Thuốc Tagrisso® điều trị ung thư có thể ảnh hưởng tới hệ tim mạch của bạn không?

Thuốc Tagrisso là thuốc được chỉ định để điều trị ung thư, tuy nhiên thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ lên cơ thể. Để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân thủ theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ, dược sĩ tư vấn.

1. Thuốc Tagrisso® là thuốc gì?

Tagrisso® có hoạt chất là osimertinib. Đây là thuốc ức chế thụ thể yếu tố phát triển biểu mô (EGFR inhibitor/ EGFR-TKI) thế hệ 3 được chỉ định trong ung thư phổi không tế bào nhỏ di căn (EGFR +). Thuốc được FDA phê duyệt lần đầu tiên vào tháng 11 năm 2015, phê duyệt hoàn toàn vào năm 2017. Năm 2018, osimertinib được khuyến cáo (first line) trong điều trị ung thư phổi không tế bào nhỏ có đột biến EGFR. Với dạng bào chế viên uống và chế độ dùng 1 lần/ngày, thuốc mang tới hy vọng kéo dài sự sống và chất lượng cuộc sống tốt hơn ở bệnh nhân ung thư phổi di căn.

2. Tác dụng phụ thường gặp của thuốc Tagrisso ®

Không phải tất cả các bệnh nhân đều gặp tác dụng phụ của thuốc và không phải tất cả các tác dụng phụ của thuốc đều thể hiện trên một người bệnh. Các tác dụng phụ thường gặp nhất của Tagrisso® bao gồm: mệt mỏi, giảm cảm giác ngon miệng, tiêu chảy, giảm bạch cầu nhiều mức độ (bao gồm giảm bạch cầu hạt, bạch cầu lympho), giảm tiểu cầu, khô da, mẩn ngứa, các vấn đề về móng tay, móng chân như thay đổi màu sắc móng, tăng sắc tố móng, gãy móng, bong móng, viêm quanh móng...

Bạn nên trao đổi với bác sĩ tất cả những khó chịu hoặc bất thường trong thời gian dùng thuốc, đặc biệt là các phản ứng da nghiêm trọng (ban da đa dạng, viêm da nặng, bong tróc hoại tử da...), thay đổi thị giác hoặc khó chịu ở mắt (mắt đỏ, nhìn mờ, đau tức mắt, sợ sáng...), các triệu chứng về hô hấp (sốt, ho, khó thở...), mệt nhiều, khó thở khi gắng sức, phù chân hoặc toàn thân.

Phụ nữ nên tránh có thai trong thời gian dùng thuốc tới ít nhất 6 tuần kể từ liều cuối cùng. Nam giới nên tránh thụ tinh trong thời gian dùng thuốc tới ít nhất 4 tháng kể từ liều cuối cùng.

thuốc tagrisso
Thuốc Tagrisso là thuốc được chỉ định để điều trị ung thư

3. Thuốc Tagrisso® có thể ảnh hưởng đến hệ tim mạch của bạn không?

Trong thử nghiệm lâm sàng của thuốc, các phản ứng phụ trên tim mạch của Tagrisso® đã được ghi nhận. Bệnh cơ tim (với biểu hiện suy tim, suy tim sung huyết, phù phổi hoặc giảm phân suất tống máu) xảy ra ở 1,9% bệnh nhân trong nghiên cứu. Kéo dài khoảng QTc>500ms trên điện tâm đồ xảy ra ở 0,7% nhưng không ghi nhận rối loạn nhịp tim do kéo dài QTc.

Sau khi thuốc được lưu hành trên thị trường, một số báo cáo ca liên quan tới suy tim và giảm khả năng hoạt động của tim đã được ghi nhận. Phản ứng có thể xảy ra sau khi dùng thuốc vài ngày đến nhiều tháng. Thông thường, sau khi ngừng thuốc và điều trị phù hợp, chức năng tim có thể trở về bình thường ở những bệnh nhân phát hiện sớm.

Mặc dù, cơ chế ảnh hưởng trên hệ tim mạch của Tagrisso® chưa được biết chính xác nhưng việc tư vấn cho người nhà và bệnh nhân để theo dõi tác dụng phụ của thuốc là vô cùng quan trọng.

4. Làm thế nào để phòng ngừa và điều trị tác dụng phụ của thuốc Tagrisso ® đối với hệ tim mạch của bạn?

Trước khi điều trị với Tagrisso®, bác sĩ sẽ kiểm tra đánh giá toàn diện và tư vấn cho bạn và người nhà một cách kỹ lưỡng để theo dõi và phòng tránh những tác dụng phụ của thuốc, bao gồm các tác dụng phụ trên tim mạch.

Bạn sẽ được siêu âm tim để đánh giá chức năng tim (chức năng thất trái) trước khi điều trị và mỗi 3 tháng trong thời gian dùng thuốc. Bạn sẽ được theo dõi điện tim (điện tâm đồ) trước khi điều trị và được theo dõi thường xuyên hơn nếu bạn có các vấn đề như kéo dài khoảng QTc bẩm sinh, suy tim có sẵn, rối loạn điện giải hoặc đang dùng đồng thời với các thuốc gây kéo dài khoảng QT.

Trong các thử nghiệm lâm sàng của Tagrisso, những bệnh nhân có khoảng QTc>470ms được loại trừ khỏi nghiên cứu. Do đó, các bác sĩ sẽ thận trọng hơn và tư vấn kỹ lưỡng hơn cho bạn nếu bạn có vấn đề tương tự. Trong trường hợp khoảng QTc của bạn tăng lên trong thời gian dùng thuốc, bác sĩ có thể trao đổi với bạn ngừng thuốc lại trong thời gian ngắn và tái sử dụng với mức liều thấp hơn.

Tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, không tự ý ngừng thuốc hay thay đổi liều dùng, vì tác dụng phụ của thuốc có thể liên quan đến liều thuốc được sử dụng. Tái khám định kỳ hoặc theo hẹn để được theo dõi và đánh giá là cách thức tốt để phòng ngừa các tác dụng phụ của thuốc.

Nếu bạn gặp tình trạng đau hoặc tức ngực, khó thở (bao gồm khó thở khi nằm, thức dậy đêm vì ho khan, khó thở, hay khó thở khi đi lại, gắng sức), phù chân hoặc phù toàn thân, bạn cần tới bệnh viện để được thăm khám, tư vấn và xử trí kịp thời.

Thông thường, trong trường hợp chức năng tim của bạn bị giảm trên siêu âm trong thời gian trên 1 tháng mà không có triệu chứng hoặc có triệu chứng suy tim, Tagrisso® sẽ được ngừng lại và thay thế bằng thuốc khác. Đồng thời, bạn sẽ được điều trị theo phác đồ suy tim và theo dõi tích cực bởi bác sĩ chuyên khoa.

thuốc tagrisso
Tác dụng phụ thường gặp nhất của Tagrisso® bao gồm mệt mỏi

5. Các thuốc điều trị ung thư khác có thể ảnh hưởng bất lợi tới hệ tim mạch

Các thuốc thuộc nhóm anthracycline và các thuốc tương tự (ví dụ như doxorubicin, daunorubicin, idarubicin, epirubicin, mitoxantrone) đã được biết đến có nguy cơ gây độc tính trên tim. Các thuốc thuộc nhóm này có thể ảnh hưởng tới chức năng tim thông qua cơ chế hình thành các gốc tự do, stress oxy hóa, gây nên chết tế bào theo chương trình và tổn thương ADN do ảnh hưởng tới các enzym và ức chế tổng hợp protein.

Yếu tố nguy cơ khiến người bệnh dễ gặp phải độc tính trên tim mạch do các thuốc nhóm này bao gồm tuổi cao (>65 tuổi), tuổi rất nhỏ (<4 tuổi), giới tính nữ, suy giảm chức năng tim từ trước, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, tiểu đường, béo phì, hút thuốc lá, sử dụng thuốc nhóm anthracycline liều cao hoặc kết hợp với xạ trị hay các thuốc có độc tính trên tim khác.

Tác dụng phụ trên tim của nhóm thuốc này có thể xảy ra ngay trong liệu trình điều trị, sau đó nhiều tháng hoặc thậm chí sau vài năm điều trị. Biểu hiện tác dụng phụ có thể bao gồm các bất thường trên điện tim, rối loạn nhịp tim, viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, suy giảm chức năng tim hoặc suy tim.

Trastuzumab thường gây giảm chức năng tim không triệu chứng, suy tim có triệu chứng ít gặp hơn. Cơ chế gây độc trên tim chưa thực sự được hiểu biết hết, tuy nhiên có thể liên quan tới tác động vào thụ thể của yếu tố phát triển biểu mô 2 (HER2).

Các thuốc khác: Một số các phản ứng phụ trên tim mạch đã được quan sát thấy khi điều trị với các thuốc ung thư khác như rối loạn nhịp tim (liên quan tới nilotinib, asciminib, ponatinib, vandetanib, crizotinib, vemurafenib, taxanes...); bệnh cơ tim giãn, suy tim do hoại tử tế bào cơ tim (liên quan tới sunitinib, alemtuzumab, imatinib, trametinib, taxanes... ở một số đối tượng đặc biệt hoặc dùng phối hợp với thuốc độc tính trên tim khác); kéo dài khoảng QTc (liên quan tới eribulin, vandetanib...); viêm màng tim (liên quan tới cytarabine, bleomycin); tràn dịch màng tim (liên quan tới trans retinoic acid); suy tim, thiếu máu cục bộ cơ tim, ngừng tim (liên quan tới mobocertinib, asciminib, interleukin 2...).

Thông thường, các tác dụng phụ trên tim do các thuốc điều trị ung thư có thể điều trị phục hồi hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn với các phác đồ điều trị cơ bản. Các bác sĩ sẽ tư vấn và lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp cho bạn. Trước khi sử dụng thuốc, bác sĩ sẽ đánh giá toàn trạng, thực hiện các xét nghiệm và thăm dò cận lâm sàng để đảm bảo an toàn nhất.

Để giảm thiểu tác dụng phụ trên hệ tim mạch của các thuốc ung thư, việc tối ưu hóa kiểm soát các nguy cơ tim mạch sẵn có, bảo đảm chế độ ăn uống lành mạnh, giảm rượu bia và bỏ thuốc lá, kiểm soát tối ưu huyết áp, đường huyết và mỡ máu cùng với chế độ luyện tập thể lực vừa sức là vô cùng quan trọng. Tuân thủ điều trị, trao đổi với bác sĩ tất cả mọi bất thường trong quá trình điều trị và tái khám theo lịch sẽ giúp bạn được điều trị hiệu quả và an toàn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

12.7K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan