Thuốc Atorhasan 20 trị bệnh gì?

Thuốc Atorhasan 20 chứa hoạt chất chính là Atorvastatin calci trihydrat. Vậy thuốc Atorhasan 20 trị bệnh gì? Cùng tìm hiểu về công dụng của Atorhasan 20 trong bài viết dưới đây.

1. Atorhasan 20 là thuốc gì?

Thuốc Atorhasan 20 chứa hoạt chất chính là Atorvastatin calci trihydrat, thuộc nhóm thuốc Statin giúp điều hòa lipid huyết (rối loạn mỡ máu).

2. Chỉ định của thuốc Atorhasan 20

Thuốc Atorhasan được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị rối loạn mỡ máu;
  • Hỗ trợ cho liệu pháp ăn uống ở người lớn và trẻ em >10 tuổi bị tăng cholesterol máu tiên phát và rối loạn lipid máu hỗn hợp, tăng cholesterol máu có tính chất gia đình dị hợp tử và tăng triglycerid máu.
  • Giảm cholesterol toàn phần và LDL - cholesterol ở người lớn bị tăng cholesterol máu gia đình đồng hợp từ, hỗ trợ cho phương pháp điều trị hạ lipid máu khác.
  • Dự phòng biến cố tim mạch:
    • Ở người lớn chưa có biểu hiện của bệnh tim mạch vành nhưng có nhiều yếu tố nguy cơ (như độ tuổi, hút thuốc lá, tăng huyết áp, HDLcholesterol thấp, gia đình có tiền sử bệnh tim mạch vành): Atorvastatin kết hợp với liệu pháp ăn uống nhằm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ, phải tiến hành thủ thuật tái tạo mạch vành và đau thắt ngực.
    • Ở bệnh nhân đái tháo đường type 2 chưa có biểu hiện lâm sàng của bệnh tim mạch vành nhưng đã có yếu tố nguy cơ (như mắc bệnh võng mạc, albumin niệu, hút thuốc lá, tăng huyết áp), atorvastatin kết hợp với liệu pháp ăn uống nhằm làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ;
    • Ở bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng của bệnh tim mạch vành, atorvastatin kết hợp với liệu pháp ăn uống nhằm làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim không tử vong, đột quỵ, phải tiến hành thủ thuật tái tạo mạch vành, đau thắt ngực và giảm nguy cơ nằm viện do suy tim sung huyết.

3. Cách dùng thuốc Atorhasan 20

Cách dùng: Uống thuốc với 1 ly nước, có thể sử dụng thuốc ở bất kỳ thời điểm nào trong ngày, không phụ thuộc bữa ăn. Nên cố định thời gian dùng thuốc mỗi ngày.

Nếu đang dùng đồng thời các thuốc giảm cholesterol khác chứa Cholestyramin hoặc Colestipol, nên uống thuốc Atorhasan 20 sau 2 giờ khi uống các thuốc kể trên.

Liều dùng:

  • Ở người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên: Liều khởi đầu thường là 10mg/lần/ngày. Bác sĩ có thể tăng liều để đạt hiệu quả điều trị tốt nhất, thời gian điều chỉnh liều thường cách nhau ít nhất 4 tuần.
  • Không sử dụng Atorhasan 20 nếu bạn đang sử dụng các thuốc chứa Cyclosporin, Tipranavir + Ritonavir và Telaprevir;
  • Không được dùng thuốc quá 20mg/ngày khi phối hợp các thuốc chứa Clarithromycin, Itraconazol, Darunavir + Ritonavir, Fosamprenavir, Fosamprenavir + Ritonavir, Saquinavir + Ritonavir;
  • Không dùng thuốc quá 40mg/ngày khi phối hợp các thuốc chứa Nelfinavir, Boceprevir;
  • Thông báo cho bác sĩ nếu bạn mắc bệnh về gan, thận hoặc đang sử dụng thuốc chứa phối hợp Lopinavir + Ritonavir vì có thể cần điều liều trong các trường hợp này;
  • Không dùng Atorhasan 20 ở người có bệnh gan tiến triển.

4. Tác dụng không mong muốn của thuốc Atorhasan 20

Một số tác dụng không mong muốn có thể gặp khi dùng thuốc Atorhasan 20 như:

  • Thường gặp: Viêm mũi, đau họng, chảy máu cam, phản ứng dị ứng, tăng creatin kinase, đau đầu, tăng lượng đường trong máu, buồn nôn, đầy hơi, táo bón, khó tiêu, tiêu chảy, đau cơ, đau khớp, đau lưng, xét nghiệm chức năng gan bất thường;
  • Ít gặp: Chán ăn, tăng cân, hạ đường máu, mất ngủ, ác mộng, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, cảm giác tê cứng ngón tay và ngón chân, giảm cảm giác, thay đổi vị giác, nhìn mờ, ù tai, nôn mửa, ợ hơi, đau bụng trên và bụng dưới, viêm gan, viêm tụy, ban da, ngứa, mày đay, rụng tóc, đau cổ, yêu cơ, mệt mỏi, suy nhược, ốm yếu, đau ngực, phù, sốt, xét nghiệm bạch cầu dương tính;
  • Hiếm gặp: Rối loạn thị giác, tắc mật (vàng da hoặc vàng mắt), tổn thương gân, chảy máu hoặc thâm tím bất thường;
  • Một số tác dụng phụ ở trẻ em: Đau đầu, đau bụng, xét nghiệm chức năng gan bất thường, tăng phospho creatinkinase (thường gặp).

5. Chống chỉ định của thuốc Atorhasan 20

Thuốc Atorhasan 20 chống chỉ định với bệnh nhân:

  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Đang mắc bệnh gan hoạt động;
  • Có các thông số xét nghiệm chức năng gan bất thường và kéo dài không rõ nguyên nhân;
  • Đang dùng các thuốc chứa cyclosporin, telaprevir, phối hợp tipranavir + ritonavir;
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản không sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp;
  • Phụ nữ mang thai, có dự định mang thai;
  • Phụ nữ cho con bú.

6. Thận trọng khi sử dụng thuốc Atorhasan 20

  • Trước khi điều trị bằng thuốc Atorhasan 20, thông báo cho bác sĩ nếu bệnh nhân bị suy giảm chức năng thận, nhược giáp, tiền sử bản thân hoặc tiền sử gia đình mắc bệnh cơ di truyền, tiền sử mắc bệnh cơ do dùng thuốc statin hay fibrat, tiền sử bệnh gan hoặc uống nhiều rượu, tuổi cao (>70 tuổi);
  • Trong quá trình dùng thuốc Atorhasan 20, cần báo cho bác sĩ nếu có các biểu hiện về cơ như đau cơ, cứng cơ, yếu cơ...;
  • Tiến hành xét nghiệm chức năng gan trước khi bắt đầu dùng thuốc và sau đó nếu cần (như có các biểu hiện gợi ý tổn thương gan);
  • Đã có các báo cáo về bệnh phổi kẽ (hiếm gặp) ở bệnh nhân dùng thuốc statin, đặc biệt khi điều trị kéo dài. Thông báo cho bác sĩ nếu bạn gặp các triệu chứng như khó thở, ho không đờm, suy nhược cơ thể (mệt mỏi, sụt cân, sốt);
  • Có chứng cứ cho rằng các thuốc statin làm tăng đường máu, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường. Thông báo ngay cho bác sĩ nếu bạn có các yếu tố nguy cơ của bệnh đái tháo đường (rối loạn đường huyết đói, béo phì, tăng triglycerid, tăng huyết áp;
  • Thuốc Atorhasan 20 có tá dược lactose, thận trọng khi dùng cho bệnh nhân mắc các bệnh về không dung nạp một số loại đường (glucose, galactose,...);
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: Thuốc Atorhasan 20 thường không ảnh hưởng đến khả năng khả năng này;
  • Phụ nữ mang thai: Không dùng thuốc Atorhasan 20 ở phụ nữ có thai hoặc có khả năng mang thai. Tác dụng ức chế sự tổng hợp cholesterol của thuốc có thể gây tổn hại đến sự phát triển của thai nhi;
  • Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần sử dụng các biện pháp tránh thai phù hợp trong khi dùng thuốc. Nếu phát hiện có thai, cần ngừng thuốc ngày và thông báo cho bác sĩ;
  • Phụ nữ cho con bú: Người ta chưa biết liệu thuốc có vào sữa mẹ hay không. Vì nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh, không dùng Atorhasan 20 nếu đang cho con bú.

Tóm lại, thuốc Atorhasan 20 được chỉ định trong điều trị rối loạn mỡ máu, dự phòng biến cố tim mạch... Để đảm bảo an toàn và phát huy tối đa hiệu quả điều trị, người bệnh nên dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ kê đơn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan