Công dụng thuốc Sitavia 100

Sitavia 100 chứa thành phần Sitagliptin, là thuốc đường uống được chỉ định trong điều trị bệnh lý đái tháo đường týp 2. Trước khi sử dụng thuốc người bệnh nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để quá trình dùng thuốc có được kết quả tốt nhất.

1. Sitavia 100 là thuốc gì?

Thuốc Sitavia 100 chứa hoạt chất Sitagliptin. Mỗi viên Sitavia 100 chứa 100mg Sitagliptin dưới dạng Sitagliptin phosphat monohydrat.

Về mặt dược lực học, Sitagliptin được xếp vào nhóm thuốc điều trị tăng đường huyết đường uống, hoạt động dựa vào cơ chế ức chế mạnh và chọn lọc cao đối với enzym DPP-4 (dipeptidyl peptidase 4) mà không ức chế các enzym DPP-8 hay DPP-9 ở nồng độ điều trị.

Sitagliptin làm tăng nồng độ hormon incretin thể hoạt động, tăng nồng độ GLP-1 và GIP trong huyết tương, từ đó cải thiện đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

2. Chỉ định của thuốc Sitavia 100

Sitavia 100 có thể được chỉ định đơn trị hoặc kết hợp với các thuốc khác (như Metformin, Sulfamid hạ đường huyết hay chất chủ vận PPARy) để kiểm soát đường máu ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2.

  • Sitagliptin đơn trị liệu: Sitagliptin được dùng như một liệu pháp hỗ trợ cùng với chế độ ăn kiêng và vận động nhằm cải thiện đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường (týp 2).
  • Kết hợp Sitagliptin với Metformin: Sitagliptin có thể kết hợp với Metformin ở bệnh nhân đái tháo đường típ 2 nhằm kiểm soát đường huyết.
  • Kết hợp Sitagliptin với Sulfamid hạ đường huyết: Sitagliptin có thể kết hợp với một Sulfamid hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 để kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
  • Kết hợp Sitagliptin với chất chủ vận PPARγ: Sitagliptin có thể được chỉ định kết hợp với chất chủ vận PPARγ (nhóm thiazolidinediones) ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 nhằm cải thiện kiểm soát đường huyết.
  • Kết hợp Sitagliptin với Metformin và một Sulfamid hạ đường huyết: Việc phối hợp ba loại thuốc này đem lại hiệu quả cải thiện đường huyết cao hơn khi sự kết hợp hai loại thuốc Metformin và Sulfamid cùng chế độ vận động, ăn kiêng không kiểm soát được đường huyết.
  • Kết hợp Sitagliptin với Metformin và một chất chủ vận PPARγ: Khi sự phối hợp giữa Metformin và chất chủ vận PPARγ cùng chế độ ăn kiêng, vận động không kiểm soát đường huyết hiệu quả thì có thể cân nhắc chỉ định phối hợp ba loại thuốc Sitagliptin, Metformin và một chất chủ vận PPARγ để tăng hiệu quả kiểm soát đường huyết.

3. Liều lượng và cách dùng thuốc Sitavia 100

Khi dùng Sitavia 100 đơn trị hay phối hợp với các loại thuốc điều trị đái tháo đường khác, liều khuyến cáo của Sitagliptin ở bệnh nhân chức năng thận bình thường là 100mg/ngày, uống khi đói hoặc no đều được.

Lưu ý khi kết hợp Sitagliptin với Sulfamid hạ đường huyết, có thể xem xét giảm liều Sulfamid nhằm giảm nguy cơ hạ đường huyết (do Sulfamid hạ đường huyết).

Sitagliptin không cần chỉnh liều ở bệnh nhân suy thận nhẹ (ClCr >50 mL/phút). Đối với bệnh nhân suy thận mức độ từ trung bình đến nặng, Sitagliptin cần được chỉnh liều như sau:

  • Suy thận trung bình (30≤ClCr<50mL/phút): 50 mg Sitagliptin/ngày.
  • Suy thận nặng (ClCr<30mL/phút), hoặc bệnh thận giai đoạn cuối cần chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc: 25 mg Sitagliptin/ngày.

4. Chống chỉ định của thuốc Sitavia 100

Chống chỉ định dùng Sitavia 100 ở người quá mẫn với Sitagliptin hay bất kỳ thành phần nào khác của thuốc.

Các nghiên cứu tương tác thuốc cho thấy Sitagliptin không gây tác động có ý nghĩa lâm sàng đối với dược động học của các thuốc: Metformin, Glyburide, Rosiglitazon, Simvastatin, Warfarin, viên uống tránh thai,...

5. Tác dụng phụ của thuốc Sitavia 100

Tác dụng không mong muốn thường gặp khi sử dụng Sitagliptin là: nhức đầu, đau bụng, tiêu chảy, khó tiêu, buồn nôn, nôn ói, nhiễm trùng đường hô hấp trên, phù mạch, viêm da, hạ đường huyết. Thuốc có thể gây sốc phản vệ hoặc hội chứng Stevens-Johnson, có thể gây tử vong.

Khi gặp các triệu chứng bất thường khi sử dụng thuốc Sitavia 100, cần thông báo cho bác sĩ để được hướng dẫn và xử trí kịp thời.

6. Thận trọng khi dùng thuốc Sitavia 100

  • Không nên dùng thuốc Sitagliptin ở bệnh nhân đái tháo đường tuýp 1 hay bệnh nhân đái tháo đường nhiễm toan ceton.
  • Thận trọng khi sử dụng Sitagliptin ở bệnh nhân suy thận trung bình-nặng hoặc bệnh thận giai đoạn cuối, cần giảm liều Sitagliptin thích hợp và theo dõi chức năng thận ở các đối tượng này.
  • Chú ý nguy cơ hạ đường huyết ở bệnh nhân sử dụng kết hợp Sitagliptin với Sulfamid hạ đường huyết, xem xét giảm liều Sulfamid để giảm thiểu nguy cơ này.
  • Phản ứng quá mẫn (bao gồm phản ứng phản vệ, phù mạch, hội chứng Stevens-Johnson,...) đã được báo cáo ở bệnh nhân dùng Sitagliptin trong 3 tháng đầu sau khi bắt đầu dùng thuốc hoặc xảy ra sau liều đầu tiên. Cần ngừng dùng Sitagliptin khi nghi ngờ có phản ứng quá mẫn, đánh giá nguyên nhân và cân nhắc đổi các trị liệu khác.
  • Chưa xác lập mức độ an toàn và hiệu lực của thuốc Sitagliptin ở bệnh nhân dưới 18 tuổi.
  • Không cần chỉnh liều Sitagliptin ở người cao tuổi nếu không có rối loạn chức năng thận.
  • Không khuyến cáo sử dụng thuốc Sitagliptin ở phụ nữ có thai. Cũng không nên dùng thuốc ở phụ nữ cho con bú, vì chưa xác định được Sitagliptin có vào sữa mẹ hay không.
  • Thận trọng khi sử dụng Sitagliptin ở người lái xe, vận hành máy móc vì thuốc có thể gây buồn ngủ, chóng mặt.

Trên đây là những công dụng quan trọng của thuốc Sitagliptin, người bệnh trước khi dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để quá trình điều trị đạt kết quả tốt nhất.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

890 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan