Thuốc kháng axit chứa Aspirin có thể gây chảy máu

Trước khi bạn ra hiệu thuốc mua thuốc không theo đơn (OTC) để điều trị chứng đau bụng hay ợ chua, hãy cân nhắc xem bạn có nên sử dụng thuốc kháng axit chứa aspirin hay không. Vì Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo nếu dùng nhóm thuốc kháng axit dạ dày chứa aspirin để điều trị chứng ợ nóng, ợ chua, khó tiêu có thể gây chảy máu tiêu hóa ở một số trường hợp.

1. Tổng quan

Trường hợp xuất huyết dạ dày khi dùng thuốc kháng axit khá hiếm. Năm 2009, FDA đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ chảy máu dạ dày khi sử dụng Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Trong cơ sở dữ liệu của FDA, đã phát hiện 8 trường hợp chảy máu dạ dày nghiêm trọng do các thuốc kháng axit chứa aspirin. Đây không phải là một con số phổ biến nhưng cũng cần được lưu ý vì một số bệnh nhân gặp rủi ro đã phải chỉ định truyền máu.

Tuy nhiên FDA chỉ đề cập đến những trường hợp dùng thuốc kháng axit dạ dày chứa aspirin để điều trị chứng đau bụng hoặc ợ chua, chứ không chủ đích kêu gọi mọi người ngừng sử dụng Aspirin hoàn toàn.

Vậy làm thế nào để chọn thuốc kháng axit phù hợp để điều trị chứng khó tiêu? Nhiều chuyên gia khuyến nghị người dùng nên đọc nhãn thông tin trên bao bì thuốc, nó sẽ cho biết liệu sản phẩm có chứa Aspirin hay không và cảnh báo những trường hợp có thể gây chảy máu. Nếu thuốc có Aspirin, hãy cân nhắc lựa chọn loại thuốc khác để điều trị. Hiện nay trên thị trường cũng có rất nhiều loại thuốc dạ dày không chứa Aspirin.

2. Đối tượng nguy cơ

Do Aspirin có thể làm loãng máu, FDA tin rằng Aspirin trong các loại thuốc kết hợp dạng này có thể góp phần gây xuất huyết dạ dày nghiêm trọng. Những người có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ càng dễ có khả năng gặp biến chứng khi dùng thuốc kháng axit chứa Aspirin. Bạn sẽ có nguy cơ bị chảy máu cao hơn với thuốc này nếu bạn:

  • Từ 60 tuổi trở lên.
  • Có tiền sử viêm loét dạ dày hoặc các vấn đề về chảy máu.
  • Đang dùng các loại thuốc làm giảm khả năng đông máu (còn được gọi là thuốc chống đông máu hoặc thuốc làm loãng máu).
  • Đang dùng thuốc steroid, ví dụ như Prednisone để giảm viêm.
  • Đang dùng các loại thuốc khác có chứa NSAID, ví dụ như Ibuprofen hoặc Naproxen.
  • Uống nhiều đồ uống có cồn, nhiều chất kích thích mỗi ngày.
Uống quá nhiều rượu  1
Những người dùng nhiều đồ uống có cồn, nhiều chất kích thích mỗi ngày thuộc nhóm đối tượng nguy cơ

Các dấu hiệu cảnh báo xuất huyết dạ dày hoặc ruột sẽ bao gồm: đau bụng, nôn ra máu, đi ra ngoài phân đen, ngất xỉu. Đây là những dấu hiệu cho thấy bạn nên thông báo cho bác sĩ ngay.

Điều gì sẽ xảy ra nếu dùng thuốc kháng axit chứa Aspirin trong thời gian dài?

Một số người có thể vô tình hoặc có thói quen sử dụng thuốc kháng axit dạ dày chứa aspirin trong một thời gian dài. Ngoài nguy cơ chảy máu, việc liên tục bị đau bụng hoặc ợ chua thường xuyên là điều không bình thường. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ về quá trình sử dụng thuốc, các tác dụng phụ gặp phải nếu thấy điều đó xảy ra.

Làm gì nếu bạn đang dùng Aspirin thường xuyên?

Nếu trước đây bác sĩ đã kê đơn cho bạn dùng Aspirin mỗi ngày để giúp ngăn ngừa cơn đau tim hoặc các tình trạng khác, đừng tự ý ngừng lại mà không nói chuyện với bác sĩ trước. Hãy đảm bảo bạn trao đổi với bác sĩ về loại thuốc bạn có thể dùng thay thế trong trường hợp bị đau bụng.

3. Cách xử lý cơn đau bụng do rối loạn tiêu hóa

Người bệnh có nhiều lựa chọn thay thế để điều trị chứng ợ chua, ợ nóng, khó tiêu do axit và đau bụng. Hãy đọc nhãn thông tin thuốc và tìm kiếm các sản phẩm có chứa “chất kháng axit” hoặc “chất khử axit”.

Ví dụ, có rất nhiều loại thuốc OTC chỉ chứa một chất kháng axit như Canxi cacbonat, Magie hydroxit hoặc một loại thuốc kháng axit khác. Chúng có thể được sử dụng để điều trị chứng ợ chua, đau bao tử, khó tiêu axit và các cơn khó chịu trong dạ dày. Đối với chứng ợ nóng thường xuyên, có các chất làm giảm axit như thuốc ức chế bơm proton (Esomeprazole, Lansoprazole, Omeprazole), hoặc thuốc chẹn H2 (Cimetidine, Famotidine, Ranitidine).

omeprazole
Omeprazole là một trong các loại thuốc giảm axit như thuốc ức chế bơm proton

Kết luận

Từ năm 2009, FDA đã thêm cảnh báo về nguy cơ chảy máu nghiêm trọng vào nhãn của tất cả các sản phẩm không kê đơn có chứa NSAID, bao gồm cả các thuốc kháng axit chứa Aspirin. FDA vẫn đang tiếp tục theo dõi và kiểm chứng tình trạng này và có kế hoạch cân nhắc thêm cảnh báo đối với việc ghi nhãn hoặc các hoạt động khác. Về phía người tiêu dùng, để bảo vệ bản thân bạn vẫn nên cân nhắc lựa chọn những loại thuốc khác để điều trị chứng ợ chua, đau bụng thay thế cho thuốc kháng axit chứa Aspirin.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: fda.gov

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.2K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan