Thuốc Allerfar có tác dụng gì?

Thuốc Allerfar là thuốc kháng Histamin, có thành phần chính là Chlorpheniramine maleate với hàm lượng 4 mg. Thuốc thường được chỉ định trong các trường hợp viêm mũi dị ứng, điều trị triệu chứng dị ứng khác như mày đay, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc...

1. Dược lực học và dược động học của thuốc Allerfar

1.1. Dược lực học

Chlorpheniramine là thuốc kháng histamin, tác dụng an thần hạn chế hơn. Bên cạnh đó, Chlorpheniramine có một phần tác dụng ức chế tiết acetylcholin, tuy nhiên tác dụng thay đổi giữa từng người bệnh.

Chlorpheniramine có tác dụng kháng histamin thông qua cơ chế đối kháng thụ thể histamin H1 trên các tế bào ở mạch máu, đường hô hấp, đường tiêu hóa.

1.2. Dược động học

Chlorpheniramine maleate hấp thu tốt qua đường tiêu hóa. Sau khi uống 30-60 phút, Chlorpheniramine bắt đầu xuất hiện trong huyết tương. Nồng độ đỉnh đạt được trong khoảng 2,5 đến 3 giờ (trung bình từ 1-6 giờ).

Sinh khả dụng của Chlorpheniramine khoảng 25 - 50%. Khoảng 70% thuốc trong máu liên kết với protein huyết tương. Thời gian tác dụng của thuốc trung bình khoảng 4 - 6 giờ.

Chlorpheniramine maleate được chuyển hóa nhanh và nhiều. Chlorpheniramine được chuyển hóa thành desmethyl–chlorpheniramine và didesmethyl-chlorpheniramine và một số chất chưa được xác định.

Chlorpheniramine được bài tiết qua thận dưới dạng không đổi, sự bài tiết phụ thuộc vào pH và lưu lượng nước tiểu. Một lượng nhỏ thuốc cũng được tìm thấy trong phân.

2. Thuốc Allerfar có tác dụng gì?

2.1. Chỉ định của thuốc Allerfar

  • Triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa, viêm mũi dị ứng quanh năm.
  • Triệu chứng dị ứng khác như: mày đay, viêm mũi vận mạch do histamin, viêm kết mạc dị ứng, viêm da tiếp xúc, dị ứng thức ăn, phản ứng huyết thanh, phù mạch, phù quincke, côn trùng đốt, ngứa ở người bệnh bị sởi hoặc thủy đậu.

2.2. Chống chỉ định của thuốc Allerfar

  • Dị ứng hoặc mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc Allerfar (tá dược: lactose, tinh bột sắn, povidon, talc, magnesi stearat, vàng tartrazin).
  • Cơn hen suyễn cấp tính
  • Phì đại tuyến tiền liệt có triệu chứng.
  • Glocom góc đóng.
  • Hẹp tắc cổ bàng quang.
  • Loét dạ dày, hẹp tắc môn vị- tá tràng.
  • Phụ nữ cho con bú
  • Trẻ thiếu tháng hoặc trẻ sơ sinh.
  • Trong vòng 14 ngày gần đây có sử dụng thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO).

2.3. Cách dùng

Thuốc Allerfar dược dùng đường uống, có thể dùng trong hoặc ngoài bữa ăn. Đối với trẻ dưới 6 tuổi tốt nhất nên nghiền thuốc để tránh nguy cơ hóc thuốc.

Liều dùng của thuốc trong điều trị viêm mũi dị ứng theo mùa:

  • Người lớn và trẻ em trên 12 tuổi: Bắt đầu uống 1 viên lúc đi ngủ, sau tăng từ từ trong 10 ngày lên đến tối đa 24 mg/ngày, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ.
  • Trẻ em 6-12 tuổi: Bắt đầu uống 2 mg lúc đi ngủ, sau tăng từ từ trong 10 ngày, tối đa 12 mg/ngày, mỗi lần uống cách nhau 4-6 giờ.
  • Trẻ em 2-6 tuổi: Uống 1 mg, 4 - 6 giờ/lần, tối đa 6 mg/ngày.
  • Trẻ em 1-2 tuổi: Uống 1 mg x 2 lần/ngày.

Liều dùng trên đây mang ý nghĩa tham khảo. Liều dùng cụ thể tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe và mức độ diễn tiến của bệnh. Để có liều dùng phù hợp cho từng bệnh nhân, bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ.

2.4. Triệu chứng quá liều của thuốc Allerfar

Trong thời gian sử dụng thuốc Allerfar nếu xuất hiện các triệu chứng như an thần, loạn tâm thần, cơn động kinh, co giật, phản ứng loạn trương lực, tụy tim mạch, laonj nhịp... đó có thể là biểu hiện của việc sử dụng quá liều thuốc. Nếu xuất hiện một trong số các triệu chứng trên, bạn nên ngưng sử dụng thuốc và đến cơ sở y tế ngay lập tức. Tại bệnh viện, có thể tiến hành rửa dạ dày hoặc gây nôn bằng siro ipecacuanha và cho dùng than hoạt tính kèm thuốc tẩy để hạn chế hấp thu thuốc. Chủ yếu điều trị triệu chứng và hỗ trợ.

3. Tác dụng phụ của thuốc Allerfar

  • Buồn ngủ, an thần, chóng mặt... là những tác dụng phụ thường gặp của thuốc Allerfar.
  • Buồn nôn, đau dạ dày, táo bón.
  • Mờ mắt, hoặc khô miệng hay mũi họng. Để giảm triệu chứng khô miệng, bạn có thể ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su, uống nhiều nước.
  • Tác dụng phụ ức chế tiết acetylcholin trên thần kinh trung ương và tác dụng ức chế tiết acetylcholin ở người nhạy cảm (bệnh nhân bị glocom, phì đại tuyến tiền liệt), có thể gia tăng.

4. Một số trường hợp cần thận trọng khi sử dụng thuốc Allerfar

  • Chlorpheniramine có thành phần hóa học rất giống với dexchlorpheniramine. Nếu bạn dị ứng với dexchlorpheniramine hay bất cứ thành phần nào của thuốc, báo cho bác sĩ trước khi sử dụng thuốc.
  • Tiền sử mắc các bệnh lý sau: phì đại tiền liệt tuyến, tắc nghẽn đường niệu, hẹp tắc môn vị-tá tràng, bệnh phổi mãn tính hay khó thở, glocom, bệnh tim mạch, tăng huyết áp, động kinh, cường giáp.
  • Người lớn trên 60 tuổi có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc Allerfar, chẳng hạn như táo bón hoặc khó đi tiểu. Bên cạnh đó các tác dụng phụ khác như lú lẫn, buồn ngủ, chóng mặt có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người lớn tuổi.
  • Trẻ em cũng có thể nhạy cảm hơn với tác dụng phụ của thuốc này, nếu có thuốc thường gây hưng phấn hơn thay vì buồn ngủ.
  • Thuốc có nguy cơ gây sâu tăng ở bệnh nhân điều trị bằng Chlorpheniramine trong thời gian dài.
  • Một số tác dụng phụ của thuốc như chóng mặt, buồn ngủ hoặc nhìn mờ làm ảnh hưởng đến khả năng lái xe, sử dụng máy móc hoặc làm bất cứ việc gì cần tầm nhìn rõ và sự tỉnh táo.
  • Thuốc Allerfar 4mg có ảnh hưởng đến thai nhi. Sử dụng thuốc Allerfar cho bà bầu, đặc biệt ba tháng cuối thai kỳ có thể dẫn đến các phản ứng nghiêm trọng như cơn động kinh ở trẻ sơ sinh. Chỉ dùng thuốc khi thật cần thiết và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Chlorpheniramine trong thuốc Allerfar được bài tiết qua sữa mẹ và có thể ức chế tiết sữa. Chlorpheniramine có thể gây phản ứng với trẻ bú mẹ. Tùy thuộc và thể trạng và mức độ cần thiết sử dụng thuốc trên bà mẹ, cần cân nhắc hoặc không cho con bú hoặc không dùng thuốc.

5. Tương tác thuốc

  • Thuốc ức chế monoamin oxidase (MAO) có thể làm kéo dài và tăng tác dụng chống tiết acetylcholin của thuốc kháng histamin.
  • Ethanol hoặc các thuốc an thần gây ngủ, thuốc giảm đau opioid có thể tăng tác dụng ức chế thần kinh trung ương của chorpheniramin.
  • Một số sản phẩm có thể tương tác với thuốc này là: thuốc kháng histamine bôi ngoài da (như kem diphenhydramine, thuốc mỡ hoặc thuốc xịt).
  • Chlorpheniramine có thành phần rất giống với dexchlorpheniramine. Không sử dụng thuốc có chứa dexchlorpheniramine trong khi sử dụng chlorpheniramine.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

24.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan