Đau bụng ở trẻ sơ sinh: Làm sao để biết?

Đau bụng ở trẻ sơ sinh là để chỉ những trường hợp trẻ sơ sinh khóc nhiều hơn bình thường mà không tìm được nguyên nhân do bệnh lý hay sinh lý khác. Chủ yếu chúng ta nhận biết tình trạng trẻ sơ sinh bị đau bụng thông qua tiếng khóc và các cử động chi thể của bé.

1. Tại sao trẻ sơ sinh đau bụng?

Một đứa trẻ bình thường sẽ khóc tối đa 2 tiếng mỗi ngày, nhưng khi trẻ bị đau bụng có thể làm trẻ khóc nhiều hơn 3 tiếng. Tình trạng này có thể do một số nguyên nhân từ chế độ ăn của trẻ hay thậm chí một số trường hợp không tìm được nguyên nhân.

Một số nguyên nhân có thể dẫn tới đau bụng ở trẻ sơ sinh bao gồm:

  • Hội chứng Colic: Hội chứng có thể gây ra đau bụng cho khoảng 20% số trẻ sơ sinh. Một số bác sĩ tìm ra tình trạng này có quy luật số 3 là chủ yếu, khởi phát từ khi trẻ 3 tuần tuổi và khóc kéo dài hơn 3 giờ mỗi ngày, hơn 3 ngày trên tuần. Nhiều nhà nghiên cứu chỉ ra hội chứng này có liên quan tới tình trạng chướng hơi ở trẻ sơ sinh, do các cơ thắt tâm vị hay môn vị của trẻ hoạt động chưa tốt nên việc thoát hơi trong bụng khó khăn hơn. Hơi ứ lại làm trẻ thấy khó chịu, tiêu hoá thức ăn kém dẫn tới đau bụng, quấy khóc.
  • Tiêu hoá kém hoặc không tiêu hóa được protein trong sữa: Thường thì tình trạng này do trẻ dùng sữa công thức gây nên. Đôi khi cũng có thể do thức ăn trong khẩu phần ăn của mẹ khiến cho sữa mẹ khó tiêu hoá với trẻ.
  • Trẻ không dung nạp được lactose: Lượng lactose có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức cao nên cơ thể trẻ sơ sinh không có đủ enzyme để tiêu hóa hết lượng đường lactose mới được nạp vào cơ thể.
  • Mất cân bằng lượng vi sinh đường ruột: Trẻ sơ sinh hệ vi sinh đường ruột chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị tổn thương bởi nhiều yếu tố như dùng thuốc, thức ăn. Đặc biệt nhưng trẻ phải dùng kháng sinh dễ làm cho hệ vi sinh đường ruột bị rối loạn hơn.
  • Ăn dặm quá sớm: Trẻ nên bắt đầu ăn dặm khi đủ 6 tháng tuổi, nếu ăn quá sớm làm hệ tiêu hóa của trẻ phải tiếp xúc với thực phẩm không phù hợp, thức ăn không tiêu được tồn đọng lại và lên men trong đường ruột tạo thành hơi, gây khó chịu cho trẻ.
  • Khoảng cách giữa các bữa ăn cách nhau gần hoặc ăn quá no làm hệ tiêu hóa của trẻ không đủ chỗ cho thức ăn.
  • Thức ăn cho trẻ không đảm bảo: Cho trẻ uống sữa đã để lâu, bị nhiễm khuẩn hay đã bị hỏng.

Bởi trẻ sơ sinh có thể do khóc do nhiều nguyên nhân khác như trẻ bị đói, nóng, lạnh, cảm thấy ướt át khó chịu... khi loại trừ các nguyên nhân có thể giải quyết này thì có thể nghĩ tới trẻ khóc do bị đau bụng.

đau bụng ở trẻ sơ sinh
Có nhiều nguyên nhân có thể dẫn tới đau bụng ở trẻ sơ sinh

2. Làm sao biết trẻ đau bụng?

Trẻ sơ sinh chưa biết nói chuyện nên ngôn ngữ duy nhất để thể hiện mong muốn của trẻ là thông qua các tiếng khóc khác nhau. Chúng ta có thể nhận biết trẻ sơ sinh bị đau bụng thông qua một số triệu chứng như:

  • Thông qua tiếng khóc của trẻ: Trẻ thường khóc rất to, thét lên như đang rất đau và khóc kéo dài. Thời điểm mà trẻ khóc thường xuyên vào cùng thời gian trong ngày, hay gặp nhất là vào chiều muộn và buổi tối. Khi trẻ khóc bất chấp sự dỗ dành của bố mẹ, rất khó có thể làm trẻ nín khóc.
  • Có thể thấy trẻ nắm chặt các ngón tay, ưỡn lưng. Sờ bụng thấy bụng chướng hay cứng, chân tay trẻ gập luân phiên về phía bụng.
  • Cơn khóc của trẻ thường bắt đầu và kết thúc đột ngột là một trong những cách làm sao biết trẻ đau bụng. Thường thì trẻ sẽ nín khóc sau khi trung tiện được.
  • Đau bụng do trẻ bị đầy hơi thì có thể thêm một số dấu hiệu như trẻ hay ợ hơi, nôn trớ sau ăn, bụng chướng hơi, trung tiện nhiều lần, khó ngủ...

3. Làm gì khi trẻ bị đau bụng?

Khi thấy trẻ sơ sinh có các biểu hiện của tình trạng đau bụng, bố mẹ có thể giúp trẻ bớt khó chịu bằng một số biện pháp như:

  • Nhẹ nhàng massage bụng của trẻ theo chiều kim đồng hồ. Việc này giúp thúc đẩy hơi trong đường tiêu hoá đi ra ngoài. Đặc biệt sau khi trẻ bú hoặc ăn sữa công thức thì nên xoa cho trẻ..
  • Cử động chân cho bé giống như đi xe đạp. Giúp nhu động đường tiêu hóa tăng lên, đẩy hơi ra ngoài nhanh hơn.
  • Bế trẻ đung đưa nhẹ nhàng, giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn hoặc cho trẻ vào nôi đung đưa.
  • Cho trẻ tắm bằng nước ấm sẽ giúp dịu cảm giác khó chịu của trẻ.

Một số trường hợp có thể cần phải can thiệp y khoa. Khi gặp một trong các vấn đề sau nên đưa trẻ đi khám:

  • Trẻ khóc và kèm theo tình trạng sốt. Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi có các dấu hiệu như đau bụng nhưng lại kèm theo sốt thì cần đưa trẻ tới khám vì có thể trẻ bị nhiễm khuẩn đường tiêu hoá.
  • Nếu trẻ khóc liên tục hơn 2 giờ, không ngừng và áp dụng các biện pháp không cải thiện.
  • Trẻ không thể ăn uống, nôn nhiều, đi ngoài phân lỏng toàn nước hay phân có nhầy máu.
  • Trẻ không tăng cân nặng.
  • Trẻ trên 4 tháng tuổi vẫn còn những dấu hiệu của tình trạng đau bụng.
  • Cha mẹ sợ mình làm tổn thương hoặc quá mất bình tĩnh đối với trẻ khi trẻ khóc.
Đau bụng ở trẻ sơ sinh
Đau bụng ở trẻ sơ sinh cũng là một tình trạng hay gặp

4. Cách phòng ngừa đau bụng ở trẻ sơ sinh

Chúng ta vẫn chưa biết rõ hết những nguyên nhân của tình trạng đau bụng ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp để làm giảm triệu chứng ở những nguyên nhân đã biết như:

  • Cần lưu ý tư thế cho trẻ bú đúng, tránh để tránh lượng hơi trong bụng của trẻ nhiều hơn. Tư thế bú đúng là khi cho em bé bú mẹ hãy giữ đầu trẻ cao hơn dạ dày để sữa dễ dàng chảy xuống dạ dày hơn, giảm việc nuốt khí vào bụng và dễ dàng ợ hơi hơn.
  • Cho trẻ ợ hơi sau khi ăn sữa: Động tác vỗ ợ hơi sẽ giúp trẻ đẩy được hơi trong dạ dày ra bên ngoài. Cách thực hiện khá đơn giản, mẹ nên để bé tựa đầu vào vai mình hay nằm sấp trên đùi hoặc tay rồi dùng tay còn lại khum vỗ nhẹ nhàng vào lưng của trẻ.
  • Bổ sung men vi sinh cho trẻ: Một trong những nguyên nhân gây đau bụng là do rối loạn vi sinh đường ruột. Men vi sinh có thể giảm những rối loạn đường tiêu hoá, giảm chướng bụng.
  • Điều chỉnh lượng sữa phù hợp: Nên tùy thuộc vào tuổi để tính lượng sữa phù hợp, tránh việc cho trẻ uống quá nhiều gây khó chịu cho trẻ.

Như vậy, đau bụng ở trẻ sơ sinh cũng là một tình trạng hay gặp. Để nhận biết tình trạng này, cha mẹ cần chú ý tới cách mà trẻ khóc, các biểu hiện trên cơ thể bé. Nếu như cảm thấy lo lắng và không chắc chắn thì bạn nên cho bé đến cơ sở y tế để các bác sĩ thăm khám và chẩn đoán chính xác.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.

Bài viết này được viết cho người đọc tại Sài Gòn, Hà Nội, Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Nha Trang, Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng.

49K

Dịch vụ từ Vinmec

Bài viết liên quan