Tác dụng phụ của thuốc rối loạn tiền đình

Rối loạn tiền đình là hiện tượng cơ thể bị mất trạng thái cân bằng về tư thế gây ra các triệu chứng như chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo... Nhiều người đã tự ý mua thuốc dùng mà không chú ý đến các tác dụng phụ hay các tương tác thuốc cần thiết đã gây ra nhiều biến chứng. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số thuốc chữa rối loạn tiền đình và những lưu ý khi sử dụng.

1. Rối loạn tiền đình là gì?

Hệ thống tiền đình có chức năng chính là giữ thăng bằng cho cơ thể khi thực hiện các động tác chuyển động như xoay người, cúi người, đi lại... được điều khiển bởi các nhóm thần kinh trong não.

Rối loạn tiền đình không phải là một bệnh mà là một hội chứng, dấu hiệu cảnh báo một bệnh lý nào đó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn tiền đình, tùy theo các triệu chứng xuất hiện.

Biểu hiện hay gặp của rối loạn tiền đình với việc mất thăng bằng, đi không vững, cảm giác chóng mặt, yếu, mệt, kém tập trung, mắt mờ, buồn nôn, ói mửa...

Rối loạn tiền đình có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng thường gặp nhiều nhất ở người trưởng thành, tuổi càng cao thì tỷ lệ mắc phải hội chứng này càng cao.

Đối tượng có nguy cơ cao mắc rối loạn tiền đình:

  • Nhân viên văn phòng, người ngồi nhiều ở phòng có điều hòa và sử dụng máy tính thường xuyên.
  • Người làm việc trong môi trường ồn ào, áp lực công việc, cuộc sống, ít vận động, ít di chuyển, không gian kín.
  • Người bị thoái hóa cột sống cổ nặng chèn ép động mạch đốt sống gây thiếu máu vận chuyển cung cấp cho vùng não thuộc hệ thống nền như thân não, tiểu não.

2. Điều trị hội chứng rối loạn tiền đình

Cho đến nay, vẫn chưa có thuốc điều trị dứt điểm hội chứng rối loạn tiền đình mà chủ yếu cần phải tập trung tìm ra căn nguyên gây bệnh để điều trị.

Trong trường hợp người bệnh xuất hiện các triệu chứng như trên của hội chứng này thì nên đi khám ngay để xác định và điều trị nguyên nhân từ sớm.

Điều trị rối loạn tiền đình chủ yếu là điều trị nội khoa (dạng uống hoặc tiêm) và các thuốc được sử dụng phải do bác sĩ chỉ định. Người bệnh tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về uống hoặc làm theo các biện pháp dân gian để tự điều trị.

Dưới đây là một số thuốc chữa rối loạn tiền đình sử dụng phổ biến hiện nay và các tác dụng phụ kèm theo cần được lưu ý bao gồm:

  • Thuốc kháng histamin

Bao gồm các thuốc như Scopolamine, Dimenhydrinate hoặc Promethazin... có tác dụng cải thiện tình trạng buồn nôn, chóng mặt nhưng lại gây ra tác dụng phụ thường gặp nhất là buồn ngủ.

Trong nhóm thuốc kháng Histamin thế hệ 1, thuốc Cinnarizin được sử dụng khá phổ biến để điều trị hỗ trợ triệu chứng chóng mặt, choáng váng, ù tai, hạn chế tình trạng say tàu xe. Tuy nhiên cũng như các thuốc khác, thuốc này cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ như buồn ngủ, mệt mỏi và rối loạn tiêu hóa.

Để hạn chế các tác dụng này, người bệnh nên uống thuốc sau khi ăn no. Tác dụng phụ hiếm gặp là hiện tượng đau đầu, khô miệng, tăng cân. Trường hợp người bệnh có tiền sử mắc bệnh Parkinson có thể bị ra mồ hôi nhiều và dị ứng, nên thông báo với bác sĩ nếu được chỉ định dùng thuốc này.

Không nên dùng thuốc Cinnarizin cho người lái xe hay vận hành máy móc khi đang làm việc. Trong quá trình dùng thuốc, người bệnh không nên uống rượu hay dùng thuốc ức chế hệ thần kinh trung ương, thuốc chống trầm cảm 3 vòng vì có nguy cơ tăng tác dụng phụ buồn ngủ của thuốc.

  • Thuốc giúp giảm triệu chứng chóng mặt, buồn nôn

Loại thuốc hay được sử dụng là Acetyl leucin. Lưu ý rằng, người bệnh chỉ được dùng thuốc này khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa vì thuốc này có thể có nguy cơ cao xảy ra tương tác với các thuốc khác.

Chống chỉ định dùng thuốc này là những người bệnh có rối loạn chức năng thận hoặc suy gan do thuốc đào thải qua thận và chuyển hóa ở gan. Đối với phụ nữ mang thai và cho con bú cần xem xét giữa lợi ích điều trị và nguy cơ tiềm ẩn có thể gây hại cho thai nhi và trẻ bú mẹ trước khi quyết định sử dụng thuốc này.

Bên cạnh đó, thuốc này thường gây ra cảm giác khó chịu cho người bệnh và thường xảy ra các tương tác thuốc khác nên khi được chỉ định, người bệnh nên thông báo với bác sĩ các thuốc đang sử dụng để thay thế loại thuốc khác với tác dụng tương tự.

  • Nhóm thuốc ức chế canxi

Trong nhóm này, thuốc Flunarizine là thuốc hay được dùng với công dụng giảm thiểu các triệu chứng đau nửa đầu, chóng mặt hay thiểu năng tuần hoàn. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng phụ là gây buồn ngủ rũ rượi, rối loạn tiêu hóa, trầm cảm, kích thích hệ thần kinh và làm gia tăng các triệu chứng ở người mắc bệnh Parkinson.

Trong một số trường hợp hiếm gặp, có thể gây mệt mỏi khi điều trị với thuốc này, nên ngưng thuốc khi có triệu chứng. Đây là thuốc chỉ được sử dụng khi có kê đơn của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ về liều lượng và thời gian dùng thuốc, không được dùng quá liều và phải được khám đều đặn theo định kỳ, đặc biệt trong giai đoạn đầu dùng thuốc có thể xuất hiện các triệu chứng ngoại tháp như vận động chậm, cứng đơ, nằm ngồi không yên, loạn vận động, run.

Ngoài ra, do tác dụng phụ gây buồn ngủ nên không dùng thuốc cho người điều khiển phương tiện giao thông và vận hành máy móc khi đang làm việc. Thuốc có thể bài tiết qua sữa mẹ, nên chống chỉ định thuốc này với phụ nữ đang trong thời kỳ cho con bú.

  • Nhóm Benzodiazepines

Đây là nhóm thuốc có tác dụng an thần giúp giảm thiểu cảm giác lo lắng, giúp trấn tĩnh và ổn định tinh thần cho người bệnh nên có thể được chỉ định dùng trong những ngày đầu được chẩn đoán xác định hội chứng rối loạn tiền đình.

Tuy nhiên, các thuốc thuộc nhóm này chỉ nên được sử dụng trong thời gian ngắn, vì nhóm thuốc này có nguy cơ gây lệ thuộc thuốc cho người bệnh. Vì vậy, trong quá trình dùng nhóm thuốc này người bệnh phải được kiểm soát việc dùng thuốc chặt chẽ từ bác sĩ tránh tình trạng lạm dụng thuốc.

  • Thuốc Vinpocetin

là một loại thuốc được dùng trong hỗ trợ điều trị hội chứng rối loạn tiền, bởi vì thuốc này có tác dụng cải thiện quá trình chuyển hóa não, giúp tăng sức chịu đựng thiếu oxy của các tế bào não. Tuy nhiên, thuốc này có tác dụng phụ làm hạ huyết áp tạm thời và gây ra tình trạng rối loạn giấc ngủ. Do đó, khi người bệnh dùng thuốc nên thận trọng theo dõi các dấu hiệu của tụt huyết áp và tiến hành kiểm tra huyết áp thường xuyên.

Tác dụng phụ hiếm gặp khác của thuốc này trên hệ tiêu hóa là ợ nóng, đau bụng, buồn nôn. Ngoài ra, có thể gặp những phản ứng dị ứng. Ở dạng thuốc tiêm, Vinpocetin có xảy ra tương kỵ với thuốc Heparin nên không được truyền thuốc này cho người bệnh đang điều trị với Heparin.

  • Nhóm thuốc hỗ trợ điều trị tăng tuần hoàn máu não

Được dùng phổ biến với các thuốc như Piracetam, Ginkor giloba...

3. Một số lưu ý dành cho người bị rối loạn tiền đình

Chóng mặt là triệu chứng điển hình nhất của hội chứng rối loạn tiền đình. Nhằm tránh xảy ra những cơn chóng mặt kịch phát, người bệnh cần chú ý một số điểm như sau:

  • Không nên ngồi yên một chỗ quá lâu, nhất là ngồi trước màn hình máy tính, tránh quay cổ hoặc đứng lên, ngồi xuống quá nhanh, tránh leo trèo cao, tránh đọc sách báo khi đang ngồi xe, tránh tình trạng căng thẳng, lo âu, hoảng hốt thái quá, nên ngồi hoặc nằm ngay khi cảm thấy chóng mặt.
  • Tránh sử dụng các thức ăn hoặc đồ uống quá ngọt hoặc quá mặn, do có nguy cơ làm tăng thể tích dịch của cơ thể và tai trong, vì khi khi có sự thay đổi về thể tích dịch trong thành phần của tai trong (tăng hoặc giảm) có thể là nguyên nhân gây khởi phát cơn chóng mặt.
  • Tránh dùng cà phê hoặc đồ uống có cồn vì sẽ làm cho tình trạng ù tai thêm trầm trọng, gây lợi tiểu mất nước. Tránh những loại thực phẩm có chứa acid amin Tyramine, rượu vang đỏ, gan gà, thịt xông khói, chocolate, chuối,...
  • Tránh dùng một số thuốc có thể làm gia tăng các triệu chứng rối loạn tiền đình như thuốc Aspirin làm ù tai nhiều hơn, Steroid gây giữ nước làm rối loạn điện giải, chất Nicotin có trong thuốc lá gây biến chứng xơ vữa hẹp mạch máy, tăng huyết áp, giảm lưu thông máu đến vùng tai trong...

Bài viết trên đây đã cung cấp thông tin về các thuốc chữa rối loạn tiền đình và những tác dụng phụ không mong của từng loại thuốc. Hy vọng rằng người bệnh sẽ có thêm những kiến thức trong việc dùng thuốc nhằm tăng hiệu quả điều trị và đảm bảo an toàn trong quá trình dùng thuốc. Khi cơ thể xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào của rối loạn tiền đình thì nên đi khám ngay để được bác sĩ kiểm tra và có chỉ định dùng thuốc phù hợp với tình trạng bệnh.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

3K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan