Công dụng thuốc Tamoxifen 20mg

Tamoxifen là thuốc chống ung thư được chỉ định điều trị nội tiết ung thư vú phụ thuộc estrogen ở nữ. Ngoài ra, Tamoxifen còn được dùng trong điều trị vô sinh không phóng noãn. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn đọc thông tin về chỉ công dụng, liều dùng và lưu ý khi sử dụng thuốc Tamoxifen.

Thuốc Tamoxifen có tác dụng gì?

Tamoxifen là thuốc kháng estrogen không steroid, làm ức chế tác dụng của estrogen nội sinh. Ở bệnh nhân ung thư vú, Tamoxifen ngăn estrogen gắn vào thụ thể estrogen tại khối u. Ngoài ra, báo cáo trên lâm sàng nhận thấy rằng, Tamoxifen làm giảm nồng độ cholesterol toàn phần và LDL trong máu, duy trì mật độ khoáng xương ở phụ nữ thời kỳ hậu mãn kinh.

Ngoài ra, kết quả lâm sàng cho thấy Tamoxifen có hiệu quả ở khối u không liên quan với thụ thể estrogen, điều đó chứng tỏ thuốc còn có cơ chế tác dụng khác.

Chỉ định và chống chỉ định của thuốc Tamoxifen 20mg

2.1. Chỉ định thuốc Tamoxifen

  • Điều trị nội tiết ung thư vú phụ thuộc estrogen ở phụ nữ.
  • Điều trị hỗ trợ ung thư vú phụ thuộc estrogen ở phụ nữ và được bổ sung thêm hóa trị liệu ở trường hợp chọn lọc. Tamoxifen được dùng để hỗ trợ điều trị cho phụ nữ có nguy cơ cao tái phát sau khi điều trị ung thư vú tiên phát.
  • Kích thích phóng noãn ở phụ nữ vô sinh do không phóng noãn.
  • Phòng ngừa ung thư vú tiên phát ở phụ nữ có nguy cơ mắc trung bình hoặc cao.
  • Ung thư vú ở nam giới.
  • Hội chứng Albright.

2.2. Chống chỉ định

  • Dị ứng hoặc quá mẫn với Tamoxifen hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Sử dụng đồng thời Tamoxifen với Anastrozole.
  • Rối loạn chuyển hóa porphyrin.
  • Điều trị vô sinh: Tamoxifen không được sử dụng ở bệnh nhân có tiền sử huyết khối tĩnh mạch vô căn được xác nhận.
  • Phòng ngừa bệnh ung thư vú: chống chỉ định ở phụ nữ có tiền sử huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, phụ nữ cần điều trị đồng thời với thuốc chống đông máu loại coumarin.

3. Cách dùng của thuốc Tamoxifen

3.1 Liều dùng

Điều trị ung thư vú: Liều thông thường: 20mg/ngày, chia uống 1- 2 lần. Có thể dùng tới 40mg/ngày, nhưng chưa thấy có thêm lợi ích.

Điều trị vô sinh do không phóng noãn: Loại trừ khả năng mang thai ở phụ nữ trước khi khởi đầu điều trị và trước khi bắt đầu đợt điều trị tiếp theo.

  • Phụ nữ có kinh nguyệt đều nhưng không phóng noãn: đợt điều trị đầu tiên là 20 mg/ngày, uống vào các ngày thứ 2, 3, 4 và 5 của vòng kinh. Nếu không đáp ứng (dựa vào theo dõi nhiệt độ cơ bản hoặc chất nhầy cổ tử cung trước khi phóng noãn) sử dụng tới 40mg rồi 80mg/ngày trong đợt điều trị sau.
  • Phụ nữ kinh nguyệt không đều: có thể bắt đầu đợt điều trị đầu tiên vào bất kỳ ngày nào. Nếu không có dấu hiệu phóng noãn thì tiếp tục điều trị đợt thứ hai, bắt đầu 45 ngày sau, với liều Tamoxifen tăng lên như trên. Nếu đáp ứng điều trị, đợt tiếp theo bắt đầu vào ngày thứ 2 của vòng kinh.

Sử dụng cho trẻ em: Tính hiệu quả và an toàn của Tamoxifen ở trẻ em chưa được xác định, do đó không khuyến cáo sử dụng Tamoxifen cho trẻ em.

3.2 Quá liều thuốc Tamoxifen 20mg và xử trí

Triệu chứng quá liều Tamoxifen là độc tính thần kinh cấp với triệu chứng như mệt, chóng mặt, run, tăng phản xạ, loạng choạng. Các triệu chứng này xảy ra trong vòng 3 - 5 ngày khi bắt đầu dùng thuốc Tamoxifen và hết trong vòng 2 - 5 ngày khi ngừng sử dụng thuốc. Triệu chứng quá liều xảy ra ở bệnh nhân dùng liều tấn công lớn hơn 400mg/m2/lần và dùng liều duy trì 150mg/m2/lần, uống 2 lần/ngày.

Hiện không có thuốc giải độc đặc hiệu dùng cho trường hợp quá liều thuốc Tamoxifen, xử trí chủ yếu là điều trị hỗ trợ triệu chứng.

4. Lưu ý khi sử dụng thuốc Tamoxifen 20mg

  • Trong thời gian điều trị ung thư vú bằng Tamoxifen, một số bệnh nhân tiền mãn kinh có thể bị mất kinh.
  • Sử dụng thuốc Tamoxifen có thể gây nên giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu.
  • Dùng Tamoxifen cho phụ nữ tiền mãn kinh cần theo dõi thận trọng do thuốc gây phóng noãn.
  • Sự gia tăng tần suất rối loạn nội mạc tử cung bao gồm tăng sản, polyp buồng tử cung, ung thư nội mạc tử cung và sarcoma tử cung đã được ghi nhận có liên quan đến Tamoxifen. Theo dõi bệnh nhân đã và đang dùng Tamoxifen có xuất hiện các triệu chứng phụ khoa bất thường không, đặc biệt là xuất huyết âm đạo, rối loạn kinh nguyệt, đau hoặc nặng bụng dưới.
  • Khối u tiên phát thứ hai xuất hiện ngoài nội mạc tử cung và vú còn lại đã được ghi nhận trong thử nghiệm lâm sàng ở bệnh nhân ung thư vú sau khi điều trị Tamoxifen. Mối quan hệ nhân quả vẫn chưa được xác lập và tầm quan trọng về mặt lâm sàng của quan sát này vẫn chưa rõ ràng.
  • Phụ nữ mang thai: Chống chỉ định sử dụng Tamoxifen ở phụ nữ mang thai. Sảy thai tự nhiên, dị tật thai nhi và thai lưu đã được ghi nhận ở phụ nữ có thai dùng Tamoxifen.
  • Phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu thuốc Tamoxifen có bài tiết qua sữa mẹ hay không, khuyến cáo không dùng Tamoxifen trong thời kỳ đang cho con bú. Sự quyết định ngưng cho trẻ bú hoặc ngưng dùng thuốc Tamoxifen tùy thuộc vào mức độ quan trọng của việc dùng thuốc Tamoxifen đối với người mẹ.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Tamoxifen 20mg

Thuốc Tamoxifen thường dung nạp tốt, tác dụng không mong muốn nói chung ít gặp hơn so với estrogen và androgen. Một số tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc Tamoxifen chiếm tỷ lệ 25% những người dùng thuốc như nóng bừng mặt, buồn nôn, nôn. Tuy nhiên, triệu chứng ít khi nghiêm trọng đến mức phải ngừng sử dụng thuốc Tamoxifen.

  • Tác dụng thường gặp: Tăng cân, cơn bốc hỏa. Ngứa âm hộ, mẩn đỏ và khô da, kinh nguyệt không đều, xuất huyết âm đạo, tiết dịch âm đạo. Đau tăng và tái phát đau ở khối u hay xương có thể là dấu hiệu của đáp ứng thuốc Tamoxifen.
  • Ít gặp: Tăng canxi máu ở người bệnh có di căn xương,. Chóng mặt, đau đầu, trầm cảm, lú lẫn, mệt mỏi. Giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu. Chán ăn, rụng tóc, viêm da. Ứ dịch, thuyên tắc mạch huyết khối, tắc mạch phổi.
  • Hiếm gặp: Nhìn mờ và mất thị lực, bệnh lý võng mạc và đục giác mạc, viêm giác mạc. Thay đổi lipid máu, thay đổi nồng độ men gan, ứ mật, viêm gan, hoại tử gan. Lạc nội mạc tử cung , u xơ tử cung.

Ở đàn ông dùng Tamoxifen: Ở đối tượng này khi sử dụng có thể gây nhức đầu, nổi mẩn da, khô da, rụng tóc, buồn nôn, nôn, đau nhức xương, giảm ham muốn tình dục.

Trong thời gian sử dụng thuốc Tamoxifen, bệnh nhân cần theo dõi định kỳ công thức máu, chức năng gan, nếu người bệnh có tăng lipoprotein từ trước cần theo dõi triglycerid và cholesterol huyết thanh. Nếu bệnh nhân cảm thấy thị lực không bình thường, cần kiểm tra độc tính có thể xảy ra của Tamoxifen với mắt. Ngoài ra, nếu có bất kỳ triệu chứng như kinh nguyệt không đều, xuất huyết âm đạo bất thường, đau bụng dưới cần báo cho bác sĩ những tác dụng này.

6. Tương tác thuốc

  • Thuốc kháng đông máu loại coumarin: Tamoxifen có thể làm tăng tác dụng chống đông máu.
  • Các chất gây độc tế bào điều trị ung thư vú: dùng đồng thời với Tamifine có thể làm tăng nguy cơ tắc mạch do huyết khối. Do đó, dự phòng huyết khối nên được xem xét ở bệnh nhân trong giai đoạn hóa trị liệu phối hợp.
  • Rifampicin: dùng đồng thời có thể làm giảm nồng độ Tamoxifen.
  • Alopurinol làm tăng độc tính lên gan của Tamoxifen.

Tamoxifen là thuốc chống ung thư được chỉ định điều trị nội tiết ung thư vú phụ thuộc estrogen ở nữ. Ngoài ra, Tamoxifen còn được dùng trong điều trị vô sinh không phóng noãn. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ chuyên môn.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

22.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan