Tìm hiểu thông tin thuốc tra mỡ mắt maxitrol

Thuốc tra mỡ mắt maxitrol được sử dụng phổ biến để điều trị viêm ở mắt chống ngứa, chống viêm nhiễm với tác dụng kháng khuẩn. Đây là loại thuốc phối hợp hai loại kháng sinh là neomycin sulfate và polymyxin B sulfate với dexamethasone. Có rất nhiều lưu ý khi sử dụng thuốc tra mỡ mắt maxitrol mà chúng ta cần nắm rõ.

1. Công dụng

Thuốc tra mỡ mắt maxitrol loại thuốc phối hợp hai loại kháng sinh là neomycin sulfate và polymyxin B sulfate với dexamethasone. Thuốc chỉ định sử dụng trong trường hợp viêm ở mắt khi xét thấy cần dùng đồng thời cả thuốc kháng khuẩn. Vì là loại phối hợp nhiều loại thuốc, có hoạt chất cortizol trong thành phần nên việc sử dụng phải có chỉ định của bác sĩ và phải được theo dõi, khám lại mắt sau khi tra thuốc...

Bởi nếu dùng thuốc sai chỉ định thì có thể gây hại cho mắt, ví dụ như có thể mắc bệnh glaucoma (căn bệnh gây mù lòa do tăng áp lực nội nhãn và tổn hại thần kinh thị giác). Đặc biệt là khi sử dụng thuốc dài ngày có thể bội nhiễm thứ phát, nhiễm virus và vi khuẩn cũng không hề hiếm gặp.

Không phải trong trường hợp nào cũng có thể sử dụng thuốc tra mỡ mắt maxitrol. Thuốc chống chỉ định đối với những người bị viêm biểu mô giác mạc do herpes simplex (viêm giác mạc cành cây), bệnh đậu bò, thuỷ đậu và nhiều bệnh khác liên quan đến kết mạc và giác mạc do virus gây ra. Người bệnh dị ứng với bất cứ thành phần nào của thuốc cũng có thể gây ra tác dụng phụ. Đặc biệt, thuốc chống chỉ định sử dụng những loại thuốc phối hợp này sau khi mổ lấy dị vật giác mạc không có biến chứng và các trường hợp nhiễm khuẩn sinh mủ không được điều trị.

Viêm kết mạc
Thuốc tra mỡ mắt chống chỉ định với bệnh nhân mắc các bệnh kết mạc do virus

Hiện tại, chưa có một nghiên cứu nào cho thấy maxitrol tương tác với các loại thuốc khác, tuy nhiên, đã ghi nhận sự tương tác giữa từng thành phần khi dùng đường toàn thân. Nguy cơ tương tác thuốc rất thấp khi sự hấp thụ của Dexamethasone, Neomycin Sulphate và Polymyxin B Sulphate theo đường dùng tại chỗ rất ít. Khi sử dụng 2 loại thuốc nhỏ mắt cùng 1 lúc nên nhỏ thuốc cách nhau ít nhất 15 phút.

Nếu bạn vô tình nhỏ thuốc quá liều, đừng quá lo lắng, bạn nên rửa lại mắt bằng nước ấm.

2. Liều dùng và cách dùng

Trước khi sử dụng, bạn nên lắc kỹ lọ thuốc lên, thuốc chỉ có tác dụng nhỏ trên bộ phận mắt. Trong trường hợp bệnh nhẹ, bạn chỉ nên nhỏ từ 1 - 2 giọt thuốc vào túi kết mạc bên mắt bị bệnh, chia đều ngày nhỏ từ 4 - 6 lần. Nếu tình trạng mắt nặng hơn, vẫn sử dụng liều dùng từ 1 - 2 giọt thuốc sau mỗi giờ. Chú ý, giảm dần số lần nhỏ thuốc xuống, khi các triệu chứng của bệnh giảm đi và ngừng điều trị khi hết viêm. Tuy nhiên, cũng không nên vội vàng kết thúc liệu trình điều trị.

Cách nhỏ thuốc đúng cách là nhẹ nhàng khép mí mắt và chẹn ống thông mũi lệ sau khi nhỏ thuốc vào mắt để làm giảm lượng thuốc hấp thu vào vòng tuần hoàn chung, giảm tác dụng phụ toàn thân.

Trẻ em nên hạn chế sử dụng thuốc tra mắt maxitrol để tránh tác dụng phụ có thể xảy ra, mặc dù chưa xác định được độ an toàn và hiệu quả của thuốc với trẻ em.

Bé sơ sinh rướn nhiều
Chưa xác định được mức độ ảnh hưởng của thuốc maxitrol tới trẻ em

3. Thận trọng

Dưới đây là một số lưu ý, khi bạn sử dụng thuốc maxitrol:

  • Khi sử dụng liều thuốc quá 20ml (4 lọ), người bệnh cần được kê đơn bởi thầy thuốc chuyên khoa. Quá trình kê đơn này được thực hiện sau khi kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng của người bệnh bằng máy khuếch đại như đèn siêu hiển vi và khi thích hợp thử bằng nhuộm huỳnh quang. Dù gặp phải bất cứ phản ứng phụ nào do thuốc gây ra, cũng cần phải đến gặp bác sĩ/ dược sĩ để kiểm tra, đồng thời ngừng ngay thuốc.
  • Thuốc sẽ trở nên nguy hiểm và gây hại đến chức năng của mắt khi dùng thuốc kéo dài như: glaucoma, tổn thương thần kinh thị giác, khiếm khuyết thị lực, thị trường và tạo thành đục thủy tinh thể dưới bao ở phía sau.
  • Người bệnh có thể bị nhiễm trùng thứ phát ở mắt do sử dụng thuốc kéo dài, thậm chí là thủng nhãn cầu khi sử dụng steroid tại chỗ.
  • Nên theo dõi áp lực nội nhãn một cách thường quy, khi sử dụng thuốc trong vòng 10 ngày hoặc lâu hơn. Nguyên nhân là trong những bệnh nung mủ cấp tính ở mắt, steroid co thể che lấp dấu hiệu nhiễm trùng hay làm nặng thêm nhiễm trùng hiện có.
  • Trong quá trình sử dụng thuốc điều trị nhiễm khuẩn ở mắt, không được sử dụng kính áp tròng. Bên cạnh đó, chế phẩm có chứa chất bảo quản Benzalkonium chloride, có thể làm biến màu kính áp tròng mềm.
  • Bảo quản sạch sẽ đầu chạm ống thuốc nhỏ mắt, bởi nó có thể gây nhiễm bẩn thuốc.
Dùng kính áp tròng sai cách
Không được sử dụng kính áp tròng khi dùng thuốc điều trị nhiễm khuẩn

  • Khuyến cáo không nên lái xe trong và sau khi nhỏ thuốc vì nó có thể gây mờ tạm thời và gặp phải các rối loạn thị giác. Thuốc có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lái xe và vận hành máy móc nói chung. Bệnh nhân sau khi nhỏ thuốc chỉ có thể lái xe, khi các triệu chứng mờ mắt hết và nhìn rõ được mọi thứ.
  • Phụ nữ có thai nên hạn chế sử dụng thuốc maxitrol.
  • Đối với phụ nữ đang cho con bú cũng khuyến cáo không nên sử dụng thuốc nhằm đảm bảo lợi ích cho cả mẹ và con. Bởi có một số thuốc thải trừ qua sữa và gây hại cho trẻ bú mẹ..

4. Tác dụng phụ

Thuốc tra mỡ mắt maxitrol là thuốc phối hợp steroid và kháng khuẩn, do vậy, nó sẽ xảy ra các tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ, người bệnh có thể gặp phải như:

  • Tăng áp lực nội nhãn (IOP) có khả năng tiến triển thành glaucoma.
  • Thần kinh thị giác có thể bị tổn thương thần kinh thị giác không thường xuyên, hình thành đục thủy tinh thể dưới bao phía sau, và chậm liền vết thương.
  • Nhiễm khuẩn thứ phát.
  • Nhiễm nấm ở giác mạc khi sử dụng thuốc kéo dài.

Khi gặp bất cứ phản ứng phụ nào cũng cần báo cho bác sĩ để có phương pháp điều trị kịp thời, tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.

Khách hàng có thể trực tiếp đến hệ thống Y tế Vinmec trên toàn quốc để thăm khám hoặc liên hệ hotline tại đây để được hỗ trợ.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

48.6K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan