Thuốc Ambien: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Rối loạn giấc ngủ, khó ngủ hoặc không duy trì được giấc ngủ là tình trạng thường gặp hiện nay, dẫn đến nhu cầu sử dụng các thuốc chữa bệnh mất ngủ cũng gia tăng, trong đó có thuốc Ambien. Vậy Ambien là thuốc gì và sử dụng như thế nào?

1.Thuốc Ambien chữa bệnh gì?

Ambien là thuốc gì? Thuốc Ambien là biệt dược chứa hoạt chất Zolpidem thuộc nhóm thuốc chữa mất ngủ, được chỉ định cho chứng rối loạn giấc ngủ ở người lớn.

Ở những bệnh nhân khó ngủ, thuốc Ambien giúp người bệnh đi vào giấc ngủ nhanh hơn và duy trì giấc ngủ sâu hơn. Cơ chế hoạt động của thuốc là gây hiệu ứng làm dịu não của người bệnh.

Thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien chỉ được sử dụng trong thời gian ngắn, nhiều nhất là 1 đến 2 tuần.

Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh bị mất ngủ thường xuyên
Thuốc Ambien là thuốc chữa mất ngủ

2.Cách sử dụng thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien

Đọc kỹ Hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi bắt đầu sử dụng thuốc chứa hoạt chất zolpidem. Thuốc Ambien dùng bằng đường uống, nên uống khi dạ dày trống thức ăn theo hướng dẫn của bác sĩ, thường dùng 1 lần mỗi đêm.

Hoạt chất zolpidem có tác dụng nhanh, vì vậy bệnh nhân nên uống thuốc ngay trước khi đi ngủ. Không dùng thuốc Ambien cùng với thức ăn hoặc sử dụng sau bữa ăn vì thức ăn sẽ làm mất tác dụng của loại thuốc này.

Sử dụng thuốc Ambien khi bạn chắc chắn có đủ thời gian để ngủ liên tục ít nhất 7 đến 8 giờ. Nếu người uống bắt buộc phải thức dậy sớm hơn dự kiến có thể xảy ra tình trạng đãng trí và gặp khó khăn khi làm những việc đòi hỏi sự tỉnh táo như lái xe hoặc người vận hành máy móc.

Liều lượng thuốc Ambien được tính toán dựa trên giới tính, tuổi tác, tình trạng sức khỏe, các loại thuốc khác đang dùng và mức độ đáp ứng với điều trị trước đây. Không tăng liều, không uống quá nhiều lần trong ngày hoặc dùng lâu hơn quy định. Liều lượng của zolpidem không quá 10mg/ngày.

Axit citric có thể gây buồn nôn cho người mắc bệnh dạ dày
Buồn nôn là dấu hiệu của hội chứng cai thuốc có thể do bạn ngừng sử dụng thuốc Ambien

Phụ nữ thường được chỉ định liều lượng thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien thấp hơn đàn ông vì thời gian loại bỏ thuốc khỏi cơ thể chậm hơn. Ở người lớn tuổi, liều lượng zolpidem cần sử dụng thấp hơn so với người trẻ để giảm các tác dụng phụ.

Nếu đột ngột ngừng sử dụng thuốc Ambien, bệnh nhân có thể xuất hiện các dấu hiệu của hội chứng cai thuốc (như buồn nôn, nôn ói, đỏ bừng mặt, co thắt dạ dày, lo lắng và run rẩy). Để ngăn ngừa tình trạng này, bác sĩ có thể giảm liều thuốc từ từ.

Mặc dù Ambien có tác dụng chữa mất ngủ với nhiều người nhưng đôi khi nó lại gây nghiện cho một số trường hợp khác. Nguy cơ nghiện thuốc tăng nếu người sử dụng mắc chứng rối loạn sử dụng chất kích thích (như lạm dụng hoặc nghiện ma túy, rượu). Do đó, cần sử dụng thuốc đúng chỉ định để giảm nguy cơ nghiện thuốc.

Khi sử dụng thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien trong thời gian dài, tác dụng gây ngủ của thuốc có thể giảm hoặc biến mất, do đó cần trao đổi với bác sĩ nếu thấy thuốc không còn tác dụng tốt.

Nếu tình trạng rối loạn giấc ngủ của bệnh nhân vẫn còn sau 7 đến 10 ngày dùng thuốc hoặc xấu hơn, nên báo ngay cho bác sĩ điều trị.

Người bệnh có thể khó ngủ vào những đêm đầu sau khi ngừng thuốc. Đây là hiện tượng hoàn toàn bình thường, sẽ tự hết sau 1-2 đêm. Nếu tình trạng mất ngủ này kéo dài lâu hơn, hãy liên hệ với bác sĩ điều trị để trao đổi chi tiết.

3.Tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien

Mất trí nhớ tạm thời
Khi sử dụng thuốc Ambien có thể xuất hiện tình trạng mất trí nhớ do tác dụng phụ gây ra

Tình trạng chóng mặt có thể xảy ra. Nếu chóng mặt kéo dài hoặc trầm trọng hơn, bệnh nhân hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức.

Thuốc Ambien có thể khiến người dùng cảm thấy buồn ngủ vào ban ngày. Trao đổi với bác sĩ nếu tình trạng này diễn ra và liều lượng thuốc có thể cần được điều chỉnh.

Một số tác dụng phụ khi sử dụng thuốc chữa bệnh mất ngủ Ambien có thể xảy ra nhưng không nghiêm trọng:

  • Mất trí nhớ;
  • Thay đổi tâm thần, tâm trạng, hành vi (như trầm cảm mới hoặc nặng hơn, suy nghĩ bất thường, ý định tự tử, ảo giác, kích động, hành vi hung hăng, lo lắng).

Phản ứng dị ứng rất nghiêm trọng, hiếm khi xảy ra khi dùng thuốc ambien. Tuy nhiên, bệnh nhân cần trợ giúp y tế ngay nếu có các triệu chứng của dị ứng nghiêm trọng, bao gồm:

  • Phát ban;
  • Ngứa, sưng mặt, lưỡi, môi, họng;
  • Chóng mặt;
  • Khó thở.

Trên đây không phải là toàn bộ các tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng zolpidem. Nếu bệnh nhân có các tác dụng khác, hãy liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ.

4.Các biện pháp phòng ngừa tác dụng phụ khi uống thuốc chữa bệnh mất ngủ

Trầm cảm 1
Nếu bạn bị trầm cảm cần khai báo với bác sĩ để phòng ngừa tác dụng phụ khi dùng thuốc chữa bệnh mất ngủ

Trước khi uống thuốc Ambien, bác sĩ điều trị cần nắm rõ tiền sử dị ứng với hoạt chất zolpidem của người bệnh hoặc bất kỳ tình trạng dị ứng nào khác.

Trước khi bắt đầu sử dụng, người bệnh cần khai báo với bác sĩ về tiền sử bệnh lý trước đây, đặc biệt là: bệnh lý thận, bệnh gan, bệnh lý tâm thần (như trầm cảm, xuất hiện suy nghĩ tự tử), tiền sử cá nhân hoặc tiền sử gia đình có sử dụng các chất gây nghiện (như lạm dụng hoặc nghiện ma túy, rượu), tiền sử cá nhân hoặc gia đình bị mộng du, các bệnh lý hô hấp (như bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, tình trạng ngưng thở khi ngủ), bệnh nhược cơ.

Tác dụng của thuốc chữa bệnh mất ngủ chứa zolpidem có thể kéo dài đến ngày hôm sau khi thức dậy. Do đó, không sử dụng thuốc này khi không thể ngủ đủ 7-8 giờ mỗi đêm hoặc khi đang sử dụng các loại thuốc khác gây buồn ngủ hoặc tăng nhạy cảm với hoạt chất zolpidem.

Một số bệnh nhân có thể bị chóng mặt hoặc mờ mắt, nhìn đôi. Rượu hoặc cần sa làm chóng mặt trầm trọng hơn. Vì thế, bệnh nhân không lái xe ít nhất 8 giờ sau khi sử dụng thuốc hoặc làm bất cứ công việc nào cần sự tỉnh táo cho đến khi bạn có thể thực hiện điều đó một cách an toàn.

Trẻ em là đối tượng nhạy cảm hơn với các tác dụng phụ của thuốc chữa bệnh mất ngủ này, đặc biệt là chóng mặt và ảo giác.

Người lớn tuổi dễ xảy ra các tác dụng không mong muốn khi sử dụng thuốc Ambien, đặc biệt là chóng mặt, lú lẫn, đi loạng choạng và buồn ngủ quá mức. Những tác dụng phụ này có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở người cao tuổi, vì thế những đối tượng này cần hết sức thận trọng.

Phụ nữ đang mang thai chỉ được sử dụng loại thuốc này trong trường hợp thật cần thiết. Trẻ sinh ra từ những bà mẹ sử dụng thuốc Ambien trong 3 tháng cuối thai kỳ có thể mắc tình trạng buồn ngủ bất thường, khó thở hoặc các dấu hiệu hội chứng cai.

Một lượng nhỏ zolpidem đi vào sữa mẹ và có thể gây ảnh hưởng không mong muốn cho trẻ sơ sinh bú mẹ (chẳng hạn như buồn ngủ bất thường, khó thở hoặc trẻ yếu bất thường).

Liên hệ ngay các cơ sở y tế khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào ở trẻ. Trao đổi với bác sĩ về việc hút và vắt bỏ sữa mẹ trong 23 giờ sau khi uống thuốc Ambien để giảm nguy cơ mắc những tác dụng không mong muốn.

5.Tương tác thuốc chữa bệnh mất ngủ ambien

Thuốc Acticlate
Sử dụng thuốc ambien với các thuốc khác cũng có tác dụng gây buồn ngủ

Tương tác thuốc có thể ảnh hưởng đến các tác dụng và tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng không mong muốn. Do đó, để giảm tương tác thuốc, hãy chia sẻ với bác sĩ về tất cả các thuốc bệnh nhân đang dùng trước khi uống zolpidem.

Tuyệt đối không tự ý sử dụng, ngừng hoặc thay đổi liều lượng của bất kỳ loại thuốc nào, trong đó có ambien khi chưa có hướng dẫn của bác sĩ.

Một sản phẩm có thể tương tác với thuốc Ambien là Natri Oxybate. Một số thuốc khác ảnh hưởng đến việc thải trừ zolpidem khỏi cơ thể và ảnh hưởng đến hoạt động của thuốc chữa bệnh mất ngủ này. Các loại thuốc này bao gồm thuốc chống nấm nhóm azol (như ketoconazole), rifampin.

Nguy cơ mắc các tác dụng phụ nghiêm trọng (như thở chậm, thở nông, buồn ngủ, chóng mặt) tăng lên nếu dùng thuốc ambien với các thuốc khác cũng có tác dụng gây buồn ngủ hoặc rối loạn hô hấp.

Cần lưu ý với bác sĩ về một số sản phẩm đang dùng như thuốc giảm đau opioid hoặc thuốc giảm ho (như codeine, hydrocodone), rượu, cần sa, các thuốc an thần hoặc giảm lo lắng (như alprazolam, lorazepam, zopiclone), thuốc giãn cơ (như carisoprodol, cyclobenzaprine), thuốc kháng histamin (như cetirizine, diphenhydramine).

Kiểm tra thành phần trong một số loại thuốc bệnh nhân đang dùng như các thuốc chống dị ứng hoặc chữa ho cảm lạnh, vì có thể có các chế phẩm gây buồn ngủ. Tham khảo ý kiến dược sĩ về việc sử dụng thuốc một cách an toàn.

Tuổi tác cao ảnh hưởng đến thói quen ngủ của bệnh nhân một cách tự nhiên và giấc ngủ có thể bị gián đoạn nhiều lần trong đêm. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về những biện pháp cải thiện chất lượng giấc ngủ mà không cần dùng thuốc, chẳng hạn như hạn chế caffeine, rượu khi sắp đi ngủ, tránh ngủ quá nhiều vào ban ngày và tập thói quen đi ngủ đúng giờ mỗi đêm.

Nếu quên uống một liều thuốc, bệnh nhân không dùng lại trừ khi chắc chắn có thời gian để ngủ liên tục 7 đến 8 giờ sau đó.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

7.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan