu với liều 0,5 mg mỗi ngày và chỉnh liều theo tình trạng của bệnh nhân.
  • Không chỉ định cho những bệnh nhân có Clcr < 20 mL/phút hoặc những người bị suy thận cần chạy thận nhân tạo.
  • Cách dùng: Uống trước ăn 15 – 30 phút.

Trẻ em:

  • Cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Repaglinide cho trẻ em.

4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Repaglinide trong điều trị

Bệnh nhân nên uống thuốc 15 phút trước mỗi bữa ăn, thường là 2-4 lần/ngày tùy theo số lượng bữa ăn hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không nên dùng thuốc này sớm hơn 30 phút trước bữa ăn và có thể uống ngay trước bữa ăn nếu cần. Không dùng thuốc Repaglinide nếu người bệnh bỏ bữa hoặc nếu lượng đường trong máu thấp.

Liều lượng được dựa trên tình trạng sức khỏe người bệnh, đáp ứng với điều trị và các loại thuốc khác có thể đang dùng. Vì vậy cần thông báo cho bác sĩ và dược sĩ về tất cả các sản phẩm đang sử dụng (bao gồm thuốc theo toa, thuốc không kê toa, các sản phẩm thảo dược).

Repaglinide thuốc không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nhưng có thể gây hạ đường huyết. Vì vậy bệnh nhân cần có biện pháp phòng ngừa để tránh hạ đường huyết trong khi lái xe và vận hành máy móc.

5. Xử trí khi quá liều hoặc quên sử dụng thuốc Repaglinide

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy dùng càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không dùng gấp đôi liều đã quy định.

Nếu sử dụng thuốc Repaglinide quá liều có thể làm tăng nguy cơ xuất hiện tình trạng hạ đường huyết quá mức với triệu chứng: Chóng mặt, đổ mồ hôi, run, nhức đầu...

Khi gặp phải những triệu chứng hạ đường huyết, cần bổ sung ngay glucose bằng đường uống. Nếu bệnh nhân bị hạ đường huyết nghiêm trọng kèm theo co giật, mất ý thức hoặc hôn mê nên được điều trị bằng cách truyền glucose đường tĩnh mạch.

Do đó, nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng bất thường thì điều đầu tiên là nên ngừng sử dụng thuốc và đảm bảo nhanh chóng đưa bệnh nhân đến trung tâm y tế để xử lý kịp thời.

6. Tương tác của thuốc Repaglinide

Tương tác của thuốc Repaglinide với các thuốc khác:

  • Repaglinide được chuyển hoá qua CYP3A4 và CYP 2C8, vì vậy các thuốc là chất nền hoặc tác động lên 2 enzyme này đều sẽ ảnh hưởng dược động và hiệu quả điều trị của Repaglinide.
  • Các thuốc có thể tăng hoặc kéo dài tác dụng hạ đường huyết của Repaglinide: Gemfibrozil, Clarithromycin, Itraconazole, Ketoconazole, Trimethoprime, Cyclosporine, Deferasirox, Clopidogrel, các thuốc điều trị đái tháo đường khác, thuốc ức chế Monoamine oxidase (MAOI), thuốc chẹn beta không chọn lọc, chất chủ vận Angiotensine, Salycilate, NSAID, Steroid.
  • Các thuốc giảm tác dụng hạ đường huyết của Repaglinide: Rifampicin, thuốc tránh thai đường uống, Barbiturate, Carbamazepine, Thiazide, Corticosteroid, Danazole, hormone tuyến giáp và thuốc kích thích giao cảm.
  • Thuốc chẹn beta điều trị tăng huyết áp và suy tim dễ che lấp dấu hiệu hạ đường huyết ở bệnh nhân dùng Repaglinide cũng như các thuốc điều trị đái tháo đường khác (ví dụ: Nhịp tim nhanh...)

Tương tác của thuốc Repaglinide với thực phẩm:

  • Rượu có thể gây hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường. Hạ đường huyết thường xảy ra trong giai đoạn uống rượu cấp tính. Ngay cả một lượng nhỏ cũng có thể làm giảm đáng kể lượng đường trong máu, đặc biệt là khi uống rượu lúc bụng đói hoặc sau khi tập thể dục.
  • Cơ chế liên quan đến việc ức chế quá trình tân tạo đường cũng như phản ứng điều hòa ngược đối với hạ đường huyết. Các đợt hạ đường huyết có thể kéo dài từ 8 đến 12 giờ sau khi uống rượu.
  • Ngược lại, lạm dụng rượu mãn tính có thể gây ra rối loạn dung nạp glucose và tăng đường huyết. Uống rượu vừa phải thường không ảnh hưởng đến mức đường huyết ở những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường kiểm soát tốt.
  • Nước bưởi có thể làm tăng nồng độ trong huyết tương của Repaglinide cũng như các loại thuốc dùng đường uống là chất nền của isoenzyme CYP450 3A4. Nguyên nhân có thể là do sự ức chế chuyển hóa qua trung gian CYP450 3A4 trong thành ruột bởi một số hợp chất có trong bưởi. Nên tránh sử dụng nước ép bưởi và rượu trong quá trình điều trị bằng Repaglinide.

Tương tác thuốc có thể làm thay đổi khả năng hoạt động của thuốc hoặc gia tăng các tác dụng phụ. Vì vậy người bệnh cần liệt kê những thuốc đang dùng để bác sĩ biết và lựa chọn thuốc uống phù hợp.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan