Thuốc Lipanthyl có tác dụng gì?

Thuốc Lipanthyl là một loại thuốc thường được chỉ định trong việc điều trị chứng rối loạn lipid máu, cụ thể là hiện tượng tăng lipid máu. Bài viết dưới đây được cung cấp với mục đích giúp bạn đọc có thông tin đầy đủ hơn về thuốc Lipanthyl có tác dụng gì và sử dụng như thế nào, liều lượng ra sao.

1. Các thông tin tổng quan về thuốc Lipanthyl

Thuốc Lipanthyl thuộc nhóm thuốc biệt dược kê toa được chỉ định điều trị vấn đề lipid máu / cholesterol máu tăng cao. Thành phần chính của Lipanthyl là hoạt chất Fenofibrate - một dẫn xuất từ acid fibric. Hiện nay, thị trường đang bán hai loại thuốc Lipanthyl là loại 100mg Fenofibrate và loại 300mg Fenofibrate, tương ứng với quy cách đóng gói 48 viên hoặc 30 viên mỗi hộp.

1.1. Dược lực học của hoạt chất Fenofibrate có trong thuốc Lipanthyl

Fenofibrate là thành phần chính của Lipanthyl, vì vậy, dược lực học chủ yếu của hoạt chất này. Theo thông tin từ các chuyên gia, Fenofibrate có khả năng cải thiện mức độ cholesterol trong máu xuống 20% đến 25%, đồng thời giảm bớt 40% đến 50% nồng độ triglyceride của máu. Tác dụng cải thiện mức cholesterol đến từ hoạt động giảm bớt phân đoạn gây ra các mảng xơ vữa trong động mạch với tỉ trọng thấp (gồm VLDL và LDL), đồng thời cải thiện phân bố của cholesterol trong máu nhờ có sự giảm tỉ lệ của cholesterol toàn phần so với cholesterol HDL. Khi tỉ lệ này tăng cao, nguy cơ bệnh nhân bị chứng tăng lipid máu cũng gia tăng và có thể dẫn đến xơ vữa động mạch. Các nhà khoa học cũng tìm ra mối liên quan giữa chứng tăng lipid máu và xơ vữa động mạch, cũng như giữa xơ vữa động mạch và các vấn đề ở tim mạch. Vì vậy, hoạt chất Fenofibrate thông qua hoạt động cải thiện các mảng xơ vữa đã đem lại các tác động tích cực đối với sức khỏe tim mạch.

Đặc biệt, việc điều trị lâu dài sử dụng thuốc Lipanthyl có thể giảm lượng cholesterol tích trữ một cách đáng kể ngoài mạch máu, thậm chí có thể chấm dứt tình trạng này hoàn toàn. Lipanthyl cũng đã được chứng minh là có tác động tích cực đến hoạt động bài acid uric niệu ở bệnh nhân bị tăng lipid máu. Lượng acid uric giảm trung bình dao động khoảng 25%.

Một tỉ lệ khác tăng cao cũng được xem là dấu hiệu của xơ vữa động mạch là tỉ lệ giữa Apoprotein A1 và Apoprotein B. Nhờ có tác dụng chống kết tập tiểu cầu, Fenofibrate trên mô hình trên động vật và thí nghiệm lâm sàng trên người cũng chứng minh khả năng cải thiện tỷ lệ này rõ rệt nhờ tăng số lượng apoprotein A1.

1.2. Thuốc Lipanthyl có dược động học như thế nào?

Fenofibrate khi được hấp thụ sẽ được cơ thể chuyển hóa thành acid Fenofibric và hoạt chất này sẽ tồn tại trong huyết tương với nồng độ cao nhất sau khoảng 5 giờ uống thuốc. Acid Fenofibric có liên kết mạnh mẽ với albumin huyết tương, đồng thời cũng kéo theo thuốc kháng vitamin K khỏi liên kết với protein, giúp tăng cường tác dụng đông máu của các loại thuốc này. Acid Fenofibric cũng đã được nghiên cứu về cách thức bài tiết:khoảng 70% lượng acid sẽ được chủ động đào thải qua nước tiểu trong vòng 24 giờ và lên đến 88% trong vòng 6 ngày. Mức đào thải tối đa của Acid Fenofibric là 93% qua đường phân và đường nước tiểu dưới dạng acid fenofibric hoặc dạng dẫn xuất liên hợp có tên glucuronic.

2. Thuốc Lipanthyl có tác dụng gì đối với sức khỏe tim mạch?

Thuốc Lipanthyl thường xuyên được chỉ định đối với chứng tăng cholesterol trong máu hoặc tăng mức triglyceride máu loại đơn thuần hoặc loại phối hợp nếu bệnh nhân không có đáp ứng tốt với chế độ ăn kiêng hoặc các biện pháp điều trị thông thường khác. Đặc biệt, thuốc Lipanthyl còn hỗ trợ điều trị vấn đề tăng lipoprotein trong máu kéo dài, mặc dù đã có biện pháp điều trị nguyên nhân (ví dụ như bệnh đái tháo đường). Tuy nhiên, trong suốt thời gian điều trị, bạn không thể phụ thuộc hoàn toàn vào thuốc mà cần có sự kết hợp với chế độ ăn kiêng lành mạnh, ít chất béo xấu và tăng cường rau xanh.

thuốc lipanthyl
Thuốc Lipanthyl thường được chỉ định điều trị vấn đề lipid máu

3. Thuốc Lipanthyl có các nhóm đối tượng chống chỉ định nào?

Thuốc biệt dược Lipanthyl vẫn có các đối tượng chống chỉ định (những đối tượng không nên dùng thuốc) cần đặc biệt chú ý như sau:

  • Bệnh nhân có xảy ra dị ứng với thành phần bất kỳ trong Lipanthyl, đặc biệt là hoạt chất fenofibrate chiếm hàm lượng cao.
  • Bệnh nhân có tổn thương da do nguyên nhân từ tia UV trong ánh sáng mặt trời.
  • Bệnh nhân đang gặp vấn đề về gan, túi mật hoặc thận diễn biến nghiêm trọng.
  • Tuyến tụy đang bị viêm nhiễm gây ra tình trạng đau bụng, không liên quan đến nồng độ của chất béo trong máu...

4. Những chú ý - thận trọng trong quá trình sử dụng thuốc Lipanthyl

Hoạt chất Fenofibrate khi hấp thụ vào cơ thể có khả năng gây ra các tổn thương ở cơ bắp và những tổn thương này xảy ra với tần suất cao hơn so với bệnh nhân gặp tình trạng hạ albumin máu.

Tổn thương cơ do Fenofibrate thường gây ra cảm giác đau nhức cơ và cũng có thể tăng mức độ creatine-kinase một cách đáng kể gấp đến 5 lần so với bình thường. Ở trường hợp này, bệnh nhân cần ngay lập tức ngừng sử dụng Lipanthyl.

Bạn cũng cần lưu ý rằng: nếu sau khoảng 3 đến 6 tháng điều trị sử dụng thuốc Lipanthyl, nồng độ lipid huyết thanh của bạn vẫn không giảm hoặc giảm rất ít, bạn cần phải chuyển sang các liệu pháp điều trị bổ sung hoặc thay thế khác.

Về lý thuyết, hoạt chất Fenofibrate chưa được ghi nhận có thể tác động đến thai nhi gây dị tật và không gây độc tính cho thai. Tuy nhiên, nếu bạn là một người mẹ và trừ khi nồng độ triglyceride trong máu của bạn tăng cao trên 10g/l, bạn không nên sử dụng thuốc này trong thai kỳ để hạn chế tối đa rủi ro có thể xảy ra cho bé.

5. Thuốc Lipanthyl và cách sử dụng - liều dùng thông thường

Mỗi viên thuốc Lipanthyl đều được bào chế ở dạng viên nén hoặc dạng viên nang với liều lượng hoạt chất Fenofibrate khác nhau. Tuy nhiên, cách uống thuốc chung nhất cho thuốc Lipanthyl là bạn nên uống trọn một viên với nhiều nước, không nên mở thuốc, nghiền thuốc hay nhai thuốc. Về thời gian dùng thuốc Lipanthyl, bạn có thể chủ động sử dụng bất kể thời gian nào trong ngày, miễn là khi đó dạ dày của bạn không bị rỗng và thời gian sử dụng là cố định hàng ngày.

Đối với liều dùng, ở người trưởng thành, các bác sĩ thường đề nghị mỗi ngày nên uống 1 viên Lipanthyl. Tuy nhiên, liều lượng có thể gia tăng và số lượng ngày điều trị có thể khác nhau tùy theo bệnh lý cụ thể.

thuốc lipanthyl
Thuốc Lipanthyl cần được sử dụng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa

6. Uống thuốc Lipanthyl gây ra những tác dụng phụ nào?

Các tác dụng phụ phổ biến của thuốc Lipanthyl bao gồm:

  • Mệt mỏi và đau nhức đầu, cảm giác choáng váng, quay cuồng với thế giới xung quanh.
  • Có triệu chứng rối loạn tiêu hóa nhẹ đến nặng như đau dạ dày, tiêu chảy, ói mửa...
  • Da của bạn nhợt nhạt hơn và thường phát ban ngứa...
  • Bệnh nhân sau khi dùng Lipanthyl cũng báo cáo rằng họ có xu hướng nhạy cảm với ánh sáng khiến làn da trở nên phồng rộp, cháy nắng nhanh chóng.
  • Chuột rút không rõ nguyên nhân, đau nhức cơ, thậm chí là viêm cơ và đứt cơ (hiếm xảy ra).
  • Làm tăng men gan và gây ra độc tính với cơ bắp.
  • Cơ thể xuất hiện sự đông máu đáng kể, đau lưng, đau dạ dày...

Có thể nói, thuốc Lipanthyl là một loại thuốc tốt trong điều trị cholesterol mỡ máu cao, hỗ trợ phòng ngừa cũng như cải thiện hàng loạt vấn đề về tim mạch. Để đảm bảo hiệu quả điều trị và tránh được tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân thủ theo đúng hướng dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

96.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan