Không tự ý dùng thuốc tăng tuần hoàn não

Thiếu máu não là một bệnh lý nguy hiểm và có thể dẫn đến đột quỵ, tử vong. Nhiều người có dấu hiệu đau đầu, chóng mặt thường lầm tưởng do thiếu máu não và tự ý dùng dùng thuốc tăng tuần hoàn não. Đây là một quan niệm sai lầm và có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

1. Thiếu máu não là gì?

Bộ não tuy chỉ chiếm 2% trọng lượng của toàn bộ cơ thể nhưng nó cần được cung cấp 20% lượng máu từ tim, 25% lượng oxy trong hệ tuần hoàn và 25% lượng đường trong máu để có thể duy trì các chức năng bình thường. Nếu quá trình cung cấp máu lên não có trục trặc sẽ dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não và ảnh hưởng đến chức năng của các tế bào não. Nguyên nhân làm ảnh hưởng đến lưu lượng máu lên não có thể là tắc nghẽn mạch máu do xơ vữa động mạch, các bệnh lý bệnh lý tim mạch hay bệnh lý thần kinh. Khi tuần hoàn máu lên não ngừng khoảng 6 giây, bệnh nhân có thể bị ngất, nhưng nếu tuần hoàn não ngừng trong 5 phút thì các tế bào não sẽ chết và gây ra các di chứng nặng nề. Do đó thiếu máu não là một bệnh lý nguy hiểm, bệnh nhân không được chủ quan hay tự ý dùng thuốc mà không có chỉ định của bác sĩ.

2. Dấu hiệu của bệnh thiếu máu não là gì?

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh thiếu máu não bao gồm:

  • Đau đầu, hoa mắt, chóng mặt
  • Đi đứng không vững, loạng choạng và dễ té ngã
  • Chân tay tê mỏi
  • Thị lực suy giảm, trí nhớ cũng giảm sút
  • Khó ngủ
  • Có thể bị ngất xỉu.

Các triệu chứng trên có thể chỉ “thoáng qua” khoảng vài phút nhưng cũng có trường hợp kéo dài khoảng vài chục phút mới hết. Nếu không tìm ra nguyên nhân và có biện pháp xử trí kịp thời, tình trạng thiếu máu não sẽ có thể tái phát liên tục, gây ảnh hưởng xấu đến chất lượng cuộc sống và có nguy cơ dẫn đến đột quỵ.

thuốc giãn mạch máu não
Tự ý dùng thuốc giãn mạch máu não có thể dẫn đến nhiều tác dụng phụ nguy hiểm

3. Các loại thuốc tăng tuần hoàn não

  • Cinnarizin: có đặc tính chẹn kênh calci chọn lọc, làm giảm hoạt tính co mạch của một số chất như adrenalin, serotonin, từ đó thuốc làm giãn mạch máu não và cải thiện tuần hoàn não. Tuy nhiên, thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, đau thượng vị, ngủ gà. Bệnh nhân cao tuổi cần tránh dùng thuốc dài ngày vì có thể xuất hiện những triệu chứng ngoại tháp, đôi khi kết hợp với dấu hiệu trầm cảm trong điều trị kéo dài.
  • Piracetam: có tác động đến một số chất dẫn truyền thần kinh như dopamin, acetylcholin, noradrenalin,....Thuốc còn giúp tăng huy động và sử dụng glucose mà không lệ thuộc vào việc cung cấp oxy, duy trì tổng hợp năng lượng ở não. Ngoài ra, piracetam còn giúp thúc đẩy hồi phục sau tổn thương não do thiếu oxy bằng cách tăng sự quay vòng của các photphat vô cơ và giảm tích tụ glucose, acid lactic. Nhờ đó, thuốc giúp cải thiện trí nhớ, khả năng học tập và giảm các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt. Khi sử dụng, thuốc gây ra một số tác dụng phụ như buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy hoặc cảm giác bồn chồn, dễ bị kích động,... Các tác dụng ngoại ý này có thể giảm nhẹ bằng cách giảm liều.
  • Cerebrolysin: thuốc đi qua hàng rào máu – não và tác động vào bên trong tế bào thần kinh. Thuốc có nhiều tác động lên tế bào thần kinh bao gồm giúp tăng sinh, biệt hóa, điều hòa chức năng của tế bào thần kinh, tăng cường lưu lượng máu lên não và bảo vệ não khỏi các thương tổn do thiếu máu cục bộ gây ra. Thuốc thường được dùng cho người rối loạn trí nhớ, kém tập trung, sa sút trí tuệ do nguyên nhân mạch máu não, nhồi máu não hoặc dùng cho bệnh nhân đột qu.
  • Ginkgo biloba: đây là cao từ lá bạch quả, chứa nhiều flavonoid có tác dụng loại bỏ các gốc tự do, tăng cường giải phóng các catecholamin, ngăn ngừa sự phá hủy màng tế bào và duy trì chuyển hóa của não như tăng tiêu thụ glucose, cân bằng chất điện giải trong điều kiện thiếu máu cục bộ. Thuốc được dùng trong trường hợp rối loạn tuần hoàn não, sa sút trí tuệ, suy giảm trí nhớ,...
  • Saponin: đây là một có nhiều trong rễ cây đinh lăng. Saponin có tác dụng cải thiện trí nhớ và tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

4. Có nên tự ý sử dụng thuốc tăng tuần hoàn não không?

Hiện nay có nhiều người có biểu hiện đau đầu và lầm tưởng là do thiểu năng tuần hoàn não nên đã tự ý mua các thuốc tăng tuần hoàn não, thuốc bổ não để sử dụng mà không đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng với chỉ định của bác sĩ có thể làm tăng nguy cơ gặp các tác dụng phụ không mong muốn nguy hiểm. Trên thực tế, các triệu chứng như đau đầu, hoa mắt chóng mặt có thể do nhiều nguyên nhân gây ra như rối loạn tiền đình, suy nhược thần kinh...chứ không chỉ riêng thiếu máu não. Do đó, tốt nhất bệnh nhân cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh và được chỉ định liệu pháp điều trị phù hợp.

Sau khi thăm khám, bác sĩ sẽ tùy theo kiểu và mức độ thiếu máu não chọn để chọn loại thuốc và liều thích hợp. Nhưng có một số bệnh nhân tự ý tăng liều với hy vọng tuần hoàn não tốt hơn sẽ có lợi cho trí nhớ, khả năng tập trung. Thực chất đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm. Các thuốc (kể cả loại thuốc được xem là hưng trí như piracetam, ginkgo biloba) chỉ có khả năng phục hồi lại sự suy giảm trí nhớ do rối loạn tuần hoàn não trở về mức bình thường chứ không có khả năng làm tăng cường trí nhớ vượt lên mức bình thường. Việc tự ý tăng liều hay dùng thuốc khi không mắc bệnh sẽ dẫn đến nhiều tác hại và có thể gây ra nhiều tác dụng phụ như mệt mỏi, khó ngủ, rối loạn tiêu hóa,...

thuốc giãn mạch máu não
Đau đầu là dấu hiệu của bệnh thiếu máu não

5. Một số lưu ý khi dùng thuốc tăng tuần hoàn não

  • Người bệnh tuyệt đối không tự ý dùng thuốc tăng tuần hoàn não khi không có chỉ định của bác sĩ. Nếu phải dùng thuốc thì không nên tự ý tăng hoặc giảm liều dùng mà cần tuân thủ theo chỉ định
  • Trong thiếu máu cục bộ cần dùng các thuốc như piracetam, cerebrolysin. Sau khi đạt được mục đích bảo vệ não khỏi các tổn thương thì bác sĩ thường cho bệnh nhân ngừng thuốc. Tuy nhiên một số người lại coi chúng là thuốc bổ não và tự ý dùng thêm. Điều này không có ích lợi gì mà ngược lại còn có thể gây hại
  • Thận trọng khi dùng cerebrolysin, piracetam nếu chức năng thận suy giảm vì thuốc bài tiết qua thận. Thận trọng khi dùng cerebrolysin, ginkgo biloba cho người cao huyết áp. Lưu ý ginkgo biloba không nên dùng cho người cường giáp và piracetam không được sử dụng trong trường hợp suy gan.
  • Khi dùng thuốc cần chú ý đến các tương tác bất lợi. Ví dụ, cinnarizin có thể làm tăng hiệu lực của các thuốc kháng histamin, thuốc an thần gây ngủ và rượu. Cerebrolysin làm tăng tích lũy các thuốc IMAO, các thuốc chống trầm cảm. Còn Ginkgo biloba lại có nguy cơ tăng huyết áp khi dùng chung với IMAO.
  • Trong quá trình sử dụng người bệnh cần lưu ý theo dõi các tác dụng phụ của thuốc tăng tuần hoàn não và báo cho bác sĩ để xử trí kịp thời. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đau vùng thượng vị, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, triệu chứng ngoại tháp, cảm giác bồn chồn, kích động hay dấu hiệu trầm cảm.

Ngoài dùng thuốc theo đúng chỉ định, bệnh nhân cần điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, không nên lạm dụng các chất kích thích. Tăng cường vận động thường xuyên tùy theo điều kiện và sức khỏe của mình để khí huyết lưu thông, cải thiện tuần hoàn.

Thiếu máu não là căn bệnh nguy hiểm, bệnh nhân bị thiểu năng tuần hoàn não không được chủ quan hay xem thường bệnh. Nếu có biểu hiện thiếu máu não, bạn nên đến các cơ sở y tế để được thăm khám với bác sĩ chuyên khoa, tìm ra nguyên nhân và có phác đồ điều trị hiệu quả. Bạn không nên tự ý dùng thuốc tăng tuần hoàn não vì bệnh có thể không tiến triển mà còn có nguy cơ gặp phải nhiều tác dụng phụ nguy hiểm.

Theo dõi website Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec để nắm thêm nhiều thông tin sức khỏe, dinh dưỡng, làm đẹp để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và những người thân yêu trong gia đình.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

29.4K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan