Công dụng thuốc Ternafast

Ternafast 60 thuộc nhóm thuốc chống dị ứng thường được chỉ định để điều trị các triệu chứng của viêm mũi dị ứng, mày đay, mẩn ngứa,... Vậy thuốc Ternafast có tác dụng gì, lưu ý khi sử dụng thuốc là gì?

1. Ternafast là thuốc gì?

  • Ternafast có thành phần chính là Fexofenadine hydrochloride - là thuốc kháng histamin thế hệ hai, tác dụng đối kháng chọn lọc trên thụ thể H1 ngoại vi điều trị các triệu chứng dị ứng. Fexofenadine gắn chậm vào thụ thể H1 tạo thành phức hợp bền vững, tách ra chậm nên có tác dụng nhanh và kéo dài. Thuốc không ảnh hưởng đến thần kinh trung ương và không gây ngủ. Ternafast không ức chế kênh kali liên quan đến sự tái cực tế bào cơ tim do đó không có độc tính đối với tim.
  • Sau khi uống, thuốc hấp thu nhanh chóng, liên kết với protein huyết tương 60 - 70% chủ yếu là liên kết với Albumin và Alpha 1 - Acid Glycoprotein, đạt nồng độ đỉnh trong máu sau khoảng 120 - 180 phút. Thuốc chuyển hóa chủ yếu ở gan và thải trừ qua phân khoảng 80%.

2. Chỉ định của thuốc Ternafast

Thuốc Ternafast được chỉ định điều trị trong các trường hợp bệnh lý sau đây:

  • Viêm mũi dị ứng theo mùa: Chảy nước mũi, chảy nước mắt, ngứa mũi, hát hơi, đỏ mắt, ngứa mắt,...
  • Giảm các triệu chứng ngứa của bệnh lý mày đay tự phát mạn tính.
  • Giảm nhẹ các triệu chứng hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, nghẹt mũi,... do dị ứng thời tiết, khói bụi, môi trường.

3. Chống chỉ định của thuốc Ternafast

Không sử dụng thuốc Ternafast trong các trường hợp sau:

  • Bệnh nhân dị ứng với thành phần Fexofenadine hay bất cứ thành phần nào khác của thuốc.
  • Bệnh nhân dưới 12 tuổi không có chỉ định dùng Ternafast.

Lưu ý khi sử dụng thuốc Ternafast:

  • Ở liều điều trị Ternafast không gây ngủ, tuy nhiên đối với người làm việc trong môi trường đòi hỏi sự tập trung và tỉ mỉ như lái xe, công việc điều hành máy móc, việc làm thủ công nên cẩn trọng khi dùng thuốc.
  • Chưa có bằng chứng thuốc có qua được nhau thai hay sữa mẹ hay không, tuy nhiên chỉ nên sử dụng thuốc cho phụ nữ có thai và đang cho con bú khi thật sự cần thiết và phải có ý kiến của bác sĩ.
  • Theo dõi chức năng thận trước và trong quá trình điều trị thuốc ở những bệnh nhân có suy giảm chức năng thận, bệnh nhân lớn tuổi.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc Ternafast cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân có khoảng QT kéo dài từ trước trên điện tâm đồ.
  • Trước khi thực hiện các thử nghiệm kháng nguyên tiêm trong gia nên ngừng thuốc ít nhất 24 - 48 giờ.

4. Tương tác thuốc của Ternafast

Một số tương tác thuốc có thể gặp khi phối hợp thuốc Ternafast với các thuốc khác:

  • Các thuốc kháng acid chứa nhôm và magie sẽ bị giảm tác dụng khi dùng chung với Ternafast. Vì vậy, nên dùng thuốc cách nhau ít nhất 2 giờ.
  • Chưa chứng minh được các tương tác thuốc khác của Ternafast, tuy nhiên trước khi phối hợp với bất cứ loại thuốc nào khác cần phải tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.

5. Liều dùng và cách dùng

Cách dùng:

  • Ternafast được bào chế dưới dạng viên nén bao phim hàm lượng 60mg. Uống nguyên viên với nước, không nghiền nát hay tách rời viên thuốc.
  • Uống thuốc sau ăn từ 30 - 60 phút.

Liều dùng:

  • Bệnh lý viêm mũi dị ứng theo mùa: Uống 1 viên (60mg)/ lần x 2 lần/ ngày. Liều tối đa 180mg/ ngày.
  • Nổi mày đay tự phát mạn tính: Uống 1 viên (60mg)/ ngày x 2 lần/ ngày; Hoặc 3 viên (60mg)/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy thận: Liều khởi đầu 1 viên (60mg)/ lần/ ngày.
  • Bệnh nhân suy gan, người lớn tuổi chức năng thận ổn định không cần điều chỉnh liều Ternafast.
  • Nếu sử dụng quá liều có thể gây ra một số biểu hiện như: Buồn ngủ, khô miệng, chóng mặt,... Khi phát hiện các triệu chứng bất thường nên ngừng thuốc ngay lập tức và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí.
  • Nếu quên uống 1 liều uống lại ngay khi nhớ ra, nếu gần đến thời gian uống liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo lịch, không dùng gấp đôi liều Ternafast đã quên.

6. Tác dụng phụ của thuốc Ternafast

Một số tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Ternafast:

Tác dụng phụ thường gặp

  • Đau đầu, choáng, buồn ngủ, buồn nôn, nôn, mệt mỏi,...
  • Khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
  • Tăng khả năng nhiễm virus (cảm, cúm), nhiễm khuẩn đường hô hấp trên.
  • Ngứa họng, sốt, ho.
  • Viêm xoang, viêm tai giữa.
  • Đau bụng kinh.
  • Đau nhức cơ xương khớp.

Tác dụng phụ ít gặp:

  • Rối loạn giấc ngủ, ác mộng, giật mình, sợ hãi.
  • Khô miệng.

Tác dụng phụ hiếm gặp:

  • Phản ứng phản vệ, nổi mày đay, phù mạch, khó thở, tức ngực, đỏ phừng mặt.

Tóm lại, Ternafast là thuốc chống dị ứng thường được chỉ định trong các bệnh lý viêm mũi dị ứng, mày đay,... Thuốc dễ sử dụng, hiệu quả điều trị tốt tuy nhiên sử dụng quá liều sẽ gây ra một số tác dụng không mong muốn trên hệ thần kinh trung ương.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

240 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan