Công dụng thuốc Sympal

Sympal là một loại thuốc thuộc nhóm giảm đau, chống viêm không steroid (NSAID), có tác dụng giảm đau nhẹ đến trung bình và được kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Cùng tìm hiểu nội dung sau để làm rõ vấn đề “thuốc Sympal có tác dụng gì?”.

1. Thuốc Sympal có tác dụng gì?

Thuốc Sympal có thành phần Dexketoprofen (dưới dạng Dexketoprofen trometamol) 25mg, được sản xuất bởi công ty A. Menarini Manufacturing Logistics and Services S.r.L. của Ý. Thuốc được bào chế dưới dạng viên nén bao phim với tác dụng giảm đau nhẹ đến vừa ở người bệnh.

1.1 Chỉ định sử dụng thuốc Sympal

Sympal là 1 loại thuốc cần được chỉ định kê đơn bởi bác sĩ chuyên khoa. Thông thường, thuốc Sympal được chỉ định để:

1.2 Chống chỉ định Sympal

Thuốc Sympal chống chỉ định sử dụng trong các trường hợp:

  • Dị ứng với Dexketoprofen hoặc với bất cứ thành phần nào có trong thuốc Sympal.
  • Dị ứng với aspirin hoặc với các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác (Celecoxib, Diclofenac, Etodolac, Flurbiprofen và Ibuprofen,....).
  • Người bệnh vừa trải qua đợt hen cấp, viêm mũi dị ứng cấp, polyp mũi, mề đay, phù mạch hoặc thở khò khè trong ngực hoặc sau khi sử dụng thuốc chống viêm không steroid.
  • Người bệnh đang bị hoặc đã từng bị loét dạ dày, chảy máu dạ dày, ruột hoặc các bệnh đường tiêu hóa mãn tính (khó tiêu, ợ chua), từng bị chảy máu đường tiêu hoá (dạ dày hoặc ruột), thủng dạ dày ruột vì dùng thuốc chống viêm không steroid.
  • Bệnh lý viêm ruột mãn tính.
  • Người bệnh bị suy tim nặng.
  • Người bệnh mắc bệnh lý gan thận trung bình đến nặng, rối loạn chảy máu hoặc rối loạn đông máu.
  • Phụ nữ đang tam cá nguyệt cuối (mang thai 3 tháng cuối) hoặc đang cho con bú.
  • Trẻ em và thanh thiếu niên nhỏ hơn 18 tuổi.

2. Liều dùng và cách dùng thuốc Sympal

2.1 Cách sử dụng thuốc Sympal

Thuốc Sympal được sử dụng bằng đường uống với 1 lượng nước vừa đủ. Người bệnh nên sử dụng Sympal cùng với thức ăn và đồ uống có tác dụng giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ trên dạ dày, ruột (trường hợp đau nặng và cần giảm đau nhanh, có thể dùng thuốc khi đói giúp thuốc được hấp thu dễ dàng, ví dụ ít nhất 30 phút trước bữa ăn sẽ giúp thuốc phát huy tác dụng nhanh hơn.)

2.2 Liều dùng thuốc Sympal

Người lớn:

  • Liều khuyến cáo thông thường là 25 mg/ lần/ mỗi 8 giờ, không vượt quá 75 mg/ ngày.
  • Người cao tuổi, hoặc có bệnh lý về gan, thận cần khởi đầu với liều dùng không vượt quá 50 mg/ ngày. Trên người cao tuổi nếu dung nạp tốt có tehre tăng dần đến liều thông thường được khuyến cáo là 75mg.

Liều dùng ở người bệnh rối loạn chức năng gan:

  • Điều trị ở liều thấp hơn 50 mg/ ngày ở người rối loạn chức năng gan từ nhẹ đến trung bình và cần được theo dõi chặt chẽ.

Bệnh nhân gặp tình trạng rối loạn chức năng thận:

  • Bệnh nhân suy giảm chức năng thận mức độ nhẹ sử dụng liều khởi đầu là 50 mg/ngày.
  • Liều dùng trên chỉ mang tính chất tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào thể trạng và mức độ diễn tiến của mỗi người bệnh. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên môn hoặc nhân viên y tế nếu bạn thắc mắc về liều dùng Sympal.

3. Thuốc Sympal có thể gây ra tác dụng ngoài ý muốn là gì?

Khi sử dụng thuốc Sympal, người bệnh có thể gặp các tác dụng không mong muốn như:

Tác dụng phụ thường gặp:

  • Nôn, buồn nôn, đau dạ dày, tiêu chảy hoặc rối loạn tiêu hóa.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Cảm thấy chóng mặt, lơ mơ, buồn ngủ, ngủ không ngon, lo lắng, đau đầu, đánh trống ngực, đỏ mặt, đau dạ dày, táo bón, khô miệng, đầy hơi, cảm giác nóng bừng, mệt mỏi toàn cơ thể hoặc rét run.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Loét dạ dày, chảy máu hoặc có thể thủng dạ dày (phát hiện ra khi nôn ra máu hoặc đi vệ sinh ra phân đen), ngất xỉu, cao huyết áp, nhịp thở chậm, giữ nước và phù ngoại vi, chán ăn, dị cảm, mẩn ngứa, tăng tiết mồ hôi, đau lưng, đi tiêu nhiều, rối loạn kinh nguyệt, bất thường tuyến tiền liệt, xét nghiệm chức năng gan thấy bất thường, tổn thương tế bào gan và suy giảm chức năng thận.

Tác dụng phụ rất hiếm gặp:

  • Phản ứng phản vệ, hội chứng Stevens Johnson, hội chứng Lyell, phù mạch, mẫn cảm với ánh sáng, co thắt phế quản, hơi thở ngắn, nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, viêm tụy, viêm gan, nhìn mờ, da tăng nhạy cảm, ngứa, ù tai, gặp vấn đề về thận, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu.
  • Dạ dày/ruột: Đau dạ dày, ợ nóng hoặc chảy máu.
  • Trong khi điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid, một số trường hợp đã gặp tình trạng giữ dịch và phù, tăng huyết áp và suy tim. Các thuốc như Sympal có thể có liên quan đến sự tăng nhẹ nguy cơ gặp đột quỵ tim hoặc đột quy não. Trên bệnh nhân có lupus ban đỏ hệ thống hoặc bệnh lý mô liên kết phối hợp, nhóm thuốc chống viêm có thể gây sốt, đau đầu và cứng gáy.

Người bệnh cần ngưng sử dụng thuốc và thông báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện gần nhất để được điều trị kịp thời.

4. Tương tác Sympal với các thuốc khác

Khi sử dụng thuốc Sympal, hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ nếu bạn đang sử dụng bất cứ loại thuốc nào khác bao gồm cả thực phẩm chức năng và thuốc không kê đơn.

4.1 Một số thuốc không nên sử dụng cùng thuốc Sympal

  • Acid acetylsalycilic (aspirin), corticostereoid hoặc các thuốc chống viêm khác (Celecoxib, Diclofenac, Etodolac, Flurbiprofen và Ibuprofen,....);
  • Warfarin hoặc Heparin;
  • Lithi;
  • Methotrexat;
  • Hydantoin và phenytoin;
  • Sulphametoxazol;

4.2 Các thuốc cẩn thận trọng khi sử dụng cùng Sympal

  • Thuốc ức chế men chuyển, thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế thụ thể beta và thuốc chẹn thu thể angiotensin II;
  • Pentoxifylin và oxpentifylin;
  • Zidovudin;
  • Kháng sinh aminoglycosid;
  • Chlorpropamid và glibenclamid.
  • Kháng sinh nhóm quinolon (ví dụ ciprofloxacin, levofloxacin)
  • Cyclosporin hoặc tacrolimus;
  • Streptokinase và thuốc tiêu huyết khối/thuốc tiêu sợi huyết;
  • Probenecid;
  • Digoxin;
  • Mifepriston;
  • Thuốc chống trầm cảm nhóm ức chế tái thu hồi serotonin chọn lọc.
  • Các thuốc chống kết tập tiểu cầu (Dipyridamol, Ticlopidine, Clopidogrel, Aspirin, Ticagrelor, Prasugrel,...)

Nếu bạn có nghi ngờ gì về tính tương tác khi sử dụng bất cứ loại thuốc hiện tại với với Sympal thì hãy thông báo với bác sĩ hoặc dược sĩ.

5. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Sympal

Cần thận trọng khi dùng thuốc Sympal cho các đối tượng sau:

  • Người bệnh đang bị dị ứng hoặc có tiền sử bệnh dị ứng, mắc bệnh lý về gan, thận, giữ dịch cơ thể;
  • Đang dùng thuốc lợi tiểu;
  • Người bệnh nôn, đi ngoài hoặc tăng lượng nước tiểu quá mức;
  • Có tiền sử bệnh tim mạch, đột quỵ;
  • Người cao tuổi;
  • Phụ nữ dự định mang thai;
  • Người có bất thường về công thức máu hoặc quá trình hình thành máu;
  • Người mắc bệnh lupus ban đỏ hệ thống hoặc bệnh lý mô liên kết phối hợp;
  • Bệnh nhân đã từng bị bệnh lý viêm ruột mãn tính;
  • Người có một số bệnh lý khác liên quan đến dạ dày, ruột.

Sympal là một thuốc giảm đau chống viêm không steroid (NSAID) được kê đơn, bạn không tự ý sử dụng khi chưa được chỉ định của bác sĩ. Nếu khi dùng thuốc Sympal có bất kỳ thắc mắc hay vấn đề gì xảy ra, bạn nên thông báo với bác sĩ để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

10.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan