Sau khi uống thuốc hạ sốt bao lâu thì hạ?

Hiện tại trên thị trường có nhiều loại thuốc hạ sốt với các dạng bào chế khác nhau. Trong các tình huống thông thường, bạn nên lựa chọn Paracetamol (Acetaminophen). Loại thuốc này được đánh giá là có tác dụng hạ sốt nhanh (trong vòng 30 phút), an toàn, ít biến chứng và dễ sử dụng.

1. Lựa chọn thuốc hạ sốt phù hợp cho gia đình

Trong tủ thuốc của các gia đình, thuốc hạ sốt là một trong những loại thuốc quan trọng không thể thiếu. Có 2 lý do cho điều này:

  • Sốt là tình trạng cấp tính dễ dàng gây ra biến chứng với trẻ em và người lớn tuổi. Do vậy luôn phải sẵn sàng để hạ sốt ngay khi có nguy cơ sốt quá cao;
  • Thuốc hạ sốt khá an toàn và dễ sử dụng. Hoàn toàn có thể dùng tại nhà và ít gây ra phản ứng nghiêm trọng.

Hiện nay, trên thị trường có nhiều loại thuốc hạ sốt (Ibuprofen, Aspirin...), nhưng được khuyên dùng nhiều nhất là Paracetamol (còn gọi là Acetaminophen). Hiện có một số loại Paracetamol như sau:

  • Paracetamol đơn thuần (Efferalgan xanh): Có tác dụng hạ sốt mạnh và kháng viêm mức nhẹ. Thích hợp dùng để hạ sốt cho trẻ đang mọc răng, sốt virussốt phát ban.
  • Paracetamol kết hợp với codein (Efferalgan đỏ): Có tác dụng hạ sốt, chống đau đầu, thích hợp dùng cho người lớn bị sốt virus, sốt kèm đau đầu, đau mỏi cơ khớp.
  • Paracetamol kết hợp chlorpheniramine: Thích hợp dùng cho các trường hợp sốt do cúm, sốt do viêm họng, viêm đường hô hấp.

Lưu ý khi lựa chọn và sử dụng thuốc hạ sốt:

  • Thuốc hạ sốt dạng viên nén sẽ phù hợp cho người lớn và người cao tuổi, còn loại gói bột, viên đạn, cao dán lại thích hợp dùng cho trẻ em. Tùy vào các thành viên trong gia đình ở lứa tuổi nào mà bạn có thể cân nhắc, lựa chọn dạng thuốc sao cho phù hợp.
  • Nếu nhà bạn có toàn người lớn, có thể cân nhắc mua Efferalgan xanh và đỏ (thường được bào chế dưới dạng 500mg), mua mỗi thứ 1 vỉ (4 viên);
  • Nếu nhà bạn có trẻ em, bạn nên mua thêm 2 loại khác là: Thuốc dạng gói bột hương cam, chanh, dâu... để pha cho trẻ uống hạ sốt, hoặc loại cao dán, viên đạn (dùng cho trẻ sốt li bì, hay nôn trớ).
  • Do Paracetamol có nhiều chế phẩm (hapacol, efferalgan, tylenol, doliprane...), nhiều dạng bào chế (viên nén, gói, viên sủi, dạng lỏng...), nên cha mẹ lưu ý khi đã dùng một loại thuốc có chứa paracetamol thì không dùng loại khác cũng có chứa hoạt chất này. Tùy vào từng dạng mà uống thuốc hạ sốt bao lâu thì có tác dụng khác nhau. Cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên bao bì cũng như thành phần của thuốc để tránh quá liều.

2. Uống thuốc hạ sốt bao lâu thì có tác dụng?

2.1. Dấu hiệu cần sử dụng thuốc hạ sốt

Nhiều người thắc mắc sốt đến ngưỡng nào thì có thể sử dụng thuốc hạ sốt? Thật ra nếu người lớn sốt từ 39 độ C thì đã có thể cho dùng thuốc hạ sốt. Riêng đối với trẻ em, khi sốt trên 38,5 độ C thì nên cho dùng ngay vì tốc độ sốt của trẻ lên 39, 40 độ C rất nhanh. Đây là 2 ngưỡng nhiệt độ nguy hiểm cần có biện pháp xử lý gấp.

2.2. Liều dùng thuốc hạ sốt

Tùy từng dạng bào chế và hướng dẫn cụ thể của từng loại thuốc, người bệnh cần tuân thủ đúng quy định về liều lượng, cách dùng. Đối với người lớn thì có thể dùng Paracetamol 2-3 lần/ngày (mỗi lần 1 viên). Với trẻ em thì nên dùng 3-4 lần/ngày, mỗi lần dùng 1 gói hoặc 1 viên đạn. Mỗi lần dùng phải cách nhau tối thiểu 4 tiếng đồng hồ, ngoại trừ một số trường hợp đặc biệt.

2.3. Uống thuốc hạ sốt bao lâu thì có tác dụng?

Uống hạ sốt bao lâu thì hạ, làm sao biết thuốc có tác dụng... là câu hỏi quen thuộc của nhiều bậc phụ huynh. Đối với thuốc hạ sốt dạng viên, thông thường sau 30 phút thuốc sẽ bắt đầu phát huy tác dụng. Nếu sau 30-60 phút thuốc không hạ sốt, bạn cần xem lại thuốc có bị đổi màu, quá hạn sử dụng hay không. Nếu thuốc vẫn đảm bảo chất lượng bạn có thể uống tiếp liều thứ 2. Trong trường hợp sốt vẫn không hạ, cần đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Bạn cần chuẩn bị 1 nhiệt kế thủy ngân, đo nhiệt độ 1 lần trước khi uống thuốc. Nếu sau 30 phút nhiệt độ không giảm có thể uống tiếp liều thứ 2 như hướng dẫn ở trên. Tuyệt đối không dùng quá 6 liều/ ngày.

2.4. Bị sốt khi nào cần đi viện?

Các trường hợp cần phải đi viện và gặp bác sĩ:

  • Sốt kéo dài quá 3 ngày;
  • Uống thuốc hạ sốt không có tác dụng;
  • Sốt quá cao, 40 - 41 độ C (vừa phải dùng thuốc vừa cho đi viện);
  • Dùng thuốc hạ sốt nhưng bị dị ứng.

Đặc biệt cần lưu ý không được tiếp tục dùng thuốc hạ sốt nếu thấy dị ứng, không dùng thuốc cho bệnh nhân viêm gan, trẻ bị viêm gan, vàng da do tắc mật. Những trường hợp này tuyệt đối không được tự ý dùng thuốc tại gia. Khi thấy sốt cần đưa đi bệnh viện và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ.

Hy vọng những thông tin ở trên đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc uống thuốc hạ sốt bao lâu thì hạ và cách chăm sóc bản thân và gia đình khi bị sốt. Chúc bạn sớm khỏe.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

51K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan