Công dụng thuốc Tevatadin

Thuốc Tevatadin được bào chế dưới dạng viên nén, có thành phần chính là Loratadin. Thuốc được sử dụng trong điều trị viêm mũi dị ứng và các vấn đề dị ứng khác.

1. Thuốc Tevatadin có tác dụng gì?

1 viên thuốc Tevatadin có chứa 10mg Loratadin và các tá dược khác. Loratadin là loại thuốc kháng histamin 3 vòng. Thuốc có tác dụng kéo dài đối kháng chọn lọc trên các thụ thể H1 ngoại biên nhưng không có tác dụng làm dịu trên thần kinh trung ương. Ngoài ra, Loratadin còn có tác dụng chống ngứa và tình trạng nổi mề đay liên quan tới histamin.

Tuy nhiên, Loratadin không có tác dụng bảo vệ hay trợ giúp lâm sàng đối với các trường hợp giải phóng histamin nặng như choáng phản vệ. Đồng thời, Loratadin không có tác dụng an thần (ngược với tác dụng phụ an thần của các loại thuốc kháng histamin thế hệ 1).

Chỉ định sử dụng thuốc Tevatadin:

  • Điều trị triệu chứng liên quan tới viêm mũi dị ứng: Chảy nước mũi, ngứa mũi, hắt hơi, ngứa và xót mắt;
  • Điều trị triệu chứng mày đay mạn tính và các rối loạn dị ứng ngoài da khác.

Chống chỉ định sử dụng thuốc Tevatadin:

  • Người bệnh có tình trạng quá mẫn, dị ứng với một trong các thành phần thuốc;
  • Trẻ em dưới 2 tuổi.

2. Cách dùng và liều dùng thuốc Tevatadin

Cách dùng: Đường uống.

Liều dùng:

  • Người lớn và trẻ em từ 12 tuổi trở lên: Dùng liều 1 viên (10mg)/lần/ngày;
  • Trẻ em từ 2 - 12 tuổi:
    • Cân nặng trên 30kg: Dùng liều 10mg/ngày;
    • Cân nặng dưới 30kg: Dùng liều 5mg/ngày.

Quá liều: Nếu sử dụng thuốc Tevatadin quá liều, người bệnh có thể bị buồn ngủ, nhức đầu, nhịp tim nhanh. Theo ghi nhận thực tế, đã có người sử dụng tới liều 160mg nhưng chưa gặp tác dụng phụ. Dù vậy, trong trường hợp dùng thuốc quá liều, người bệnh nên lập tức được điều trị nâng đỡ và điều trị triệu chứng.

Việc điều trị quá liều bao gồm:

  • Người bệnh nên được gây nôn (dù quá liều cũng có khả năng tự nôn). Phương pháp hay được sử dụng nhất là gây nôn bằng siro ipeca. Tuy nhiên, không nên gây nôn cho những bệnh nhân bị giảm tri giác. Tác động của ipeca được hỗ trợ bởi các vận động cơ học, bằng cách cho người bệnh uống từ 240 - 360ml nước. Nếu người bệnh không nôn trong vòng 15 phút thì nên sử dụng lại ipeca. Cần đề phòng, không để hít dịch nôn vào đường hô hấp (đặc biệt là ở trẻ em). Sau khi người bệnh nôn, nên dùng than hoạt dạng pha sệt với nước để có thể hấp thu lượng thuốc còn sót lại trong dạ dày;
  • Nếu gây nôn không thành công hoặc người bệnh có chống chỉ định thì nên tiến hành súc rửa dạ dày. Dung dịch được lựa chọn để rửa dạ dày là nước muối sinh lý (đặc biệt là ở trẻ em). Ở người lớn, có thể dùng nước để rửa dạ dày nhưng cần tháo ra càng nhiều càng tốt trước khi bơm rửa đợt khác. Nước muối tẩy rửa sẽ dẫn nước vào đường ruột bằng sự thẩm thấu nên nó còn có tác động pha loãng nhanh chóng các chất có trong ruột.

3. Tác dụng phụ của thuốc Tevatadin

Khi sử dụng thuốc Tevatadin, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như:

  • Thường gặp: Buồn ngủ, mệt mỏi, nhức đầu, khô miệng, rối loạn tiêu hóa (buồn nôn, viêm dạ dày), dị ứng (phát ban);
  • Hiếm gặp: Rụng tóc, chức năng gan bất thường, sốc phản vệ, lo âu.

Khi gặp các tác dụng phụ của thuốc Tevatadin, người bệnh nên thông báo ngay cho bác sĩ để nhận được lời khuyên, sự tư vấn về cách xử trí, ứng phó phù hợp.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Tevatadin

Một số lưu ý người bệnh cần nhớ trước và trong khi dùng thuốc Tevatadin:

  • Người bệnh suy gan trầm trọng nên dùng liều ban đầu thấp hơn (do giảm thanh thải Loratadin). Liều khởi đầu ở nhóm bệnh nhân này là 5mg/ngày hoặc 10mg/2 ngày;
  • Hiện chưa khẳng định được độ an toàn và hiệu quả của thuốc Loratadin ở trẻ em dưới 2 tuổi;
  • Hiện chưa khẳng định được độ an toàn khi sử dụng thuốc Tevatadin trong thời kỳ mang thai. Do đó, chỉ nên sử dụng khi lợi ích của thuốc vượt trội hơn so với nguy cơ có thể xảy ra;
  • Do Loratadin được bài tiết qua sữa mẹ, tăng nguy cơ tác dụng phụ của thuốc kháng histamin trên trẻ sơ sinh và trẻ sinh non nên cần ngưng cho con bú hoặc ngưng dùng thuốc Tevatadin trong thời gian cho con bú;
  • Thuốc Tevatadin có thể gây nhức đầu, buồn ngủ nên cần thận trọng khi sử dụng ở người lái xe, vận hành máy móc.

5. Tương tác thuốc Tevatadin

Một số tương tác thuốc của Tevatadin gồm:

  • Khi sử dụng đồng thời với rượu, Loratadin không có tác dụng mạnh như trong các nghiên cứu tâm thần vận động;
  • Có sự gia tăng nồng độ của Loratadin trong huyết tương khi sử dụng đồng thời với ketoconazole, erythromycin hoặc cimetidine;
  • Thận trọng khi sử dụng đồng thời Loratadin với các dược phẩm có tác động ức chế chuyển hóa gan cho tới khi có kết quả nghiên cứu rõ ràng, đầy đủ về tương tác thuốc;
  • Nên ngưng dùng thuốc Loratadin khoảng 48 giờ trước khi thực hiện các xét nghiệm trên da vì các thuốc kháng histamin có thể làm mất, làm giảm những dấu hiệu của các phản ứng dương tính ngoài da.

Khi được chỉ định sử dụng thuốc Tevatadin, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định của bác sĩ về cách dùng, liều dùng, thời gian dùng thuốc. Nếu có bất kỳ vấn đề bất thường nào, bệnh nhân nên kịp thời báo cho bác sĩ để nhận được sự tư vấn phù hợp, tránh nguy cơ gặp phải những tác dụng phụ khó lường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

79 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan