Công dụng thuốc Stavacor

Statin là nhóm thuốc kiểm soát lipid máu được sử dụng rất phổ biến với nhiều hoạt chất khác nhau. Một trong số đó là Pravastatin với sản phẩm có tên thương mại là Stavacor 10mg. Vậy công dụng thuốc Stavacor là gì và sử dụng như thế nào?

1. Stavacor 10mg là thuốc gì?

Thuốc Stavacor chứa hoạt chất Pravastatin, có tác dụng điều trị tăng cholesterol máu nguyên phát, tăng lipid máu và hỗ trợ điều trị nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực. Stavacor 10mg bào chế dạng viên nang, uống 1 lần/ngày, tốt nhất vào buổi tối, sau ăn hoặc lúc đói.

2. Công dụng thuốc Stavacor 10mg

Thuốc Stavacor được chỉ định trong những trường hợp sau:

  • Tăng cholesterol máu nguyên phát hoặc rối loạn lipid máu hỗn hợp: Stavacor được sử dụng như một thuốc hỗ trợ cho chế độ ăn uống, khi mục tiêu lipid máu không kiểm soát được bằng chế độ ăn uống và phương pháp điều trị không dùng thuốc khác (như tập thể dục, giảm cân...);
  • Dự phòng tiên phát: Stavacor được chỉ định hỗ trợ cho chế độ ăn để hạn chế nguy cơ bệnh tật và tử vong do biến cố tim mạch trên bệnh nhân có tăng cholesterol máu (vừa hoặc nặng) và có nguy cơ cao mắc bệnh tim mạch;
  • Dự phòng thứ phát: Chỉ định thuốc Stavacor hỗ trợ khắc phục các yếu tố nguy cơ ở bệnh nhân có tiền sử nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực không ổn định với nồng độ cholesterol máu bình thường hoặc tăng để giảm nguy cơ tử vong tim mạch;
  • Sau cấy ghép: Stavacor giúp giảm lipid máu ở bệnh nhân đang sử dụng thuốc ức chế miễn dịch ghép tạng.

3. Hướng dẫn sử dụng thuốc Stavacor 10mg

Trước khi bắt đầu điều trị với thuốc Stavacor, bệnh nhân cần được chẩn đoán loại trừ các nguyên nhân thứ phát gây tăng lipid máu, đồng thời xây dựng và duy trì chế độ ăn uống chuẩn, ít cholesterol trong suốt quá trình điều trị.

Liều lượng thuốc Stavacor cụ thể:

  • Tăng cholesterol máu: 10 – 40 mg/lần/ngày (1 đến 4 viên Stavacor 10mg). Đáp ứng điều trị có thể thấy sau 1 tuần và thường đạt tối đa sau 4 tuần dùng thuốc, do đó cần kiểm tra lipid máu định kỳ và chỉnh liều phù hợp;
  • Dự phòng bệnh tim mạch: 40mg/ngày (4 viên Stavacor 10mg);
  • Sau ghép cơ quan: Liều Stavacor khởi đầu là 20mg/ngày nếu bệnh nhân dùng đồng thời các thuốc ức chế miễn dịch. Tùy thuộc mức độ đáp ứng điều trị mà có thể tăng liều thuốc Stavacor lên 40mg/ngày.

Liều thuốc Stavacor ở một số đối tượng đặc biệt:

  • Trẻ em và thanh thiếu niên (8 – 18 tuổi): 10-20 mg/lần/ngày ở trẻ 8-13 tuổi, 10-40 mg/lần/ngày cho trẻ 14-18 tuổi;
  • Người cao tuổi: Không cần thiết điều chỉnh liều thuốc Stavacor trừ trường hợp có nguy cơ gặp tác dụng phụ nguy hiểm;
  • Bệnh nhân suy gan hoặc suy thận: Liều khởi đầu của thuốc Stavacor là 10mg/ngày ở bệnh nhân suy thận vừa đến nặng hoặc suy gan đáng kể, sau đó điều chỉnh liều theo đáp ứng của lipid máu dưới sự giám sát của bác sĩ.

Điều trị phối hợp thuốc Stavacor với các thuốc khác:

  • Stavacor phối hợp với nhựa gắn acid mật (như cholestyramin, colestipol) làm tăng hiệu quả kiểm soát cholesterol toàn phần và LDL. Lưu ý Stavacor nên uống 1 giờ trước hoặc 4 giờ sau thời điểm sử dụng nhựa gắn acid mật;
  • Bệnh nhân dùng Stavacor đồng thời với Cyclosporin, có thể cùng hoặc không cùng các thuốc ức chế miễn dịch khác: Liều bắt đầu là 20mg/lần/ngày và tăng lên 40 mg một cách thận trọng.

4. Chống chỉ định của thuốc Stavacor 10mg

Chống chỉ định sử dụng thuốc Stavacor 10mg trong những trường hợp sau đây:

  • Cơ địa dị ứng với Pravastatin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc Stavacor;
  • Bệnh gan đang hoạt động, bao gồm tăng men gan (cao hơn 3 lần giới hạn trên mức bình thường) không rõ nguyên nhân;
  • Bệnh nhân mang thai hoặc đang con bú.

5. Một số lưu ý khi sử dụng Stavacor 10mg

Pravastatin chưa được đánh giá sử dụng ở bệnh nhân tăng cholesterol máu di truyền đồng hợp tử, đồng thời thuốc Stavacor không thích hợp điều trị cho bệnh nhân tăng cholesterol máu do HDL-cholesterol máu cao.

Rối loạn chức năng gan: Tương tự các thuốc giảm lipid máu khác, thuốc Stavacor có thể làm tăng vừa phải nồng độ transaminase gan và trong đa số các trường hợp sẽ trở lại bình thường mà không cần ngưng thuốc. Tuy nhiên cần lưu ý nếu bệnh nhân dùng thuốc Stavacor và tăng transaminase (ALT và AST) quá 3 lần giới hạn trên thì cần ngưng điều trị. Cần thận trọng khi dùng thuốc Stavacor ở bệnh nhân có tiền sử bệnh lý gan hoặc nghiện rượu nặng.

Rối loạn cơ:

  • Tương tự các thuốc ức chế HMG-CoA reductase khác (hay còn gọi là statin), Stavacor có thể dẫn đến đau cơ, bệnh cơ và tiêu cơ vân (hiếm gặp). Do đó, các bệnh về cơ cần được xem xét ở bất kỳ bệnh nhân nào đang điều trị bằng statin mà có các triệu chứng về cơ không rõ nguyên nhân như đau, yếu hoặc chuột rút;
  • Những trường hợp này cần xét nghiệm định lượng nồng độ creatine kinase (CK) máu. Quá trình điều trị bằng statin như Stavacor cần tạm ngưng khi nồng độ CK tăng trên 5 lần hoặc khi có những triệu chứng liên quan đến chức năng cơ nghiêm trọng;
  • Một số trường hợp rất hiếm gặp có thể xảy ra tình trạng tiêu cơ vân, có hoặc không kèm theo suy thận thứ phát. Tiêu cơ vân là tình trạng nguy hiểm cấp tính có khả năng gây tử vong, có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong quá trình điều trị và đặc trưng bởi tình trạng phá hủy cơ bắp lớn liên quan đến tăng cao nồng độ CK (thường trên 30 hoặc 40 giá trị bình thường), dẫn đến bệnh myoglobin niệu;
  • Mặc dù statin không có chống chỉ định ở bệnh nhân có các vấn đề về cơ. Tuy nhiên đây là yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm độc cơ, do đó cần đánh giá cẩn thận về lợi ích/nguy cơ và theo dõi đặc biệt trong suốt quá trình dùng statin như thuốc Stavacor;
  • Nguy cơ và mức độ nghiêm trọng rối loạn cơ khi điều trị bằng statin sẽ tăng lên khi dùng đồng thời với các thuốc có khả năng tương tác.

Xét nghiệm định lượng CK (creatine kinase) trong thời gian dùng thuốc Stavacor:

  • Việc theo dõi thường xuyên creatine kinase hoặc các enzym khác ở cơ không được khuyến cáo ở bệnh nhân điều trị bằng statin và không có triệu chứng đặc biệt;
  • Tuy nhiên, xét nghiệm này được khuyến cáo trước khi bắt đầu điều trị bằng statin ở những trường hợp có yếu tố nguy cơ đặc biệt hay ở bệnh nhân phát triển các triệu chứng cơ bắp trong quá trình điều trị bằng statin;
  • Nếu nồng độ CK tăng lên đáng kể so với ban đầu thì cần xét nghiệm lại sau 5-7 ngày để xác nhận kết quả;
  • Trước khi bắt đầu điều trị bằng thuốc Stavacor: Cần thận trọng khi sử dụng thuốc Stavacor ở bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ như suy thận, suy giáp, tiền sử nhiễm độc cơ với statin hoặc fibrat, tiền sử cá nhân hoặc gia đình về rối loạn cơ bắp di truyền, lạm dụng rượu hoặc trên 70 tuổi. Khi đó xét nghiệm định lượng CK nên thực hiện trước khi bắt đầu điều trị. Nếu nồng độ CK trên 5 lần giá trị bình thường, điều trị bằng thuốc Stavacor không nên được bắt đầu và cần định lượng lại sau 5-7 ngày;
  • Trong thời gian điều trị: Bệnh nhân dùng thuốc Stavacor cần được hướng dẫn về những cơn đau cơ, yếu cơ hay chuột rút không giải thích được để thông báo với bác sĩ kịp thời. Xét nghiệm CK cần được thực hiện ở những trường hợp này, nếu tăng rõ rệt thì xem xét ngưng thuốc. Đồng thời cũng nên xem xét ngừng thuốc Stavacor nếu triệu chứng cơ nghiêm trọng và có thể gây ra khó chịu hằng ngày, thậm chí khi nồng độ CK duy trì dưới 5 lần bình thường. Nếu triệu chứng cơ biến mất và nồng độ CK trở lại bình thường, bệnh nhân có thể xem xét sử dụng lại statin với liều thấp nhất và theo dõi chặt chẽ.

Bệnh phổi kẽ: Các trường hợp đặc biệt mắc bệnh phổi kẽ đã được báo cáo với một số statin, trong đó có thuốc Stavacor, đặc biệt khi điều trị lâu dài. Biểu hiện của bệnh phổi kẽ bao gồm khó thở, ho khan và suy giảm sức khỏe tổng quát. Nếu có biểu hiện của vấn đề này thì cần ngưng điều trị với statin.

  • Đái tháo đường: Một số bằng chứng cho thấy thuốc Stavacor làm tăng glucose máu ở một số bệnh nhân, nguy cơ cao gây bệnh đái tháo đường trong tương lai. Tuy nhiên, các statin như thuốc Stavacor làm giảm nguy cơ tim mạch nên đây không phải là lý do để ngừng điều trị. Bệnh nhân có nguy cơ (khi đường huyết lúc đói 5,6 đến 6,9 mmol/L, BMI trên 30 kg/m2, triglycerid tăng, huyết áp tăng) cần được theo dõi và xét nghiệm sinh hóa theo hướng dẫn.
  • Sử dụng thuốc Stavacor cho bệnh nhân mang thai hoặc đang cho con bú: Không sử dụng cho đối tượng này.

Sử dụng thuốc Stavacor cho người lái xe và vận hành máy móc: Chưa có báo cáo cụ thể về ảnh hưởng của thuốc Stavacor đến đối tượng này. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn bệnh nhân cần tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng.

6. Tác dụng phụ của thuốc Stavacor 10mg

Trong quá trình sử dụng thuốc Stavacor 10mg, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ sau đây:

  • Chóng mặt, đau đầu;
  • Rối loạn giấc ngủ, mất ngủ;
  • Rối loạn thị giác (song thị, nhìn mờ);
  • Ăn khó tiêu, ợ nóng, đau bụng, buồn nôn, nôn ói;
  • Táo bón, tiêu chảy, đầy hơi;
  • Ngứa, ban da, nổi mày đay;
  • Rụng tóc;
  • Tiểu khó, tiểu đêm;
  • Rối loạn chức năng sinh dục;
  • Đau khớp, co cứng cơ, đau cơ, yếu cơ, tăng nồng độ creatinin kinase huyết tương;
  • Tăng men gan;
  • Viêm đa dây thần kinh ngoại biên;
  • Phản ứng mẫn cảm (bao gồm phản vệ, hội chứng lupus ban đỏ, phản ứng dị ứng);
  • Viêm tụy;
  • Vàng da, viêm gan, hoại tử tế bào gan;
  • Tiêu cơ vân, có thể liên quan đến suy thận cấp thứ phát và myoglobin niệu.

7. Tương tác của thuốc Stavacor 10mg

Khi kết hợp thuốc Stavacor với một số thuốc khác hoặc thức ăn, đồ uống có thể gây ra một số phản ứng. Do vậy, bệnh nhân nên tham khảo ý kiến bác sĩ để trong quá trình sử dụng hạn chế những tương tác không mong muốn.

Thuốc Stavacor chứa hoạt chất Pravastatin, có tác dụng điều trị tăng cholesterol máu nguyên phát, tăng lipid máu và hỗ trợ điều trị nhồi máu cơ tim hoặc đau thắt ngực. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan