Thông tin về thuốc Fludrocortisone

Thuốc Fludrocortisone thuộc nhóm thuốc Hormon, nội tiết tố, có tác dụng điều trị thay thế bệnh suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, hội chứng quá sản vỏ thượng thận bẩm sinh mất muối.

1. Thuốc Fludrocortisone là thuốc gì?

Thuốc Fludrocortisone có thành phần chính là hoạt chất Fludrocortisone và các tá dược khác vừa đủ. Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén fludrocortisone 0.1 mg, đóng gói thành hộp.

2. Tác dụng của thuốc Fludrocortisone

2.1. Công dụng - chỉ định

Thuốc Fludrocortisone được dùng để điều trị cho những trường hợp sau:

  • Điều trị thay thế cho bệnh suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, hay còn gọi là bệnh Addison.
  • Người bị mắc hội chứng quá sản vỏ thượng thận bẩm sinh mất muối.
  • Người bị mắc hội chứng thượng thận sinh dục.

2.2. Chống chỉ định

Thuốc Fludrocortisone chống chỉ định sử dụng cho những trường hợp sau:

  • Người bị nhiễm khuẩn cấp tính, nhiễm nấm toàn thân.
  • Người có tiền sử bị dị ứng, quá mẫn cảm với hoạt chất Fludrocortisone hoặc bất cứ hoạt chất nào có trong thuốc.
  • Người bị mẫn cảm với corticoid.

3. Cách dùng và liều dùng thuốc Fludrocortisone

Cách dùng: Thuốc được điều chế dưới dạng viên nén nên được sử dụng trực tiếp bằng đường uống. Khi uống, người bệnh nên kết hợp với một lượng nước lọc vừa đủ, tránh kết hợp với các loại chất lỏng khác như rượu, bia, đồ uống có cồn, không bẻ đôi hoặc nghiền nát viên thuốc.

Liều dùng:

Liều lượng sử dụng thuốc Fludrocortisone phụ thuộc vào tình trạng bệnh và khả năng đáp ứng của người bệnh. Chính vì vậy, người bệnh cần phải được theo dõi liên tục trong quá trình điều trị để điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp, ví dụ như khi tình trạng bệnh thuyên giảm hoặc nặng lên, hay khi người bệnh bị stress, phẫu thuật, chấn thương, nhiễm khuẩn.

  • Với người lớn:
    • Điều trị bệnh Addison: sử dụng liều thông thường: dùng liều 0,1mg/ 24 giờ. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể sử dụng dao động từ 0,1mg/ lần x 3 lần/ tuần hoặc 0,2mg hàng ngày. Tuy nhiên, nếu người bệnh xuất hiện tình trạng tăng huyết áp nhất thời do thuốc thì cần phải giảm liều lượng xuống còn 0,05mg mỗi ngày.
    • Điều trị bệnh tăng sản vỏ tuyến thượng thận bẩm sinh mất muối: sử dụng liều 0,1 - 0,2 mg/ 24 giờ.
  • Với trẻ em:
    • Điều trị bệnh Addison:
      • Trẻ em: sử dụng liều 0,05 - 0,1mg/ 24 giờ, sử dụng đều đặn hàng ngày
      • Trẻ nhỏ: sử dụng liều 0,1 - 0,2mg/ 24 giờ, sử dụng đều đặn hàng ngày. Vì trẻ nhỏ có thể sẽ tương đối ít nhạy cảm với mineralocorticoid nên cần sử dụng liều cao hơn đối với trẻ em lớn tuổi và thanh thiếu niên
    • Điều trị bệnh tăng sản vỏ tuyến thượng thận bẩm sinh mất muối: sử dụng liều 0,1 - 0,2 mg/ 24 giờ.

Trong trường hợp quên liều: nếu phát hiện ra quên liều, người bệnh có thể uống bù ngay khi nhớ ra, càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu thời gian bù đó quá gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo đã được chỉ định sẵn. Tuyệt đối không được sử dụng gấp đôi số liều đã quy định để bù cho lượng thuốc đã quên, tránh dẫn đến tình trạng sử dụng quá liều.

Trong trường hợp quá liều: khi sử dụng thuốc quá liều, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng bất thường sau: phù, tăng huyết áp, tăng cân quá mức, giảm kali huyết, cảm thấy khó thở, nhịp tim không đều, chuột rút chân, yếu cơ, hồi hộp.

Cách xử trí: người bệnh khi phát hiện ra mình sử dụng quá liều và cơ thể xuất hiện các triệu chứng kể trên thì cần phải ngưng sử dụng thuốc Fludrocortisone ngay. Các phản ứng không mong muốn đó thường sẽ hết sau một vài ngày, khi đó người bệnh có thể tiếp tục sử dụng với liều lượng thấp nhất. Nếu người bệnh có biểu hiện nhão cơ vì bị mất nhiều K+ thì cần phải được bổ sung thêm Kali, đồng thời phải thường xuyên kiểm tra huyết áp, điện giải.

4. Tác dụng phụ của thuốc Fludrocortisone

Trong quá trình sử dụng, ngoài công dụng chính mà thuốc Fludrocortisone mang lại, người dùng còn có thể gặp phải một số tác dụng phụ không mong muốn như:

Các tác dụng phụ thường gặp:

  • Giảm lượng K+ huyết, giữ Na+, tăng huyết áp, phù.
  • Loãng xương, teo cơ, yếu cơ, suy dinh dưỡng.
  • Loét dạ dày tá tràng, có thể thủng và bị xuất huyết, khó tiêu, viêm tụy, viêm loét thực quản, chướng bụng, nhiễm nấm Candida.

Các tác dụng phụ ít gặp:

  • Rối loạn tâm thần biểu hiện cảm xúc, ngất, mất ngủ.
  • Viêm mạch hoại tử, huyết khối.
  • Viêm da dị ứng, chậm lành vết thương, ban đỏ, đốm xuất hiện, mỏng da.
  • Xuất hiện hội chứng giống Cushing, suy vỏ thượng thận, suy giảm sức đề kháng, đái tháo đường, kìm hãm sự phát triển của trẻ nhỏ.
  • Tăng áp lực nội sọ, xuất hiện tình trạng nhiễm khuẩn tiềm ẩn như viêm phổi, lao, làm nặng thêm hoặc che lấp các triệu chứng nhiễm khuẩn.
  • Tăng huyết áp, rối loạn thị giác, đau đầu.

5. Tương tác thuốc Fludrocortisone

Người bệnh cần ghi nhớ một số phản ứng tương tác giữa thuốc Fludrocortisone với các loại thuốc khác dưới đây:

  • Tránh kết hợp thuốc với các loại thuốc như: vaccin sống, natalizumab.
  • Các thuốc làm tăng tác dụng của Fludrocortisone:
    • Amphotericin B, các loại thuốc lợi tiểu như acid ethacrynic, benzothiadiazin, furosemid: làm nặng tình trạng giảm K+ huyết nên phải được theo dõi định kỳ K+.
    • Thuốc Glycosid trợ tim digitalis: làm tăng độc tính của digitalis, cần phải được theo dõi K+ huyết và điện tâm đồ.
    • Thuốc chống đông máu đường uống: có thể xuất hiện các vết loét gây xuất huyết mà không có triệu chứng, làm tăng hoặc giảm thời gian đông máu.
    • Với Estrogen, thuốc tránh thai đường uống: làm tăng nồng độ và thời gian bán thải của Fludrocortisone khi bắt đầu sử dụng cùng với estrogen. Chính vì vậy cần phải tăng hoặc giảm liều khi ngừng estrogen.
    • Với Steroid đồng hóa: tăng khả năng phù nề. Cần phải cực kỳ thận trọng khi phối kết hợp, đặc biệt là với những người bị bệnh gan hoặc tim
  • Các thuốc làm giảm tác dụng của Fludrocortisone:
    • Với phenytoin, rifampicin, barbiturat: làm giảm đi hiệu quả của thuốc, gây hậu quả nghiêm trọng ở những người bị Addison, ghép thận và cần phải tăng liều corticoid.
    • Các loại vacxin sống: gây nguy cơ mắc bệnh lan rộng, đặc biệt là nguy cơ cao ở những người bị suy giảm hệ miễn dịch vì một bệnh tiềm ẩn nào đó. Thuốc sẽ làm mất đi khả năng tạo ra kháng thể.
    • Với các thuốc chống đái tháo đường như insulin, sulfamid hạ glucose huyết: làm tăng lượng glucose huyết, gây nhiễm ceton huyết. Người bệnh cần phải được theo dõi lượng đường - ceton huyết, nước tiểu và điều chỉnh liều dùng thuốc đái tháo đường.
    • Thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu: chống lại tác dụng của thuốc hạ huyết áp, thuốc lợi tiểu nên sẽ gây ra tình trạng mất kiểm soát huyết áp.
    • Thuốc chống viêm không steroid: làm tăng tỷ lệ mắc hoặc làm nặng tình trạng chảy máu, loét dạ dày tá tràng.

6. Một số lưu ý khi sử dụng thuốc Fludrocortisone

Người dùng khi sử dụng thuốc Fludrocortisone cần phải lưu ý một số điều sau:

  • Vì thuốc có tác dụng mạnh trong việc giữ natri cơ thể nên tuyệt đối không sử dụng thuốc Fludrocortisone ngoài các trường hợp chỉ định ở trên.
  • Thuốc có thể sẽ che lấp đi các dấu hiệu nhiễm khuẩn khi đang trong quá trình điều trị, làm giảm đi sức đề kháng, làm nhiễm khuẩn lan rộng nên khi cơ thể xuất hiện những tình trạng đó thì cần phải được sử dụng kháng sinh thích hợp ngay lập tức.
  • Thận trọng khi sử dụng thuốc cho những người bị loãng xương, bệnh tâm thần, viêm loét dạ dày tá tràng, lao, đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim.
  • Cần phải bổ sung thêm vitamin A, C, D, B6 calci, kẽm, phospho và giảm natri trong quá trình điều trị.
  • Với phụ nữ đang mang thai: chỉ sử dụng Fludrocortisone khi thực sự cần thiết vì đã có trường hợp ghi nhận thuốc có ảnh hưởng đến tuyến thượng thận của thai nhi.
  • Với phụ nữ đang cho con bú: cần thận trọng khi sử dụng vì thuốc được bài tiết qua sữa mẹ, chỉ nên sử dụng khi thực sự cần thiết.
  • Với người cao tuổi: dễ xuất hiện các tác dụng phụ phổ biến hơn so với các trường hợp còn lại. Vì vậy cần phải giám sát lâm sàng chặt chẽ khi cho người cao tuổi sử dụng thuốc để không xuất hiện các phản ứng gây đe dọa đến tính mạng.

Hy vọng với những thông tin trên sẽ giúp cho người đọc có thêm thông tin về thuốc Fludrocortisone trong quá trình điều trị thay thế bệnh suy vỏ thượng thận nguyên phát và thứ phát, hội chứng quá sản vỏ thượng thận bẩm sinh mất muối. Lưu ý, thuốc Fludrocortisone là thuốc được sử dụng dưới sự chỉ định của bác sĩ nên người bệnh trước khi sử dụng cần phải được khám, chẩn đoán và kê đơn.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.9K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan