Thuốc Cefimed 200mg có tác dụng gì?

Thuốc Cefimed 200mg có hoạt chất chính là Cefixime, dùng trong điều trị các tình trạng nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, hô hấp dưới, nhiễm khuẩn đường tiết niệu.

1. Cefimed 200mg là thuốc gì?

Thuốc Cefimed 200mg có thành phần chính là Cefixime, thuộc kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3.

2. Thuốc Cefimed 200mg có tác dụng gì?

Thuốc Cefimed 200mg được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Nhiễm khuẩn ở phổi gây viêm phế quản, viêm phổi, nhiễm khuẩn thứ phát trong bệnh đường hô hấp mạn tính;
  • Nhiễm khuẩn gây viêm thận, viêm bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo do lậu cầu;
  • Nhiễm khuẩn đường tiêu hóa gây viêm túi mật;
  • Nhiễm khuẩn gây sốt hồng ban;
  • Viêm xoang, viêm tai giữa.

3. Cách dùng thuốc Cefimed 200mg

Cách sử dụng: Thuốc dùng đường uống. Có thể uống trước hay sau khi ăn đều không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc. Để tránh kích ứng dạ dày, nên dùng thuốc sau khi ăn. Không bẻ hoặc nghiền viên thuốc.

Liều dùng:

  • Người lớn: Thường uống 1 đến 2 viên/ngày tùy vào mức độ nhiễm khuẩn.
  • Trẻ em:
    • Trẻ trên 12 tuổi hoặc cân nặng > 50kg: Liều giống người lớn;
    • Trẻ từ 6 tháng tuổi đến 12 tuổi: Liều dùng 8mg/kg/ngày, uống 1 lần hoặc chia làm 2 lần sáng, tối, uống sau ăn.
  • Điều trị lậu không biến chứng: 2 viên/ngày, uống 1 liều duy nhất.
  • Bệnh nhân bị suy thận:
    • Độ thanh thải Creatinin > 60ml/phút: Liều dùng 1 đến 2 viên/ngày;
    • Độ thanh thải Creatinin 21 - 60 ml/phút: Liều dùng 300mg/ngày;
    • Độ thanh thải Creatinin < 20ml/phút: Liều dùng 1 viên/ngày.

4. Chống chỉ định của thuốc Cefimed 200mg

Không sử dụng Cefimed 200mg trong các trường hợp:

  • Mẫn cảm với kháng sinh nhóm Cephalosporin, Penicillin;
  • Mẫn cảm với bất kỳ thành phần nào của thuốc;
  • Trẻ em dưới 6 tháng tuổi.

5. Tác dụng không mong muốn của thuốc Cefimed 200mg

Các tác dụng phụ có thể gặp khi sử dụng thuốc bao gồm:

  • Chóng mặt, đau đầu, mất ngủ, khó ngủ, mệt mỏi, bồn chồn, lo lắng;
  • Rối loạn tiêu hóa: buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, ăn không ngon, viêm đại tràng kết màng giả,...;
  • Dị ứng, nổi ban đỏ, nổi mày đay, sốt.

6. Tương tác thuốc

Một số thuốc có thể gây tương tác khi dùng đồng thời với Cefimed 200mg như:

  • Dùng Cefimed 200mg đồng thời với Nifedipin làm tăng tác dụng của Cefimed.
  • Không dùng thuốc Cefimed 200mg chung với các kháng sinh nhóm Aminoglycosid vì làm tăng độc tính trên thận;
  • Thuốc chống đông máu (Warfarin) có thể làm thời gian prothrombin bị kéo dài, tăng nguy cơ chảy máu.

Không dùng thuốc Cefimed 200mg cùng vaccin thương hàn sống do thuốc làm giảm đáp ứng miễn dịch của cơ thể với vaccin.

7. Thận trọng khi sử dụng thuốc Cefimed 200mg

  • Phụ nữ mang thai: Chỉ nên dùng thuốc khi thật sự cần thiết, do thuốc có thể ảnh hưởng tới thai nhi.
  • Phụ nữ cho con bú: Không nên dùng thuốc khi đang cho con bú. Trong trường hợp cần phải dùng thuốc, ngưng cho con bú trong thời gian uống thuốc;
  • Khả năng lái xe và vận hành máy móc: thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, ... Do đó không nên dùng thuốc Cefimed 200mg khi lái xe và vận hành máy móc;
  • Thận trọng khi dùng Cefimed 200mg cho bệnh nhân dễ dị ứng, bệnh nhân bị suy thận;
  • Thận trọng khi dùng Cefimed 200mg kéo dài ở bệnh nhân có tiền sử bệnh đường tiêu hóa, viêm đại tràng, do có thể làm tăng khả năng kháng thuốc.

Trên đây là thông tin về thuốc Cefimed 200mg, bạn cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng, tham khảo ý kiến của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị tại nhà vì có thể sẽ gặp phải tác dụng phụ không mong muốn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

60.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan