Công dụng thuốc Tacrolimus 0,03%

Tacrolimus là một thuốc ức chế miễn dịch mạnh thường được sử dụng trong chống thải ghép. Ngoài ra thuốc còn được bào chế dưới dạng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% để điều trị viêm da dị ứng vừa và nặng khi các liệu pháp điều trị truyền thống không thích hợp hoặc bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ.

1. Tacrolimus là thuốc gì?

Tacrolimus là một macrolid (macrolactam) chiết xuất từ nấm Streptomyces tsukubaensis, có tác dụng ức chế miễn dịch mạnh. Thuốc được chỉ định để dự phòng thải ghép sau khi ghép tạng. Ngoài ra thuốc còn được bào chế dưới dạng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% để điều trị viêm da dị ứng. Tacrolimus có tác dụng ức chế hoạt hóa tế bào lympho T do gắn vào một protein nội bào là FKBP-12, sau đó hình thành phức hợp tacrolimus - FKBP12 - canxi, calmodulin và calcineurin, từ đó ức chế hoạt tính phosphatase của calcineurin. Tác dụng này ngăn cản quá trình dephosphoryl hoá và sự vận chuyển yếu tố trong nhân của tế bào T hoạt hóa (NFAT) - thành phần có tác dụng khởi động sự sao chép gen để tạo thành các lymphokin (như interleukin-2).

Tacrolimus cũng ức chế sự sao chép các gen có mã IL-3, IL-4, IL-5, GM-CSF, và TNF-(alpha), đây là các gen trong giai đoạn đầu hoạt hoá tế bào T. Ngoài ra, Tacrolimus cũng có thể ức chế giải phóng các chất trung gian hoá học từ tế bào mast và tế bào ưa base của da.

2. Công dụng thuốc Tacrolimus 0,03%

Thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% được dùng ngắn hạn hay dài hạn ngắt quãng để điều trị viêm da dị ứng vừa và nặng khi các liệu pháp điều trị truyền thống không thích hợp, vì các nguy cơ tiềm tàng hay bệnh nhân đáp ứng không đầy đủ.

3. Liều dùng và cách dùng của thuốc mỡ Tacrolimus 0,03%

Cách dùng: Bôi một lớp mỏng thuốc mỡ lên vùng da bệnh hai lần một ngày và xoa bóp nhẹ nhàng. Bệnh nhân nên tiếp tục điều trị thêm một tuần sau khi hết các dấu hiệu và triệu chứng viêm da dị ứng. Lưu ý, tính an toàn khi băng kín vết thương bôi thuốc mỡ Tacrolimus chưa được đánh giá, vì có thể làm tăng hấp thu toàn thân. Do vậy, không nên băng kín vết thương khi dùng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03%.

Liều dùng

  • Người lớn: Bôi thuốc mỡ tacrolimus 0,03% hai lần một ngày.
  • Trẻ em (2 - 15 tuổi): Bôi thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% hai lần một ngày.

4. Tác dụng phụ của thuốc Tacrolimus 0,03%

Khi sử dụng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03%, bệnh nhân có thể gặp các tác dụng không mong muốn sau đây:

  • Trên da: Nóng rát, đỏ da, ngứa, đau nhói, viêm nang lông, nhiễm Herpes simplex (herpes, loét, eczema dạng herpes, nốt thủy đậu Kaposi).
  • Hệ thần kinh: tăng nhạy cảm trên da, đặc biệt là với nóng và lạnh.
  • Toàn thân: Không dung nạp rượu (đỏ bừng mặt hoặc kích ứng da sau khi uống đồ uống chứa cồn).

5. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tacrolimus 0,03%

  • Không sử dụng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% cho bệnh nhân có tiền sử mẫn cảm với Tacrolimus hay bất cứ thành phần nào của thuốc, phụ nữ có thai và cho con bú.
  • Thuốc mỡ Tacrolimus chỉ được dùng ngoài da, không dùng cho mắt, miệng hay âm đạo.
  • Tính an toàn và hiệu quả của thuốc mỡ Tacrolimus trong điều trị trường hợp viêm da dị ứng có nhiễm khuẩn vẫn chưa được đánh giá. Do đó, cần điều trị khỏi nhiễm khuẩn trước khi dùng thuốc tacrolimus 0,03% tại các vị trí cần điều trị.
  • Bệnh nhân bị viêm da dị ứng dễ dẫn đến nhiễm khuẩn da nông bao gồm cả eczema dạng herpes (nốt dạng thủy đậu Kaposi). Sử dụng thuốc mỡ tacrolimus có thể tăng nguy cơ nhiễm virut Varicella zoster, Herpes simplex, eczema dạng herpes. Trường hợp bệnh nhân có tình trạng nhiễm khuẩn trên, cần đánh giá giữa nguy cơ và lợi ích điều trị khi dùng thuốc tacrolimus để quyết định dùng thuốc hay không.
  • Bệnh nhân nên hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên hay ánh sáng nhân tạo (giường trị bệnh da bằng UVA/B) trong khi điều trị bằng thuốc mỡ Tacrolimus.
  • Các triệu chứng cục bộ bao gồm cảm giác nóng rát, đau, loét da, ngứa là các triệu chứng thông thường trong một vài ngày đầu dùng thuốc tacrolimus 0,03%. Các triệu chứng này sẽ giảm dần khi các thương tổn viêm da dị ứng được chữa khỏi.
  • Không nên dùng thuốc mỡ Tacrolimus 0,03% cho các bệnh nhân bị hội chứng Netherton do tăng nguy cơ hấp thu toàn thân. Lư ý tính an toàn khi sử dụng thuốc tacrolimus cho bệnh nhân đỏ da toàn thân vẫn chưa được thiết lập.
  • Thời kỳ mang thai: Hiện vẫn chưa có đủ dữ liệu nghiên cứu trên người mang thai. Thuốc này chỉ được dùng cho bệnh nhân mang thai khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Thời kỳ cho con bú: Tacrolimus bài tiết qua sữa mẹ. Do đó cần cân nhắc ngưng cho con bú hay ngưng thuốc, tùy vào tầm quan trọng của thuốc đối với người mẹ.
  • Tương tác thuốc: hiện nay chưa có nghiên cứu về tương tác của thuốc bôi Tacrolimus với các thuốc ngoài da khác. Dựa trên mức độ hấp thu của Tacrolimus khi dùng ngoài da, hiếm khi xảy ra tương tác với các thuốc dùng toàn thân, nhưng vẫn không loại thể trừ khả năng này. Cần thận trọng khi dùng đồng thời với các thuốc ức chế CYP3A4 (ví dụ như các thuốc erythromycin, itraconazol, ketoconazol, fluconazol, thuốc ức chế kênh calci và cimetidin) trên những người bệnh bôi thuốc trên diện rộng và bị chứng đỏ da

Trên đây là những thông tin tổng quát về thuốc mỡ Tacrolimus 0,03%. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc mà cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

97.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan