Công dụng thuốc Tytdroxil

Tytdroxil là thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị các nhiễm khuẩn thể nhẹ và trung bình do vi khuẩn nhạy cảm với Cefadroxil gây ra, bao gồm nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiết niệu – sinh dục, da và mô mềm.

1. Thuốc Tytdroxil có tác dụng gì?

Thuốc Tytdroxil chứa thành phần chính là Cefadroxil, một kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ I.

Tytdroxil có phổ tác dụng trung bình trên các vi khuẩn gram dương như tụ cầu, liên cầu, phế cầu (trừ liên cầu kháng methicillin). Tytdroxil cũng được chỉ định để điều trị một số vi khuẩn gram âm như Proteus mirabilis, Shigella, E.coli, Klebsiella pneumoniae.

Tytdroxil tác dụng dựa trên sự ức chế sự tổng hợp vách tế bào trong giai đoạn phân chia để nhân lên của vi khuẩn, từ đó tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

Thuốc được hấp thu nhanh và gần như hoàn toàn qua đường uống, thức ăn không làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu của Tytdroxil. Sau khi uống, thuốc được phân bố rộng rãi ở các mô và dịch trong cơ thể, tan tốt trong mô mỡ.

Tytdroxil được bài tiết dưới dạng không đổi qua nước tiểu sau 24 giờ.

2. Chỉ định của thuốc Tytdroxil

Tytdroxil được chỉ định điều trị các bệnh sau:

  • Nhiễm khuẩn đường tiết niệu cấp hoặc mãn tính: Viêm thận - bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo;
  • Nhiễm khuẩn da và các tổ chức dưới da: Viêm hạch bạch huyết, áp xe, viêm tế bào, loét;
  • Viêm họng và viêm amidan do Streptococcus tan huyết beta nhóm A;
  • Nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới: Viêm phổi, đợt cấp viêm phế quản mãn, giãn phế quản, áp xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm màng phổi, viêm thanh quản;
  • Viêm tai giữa;
  • Nhiễm khuẩn hệ xương khớp: Viêm xương tủy xương, viêm khớp có nhiễm khuẩn.

3. Chống chỉ định của thuốc Tytdroxil

Không dùng thuốc Tytdroxil trong các trường hợp sau:

  • Mẫn cảm với bất kỳ kháng sinh thuộc nhóm Cephalosporin;
  • Không dùng với thuốc khác có chứa Cefadroxil.

4. Lưu ý khi dùng thuốc Tytdroxil

  • Bệnh nhân bị dị ứng với kháng sinh Penicillin nên thận trọng khi dùng thuốc Tytdroxil;
  • Thận trọng sử dụng ở bệnh nhân suy thận do thuốc được thải trừ qua đường tiểu;
  • Bệnh nhân bị bệnh đường tiêu hóa cần thận trọng;
  • Dùng Tytdroxil kéo dài có thể làm phát triển quá mức các chủng vi khuẩn không nhạy cảm với thuốc;
  • Chỉ dùng thuốc trong thai kỳ nếu thật cần thiết;
  • Có thể dùng Tytdroxil 250 trong thời gian cho con bú do thuốc không qua hàng rào sữa mẹ.

5. Tương tác thuốc

  • Tytdroxil dùng chung với Cholestyramin làm chậm sự hấp thụ của thuốc ở ruột;
  • Thuốc Probenecid có thể làm giảm sự thải trừ của kháng sinh nhóm Cephalosporin;
  • Furocemid, Aminoglycosid khi phối hợp với thuốc Tytdroxil có thể hiệp đồng làm tăng độc tính trên thận.

6. Liều dùng và cách dùng

Người lớn:

  • 500mg - 1g/lần x 1 - 2 lần/ngày.

Trẻ em:

  • Trẻ em từ 1 đến 6 tuổi: 250mg x 2 lần/ ngày;
  • Trẻ em lớn hơn 6 tuổi: 500mg x 2 lần/ ngày.

Liều dùng cho bệnh nhân suy thận:

  • Độ lọc cầu thận từ 0 đến 10ml/phút: Khoảng cách giữa 2 liều là 36 giờ;
  • Độ lọc cầu thận từ 10 đến 25ml/phút: Khoảng cách giữa 2 liều là 24 giờ;
  • Độ lọc cầu thận từ 25 đến 50ml/phút: Khoảng cách giữa 2 liều là 12 giờ;
  • Độ lọc cầu thận trên 50ml/phút được điều trị như bệnh nhân có chức năng thận bình thường.

Cách dùng:

  • Bệnh nhân suy thận cần chỉnh liều do thuốc được thải trừ qua đường nước tiểu nên sẽ gây tích trữ thuốc trong cơ thể;
  • Tytdroxil bền vững với acid, nên uống thuốc không phụ thuộc vào bữa ăn.

7. Tác dụng phụ của thuốc Tytdroxil

Tytdroxil được dung nạp rất tốt ở mọi lứa tuổi. Tuy nhiên vẫn có một số tác dụng phụ ít gặp sau:

  • Trên hệ tiêu hóa: Cảm giác buồn nôn, nôn, tiêu chảy (ít gặp hơn);
  • Các phản ứng phản vệ: Nổi ban (ít gặp), nổi mề đay;
  • Ngứa bộ phận sinh dục, viêm âm đạo;
  • Giảm bạch cầu thoáng qua (ít gặp).

Tytdroxil là kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ I, có tác dụng kháng khuẩn phổ rộng ở một số loại vi khuẩn trên cơ thể. Khi sử dụng Tytdroxil, bạn cần làm theo đúng chỉ định về liều và thời gian dùng thuốc. Không tự ý dùng dài ngày hoặc ngừng Tytdroxil vì sẽ làm tăng tỷ lệ kháng thuốc ở vi khuẩn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

54 lượt đọc

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan