Các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất

Tiêu chảy khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, thậm chí suy nhược cơ thể. Nắm được cách cầm tiêu chảy nhanh nhất sẽ giúp bệnh nhân sớm hồi phục sức khỏe, tránh được những biến chứng nghiêm trọng.

1. Sơ lược về tình trạng tiêu chảy

Tiêu chảy cấp là tình trạng đi ngoài phân lỏng trong một vài ngày. Bên cạnh đó, người bị tiêu chảy còn có các triệu chứng khác đầy hơi, đau quặn bụng, nôn ói,... Khi tình trạng tiêu chảy trở nên nghiêm trọng, phân sẽ có lẫn chất nhầy, thực phẩm không được tiêu hóa hết, thậm chí là đi tiêu ra máu, giảm cân, bị sốt,...

Có nhiều nguyên nhân gây tiêu chảy như: Nhiễm Lamblia, Amip hoặc vi khuẩn Shigella, Salmonella, giun kim, giun đũa, sán ruột,... Bên cạnh đó, tiêu chảy còn có thể do dị ứng thực phẩm, lạm dụng rượu, lạm dụng thuốc nhuận tràng, bệnh tiểu đường, cường giáp, tác dụng phụ của thuốc xạ trị, phẫu thuật, rối loạn hấp thu dinh dưỡng,... Khi các tác nhân trên tấn công hệ tiêu hóa thì cơ thể sẽ bị mất nước, tăng kích thích ruột, đi tiêu nhiều hơn. Nếu không có biện pháp cầm tiêu chảy kịp thời, tình trạng bệnh sẽ càng thêm trầm trọng, thậm chí dẫn tới tử vong.

2. Một số cách cầm tiêu chảy nhanh nhất

Bệnh tiêu chảy có thể biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, nếu thấy có triệu chứng đi ngoài ra máu, phân có màu đen, sốt cao trên 24 giờ, nôn mửa thường xuyên, đau bụng dữ dội, đau đầu, buồn nôn, nước tiểu sẫm màu, tim đập nhanh, da khô,... thì người bị tiêu chảy nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Nếu bị tiêu chảy nhẹ, bệnh nhân có thể áp dụng các cách trị tiêu chảy như sau:

2.1 Bổ sung nước cho cơ thể

Trước khi tìm cách cầm tiêu chảy nhanh nhất, người bệnh cần bổ sung đủ nước cho cơ thể vì khi bị tiêu chảy, mất nước là biến chứng thường gặp nhất. Tiêu chảy khiến cơ thể mất nhiều nước và các chất điện giải như natri, kali, magie, canxi - những yếu tố cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể. Nếu không bổ sung đầy đủ nước và các chất điện giải, cơ thể có thể rơi vào trạng thái mất nước, gặp nhiều biến chứng nguy hiểm như lú lẫn, mệt mỏi, đau bụng dữ dội, khó điều chỉnh thân nhiệt, ảnh hưởng tới chức năng thận, thậm chí hôn mê,...

Để trị tiêu chảy cấp, người bệnh nên bổ sung chất lỏng và các chất điện giải bị mất đi bằng cách uống nhiều nước lọc, nước ép trái cây không thêm đường, nước súp hoặc nước uống thể thao giàu các chất điện giải. Đồng thời, bệnh nhân nên tuyệt đối tránh thức uống có chứa caffeine, đồ uống có đường, nước ép mận, rượu,...

Với trường hợp bị tiêu chảy nặng, việc uống nước thôi sẽ không đủ. Bệnh nhân nên dùng thêm các sản phẩm bù dịch nhằm bổ sung nước và các chất điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, bệnh nhân cũng nên chú ý quan sát các dấu hiệu mất nước: Cảm thấy khát, không buồn tiểu, nước tiểu tối màu, mệt mỏi, nhầm lẫn,... để can thiệp kịp thời, tránh những biến chứng nặng hơn.

2.2 Sử dụng men vi sinh để cung cấp lợi khuẩn cho đường ruột

Đường ruột có hàng tỷ vi khuẩn, cả vi khuẩn tốt và vi khuẩn xấu, tạo nên 1 hệ vi sinh cân bằng. Các vi khuẩn có lợi giúp bảo vệ đường ruột khỏi nguy cơ nhiễm trùng. Khi hệ tiêu hóa bị quá tải bởi vi khuẩn không tốt hoặc tác dụng phụ của kháng sinh, người bệnh có thể bị tiêu chảy. Do đó, một trong những cách cầm tiêu chảy nhanh nhất và tốt nhất là bổ sung lợi khuẩn cho cơ thể.

Các loại thực phẩm giàu lợi khuẩn là: Sữa chua, yến mạch, socola đen, kim chi, trà kombucha (trà thủy sâm). Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể bổ sung lợi khuẩn cho hệ tiêu hóa bằng cách sử dụng men vi sinh dạng gói hoặc thuốc viên. Khi mua men vi sinh, người bệnh nên chọn những sản phẩm có chứa nấm men Saccharomyces boulardii - chủng men được các tổ chức y khoa uy tín khuyên dùng. Ngoài khả năng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, loại nấm men này còn giúp tăng cường hoạt động của men tiêu hóa, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, cải thiện hệ thống miễn dịch và ức chế sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh.

2.3 Sử dụng thuốc cầm tiêu chảy

Khi gặp các triệu chứng tiêu chảy, bệnh nhân nên đi khám bác sĩ. Nếu tình trạng tiêu chảy không quá nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho người bệnh sử dụng các loại thuốc không kê đơn phổ biến như: Loperamid, Bismuth subsalicylate,... Trường hợp bị tiêu chảy mãn tính (kéo dài trên 14 ngày, do nhiều nguyên nhân), người bệnh cần sử dụng các loại thuốc khác theo chỉ định của bác sĩ. Nếu bị tiêu chảy ra máu, sốt, các triệu chứng kéo dài trên 7 ngày đi kèm đau bụng dữ dội hoặc tiêu chảy ngày càng nặng, bệnh nhân nên đi khám ngay và làm theo mọi hướng dẫn của bác sĩ.

2.4 Thay đổi chế độ dinh dưỡng

Nhiều người cho rằng khi bị tiêu chảy nên kiêng cữ trong ăn uống để tiêu hóa dễ hơn và nhanh hồi phục sức khỏe. Tuy nhiên, đây là một quan niệm sai lầm vì nếu không được cung cấp đủ dinh dưỡng, cơ thể sẽ rơi vào trạng thái thiếu chất, mệt mỏi, khiến bệnh càng thêm nghiêm trọng.

Khi bị tiêu chảy, bệnh nhân nên chọn thực phẩm ít chất xơ (chế độ ăn BRAT). Với chế độ ăn này, người bệnh nên ăn 4 món chính là táo, cơm, chuối, bánh mì nướng để giúp phân nhanh cứng lại. Ngoài các thực phẩm này, bạn còn có thể ăn thêm thịt gà, cháo yến mạch, khoai tây (luộc hoặc nướng).

Bên cạnh đó, bệnh nhân nên hạn chế thực phẩm chiên, nhiều dầu mỡ và các thực phẩm giàu chất xơ vì chúng có thể gây đầy hơi. Các loại thực phẩm người bị tiêu chảy nên hạn chế gồm: Rượu, các loại đậu, quả mọng, cải bắp, súp lơ, ngô, các loại rau lá xanh, sữa, ớt,...

2.5 Nghỉ ngơi và giảm căng thẳng

Ngoài các biện pháp trên, một cách cầm tiêu chảy nhanh nhất, giúp giảm nhanh triệu chứng là bạn cần có chế độ nghỉ ngơi đầy đủ. Bạn nên nghỉ ngơi vài ngày, tránh căng thẳng và không làm việc quá sức để cơ thể được thư giãn. Nếu thấy đau bụng, bạn nên chườm 1 chiếc khăn hoặc chai nước ấm lên bụng để giảm nhẹ cơn đau.

2.6 Một số mẹo giúp cầm tiêu chảy nhanh chóng

Sau đây là một số cách cầm tiêu chảy nhanh nhất mà bạn có thể áp dụng tại nhà:

  • Uống trà hoa cúc: Trong trà hoa cúc có nhiều dưỡng chất giúp điều trị các bệnh viêm đường ruột. Đồng thời, loại trà này còn có tác dụng chống co thắt tốt, giúp làm giảm triệu chứng bệnh tiêu chảy;
  • Uống nước từ quả hồng xiêm xanh: Bạn chuẩn bị 15 - 20g quả hồng xiêm xanh, bỏ vào nồi, thêm 200ml, đun nhỏ lửa tới khi còn 100ml thì ngừng lại. Chia uống 2 lần/ngày, nên uống sau khi ăn 15 phút, uống khoảng 3 - 5 ngày;
  • Ăn quả việt quất: Trong loại quả này có chất anthocyanosides có đặc tính kháng khuẩn, chống oxy hóa, giúp chống lại bệnh tiêu chảy cực tốt. Vì vậy, người bị tiêu chảy có thể ăn quả việt quất để cầm tiêu chảy nhanh chóng;
  • Dùng lá ổi, búp ổi: Lá ổi xanh có chứa hoạt chất flavonoid loại quercetin, có hoạt tính trên sự bài tiết acetylcholin trong ruột, kích thích cơ trơn ruột, làm giảm đau nhanh. Đồng thời, lá ổi có chứa chất tanin giảm tiết dịch ruột, làm săn niêm mạc và kháng khuẩn tốt. Bệnh nhân nên đun lá ổi non, uống thay nước trong thời gian bị tiêu chảy;
  • Dùng bông mã đề + nõn dứa + muối: Bạn cho các nguyên liệu này vào nồi, đun sôi lấy nước uống nhiều lần trong ngày;
  • Uống trà vỏ cam: Thái vỏ cam thành từng miếng nhỏ, cho vào nồi, đun với nước sôi, để nguội thì thêm mật ong vào. Bệnh nhân tiêu chảy sử dụng trà vỏ cam như nước uống hằng ngày.

Tiêu chảy có thể tự điều trị tại nhà nếu bệnh nhẹ, không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, người bệnh cần chú ý là nếu áp dụng các cách cầm tiêu chảy nhanh nhất kể trên nhưng không có hiệu quả sau 3 - 5 ngày thì nên đi khám bác sĩ ngay để được kiểm tra, điều trị. Bệnh nhân cũng tuyệt đối không được tự ý sử dụng kháng sinh để tránh gây mất cân bằng hệ vi sinh đường ruột, dẫn đến tiêu chảy kéo dài.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

71.5K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan