Thuốc Sevelamer có tác dụng gì?

Thuốc Sevelamer thường được bác sĩ kê đơn cho những trường hợp mắc bệnh thận mãn tính có mức phốt pho huyết thanh cao cần được kiểm soát. Trong thời gian điều trị với Sevelamer, bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm ngặt các khuyến cáo về liều lượng và kết hợp thực hiện chế độ ăn kiêng hợp lý để sớm đạt hiệu quả.

1. Thuốc Sevelamer là thuốc gì?

Sevelamer được biết đến là một chất kết dính phốt phát, có khả năng ngăn ngừa tình trạng hạ canxi máu và tăng phốt pho trong cơ thể. Hiện nay, thuốc Sevelamer được kê đơn sử dụng nhằm kiểm soát tốt mức phốt pho ở những bệnh nhân mắc bệnh thận mãn tính đang trong quá trình chạy thận nhân tạo.

Thuốc Sevelamer có chứa thành phần chính là Sevelamer carbonate (hay sevelamer hydrochloride) hàm lượng 800mg, được bào chế dưới dạng viên nén bao phim. Ngoài ra, thuốc cũng được dùng dưới dạng bột pha hỗn dịch uống với hoạt chất chính Sevelamer carbonate hàm lượng 2,4g.

2. Thuốc Sevelamer có tác dụng gì?

Sevelamer là một hoạt chất không chứa canxi và kim loại, đóng vai trò như một Polyme kết dính phốt phát. Sevelamer hoạt động dựa trên cơ chế liên kết các amin được proton hoá trong môi trường axit dạ dày với những phốt phát. Từ đó làm giảm mức hấp thu và nồng độ phốt phát trong huyết thanh.

Hoạt chất Sevelamer không được hấp thu qua đường tiêu hoá, sau khi vào cơ thể sẽ nhanh chóng liên kết với các axit mật. Thuốc được bài tiết qua đường phân dưới dạng không được hấp thu, đồng thời gắn với các axit mật và ion phốt phát.

Nhìn chung, Sevelamer có tác dụng giảm lượng phốt pho cao trong máu ở những người đang phải chạy thận nhân tạo do mắc bệnh thận nặng. Việc giữ mức phốt phát cân bằng có thể duy trì độ chắc khỏe của xương, ngăn tích tụ những khoáng chất có hại trong cơ thể và giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim cũng như đột quỵ. Khi vào cơ thể, Sevelamer sẽ hoạt động tích cực nhằm loại bỏ bớt phốt phát hấp thu từ chế độ ăn uống ra bên ngoài.

3. Chỉ định và chống chỉ định sử dụng thuốc Sevelamer

Theo khuyến nghị của bác sĩ, thuốc Sevelamer thường được chỉ định sử dụng cho những trường hợp dưới đây:

  • Kiểm soát tình trạng tăng phốt pho huyết thanh cho những người mắc bệnh thận mãn tính không lọc máu (mức phốt pho ≥ 1,78 mmol/l).
  • Kết hợp với một số chế phẩm bổ sung canxi và 1,25-dihydroxy vitamin D3 nhằm kiểm soát hiệu quả quá trình tiến triển của tình trạng loạn dưỡng xương do bệnh thận.
  • Dùng dưới dạng bột pha hỗn dịch uống dành cho bệnh nhi trên 6 tuổi mắc bệnh thận mạn tính cần kiểm soát tình trạng tăng phốt pho huyết.

Cần tránh dùng Sevelamer cho những đối tượng bệnh nhân dưới đây khi chưa có chỉ định cụ thể của bác sĩ:

  • Người có tiền sử dị ứng hoặc quá mẫn với hoạt chất Sevelamer hay bất kỳ tá dược nào có trong công thức thuốc.
  • Chống chỉ định Sevelamer cho bệnh nhân bị tắc ruột.
  • Chống chỉ định Sevelamer cho bệnh nhân đang bị hạ phốt pho máu.

4. Hướng dẫn sử dụng và liều dùng thuốc Sevelamer

Trước khi sử dụng Sevelamer, bệnh nhân cần đọc kỹ hướng dẫn được ghi trên nhãn thuốc và tuân theo lời khuyên về liều dùng của bác sĩ. Đối với thuốc Sevelamer dạng viên nén, bạn nên uống mỗi ngày 3 lần theo liều lượng được xác định dựa trên tình trạng sức khoẻ hiện tại. Khi uống, bệnh nhân nên nuốt nguyên viên thay vì nhai, nghiền hoặc bẻ vụn viên thuốc.

Trong trường hợp bệnh nhân dùng thuốc bột, hãy hoà tan thuốc cùng với lượng nước vừa đủ trước khi uống. Đối với gói 0,8g, bạn nên pha với ít nhất 2 thìa nước. Nếu dùng gói 2,4g, người bệnh có thể pha với khoảng 4 thìa nước.

Nhằm đảm bảo sớm đạt kết quả, nên dùng thuốc thường xuyên. Thuốc Sevelamer thường được uống sau mỗi bữa ăn hoặc theo chỉ định cụ thể của bác sĩ. Ngoài ra, người bệnh cần tránh uống các loại thuốc khác trong vòng một giờ trước khi dùng Sevelamer hoặc trong khoảng 3 giờ sau đó. Việc dùng các loại thuốc khác cùng lúc với Sevelamer có thể làm giảm tác dụng điều trị của thuốc, thậm chí dẫn đến những tác dụng phụ bất lợi.

Trong quá trình dùng Sevelamer, bác sĩ thường khuyến nghị bệnh nhân nên thường xuyên xét nghiệm máu nhằm đánh giá mức phốt pho trong huyết thanh, từ đó có phương hướng điều chỉnh liều thích hợp. Trong trường hợp bệnh nhân gặp khó khăn khi nuốt thuốc hoặc có cảm giác thuốc bị kẹt ở thực quản, hãy báo cho bác sĩ ngay để có cách xử trí.

Thực tế, Sevelamer chỉ là một phần trong liệu trình điều trị tình trạng phốt pho huyết cao ở bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính. Do đó, trong suốt quá trình dùng thuốc, người bệnh cần tuân theo một chế độ ăn kiêng đã được chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ tư vấn. Ngoài ra, bạn cũng cần nắm rõ những thực phẩm nào nên ăn và cần tránh để kiểm soát tốt vấn đề sức khỏe đang gặp phải.

Dưới đây là liều dùng thuốc Sevelamer thông thường dành cho người lớn bị tăng phốt pho máu do suy thận:

  • Liều ban đầu: Uống 800 – 1600mg / 3 lần / ngày. Với mức phốt pho > 5,5 – 7,5mg / dL, uống 800mg / 3 lần / ngày; mức phốt pho > 7,5mg / dL uống 1600mg / 3 lần / ngày.
  • Liều quy định trung bình: Uống 7,2g / ngày (2,4g / mỗi bữa ăn).
  • Liều tối đa: Uống 14g / ngày (cacbonat) và 13g / ngày (hydrochloride).

5. Thuốc Sevelamer gây ra các tác dụng phụ gì?

Trong quá trình điều trị với thuốc Sevelamer, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các phản ứng bất lợi phổ biến dưới đây:

  • Chán ăn.
  • Đau dạ dày.
  • Buồn nôn hoặc nôn ói.
  • Táo bón.
  • Tiêu chảy.
  • Ngứa.
  • Có cảm giác mệt mỏi.
  • Đau khớp.

Bệnh nhân cần được cấp cứu khẩn cấp nếu cơ thể xuất hiện các dấu hiệu dị ứng như khó thở, nổi mề đay, sưng cổ họng, sưng lưỡi / môi / mặt hoặc cổ họng. Nếu gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, bệnh nhân cần ngưng dùng thuốc và báo ngay cho bác sĩ:

  • Khó nuốt hoặc cảm thấy nghẹt thở.
  • Phân đen, màu hắc ín hoặc có máu.
  • Đau dạ dày.
  • Táo bón nặng hoặc dai dẳng không hết.

Trên đây là những tác dụng phụ mà bệnh nhân có nguy cơ gặp phải khi dùng thuốc Sevelamer. Vẫn có thể xảy ra một số phản ứng khác chưa được đề cập đến. Vì vậy, dù mắc phải bất kỳ tình trạng sức khỏe nào trong thời gian điều trị với Sevelamer, bệnh nhân cần theo dõi kỹ cơ thể và đến gặp bác sĩ sớm để được khắc phục.

6. Những điều cần lưu ý và thận trọng khi dùng thuốc Sevelamer

Trước khi quyết định điều trị tình trạng mức phốt pho cao trong máu, bệnh nhân cần trao đổi với bác sĩ nếu đang gặp phải những vấn đề sau:

  • Táo bón nghiêm trọng.
  • Khó nuốt.
  • Tiêu hoá chậm.
  • Bị tắc nghẽn đường ruột.
  • Rối loạn đường ruột hoặc dạ dày.
  • Mới thực hiện phẫu thuật ruột / dạ dày.

Ngoài ra, phụ nữ mang thai hoặc bà mẹ nuôi con bú cũng cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về mặt lợi ích và rủi ro mà Sevelamer mang lại trước khi dùng thuốc. Việc dùng Sevelamer trong thời kỳ mang thai có thể làm giảm nồng độ axit folic và một số loại vitamin trong máu. Nếu thai phụ bắt buộc phải dùng Sevelamer, bác sĩ sẽ cân nhắc điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp nhất theo từng giai đoạn của thai kỳ.

Bệnh nhân cũng cần thận trọng khi dùng quá liều thuốc Sevelamer. Mặc dù nguy cơ nhiễm độc toàn thân với Sevelamer ở mức thấp do hoạt chất không được hấp thu tại đường tiêu hoá, tuy nhiên nếu xảy ra ngộ độc cấp, bệnh nhân cần được tiến hành điều trị các triệu chứng ngay lập tức.

Thêm vào đó, cần thận trọng khi dùng Sevelamer chung với các loại thuốc khác, nhất là những thuốc sau:

  • Ciprofloxacin.
  • Mycophenolate mofetil.
  • Ciclosporin.
  • Tacrolimus.
  • Thuốc ức chế bơm proton.
  • Thuốc chống loạn nhịp tim.
  • Thuốc chống co giật.
  • Grepafloxacin.
  • Cinoxacin.

Nhằm tránh xảy ra tình trạng tương tác giữa các thuốc với Sevelamer, bệnh nhân cần báo cho bác sĩ danh sách tất cả các dược phẩm hiện đang dùng, ngay cả vitamin bổ sung hay thảo dược. Điều này sẽ giúp bạn tránh được nguy cơ gặp phải tác dụng phụ hoặc giảm hiệu quả điều trị của Sevelamer.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

6.1K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan