Công dụng thuốc Septax 2g

Thuốc Septax 2g chứa hoạt chất Ceftazidim, một loại kháng sinh phổ rộng được chỉ định trong điều trị các loại nhiễm khuẩn. Trước khi dùng thuốc bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn trước khi dùng.

1. Thuốc Septax 2g là thuốc gì?

Thuốc Septax 2g là một kháng sinh đường tiêm truyền tĩnh mạch, đây là thuốc kê đơn và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Septax được bào chế dưới dạng bột pha dung dịch tiêm truyền. Mỗi lọ Septax 2g chứa hoạt chất Ceftazidim pentahydrat và natri carbonat tương đương 2g Ceftazidim.

2. Thuốc septax 2g có tác dụng gì?

Thuốc Septax 2g có tác dụng điều trị nhiễm khuẩn. Để tránh hiện tượng kháng thuốc, chỉ nên dùng Ceftazidim trong các trường hợp nhiễm khuẩn rất nặng, kém đáp ứng với kháng sinh thông thường. Thuốc Septax 2g được chỉ định điều trị nhiễm khuẩn nặng như:

  • Nhiễm khuẩn huyết
  • Viêm màng não
  • Nhiễm khuẩn tiết niệu có biến chứng
  • Nhiễm khuẩn hô hấp dưới, nhiễm khuẩn trong bệnh nhầy nhớt.
  • Nhiễm khuẩn xương khớp
  • Nhiễm khuẩn phụ khoa
  • Nhiễm khuẩn ổ bụng
  • Nhiễm khuẩn da và mô mềm như nhiễm khuẩn bỏng hay vết thương
  • Giảm bạch cầu trung tính

Các nhiễm khuẩn kể trên nếu đã xác định hoặc nghi ngờ tác nhân gây bệnh là Pseudomonas hay Staphylococcus (ví dụ như viêm màng não do Pseudomonas), hoặc nhiễm khuẩn ở bệnh nhân giảm bạch cầu trung tính thì cần phối hợp Ceftazidim với loại kháng sinh khác.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Septax 2g

3.1. Cách dùng thuốc Septax 2g

Thuốc Septax 2g chứa hàm lượng 2g Ceftazidim được sử dụng bằng đường tiêm tĩnh mạch chậm 3-5 phút hoặc truyền tĩnh mạch.

  • Đối với tiêm tĩnh mạch: Pha thuốc Septax 2g trong nước cất pha tiêm, hoặc dung dịch Natri clorid 0,9%, hoặc dung dịch Dextrose 5% để đạt nồng độ khoảng 100mg/ml. Lắc kỹ đến khi bột thuốc Septax tan hết sẽ thu được dung dịch trong suốt trong 1-2 phút. Sau đó dốc ngược lọ, đâm kim vào nắp lọ và rút toàn bộ dung dịch vào bơm tiêm.
  • Đối với truyền tĩnh mạch: Pha thuốc với các dung môi như trong tiêm tĩnh mạch nhưng với nồng độ 10-20mg/ml (1-2g Ceftazidim/100ml dung dịch).

3.2. Liều dùng thuốc Septax 2g

  • Đối với người lớn: liều trung bình 1g Ceftazidim mỗi 8-12 giờ, tùy vào mức độ nặng của bệnh. Đối với viêm màng não do vi khuẩn gram âm hay bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch thì tăng liều lên 2g mỗi 8 giờ. Bệnh nhân nhiễm khuẩn tiết niệu thì dùng liều 500mg mỗi 12 giờ.
  • Đối với bệnh nhân trên 70 tuổi: cần giảm liều 24h xuống còn 1/2 liều của người trẻ hơn, không quá 3g/ngày.
  • Đối với trẻ em trên 2 tháng tuổi: liều Ceftazidim thường dùng là 30-100mg/kg/ngày mỗi 8-12 giờ (chia 2-3 lần trong ngày). Trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn rất nặng, có thể tăng liều đến 150mg/kg/ngày (không quá 6g/ngày) (chia 3 lần trong ngày).
  • Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tháng tuổi: liều Ceftazidim thường dùng 25-60mg/kg/ngày mỗi 12 giờ (chia 2 lần/ngày).
  • Điều trị viêm màng não ở trẻ nhỏ trên 8 ngày tuổi, liều Ceftazidim thường dùng là 50mg/kg mỗi 12 giờ.

Ở người suy giảm chức năng thận, cần chỉnh liều Ceftazidim khi độ thanh thải creatinin dưới 50ml/phút. Bác sĩ sẽ quyết định liều lượng Ceftazidim tùy vào mức độ suy thận và mức độ nghiêm trọng của tình trạng nhiễm khuẩn. Khi nghi ngờ bệnh nhân bị suy thận, có thể khởi đầu với liều 1g Ceftazidim, sau đó điều chỉnh tùy vào độ thanh thải creatinin với liều gợi ý như sau:

  • Với độ thanh thải creatinin 50-31ml/phút: 1g mỗi 12 giờ
  • Với độ thanh thải creatinin 30-16ml/phút: 1g mỗi 24 giờ
  • Với độ thanh thải creatinin 15-6ml/phút: 0,5g mỗi 24giờ
  • Với độ thanh thải creatinin <5ml/phút: 0.5g mỗi 48giờ

4. Tác dụng phụ của thuốc Septax 2g

Có ít nhất 5% bệnh nhân điều trị với Ceftazidim gặp phải tác dụng không mong muốn. Cần báo ngay với bác sĩ khi xuất hiện các dấu hiệu bất thường trong quá trình sử dụng thuốc Septax 2g:

4.1. Các tác dụng phụ thường gặp (ADR > 1/100)

  • Tại chỗ: phản ứng tại chỗ hay viêm tắc tĩnh mạch.
  • Da: ngứa, rát sẩn, ngoại ban.

4.2. Các tác dụng phụ ít gặp (1/1000 < ADR < 1/100)

  • Toàn thân: chóng mặt, đau đầu, sốt, phù Quincke, phản vệ.
  • Huyết học: tăng bạch cầu ưa eosin, giảm bạch cầu trung tính, giảm tiểu cầu, test Coombs dương tính,...
  • Thần kinh: loạn cảm, rối loạn vị giác, co giật, run, bệnh não, kích thích thần kinh-cơ.
  • Tiêu hóa: buồn nôn, nôn ói, tiêu chảy,...

4.3. Các tác dụng phụ hiếm gặp (ADR < 1/1000)

  • Huyết học: thiếu máu, mất bạch cầu hạt.
  • Tiêu hóa: viêm đại tràng giả mạc.
  • Da: ban đỏ, hoại tử da nhiễm độc, hội chứng Steven-Johnson.
  • Gan: tăng men gan, tăng phosphatase kiềm.
  • Tiết niệu: Giảm mức lọc cầu thận, tăng urea, creatinin máu.
  • Nguy cơ bội nhiễm với Enterococci hay Candida.

5. Tương tác thuốc

Tương tác thuốc có thể xảy ra khi sử dụng đồng thời Ceftazidim với các loại thuốc như: Aminoglycosid, thuốc lợi tiểu mạnh (như Furosemid), Cloramphenicol.

Sử dụng Ceftazidim ít khi làm ảnh hưởng đến kết quả của các xét nghiệm cận lâm sàng, tuy nhiên, có thể quan sát được Ceftazidim can thiệp yếu đối với các phương pháp khử đồng (test Benedict, Fehling, Clinitest) hay ảnh hưởng đến kết quả của test Coombs.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Septax 2g

  • Cần tìm hiểu kỹ tiền sử dị ứng của bệnh nhân với kháng sinh nhóm cephalosporin, penicillin hay thuốc khác trước khi bắt đầu điều trị với Septax 2g. Có phản ứng chéo giữa Penicilin và Cephalosporin.
  • Thận trọng khi dùng đồng thời Ceftazidim với các thuốc độc cho thận.
  • Chú ý đề phòng tình trạng kháng thuốc trong quá trình sử dụng Ceftazidim, nhất là với Enterobacter
  • Ceftazidim có thể làm giảm thời gian prothrombin - liên quan đến cơ chế đông máu, do đó cần phải theo dõi thời gian prothrombin ở bệnh nhân suy thận, suy gan, suy dinh dưỡng, nếu cần thì cho vitamin K.
  • Thận trọng khi sử dụng Ceftazidim ở những người có tiền sử bệnh lý đường tiêu hóa, nhất là bệnh ly.
  • Phụ nữ trong thời kỳ mang thai: Cephalosporin được cho là an toàn trong thai kỷ. Tuy nhiên, vẫn chưa có những nghiên cứu chặt chẽ, thỏa đáng về Ceftazidim ở phụ nữ mang thai, vì vậy bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cho đối tượng này chỉ khi thực sự cần thiết.
  • Phụ nữ cho con bú: Ceftazidim bài tiết qua sữa nên có thể ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ, do đó phải cân nhắc kỹ trước khi dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú.

Hy vọng với những chia sẻ trên đây giúp người dùng hiểu rõ hơn về công dụng và cách sử dụng thuốc Septax 2g trong điều trị.

39 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan