Thuốc Venofer Vial: Công dụng, chỉ định và lưu ý khi dùng

Venofer® (tiêm sucrose sắt, USP) được chỉ định để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt (IDA) ở bệnh nhân người lớn và trẻ em (từ 2 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mãn tính (CKD). Thuốc chỉ được sử dụng dưới giám sát bởi các chuyên gia y tế.

Thuốc tiêm Venofer (sắt sucrose) là một dạng sắt tiêm tĩnh mạch - thành phần chính để tạo ra các tế bào hồng cầu mới.

1. Công dụng của thuốc Venofer

Thuốc tiêm Venofer (sắt sucrose) được sử dụng để điều trị máu "thiếu sắt" (thiếu máu) ở những người bị bệnh thận lâu năm. Bạn có thể cần thêm sắt do sự mất máu trong quá trình lọc máu. Cơ thể bạn cũng có thể cần thêm sắt nếu bạn sử dụng thuốc erythropoietin để giúp tạo ra các tế bào hồng cầu mới. Sắt rất cần thiết cho tủy xương để xây dựng các tế bào hồng cầu mới và cung cấp oxy cho các cơ quan và mô thông qua hemoglobin. Nhiều bệnh nhân bị bệnh thận không thể nhận đủ sắt từ thức ăn và phải tiêm.

Venofer được chỉ định để điều trị bệnh thiếu máu do thiếu sắt (IDA) ở bệnh nhân người lớn và trẻ em (2 tuổi trở lên) mắc bệnh thận mãn tính (CKD).

2. Cách dùng thuốc Venofer

Thuốc Venofer được tiêm vào tĩnh mạch theo chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc thường được tiêm chậm trong vòng 2 đến 5 phút hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Sắt sucrose cũng có thể được trộn trong dung dịch muối và được truyền qua đường tĩnh mạch trong thời gian dài hơn.

Bác sĩ của bạn sẽ có thể kiểm tra Venofer đang hoạt động như thế nào bằng cách xem xét các xét nghiệm máu của bạn. Có 2 xét nghiệm mà bác sĩ có thể sẽ theo dõi cùng với hemoglobin và số lượng hồng cầu của bạn:

  • Ferritin: Đây là một loại protein có chứa sắt dự trữ.
  • Độ bão hòa transferrin (TSAT): Transferrin là một loại protein lấy sắt từ protein dự trữ (ferritin) hoặc sắt mà bạn đang được điều trị và đưa nó đến tủy xương, nơi được sử dụng để tạo ra các tế bào hồng cầu khỏe mạnh.
Thuốc Venofer được đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tiêm
Thuốc Venofer được đưa vào cơ thể người bệnh qua đường tiêm

3. Tác dụng phụ của thuốc Venofer

Bệnh nhân người lớn: Các phản ứng có hại thường gặp nhất (≥2%) bao gồm tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt, hạ huyết áp, ngứa, đau tứ chi, đau khớp, đau lưng, co cứng cơ, phản ứng tại chỗ tiêm, đau ngực và phù ngoại vi.

Bệnh nhi: Các phản ứng có hại thường gặp nhất (≥2%) là nhức đầu, nhiễm virus đường hô hấp, viêm phúc mạc, nôn, sốt, chóng mặt, ho, buồn nôn, huyết khối đường rò động mạch, hạ huyết áp và tăng huyết áp.

Hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu bạn có bất kỳ tác dụng phụ nghiêm trọng nào, bao gồm: đau bụng, đau ngực, nhịp tim không đều (loạn nhịp tim), áp lực trong lồng ngực, đau đầu dữ dội và mờ mắt (tăng huyết áp), các vấn đề với vị trí tiếp cận lọc máu.

Các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng, bao gồm các phản ứng kiểu phản vệ (ngứa, phát ban, sưng tấy, thở khò khè, khó thở, ngất xỉu hoặc các triệu chứng dị ứng khác), một số trong số đó đe dọa đến tính mạng và tử vong, có thể xảy ra ở những bệnh nhân dùng Venofer. Bác sĩ cần theo dõi bệnh nhân về các dấu hiệu và triệu chứng quá mẫn trong và sau khi dùng Venofer ít nhất 30 phút. Chỉ sử dụng Venofer khi nhân viên y tế luôn có mặt ngay lập tức để xử lý các phản ứng quá mẫn nghiêm trọng. Hầu hết các phản ứng liên quan đến các chế phẩm sắt tiêm tĩnh mạch xảy ra trong vòng 30 phút sau khi truyền xong. Gọi cho bác sĩ của bạn hoặc nhận trợ giúp y tế ngay lập tức nếu bạn có các triệu chứng của phản ứng dị ứng, bao gồm: phát ban, đau ngực, ho, chóng mặt, ngất xỉu, khó thở, đổ mồ hôi hoặc thắt cổ họng.

Sử dụng lượng Venofer quá nhiều có thể dẫn đến tình trạng thừa sắt. Tất cả bệnh nhân tiêm Venofer đều yêu cầu xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi lượng sắt trong máu. Venofer có thể làm giảm sự hấp thu của các chế phẩm sắt dùng bằng đường uống.

4. Thận trọng khi sử dụng thuốc Venofer

Venofer có thể gây hạ huyết áp đáng kể về mặt lâm sàng. Theo dõi các dấu hiệu của hạ huyết áp sau mỗi lần dùng Venofer. Hạ huyết áp sau khi sử dụng Venofer có thể liên quan đến tốc độ sử dụng hoặc tổng liều được phân phối.

Thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai, hoặc dự định mang thai hoặc đang cho con bú. Có thể có những rủi ro cho người mẹ và thai nhi liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt không được điều trị trong thai kỳ. Thiếu máu thiếu sắt không được điều trị trong thai kỳ có liên quan đến các kết cục bất lợi cho mẹ như thiếu máu sau sinh.

Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Venofer
Người bệnh nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc Venofer

Các phản ứng có hại nghiêm trọng bao gồm suy tuần hoàn (hạ huyết áp nghiêm trọng, sốc bao gồm cả phản ứng phản vệ) có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai với các sản phẩm sắt qua đường tiêm (như Venofer), có thể gây ra nhịp tim chậm của thai nhi, đặc biệt là trong 3 tháng giữa và 3 tháng cuối.

Thuốc Venofer Vial chỉ được dùng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên môn, vì thế người bệnh không nên tự ý sử dụng thuốc, bởi sẽ làm ảnh hưởng đến sức khỏe và quá trình điều trị.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Nguồn tham khảo: webmd.com

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

1.8K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan